Friday, September 23, 2011

23/09 Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?

Nhiều nhận định không mấy lạc quan đã được đưa ra cho tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm và cả năm tiếp theo.


 
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước
được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập 
 
Với mục tiêu phân tích tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng  2012 và đóng góp các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015, Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào sáng nay 23-9 đã nhận được tham luận của nhiều chuyên gia kinh tế với các phân tích đa chiều.

2011: Tiếp nối và tích hợp khó khăn

Tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát, bất ổn chưa giảm và rất khó chống là khái quát của Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên về tình hình kinh tế 2011.

Ông Thiên cho rằng, 2011 là năm tiếp nối và tích hợp khó khăn các năm trước, khi cả lạm phát và ICOR đều "vô địch”. Và từ được Viện trưởng này dành cho tình thế 2011 là "very hot”.

Còn theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thì tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát , bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam... đã khiến niềm tin của người dân và các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đều giảm sút.

"Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông Doanh quả quyết.

Nhìn tổng quan nền kinh tế, nỗi lo của không ít chuyên gia kinh tế thêm một lần nữa lại tập trung vào hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Theo số liệu tại tham luận của ông Trần Đình Thiên thì  năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) 1.200 tỷ đồng;  Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 613 tỷ đồng...

Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng  nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ, vẫn theo số liệu của ông Thiên.

Phân tích các chỉ số vĩ mô, ông  Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng tỷ lệ lạm phát có xu hướng bùng phát, giá vàng tăng mạnh và đồng Việt Nam giảm giá nhanh chóng trong thời gian vừa qua là các tín hiệu cho thấy cho những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế.

Vì thế các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề trong các tháng cuối năm sẽ trở nên rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn so với 9 tháng đầu năm, ông Chung nhận định.

Một lưu ý khác cũng được ông Chung nhấn mạnh là thị trường vàng và thị trường ngoại hối sẽ có những biến động khó lường trong các tháng cuối năm. Do một thời gian bị kìm nén bởi các biện pháp hành chính, giá vàng và giá đồng USD (tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD) sẽ vọt lên cao nếu các giải pháp chính sách không được triển khai kịp thời, đúng liều lượng và đúng đối tượng.

2012: Giảm lạm phát vẫn là ưu tiên số 1

Để giải quyết căn cơ những bất ổn của nền kinh tế, không chỉ có nhận định mà nhiều đề xuất về giải pháp ngay cho năm 2012 cũng đã được đặt ra tại các bản tham luận.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,  trong năm 2012 về cơ bản vẫn phải duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ (không thay đổi quan điểm chính của 2 nhóm chính sách này).

Do đó, năm 2012 cũng như năm 2011 không nên đặt mục tiêu tăng GDP cao (khoảng 6- 6,5%), mà vẫn ưu tiên số một là kéo giảm CPI xuống dưới 1 con số (khoảng 9%) và quan trọng hơn là từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để  giải quyết căn cơ những vấn đề kinh tế đang đặt ra trong bài toán phát triển.

Trong hàng loạt các giải pháp, ông Lịch cho rằng có bốn vấn đề cần được ưu tiên triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khoá 13, bằng hệ thống pháp luật điều chỉnh, chứ không phải trên quan điểm định hướng.

Đó là phải cấu trúc lại đầu tư công, dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ; gắn liền với chính sách phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thứ hai, là tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính- tín dụng phi ngân hàng.

Thứ ba, cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và phải sớm ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Và thứ tư là tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa.

Quan điểm phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tái cấu trúc nền kinh tế cũng được đề cập tại khá nhiều tham luận khác.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường hiện nay cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012.

Theo ông Doanh, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay là có nhiều bệnh mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước như chính sách đầu tư công, hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của nhà nước, các chính sách kinh tế.

Nếu không có những cải cách mạnh mẽ, có hiệu lực thì khả năng nước ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” ngay trong những năm sắp tới, với mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp sau khi vừa vượt qua ngưỡng nước nghèo, ông Doanh lo ngại.

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên viết trong tham luận "không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực".
(vneconomy)

23/09 Gói kích thích của FED tác động tích cực đến VN

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ có bước phát triển ổn định và tăng thêm. Thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng sẽ tích cực hơn.


 
“Việc FED tung ra gói kích thích 400 tỷ USD này, theo tôi, chắc chắn sẽ có những tác động tốt đến nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt tác động đến thị trường châu Á, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam” - TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều đầu tiên phải khẳng định gói kích thích sẽ có ảnh hưởng và có tác động ngay tức thì tới Hoa Kỳ. Kế hoạch này được FED tung ra để giảm lãi suất dài hạn và kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ đang gặp khó khăn.

Mặc dù không bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nhưng kế hoạch này của FED sẽ giúp hạ lãi suất dài hạn và thúc đẩy các khoản cho vay trên thị trường nhà đất.

Bằng cách chuyển hóa các loại trái phiếu chính phủ, FED mong muốn giảm lãi suất mọi khoản vay và góp phần kích thích cho vay và chi tiêu, đặc biệt góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ từ 9,1% hiện nay xuống còn 7%; làm GDP của nước Hoa Kỳ phục hồi ổn định hơn.

Nhiều nhà kinh tế thế giới dự báo, tuy động thái này của FED sẽ không mang đến một tác động lớn ngay cả khi nó góp phần giảm lãi suất dài hạn, nhưng nhờ gói kích thích này, kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng hơn 2,5% vào năm 2012.
Việc FED tung ra gói kích thích 400 tỷ USD này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chắc chắn sẽ có những tác động tốt đến nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt tác động đến thị trường châu Á, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam.
Chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ có bước phát triển ổn định và tăng thêm. Thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng sẽ tích cực hơn.

“Theo tôi được biết, cách đây hơn 1 tuần đã có 31 tập đoàn công nghiệp, 9 tập đoàn tài chính của Hoa Kỳ vào Việt Nam nghiên cứu và tìm hiểu thị trường. Điều này cho thấy đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn là tích cực, đặc biệt là đầu tư vào thị trường BĐS và TTCK của Việt Nam. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để Việt Nam tiếp nhận được những dòng vốn đầu tư mới này” - ông Nghĩa nói.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, muốn vậy, nhiệm vụ chính hiện nay là phải cổ phần hóa mạnh các tập đoàn nhà nước để đưa ra TTCK những cổ phiếu tốt hơn và với khối lượng nhiều hơn, góp phần cải thiện căn bản hệ thống thanh toán của TTCK và góp phần làm tăng thanh khoản của TTCK Việt Nam.

“Để tiếp nhận được tốt dòng vốn đầu tư mới chúng ta cũng cần phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá hối đoái. Tuy vậy, trong ngắn hạn, tôi cho rằng ảnh hưởng từ gói kích thích của FED tới giá vàng của Việt Nam không rõ nét, nhưng chắc chắn sẽ gây những áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái, vì vậy nhiều khả năng thời gian tới giá vàng có thể sẽ giảm” - TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

(LĐ)

23/09 “Đặt vấn đề sai, nên mới lủng củng”



Tại hội thảo về kinh tế vĩ mô sáng nay 23-9 tại TPHCM, câu chuyện thời sự về điều hành giá xăng dầu, với điểm nhấn là cuộc tranh luận căng thẳng của hai vị lãnh đạo Bộ Tài chính và Công Thương cách đây ít ngày, lại được nhắc đến trong một số phát biểu.

Bên lề hội thảo, ông Tuyển cho rằng những lủng củng, rắc rối trong điều hành hiện nay là do đã sai ngay từ xuất phát điểm của vấn đề. Ông Tuyển nói:

- Nhiều người hiểu về giá thị trường không đúng. Nói là đưa giá điện, xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Giá thị trường là hình thành trên cơ sở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và xác lập nên giá, do đó có tác dụng kìm giữ giá. Trong khi ta hiện chỉ có một tập đoàn điện lực và 3 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được?

Chính vì đặt vấn đề không đúng, nên mới dẫn đến lủng củng, ở chỗ doanh nghiệp đòi theo giá thị trường, còn Nhà nước thì can thiệp vào việc đó.

Bài toán đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay, chính là phải xóa bỏ bù lỗ về giá điện và xăng dầu, chứ không phải thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Muốn làm được thế thì phải tạo ra thị trường cạnh tranh. Có nhiều phương án để thực hiện điều này. Một phương án mạnh mẽ nhưng phức tạp về mặt kỹ thuật là chia nhỏ các tổng công ty xăng dầu ra. Song cũng có cái khó là nếu chia ngang thì không tạo ra thị trường cạnh tranh, còn chia dọc thì đường ống vận chuyển chính không thể chia ra được.
Phương án hai có thể chấp nhận được, là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, họ sẽ dần dần tích tụ phát triển lên, còn lại ta nên tiếp cận xóa bỏ bù lỗ về điện và xăng dầu như tôi đã nói. Và đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, hoàn toàn minh bạch công khai, chứ không phải chỉ là nghe doanh nghiệp kêu ca.

- Nhưng mỗi lần dư luận đòi hỏi sự minh bạch công khai đó, thì lại có rất nhiều lý do được đưa ra từ phía doanh nghiệp, thưa ông?
Theo tôi minh bạch chả khó gì cả, nhất là khi giá nhập bao nhiêu, chi phí bao nhiêu, nhà nước cho lợi nhuận bao nhiêu phần trăm trên chi phí hoặc doanh thu hoàn toàn có thể nắm được, làm được, và điều đó phải công bố cho dân biết.

- Như vậy, để tình trạng tù mù thông tin như dư luận vẫn nói hiện nay thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
Tôi đã phát biểu rất nhiều lần về việc phải công khai minh bạch giá xăng dầu, và muốn làm được thế thì Bộ Tài chính phải có trách nhiệm kiểm tra và phải công bố.

- Thế còn trách nhiệm của các doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Qua câu chuyện vừa rồi thì ngay bản thân doanh nghiệp rõ ràng có sự mâu thuẫn, hôm trước thì bảo lỗ, hôm sau lại bảo không lỗ.
Anh bảo lỗ nhưng không biết là từng mặt hàng xăng, dầu lỗ bao nhiêu thì rất vô lý. Anh yêu cầu điều chỉnh giá mà hỏi lỗ bao nhiêu anh không nói được, thì làm sao mà ông Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - PV) có thể đưa ra quyết định được là điều chỉnh bao nhiêu thì hết lỗ.
Vì thế, Bộ Tài chính phải vào kiểm tra và nói cho dân biết sự thực về lỗ, lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đây là thời điểm tốt nhất để tháo gỡ cái “bùng nhùng” này.

- Ông có nói đến phương án cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thị trường xăng dầu, vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp mới?
Như tôi đã nói, phương án tốt nhất là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường. Nếu mở cửa như vậy thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho họ, ví dụ như đất đai làm cây xăng. Nếu không tạo điều kiện thì họ cũng không tham gia được, vì chi phí đầu tư cái này rất lớn.

23/09 Mùa thu trên xứ Phù Tang

Đến đất nước mặt trời mọc vào thời điểm này, bạn có thể ngắm mùa thu từ ngọn núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, thung lũng Owakudani, thăm đền Asakusa Kannon...
Ngoài ra, du khách có thể tới thăm 5 hồ nước ngọt lớn dưới chân núi Phú Sĩ gồm: Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu, Shoji cùng hồ Ashi ở gần đó. Ngang qua Hakone, bạn có dịp chiêm ngưỡng thị trấn miền núi bé nhỏ với suối nước nóng, những khu vườn truyền thống Nhật Bản, hồ trên núi và mùa lá thu vàng rơi…
Hành trình ngắm sắc thu Nhật Bản hấp dẫn hơn khi tới thăm thung lũng Owakudani hình thành từ lần phun trào cuối cùng của núi lửa Hakone cách đây 3.000 năm. Theo người dân địa phương, nếu nếm thử quả trứng luộc màu đen tại đây, bạn sẽ được tăng tuổi thọ thêm 7 năm. Bên cạnh những ngọn núi lửa, bạn còn có thể tắm suối khoáng nóng và dạo một vòng du thuyền quanh hồ Ashi.
Trở lại Tokyo, thăm đền Asakusa Kannon (hay Sensoji) - ngôi đền cổ nhất tại Tokyo là điểm đến văn hóa, lịch sử thú vị. Đền được hoàn thành vào năm 645, là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn của quốc gia. Du khách sẽ có dịp tham quan Hoàng cung - nơi Thiên hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản đang sinh sống.
Khám phá vẻ đẹp của thành phố từ trên cao bạn nên tới tháp Tokyo cao 333 m. Sau đó, du khách có thể đi mua sắm tại Ginza - khu mua sắm lớn nhất ở Tokyo để sắm những hàng hiệu thời thượng. Ngoài ra, khi lên thuyền đi dọc sông hướng về Odaiba, hòn đảo nhân tạo rộng lớn nằm trong vịnh Tokyo, bạn sẽ chứng kiến nhiều công trình kiến trúc hiện đại của Tokyo.
Bên cạnh tour 6 ngày, Vietravel giới thiệu tour đến Nhật Bản 4 ngày theo tuyến mới “Tokyo - núi Phú Sĩ - Nikko”, khởi hành ngày 13 và 27/10 với mức giá trọn gói 38.990.000 đồng một khách. Đây là sản phẩm mới thuộc chùm tour mùa thu giảm giá kích cầu trong chương trình khuyến mãi “Sắc thu vàng 2011” diễn ra tại Vietravel từ ngày 15/9 đến 30/10.
Tour được thiết kế nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho du khách bên cạnh chương trình tour “Nhật Bản - mùa lá đỏ” theo đường tour “Tokyo - Núi Phú Sĩ - Nagoya - Kyoto - Osaka” (6 ngày), giá 44.990.000 đồng một khách.
Đặc biệt, chương trình được kết nối đến Công viên quốc gia Nikko nằm trên đảo chính Honshu để bạn vừa tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản, vừa nghỉ dưỡng. Được tạo nên bởi vô số suối, hồ và núi rừng cùng những công trình kiến trúc, Nikko thu hút nhiều du khách. Đến đây, bạn có thể tới thăm đền Nikko Toshogu, nơi từng là trung tâm Phật giáo và Thần đạo của Nhật Bản trong nhiều thế kỷ, xây dựng vào năm 1617, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới của UNESCO…
Cuối cùng, thác nước Kegon, một trong ba thác nước đẹp nhất Nhật Bản với độ cao 97 m sẽ mang đến cho bạn cảm nhận trọn vẹn thiên nhiên Nhật Bản vào thu.
Tour “Tokyo – Núi Phú Sĩ – Nikko” (4 ngày); giá trọn gói: 38.990.000 đồng một khách, ngày khởi hành ngày 13, 27/10.
Tour “Tokyo – Núi Phú Sĩ – Nagoya – Kyoto – Osaka” (6 ngày) giá trọn gói: 44.990.000 đồng một khách, ngày khởi hành: 15, 22, 29/10; 12, 26/11.
Công ty du lịch Vietravel: 190 Pasteur, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tel:             (08) 38 22 8898       – Ext: 169, 315.
Mạng bán tour trực tuyến: http://www.travel.com.vn
Đặt tour và tìm hiểu thêm thông tin tại hotline: 0166 4199 489 (Ms. Thanh Tâm).
(Nguồn: Vietravel)

23/09 'Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi'

"Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Gần đây nhất, kỷ niệm sự kiện 11/9 ở Mỹ, họ cũng không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ trên nền 2 tòa tháp cũ", ông Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại (Viện Mỹ thuật) trao đổi với VnExpress.

'Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém'Quảng Nam trần tình về 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam

- Vừa có chuyến thăm mô hình tượng đài mẹ VN anh hùng tại Quảng Nam, cảm nhận của ông như thế nào về công trình này?
- Trước thông tin Quảng Nam xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, những người nghiên cứu mỹ thuật đã rất quan tâm bởi lẽ công trình đội giá nhiều lần với số tiền rất lớn, trở thành tượng đài có kinh phí lớn nhất Việt Nam, vượt qua cả tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khi tôi xem mô hình bằng xi măng với tỷ lệ 1/1, ấn tượng đầu tiên là không thỏa mãn, không choáng ngợp về thẩm mỹ, về hiệu quả thị giác mà chỉ thấy đồ sộ. Tôi cũng liên tưởng ngay nếu xây dựng ngoài thực địa, với những công năng lồng ghép (bảo tàng, nơi người dân tới vui chơi, du lịch…), trong không gian nắng và gió khắc nghiệt của miền Trung thì khối tượng này sẽ rất thô và khô.
Tác giả có thể hiện tứ văn học rất hay là tượng sừng sững như núi, có hồ nước phía dưới với ý tưởng "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tuy nhiên, công trình này không thể hiện được điều đó bởi ấn tượng thị giác là khô, nhiều chi tiết vụn, không có sự chắt lọc và không có tính điêu khắc.
Ảnh: Vũ Huy Thông.
Tượng mẹ VN anh hùng đã xong mô hình xi măng tỷ lệ 1/1. Ảnh: Vũ Huy Thông.
Về quy hoạch mặt bằng, cấu trúc tổng thể cũng không thỏa mãn, dàn trải, rời rạc, mặc dù về sau có thêm tiểu cảnh cây xanh trong không gian chung. Có thể lấy một ví dụ bằng hàng trụ biểu bên ngoài. Tác giả cố gắng khai thác những hình tượng nghệ thuật, mô típ chạm khắc dân gian, như hoa sen, mây, đàn nhạc, chân dung phụ nữ... nhưng khi càng lồng ghép thì thấy sự tả kể, vụn vặt càng lộ rõ.
Nói thẳng là những minh họa đó mang tính cải lương, “tân cổ giao duyên” và nó càng làm cho tính chất tưởng niệm và chủ đề về mẹ VN bị dàn trải, sức thuyết phục về mặt nghệ thuật không cao, mang nặng tính dân gian nhiều hơn là tính bác học, chuyên nghiệp.

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, tượng hoành tráng mới thể hiện hết tầm vóc của mẹ VN anh hùng, xứng tầm thế giới, ông nghĩ sao về điều này?
- Tư duy thẩm mỹ của người Việt từ hàng nghìn năm nay đều do điều kiện khí hậu và điều kiện kinh tế quy chiếu. Người Việt không có tư duy phát triển theo chiều cao, không có truyền thống làm tượng đài, tượng ngoài trời. Các công trình kiến trúc thường phát triển theo chiều ngang, tiêu biểu như các cung điện ở Huế và đình chùa khắp cả nước.
Từ năm 2006, Viện Mỹ thuật VN tổ chức hội thảo về điêu khắc ngoài trời VN hiện đại. Rất nhiều ý kiến cảnh báo tượng đài ngoài trời VN ngày càng xấu đi, xa rời thẩm mỹ truyền thống của người Việt. Vậy có nên làm tượng đài nữa không? Thế nhưng, sau hội thảo không thấy tình hình tiến bộ mà càng có nhiều tượng đài to và xấu hơn.
Có thể là do kinh tế phát triển nên nhiều nơi, nhiều người muốn làm to hơn song điều ngược lại là hiệu quả xã hội từ các công trình đem lại rất hạn chế. Càng làm, các công trình tượng đài càng tiêu tốn nhiều và không tạo ra được những điểm nhấn thẩm mỹ thị giác bởi tính công thức và minh họa cổ động rập khuôn, không đạt được thành tựu về giáo dục cộng đồng và giáo dục thẩm mỹ.
Ở VN hiện nay rất ít người có khả năng làm tượng đài mà cả tư duy lẫn tay nghề tốt. Những công trình hoành tráng sử thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ Mẹ Tổ quốc của ông Nguyễn Hải, tượng Nhà tù Lao Bảo của Phạm Văn Hạng, tượng đàiNgã ba đồng Lộc của Lê Đình Quỳ, một số tác phẩm của Phan Gia Hương, Lưu Danh Thanh, Tạ Quang Bạo... Tức là rất ít người làm được những công trình mà có cảm giác có tính hoành tráng, sử thi. Ngay cả các sáng tác của họ, chất lượng nghệ thuật cũng không ổn định.
Các trường đào tạo của chúng ta không có chuyên ngành đào tạo điêu khắc hoành tráng, trừ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Các trường khác chỉ dạy điêu khắc tượng tròn, còn điêu khắc ngoài trời đòi hỏi kinh nghiệm và hình thức đào tạo riêng thì ta không có.
Ảnh: Vũ Huy Thông.
Các trụ biểu với nhiều họa tiết. Ảnh: Vũ Huy Thông.

Là nhà nghiên cứu nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về xu hướng làm tượng đài đồ sộ hiện nay?
- Hiện nay trên thế giới người ta không làm tượng đài như ở ta nữa. Ngay cả Trung Quốc cũng làm rất ít, chuyển sang những hình thức khác. Gần đây nhất, kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 ở Mỹ, tại khuôn viên của tòa tháp đôi bị đánh sập, họ không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ mà tại nền 2 tòa tháp cũ, họ đào hai cái hồ vuông, nước chảy liên tục vào đấy, xung quanh ghi tên những người thiệt mạng. Ngày tưởng niệm họ chiếu 2 cột đèn laser lên trời, kỹ thuật không có gì ghê gớm nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Các nước có nhiều hình thức đáng học hỏi chứ không như của ta, hàng chục năm nay vẫn công - nông - binh giơ tay và tượng đài thành công thức, mang nặng tính cổ động, minh họa.
Tất cả điều đó chứng tỏ sự không tiến bộ về thẩm mỹ đến nỗi có ý kiến tiêu cực rằng nên xếp tượng đài vào lĩnh vực xây dựng, không bàn về thẩm mỹ nữa; hay nên chăng dừng xây tượng đài cho đến sau 2020, để lúc đó kinh tế ổn định, các điều luật rõ ràng hơn thì mới bàn... Trong một cuộc hội thảo do Hội Mỹ thuật VN tổ chức cách đây vài năm, có nhà điêu khắc có thâm niên và uy tín trong việc làm tượng đài ở nước ta từng dũng cảm thừa nhận: “Tượng đài là nơi làm kinh tế của các nhà điêu khắc”.

- Nhân nói về bệnh phì đại, ông đánh giá thế nào về mối liên hệ của phong trào đua nhau làm cái to nhất, lớn nhất, lập kỷ lục ở VN hiện nay?
- Thực ra, bệnh thành tích, bệnh muốn chứng tỏ mình là biểu hiện của sự thụt lùi văn hóa, một biểu hiện của sự thích ồn ào, khoe mẽ của tính thực dụng kiểu “trọc phú” chơi trội. Bởi vì, mình phải biết mình là ai. Dân tộc VN có truyền thống văn hóa lâu dài hàng nghìn năm, truyền thống chống ngoại xâm. Tuy nhiên, kinh tế VN thì chỉ mới thoát nghèo và nước ta về lãnh thổ, dân số là nước trung bình trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào ở những khía cạnh nhất định, thế nhưng khi cả xã hội đua nhau làm mọi thứ mà cái gì cũng muốn ghi vào kỷ lục, nhưng giá trị thực chất thì rất đáng ngờ, thì nó gây nên một cơn sốt mà có nhà văn hóa đã nói là "sự lên đồng tập thể". Ở đây, rõ ràng thể hiện sự trục trặc về văn hóa, một lối sống bề nổi, chụp giật và ngạo mạn.
Tôi có thể khẳng định, với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô, bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại lồng ghép nhiều công năng trái chiều.... thì đó sẽ là một sự thất bại về mặt nghệ thuật của VN. Tượng mẹ VN là ví dụ chung cho sự thất bại này.
Nói cách khác, xây dựng tượng đài được ví như nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi, tốn kém vô cùng, và sự ảnh hưởng về mặt giáo dục tinh thần, xã hội cho cộng đồng ngay tại khu dân cư có công trình xây dựng và cho văn hóa nói chung là không cao, nếu không nói là rất đáng ngại nếu tượng đài đó chất lượng xây dựng, thẩm mỹ xấu.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Phạm Trung: "Nhiều công trình điêu khắc to lớn, kềnh càng, khoa trương khánh thành gần đây đã kéo thụt lùi thẩm mỹ điêu khắc, nghệ thuật tượng đài trở về như những năm 1960-1970, nặng tính chất minh họa, cổ động". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Vậy theo ông công trình này nên làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trong khi đã triển khai dự án được 4 năm?
- Khi làm tượng đài, có nhiều yếu tố chi phối. Hội đồng thẩm định địa phương có nhiều thành viên không có chuyên môn nhưng lại có tiếng nói quyết định và ra những bài toán mà các nghệ sĩ phải làm theo, thành ra đẽo cày giữa đường...
Tôi cho rằng, dư luận có thể cứ phản đối, còn địa phương họ vẫn sẽ cứ làm nếu không có chỉ đạo nào từ cấp cao hơn. Theo nghệ sĩ Đinh Gia Thắng, chi phí phóng tượng chỉ là 1/2 của con số hơn 410 tỷ đồng, còn lại là các hạng mục, sân vườn. Nếu địa phương có thực tâm cầu thị thì họ sẽ cắt bớt các hạng mục khác. Thực ra nếu họ dùng tiền ấy làm nhà tình nghĩa, làm bệnh viện, trường học thì giá trị nhân văn hơn nhiều.

- Cá nhân ông, nếu có thẩm quyền, ông sẽ xử lý như thế nào?
- Nói thẳng, nếu có thẩm quyền tôi sẽ không cho làm ngay từ đầu, mà lựa chọn nhiều phương án khác, thậm chí có thể mở nhiều cuộc thi, tìm kiếm các đồ án, giải pháp trên phạm vi cả nước. Công trình nên chọn phương án xây dựng vừa phải, tinh xảo. Vẫn có thể lấy mẹ Thứ làm mô thức chung, hoặc hình tượng nào đó khái quát được lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng cái chính phải là chọn được người sáng tác có nghề. Bài toán ấy phụ thuộc vào đề bài, công trình được đặt ở đâu, ý nghĩa, yêu cầu cụ thể, vị trí đặt thì sẽ ra hình thức cụ thể. Khi càng cô đọng, xúc tích thì công trình càng có tính biểu tượng, đại diện cho văn hóa dân tộc.
Tôi cũng mong rằng, nhà quản lý nên cầu thị, dừng hãm bớt tốc độ xây tượng đài. Đây không chỉ ý kiến của riêng tôi mà nhiều chuyên gia trong ngành kiến trúc, mỹ thuật từng phát biểu.
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ 20/9 đến chiều 23/9
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ chiều 20/9 đến chiều 23/9.
Nguyễn Hưng thực hiện

23/09 'VN cần công bằng trong hòa giải'

Cập nhật: 12:33 GMT - thứ sáu, 23 tháng 9, 2011
Thượng Nghị sỹ Jim Webb
Ông Webb phản đối việc phân biệt đối xử giữa lính 'Việt Cộng' và Việt Nam Cộng hòa
Thượng Nghị sỹ Jim Webb yêu cầu ngưng chương trình trợ giúp Việt Nam tìm lính mất tích vì Hà Nội không tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng hòa. 
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua ngân sách một triệu đô la để giúp Việt Nam tìm lính mất tích trong Cuộc chiến Việt Nam trong năm tài khóa 2010.
Ông Webb nói Thượng Viện Hoa Kỳ yêu cầu sử dụng ngân quỹ này "cho mục đích tìm kiếm và xác định quân nhân Việt Nam mất tích từ cả hai phía của cuộc xung đột".
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID - hiện đang thực hiện chương trình này.
Trong thông báo ra ngày 22/9, ông Web nói:
"Tôi đã đề nghị USAID ngưng chương trình này cho tới khi họ có thể bảo đảm rằng viện trợ sẽ được dùng để xác định danh tính của những người lính đã nằm xuống của tất cả các bên.
"Điều quan trọng cần thấy là trong Biên bản Ghi nhớ ký với Chính phủ Việt Nam về chương trình đã nhắc tới chuyện này khi nói tới chuyện "tìm kiếm và xác định danh tính những người lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
"Việc thực hiện chương trình phải thể hiện sự tôn trọng như nhau đối với tất cả những người đã phục vụ trong quân ngũ và chết trong chiến tranh cũng như mang lại sự an ủi cho những người đã mất người thân yêu trong cuộc chiến lịch sử và thảm khốc.
"Chương trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm kiếm hài cốt của những người lính Việt Nam có thể là cơ hội quý báu để thúc đẩy mục tiêu hòa giải - nhưng chỉ khi nó được thực hiện với sự tôn trọng đúng mực cho tất cả những người đã chiến đấu chứ không phải chỉ đối với một bên này, hay bên kia."
Tin mới nhất cho hay Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy cũng lên tiếng ủng hộ ông Jim Webb trong nỗ lực nhắc đến các quân nhân Nam Việt Nam.
"Đây là điều quan trọng trong tinh thần hòa giải và đối với quan niệm trung thành và tôn trọng của người Mỹ rằng chúng ta không bao giờ quên những người đã ở bên chúng ta, ngay cả khi chúng ta bước vào tương lai và hợp tác với những người từng chiến đấu chống lại chúng ta."
Thượng Nghị sỹ Jim Webb
'Hoang tàn và đổ nát'
Thượng Nghị sỹ Webb nói ông được biết rằng các thảo luận giữa USAID và Chính phủ Việt Nam cho thấy binh lính của Việt Nam Cộng hòa không nằm trong số quân nhân mà Việt Nam coi là đang bị mất tích và như vậy không thuộc dự án đang được Hoa Kỳ giúp đỡ.
Văn phòng của ông Webb cho biết Chính phủ Việt Nam nói họ muốn xác định danh tính của 350.000 lính Bắc Việt, những người đang được chôn tại những nghĩa trang chính quyền xây lên và con số ước tính 300.000 lính còn chưa tìm thấy xác.
Thông báo của vị Thượng Nghị sỹ cũng nói một con số không xác định các tử sỹ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa được xác định danh tính trong khi Nghĩa trang Bình An (trước đây là Biên Hòa) đang "trong tình trạng cực kỳ bỏ hoang và đổ nát".
Nghĩa trang Biên Hòa
Ông Webb nói Nghĩa trang Biên Hòa, nay là Bình An, đang ở trong tình trạng "cực kỳ hoang tàn và đổ nát"
Ông Webb cũng nhắc lại chuyện ông sẽ cố gắng để "khôi phục khu đất thiêng liêng" của nghĩa trang Biên Hòa "để bày tỏ sự tôn trọng những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh.
Ông Jim Webb, người có vợ là bà Hong Le Webb, người miền Nam Việt Nam, nói: "Đây là điều quan trọng trong tinh thần hòa giải và đối với quan niệm trung thành và tôn trọng của người Mỹ rằng chúng ta không bao giờ quên những người đã ở bên chúng ta, ngay cả khi chúng ta bước vào tương lai và hợp tác với những người từng chiến đấu chống lại chúng ta."
Các chuyên gia nói BấmNghĩa trang Biên Hòa là "sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu" và hoàn thành năm 1966.
Hồi năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Bấmquyết định chuyển 58 ha khu đất nghĩa địa Bình An thuộc tỉnh Bình Dương, khi đó do Bộ Quốc phòng quản lý, sang sử dụng vào mục đích dân sự.
Đông đảo độc giả BBC khi đó đã có Bấmbình luận về quyết định này.
Những người tới thăm nghĩa trang gần đây nói các công trình xây dựng và nhà máy hiện bao quanh khu vực nghĩa trang.

23/09 Xuất khẩu lao động: Tìm giải pháp mới cho chuyện cũ

VŨ QUỲNH
23/09/2011 21:36 (GMT+7)
pictureHàn Quốc không phải là thị trường duy nhất có số lượng lao động Việt bỏ trốn dẫn đầu.
Khi thị trường tiếp nhận lao động tiềm năng Hàn Quốc có nguy cơ đóng cửa đối với lao động Việt Nam thì câu chuyện “lao động bỏ trốn” mới được cơ quan quản lý và các địa phương đưa ra bàn thảo. 

Trong khi đó, thực trạng lao động Việt bỏ trốn, sống bất hợp pháp ở nước ngoài là câu chuyện không mới, không chỉ xảy ra với thị trường Hàn Quốc.

Trốn đã thành lệ?

23/09 Thẩm phán Jacqueline Nguyễn được đề cử vào tòa kháng án liên bang



Friday, September 23, 2011 3:39:35 PM 
Bookmark and Share

WASHINGTON D.C. - 
Thẩm Phán Jacqueline H. Nguyễn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên làm thẩm phán liên bang, được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào tòa kháng án liên bang khu vực 9, hôm Thứ Năm.


Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn trong tấm hình chụp năm 2009. (Hình: L.A. Times)

“Thẩm Phán Nguyễn là một nhà tiên phong, trong suốt sự nghiệp lúc nào bà cũng bày tỏ một sự cống hiến vượt bực phục vụ công chúng,” Tổng Thống Obama nói trong một bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc.

“Tôi rất hân hạnh được đề cử bà vào Tòa Kháng Án Liên Bang và tôi tin bà sẽ phục vụ dân tộc Hoa Kỳ một cách công bằng và chính trực.”

Tòa án mà Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn được đề cử vào là Tòa Kháng Án Liên Bang khu vực 9. Tòa này có thẩm quyền trên mọi vụ kháng án từ các tòa liên bang trong khắp miền Tây nước Mỹ, bao gồm các tiểu bang: California, Arizona, Nevada, Idaho, Montana, Oregon, Washington, Alaska, Hawaii, và vùng quần đảo Northern Mariana Islands.

Sau khi có tin này, Dân Biểu Loretta Sanchez, thành viên Nhóm Dân Biểu Vận Ðộng Quyền Lợi Cho Cộng Ðồng Á Châu Thái Bình Dương (CAPAC), phát biểu:

“Chánh Án Jacqueline Nguyễn là một sự lựa chọn đúng đắn cho Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Hoa Kỳ, khu vực số 9. Tôi vẫn tiếp tục kính phục thành tích của bà trong vai trò là một công tố viên và thẩm phán liên bang.”

“Tôi tin rằng với quá trình phục vụ pháp lý của Thẩm Phán Nguyễn, bà sẽ không ngừng tranh đấu cho sự công bằng và công lý xã hội,” Dân Biểu Sanchez nói tiếp.

Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn bắt đầu làm thẩm phán liên bang từ năm 2009, cũng do Tổng Thống Obama đề cử và được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn với số phiếu tuyệt đối 97-0.

Thượng Nghị Sĩ Diane Feinstein, một thành viên Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, cho biết bà “vui lòng” với quyết định của Tổng Thống Obama.

“Hai năm trước đây tôi đề nghị cho tòa sơ thẩm liên bang khu vực miền Trung California,” TNS Feinstein nói, và cho biết bà rất cảm xúc trước điều Thẩm Phán Nguyễn viết về việc gia đình phải di tản qua Mỹ năm 1975.

TNS Feinstein trích lời bà Jacqueline Nguyễn viết về thời gian đó, “Tuy khó khăn nhưng làm tôi nên người của ngày hôm nay.”

TNS Feinstein cũng cho rằng việc đề cử Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn vào Tòa Kháng Án Liên Bang khu vực 9 “sẽ được phê chuẩn nhanh chóng”.

Trước đây, Tổng Thống Obama đã đề cử một người khác vào ghế này, Giáo Sư Goodwin Liu, đại học Luật UC Berkeley. Tuy nhiên, đảng Cộng Hòa chống lại đề cử này và sau hai lần bỏ phiếu không được, Giáo Sư Liu tự rút lui.

Hồi đầu tháng này, Giáo Sư Liu được Quốc Hội tiểu bang California phê chuẩn vào Tối Cao Pháp Viện tiểu bang.

Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn là con một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1975 lúc 10 tuổi bà cùng gia đình di tản qua Mỹ, sống trong trại tỵ nạn ở Camp Pendleton một thời gian. Bà tốt nghiệp cử nhân đại học Occidental College và luật khoa đại học UCLA.

Hiện nay, còn một luật sư gốc Việt nữa đã được Tổng Thống Obama đề cử vào tòa liên bang là Luật Sư Miranda Du ở Nevada. Thượng Viện vẫn còn đang xét đề cử này.

 (H.N.V.)

23/09 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền


23/09/2011 - 01:09

Đó là ý kiến của các nhà khoa học nêu ra tại hội thảo “Nội dung và cơ chế bảo vệ quyền con người - kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Viện KAS (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức ngày 22-9.


Các nhà khoa học đã cùng trao đổi những nội dung liên quan như tuân thủ và thực thi pháp luật quốc tế, vấn đề quyền con người và đảm bảo quyền con người dưới góc độ tiếp cận đa ngành, liên ngành. Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh hiện nay, việc tiến tới xây dựng cơ quan quốc gia về nhân quyền là rất cần thiết, theo mô hình ủy ban nhân quyền quốc gia với vị thế pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập trên cơ sở Hiến pháp và luật.
HC

23/09 TP.HCM kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến


23/09/2011 - 01:08

(PL)- Sáng 22-9, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 66 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945).


Diễn văn do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Dương Quan Hà đọc tại buổi lễ đã ôn lại truyền thống hào hùng của những ngày Nam Bộ kháng chiến.

Ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ (bìa trái), cùng lãnh đạo TP tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐÌNH VÂN
Diễn văn nhấn mạnh toàn thể Đảng bộ và nhân dân TP phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, xứng danh là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
ĐÌNH VÂN

23/09 GS Hoàng Tụy nhận giải toán học đầu tiên trên thế giới

Thứ sáu 23/09/2011 00:11
ANTĐ - Giải thưởng Constantin Caratheodory được đặt theo tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp (1873-1950) để vinh danh những cống hiến xuất sắc đã được thử thách qua thời gian.
GS Hoàng Tụy, người đã có những công trình căn bản và khai sáng cho lĩnh vực tối ưu toàn cục, vừa được Tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao giải thưởng Constantin Caratheodory cho những cống hiến của ông. GS Hoàng Tụy trở thành người đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng này.

Giáo sư Hoàng Tụy.

Giải thưởng Constantin Caratheodory được đặt theo tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp (1873-1950) để vinh danh những cống hiến xuất sắc đã được thử thách qua thời gian. Các tiêu chí của giải thưởng bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu và ảnh hưởng của cống hiến khoa học.
 
Giải sẽ được trao tặng 2 năm/lần cho những cá nhân hay tập thể xuất sắc có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục, bắt đầu từ năm 2011.

Trao đổi với phóng viên tối 22-9, GS Hoàng Tụy cho biết ông đã nhận được thư mời tham dự Hội nghị Tối ưu Toàn cục tổ chức tại Chania - Hy Lạp để nhận giai thưởng nhưng với lý do sức khỏe, ông đã không tham dự hội nghị này. Tuy nhiên, ông đã nhận được giải thưởng do BTC chuyển về Việt Nam.
 
GS Hoàng Tụy cũng cho biết dù không muốn công bố rộng rãi về giải thưởng nhưng ông rất vui khi nhận giải thưởng này.
Theo NLĐO