Sunday, June 19, 2011

18/06 Sự đồng thuận trong hoạt động của HĐND

07:45 | 18/06/2011
Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương... Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND. Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết. Là cơ quan quyền lực, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng, HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Với nguyên tắc hoạt động như vậy nên kỳ họp là hoạt động trung tâm và sự đồng thuận là yếu tố trọng tâm, quyết định chất lượng hoạt động của HĐND.
Hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số nên mỗi một kỳ họp HĐND là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận; các nghị quyết được thông qua là kết quả thảo luận và là sản phẩm của kỳ họp. Do đó, để sản phẩm có chất lượng đòi hỏi kỳ họp của HĐND phải khai thác, phát huy được trí tuệ tập thể. Đó là sự kết tinh của cả một quá trình thu nhận và xử lý thông tin từ thực tiễn, từ các báo cáo tại kỳ họp, từ việc tham vấn ý kiến của nhân dân trên cơ sở các căn cứ pháp lý và nền tảng lý luận chuyên ngành. Tất cả các yếu tố đó có được từ mỗi cá nhân đại biểu phải được sử dụng để trao đổi, thảo luận, cọ xát và sàng lọc các yếu tố hợp lý để đi đến sự đồng thuận. Sự đồng thuận đưa lại hiệu quả của các quyết sách là sự đồng thuận sau khi đã thảo luận để thông qua các nghị quyết chứ không phải đồng thuận ngay lúc khởi đầu. Nếu quan niệm rằng phải luôn hướng đến sự đồng thuận trong mọi thời điểm có khi sẽ làm triệt tiêu cơ hội thảo luận, do đó khó huy động được trí tuệ tập thể. Sự đồng thuận thể hiện qua sự nhất trí của các đại biểu khi biểu quyết thông qua các quyết sách tại kỳ họp, tuy nhiên tỷ lệ biểu quyết chưa hẳn là thước đo chính xác sự đồng thuận, chưa hẳn đã phản ánh đúng nhận thức và quan điểm của các đại biểu. Thực tế cho thấy, có không ít đại biểu khi thảo luận đã nêu ra được những điểm không hợp lý, những hạn chế của các dự thảo nghị quyết bằng những nhận định có căn cứ khoa học, nhưng sau đó vẫn biểu quyết thông qua cho dù ý kiến nêu ra không được tiếp thu. Vẫn tồn tại một thực tế, nhiều đại biểu thực hiện việc biểu quyết theo số đông, cụ thể là thấy nhiều người giơ tay thì giơ tay theo. Hình thức biểu quyết giơ taytruyền thống của HĐND ảnh hưởng đến tính độc lập của đại biểu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Sự đồng thuận không đúng thực chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các nghị quyết của HĐND. Việc biểu quyết nhất trí thông qua một dự thảo nghị quyết là biểu hiện của sự đồng thuận, tỷ lệ biểu quyết cao thể hiện sự đồng thuận cao và độ tin cậy về tính khả thi của các nghị quyết càng cao. Ngược lại, việc một dự thảo nghị quyết không được thông qua (biểu quyết không quá bán) cũng là một dạng biểu hiện của sự đồng thuận, đó là sự thống nhất nhận thấy việc ban hành nghị quyết không có căn cứ hoặc không cần thiết, hoặc là dự thảo nghị quyết còn nhiều khiếm khuyết mà không thể khắc phục ngay tại kỳ họp.
Điều cần trao đổi nữa là có đặt ra vấn đề về sự đồng thuận giữa HĐND và UBND hay không? Nhiều người cho rằng, trong mối quan hệ giữa HĐND và UBND cũng đòi hỏi cần có sự đồng thuận. Theo tôi quan niệm như vậy là chưa ổn. Sự đồng thuận chỉ đặt ra giữa những người, những cơ quan có thẩm quyền ngang nhau, bình đẳng trong việc quyết định, thực hiện một vấn đề nào đó, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, trong mọi trường hợp UBND phải chấp hành các ý kiến, quyết định của HĐND, vì vậy nếu đặt ra vấn đề về yếu tố đồng thuận giữa HĐND và UBND sẽ dẫn đến sự dễ dãi bỏ qua những điểm hạn chế trong các dự thảo nghị quyết cũng như trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND. Vấn đề quan trọng là ở chỗ các ý kiến của đại biểu HĐND phải có căn cứ, thuyết phục; các nghị quyết của HĐND phải có chất lượng, phù hợp với thực tế và có tính khả thi, tạo thuận lợi cho UBND triển khai thực hiện.
Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm rằng, kỳ họp của HĐND thành công là khi kỳ họp diễn ra suôn sẻ, hoàn thành nội dung, chương trình nghị sự đặt ra. Chính vì quan niệm như vậy nên không ít đại biểu khi phát hiện những hạn chế, khiếm khuyết trong các dự thảo nghị quyết nhưng không mạnh dạn phát biểu, thảo luận vì sợ bị cho là xoi mói đối với UBND, sợ làm kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ của kỳ họp. Nếu xét một cách sâu xa, cặn kẽ thì quan niệm như vậy là chưa ổn. Bởi lẽ, cho dù hoàn thành chương trình kỳ họp nhưng những quyết sách thông qua tại kỳ họp chưa phù hợp, không đi vào cuộc sống thì đó là một sự lãng phí chứ không thể coi là thành công. Sự thành công của mỗi kỳ họp phải được đo bằng hiệu quả mang lại trong đời sống kinh tế - xã hội sau khi triển khai thực hiện các quyết sách đã được thông qua tại kỳ họp. Do đó, không phải cứ bằng mọi giá để cố thông qua bằng được các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp khi mà vấn đề đưa ra quyết định chưa được xem xét, thảo luận ở độ chín muồi, khi mà dự thảo nghị quyết còn chứa đựng những khiếm khuyết chưa được chỉnh sửa.
Gần đây, tại các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu đã cương quyết không thông qua các dự án về phát triển kinh tế - xã hội, các dự thảo luật đang có nhiều ý kiến khác nhau do chuẩn bị chưa chu đáo, chưa phù hợp hoặc chưa cần thiết. Mong rằng, HĐND các cấp học được những kinh nghiệm quý từ các kỳ họp của Quốc hội để mỗi nghị quyết được thông qua là kết tinh của trí tuệ tập thể, là kết quả của sự đồng thuận trên cơ sở quan điểm, lập trường đúng đắn, khoa học.
Để có sự đồng thuận một cách đúng nghĩa góp phần nâng cao chất lượng trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của địa phương đòi hỏi các đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm. Trong đó tinh thần trách nhiệm vừa là đòi hỏi cần thiết vừa là yếu tố tạo nền tảng cho việc tìm hiểu, học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực của mỗi đại biểu dân cử.
Phạm Thái Quý

18/06 Philippines tuyên bố không để Trung Quốc bắt nạt


Thứ bảy, 18/6/2011, 09:08 GMT+7

Tổng thống Philippines Bennigto Aquino III hôm qua nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không để Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt xâm phạm các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền.
Manila đưa Bắc Kinh ra Liên Hợp Quốc

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AP, ông Aquino cho biết thêm, cuộc thăm dò dầu khí do chính phủ hậu thuẫn trên các vùng Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền cho thấy triển vọng rất tốt. Ông không cho biết chi tiết nhưng khẳng định nước này có quyền khai thác tại các vùng biển của mình bất chấp việc Trung Quốc cũng đòi chủ quyền tại đây.
Ảnh: AP.
Tổng thống Philippines Bennigto Aquino III. Ảnh: AP.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đòi thực thi đường lưỡi bò kiểm soát 80% Biển Đông dù không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Thậm chí Bắc Kinh tuần trước còn đòi các nước láng giềng ở phía nam Biển Đông ngừng thăm dò dầu khí tại đây nếu không có sự cho phép của Trung Quốc.
Phản ứng trước các yêu sách của Bắc Kinh, tổng thống Philippines tuyên bố: "Chúng tôi có cơ sở rất vững chắc để nói rằng 'đừng có xâm phạm vào vùng chủ quyền của chúng tôi' và đó không phải là vùng tranh chấp và cũng không nên trở thành nguyên nhân của sự tranh chấp".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng tôi nghĩ đã là vấn đề nội bộ thì chúng tôi không cần phải xin phép bất cứ ai cả. Chiến lược tổng thể là chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình nhưng chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình", tổng thống Philippines nói thêm.
Trong thời gian vài tháng qua, Philippines đã 6 lần lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia Đông Nam Á này theo Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc. Trong đó Manila cáo buộc tàu hải quân Trung Quốc đã quấy rối tàu thăm dò của Philippines tại khu vực chỉ cách đảo lớn Palawan 130 km, hồi tháng 2.
Trong khi đó, sau mỗi lần xâm phạm Bắc Kinh lại lên tiếng tố ngược Philippines xâm phạm chủ quyền của họ và cho rằng các tàu Trung Quốc chỉ đang thực thi quyền chấp pháp bình thường. Giới phân tích cho rằng đây chỉ là cái cớ để Bắc Kinh biến những vùng không có tranh chấp với các láng giềng trên Biển Đông thành có tranh chấp để nhân cơ hội nhảy vào khai thác dầu khi tại khu vực giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm này.
Căng thẳng trên Biển Đông cũng đang có nhân tố mới khi Mỹ ngày càng bộc lộ quan điểm muốn đóng vai trò trong việc giải quyết tranh chấp đa phương tại đây. Washington có hiệp ước về quốc phòng chung với Manila, đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc tấn công Philippines, Mỹ sẽ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Đông Nam Á. Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas tuần trước tuyên bố Washington luôn đứng cạnh Philippines.
Đình Nguyễn
Theo dòng sự kiện:
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông (19/06)
7 nước ASEAN ra lời kêu gọi chung về Biển Đông (19/06)
Trung Quốc diễn tập quân sự ở Biển Đông (17/06)
Philippines sẽ đưa Trung Quốc ra Liên hợp quốc (17/06)
Trung Quốc đưa tàu tuần tra lớn nhất qua Biển Đông (16/06)
Philippines dỡ cột gỗ 'lạ' ở vùng biển tranh chấp (15/06)