Wednesday, May 11, 2011

21/04 Chờ đợi những kiến giải từ chuyên gia và cộng đồng doanh nhân

Trước thềm diễn đàn kinh doanh lần hai (21.4 tại White Palace, TP.HCM):

SGTT.VN - Từ thực tiễn kinh doanh, hàng trăm câu hỏi được các nhà điều hành doanh nghiệp đặt ra cho hai diễn giả, TS Vũ Thành Tự Anh, Trần Sỹ Chương và các đồng sự từ hơn 400 doanh nghiệp đăng ký tham dự diễn đàn kinh doanh lần thứ hai về các giải pháp để biến thách thức trước mắt thành cơ hội tồn tại và phát triển; đặc biệt là các vấn đề về chi phí vốn, nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp để có các lợi thế cạnh tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư – thương mại SMC

Doanh nghiệp nặng gánh

Chúng tôi thấy trong năm này khó khăn đẩy về phía doanh nghiệp rất nhiều, rất nặng cho dù Chính phủ đã có những giải pháp tích cực. Thật ra chi tiêu công nhiều đâu phải do doanh nghiệp gây ra, nhưng hậu quả thì doanh nghiệp phải chịu như thắt chặt tín dụng. Trong ngành thép và ximăng, các dự án bị đình trệ, sức tiêu thụ nhà ở giảm. Tín dụng bị cắt giảm mà đòi hỏi doanh nghiệp giữ vững sản xuất, tăng trưởng, nộp ngân sách nhiều hơn thì thật khó. Để đạt được sản lượng như năm 2010 đã là điều cực kỳ khó, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp ổn định để phát triển như năm trước.

Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc công ty TNHH May túi xách Minh Tiến

Luôn trong tình trạng thiếu vốn

Mở rộng phân phối ra các tỉnh đó là cách tốt nhất để tăng doanh số bán lẻ, nhưng chi phí mặt bằng bán lẻ hiện cũng cao. Hiện nay, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn, tự giải quyết bằng cách xem xét điều tiết dòng tiền, giảm tồn kho vật tư cũng như thành phẩm, đốc thúc thu tiền từ các nhà phân phối. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có giải pháp về vĩ mô như nhanh chóng hạ lãi suất ngân hàng xuống để doanh nghiệp có thể giảm chi phí, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ.

Ông Trần Hữu Chinh, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần FIDECO

Muốn tái cấu trúc, khó nhất là nhân lực

Đứng trước những khó khăn, muốn tái cấu trúc các hoạt động, doanh nghiệp phải xác định mục tiêu: tiếp tục phát triển và bền vững. Trong quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp có hai vấn đề cần quan tâm: một là lực lượng lao động, hai là hệ thống. Lực lượng lao động đang rải ra nằm trong các hoạt động của mình. Khi sắp xếp lại hệ thống là coi lại dòng tiền, coi lại đầu tư hiệu quả để quyết định một cách khoa học. Trong việc tái cấu trúc khó nhất là lực lượng lao động vì đời sống con người không dễ gì giải quyết.

Phía Nhà nước, phải kiên quyết chống lạm phát như một cách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là mới giải quyết phần ngọn, gốc vấn đề là chống lạm phát, thì mọi khó khăn sẽ giải quyết dễ dàng hơn. Đôi khi Nhà nước quyết định những vấn đề tỷ giá, lãi suất nhanh quá ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nếu nhà nước có những quyết định liên quan chính sách tài chính, tiền tệ thì nên thực hiện ở thời gian thuận lợi và có mức độ nào đó để doanh nghiệp không bị đột ngột, không phản ứng kịp tình hình.

CÁC NGỌC (GHI)

17/04 Unilever tài trợ xây sân chơi tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ em

SGTT.VN - Ngày 17.4, Unilever Việt Nam và nhãn hàng Omo trao tài trợ xây dựng một sân chơi đạt tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM cho trẻ em. Sân chơi sẽ đặt tại một công viên thuộc trung tâm thành phố. Đây sẽ là sân chơi công cộng thứ 14 mà Omo đã lắp đặt thông qua nhiều hoạt động khác nhau của mình, và là sân chơi công cộng thứ hai do nhãn hàng Omo xây dựng tại nơi công cộng cho trẻ em TP. HCM.

Dịp này, nhãn hàng Omo đã được bộ Giáo dục và đào tạo trao tặng bằng khen vì sự đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Có mặt tại thị trường Việt Nam đã 15 năm, Omo đã thực hiện các hoạt động cộng đồng sâu rộng trên cả nước, mang lại lợi ích cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.

TRUNG DŨNG

04/05 Giải quyết quyền lợi khách hàng thế nào?

EVNTelecom thu hồi nhiều đầu số

SGTT.VN - EVNTelecom vừa quyết định thu hồi các đầu số 202, 203, 021... đã phân phối cho khách hàng để trả về kho số của bộ Thông tin và truyền thông, do những đầu số trên nằm ngoài dải số doanh nghiệp này được cấp.

EVNTelecom đã cung cấp những số điện thoại nằm trong dải số chưa đăng ký, nay phải thu hồi, gây bức xúc cho khách hàng trước cung cách làm ăn của nhà mạng này. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái

Quyết định này đang gây nhiều tranh cãi, bức xúc, nhất là từ những người phải bỏ ra khá nhiều tiền cho việc có được những số điện thoại đẹp, dễ nhớ (sau đây tạm gọi là số VIP).

Khách hàng có là người “sở hữu” số điện thoại?

Dưới góc độ pháp lý, quan hệ giữa khách hàng và các nhà mạng là một quan hệ cung ứng dịch vụ. Theo đó, khách hàng là người sử dụng dịch vụ viễn thông do các nhà mạng cung cấp. Một nhà mạng tất nhiên sẽ có rất nhiều khách hàng. Để phân biệt các khách hàng với nhau, nhà mạng phải cung cấp cho khách hàng một số điện thoại nhất định. Về bản chất, số điện thoại không thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Khách hàng chỉ là người được sử dụng số điện thoại. Quyền được sử dụng số điện thoại này kéo dài cho đến khi nào khách hàng đó không còn sử dụng dịch vụ viễn thông của nhà mạng đó nữa thì thôi. Bởi vậy trên thực tế, nếu như một số thuê bao mà ngừng liên lạc trong một thời gian nhất định (tuỳ theo quy định của từng mạng viễn thông) thì sẽ bị thu hồi số đã cung cấp.

Đâu là sự khác biệt của số điện thoại VIP?

Nếu xét về mặt kỹ thuật, hầu như không có sự khác biệt nào giữa các số điện thoại với nhau. Suy cho cùng, dù là một số điện thoại bình thường hay một số VIP, đó cũng chỉ là tập hợp của một dãy số. Nhưng với sự sắp xếp dãy số khác nhau thì có thể làm cho việc “nhớ” các số điện thoại cũng sẽ trở nên khác nhau. Vì thế mà người ta thường có khuynh hướng thích và có nhu cầu sử dụng những số VIP hơn là số thông thường (ngoài ra còn có lý do đó là những số phát tài, phát lộc… theo quan niệm của một số người).

Số “VIP” giá bao nhiêu?

Trả lời báo chí về việc khách hàng phải mua số đẹp với khoản tiền lên tới 20 triệu đồng, ông Võ Quang Lâm, phó giám đốc EVNTelecom phủ nhận và cho biết: khi tiến hành thu hút khách hàng, EVNTelecom đã đưa ra quy định: muốn sử dụng số đẹp khách phải ký hợp đồng sử dụng ít nhất một năm, với mức cước từ 200.000 đồng trở lên. Như vậy, chỉ với khoản tiền trên 2 triệu đồng là khách hàng của EVNTelecom đã được sở hữu số đẹp. Vì thế, việc chi tới 20 triệu đồng để mua số chắc chắn đã qua trung gian.

Khi đã mua số điện thoại nào – sử dụng dịch vụ của nhà mạng, khách hàng được độc quyền sử dụng số điện thoại ấy mà không có bất kỳ người khách nào khác có quyền tranh đoạt. Trong thực tế, nhiều người sở hữu số điện thoại VIP đã “bán” quyền sử dụng của mình cho người khác có nhu cầu sử dụng khi thấy “được giá” (theo tinh thần của thông tư 22/2009/TT–BTTTT thì sau khi đăng ký thông tin thuê bao, chủ thuê bao trả trước phải thông báo với đơn vị chức năng khi có thay đổi về chủ thuê bao – BTV). Từ đó tạo cho các số điện thoại những mức giá khác nhau. Có số vài chục ngàn đồng nhưng cũng có số điện thoại vài triệu, vài chục triệu hoặc thậm chí cao hơn.

Nghĩa vụ của EVNTelecom

Muốn kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, ngoài các thủ tục khác, EVNTelecom phải đăng ký một số đầu số nhất định cho việc kinh doanh của mình và phải được sự chấp thuận của bộ Thông tin và truyền thông. Sau đó, EVNTelecom mới có quyền cung cấp những số điện thoại trong dải số mà mình được cấp đó cho khách hàng.

Trong sự việc đang được bình luận ở đây, nếu đúng như những gì mà EVNTelecom công bố trên các phương tiện truyền thông thì EVNTelecom đã làm quy trình ngược lại. Có nghĩa là EVNTelecom đã cung cấp những số điện thoại nằm trong dải số mà mình chưa đăng ký. Cho nên hệ quả là EVNTelecom phải có nghĩa vụ thu hồi lại những số mà mình đã cấp sai cho khách hàng.

Quyền lợi của khách hàng

Cho dù lý do là có người nào đó cố tình làm sai hay là sai sót về mặt phần mềm quản lý thì bản chất vẫn là EVNTelecom đã thực hiện hành vi sai phạm.

Mặt khác, khách hàng không hề có lỗi trong việc lựa chọn một số điện thoại cho nhu cầu sử dụng của mình. Khách hàng không có nghĩa vụ phải biết và cũng không có khả năng để biết được là liệu EVNTelecom có quyền phân phối những số điện thoại đó hay không.

Vì vậy, EVNTelecom có nghĩa vụ phải khắc phục những hệ luỵ của việc thu hồi số. Cần lưu ý là sẽ không có sự phân biệt giữa khách hàng sử dụng số điện thoại thường và số VIP. Dù là khách hàng nào thì về bản chất họ cũng là người sử dụng dịch vụ. Sự khác biệt duy nhất ở chỗ có thể những người sử dụng số VIP đã phải bỏ ra nhiều tiền hơn để được sử dụng nó. Cho nên, EVNTelecom phải tuỳ vào tổn thất (nếu có) của khách hàng trong từng trường hợp mà bù đắp, chứ không thể chỉ bồi thường cho các khách hàng sử dụng số VIP.

Động thái thoả thuận của EVNTelecom với khách hàng về việc đổi sang sử dụng các số điện thoại khác trong dải số mà EVNTelecom có quyền phân phối là một cách khắc phục hợp lý. Tuy vậy, cũng có thể xảy ra tình trạng không thoả thuận được giữa EVNTelecom và khách hàng, đặc biệt là các khách hàng sử dụng số điện thoại VIP. Trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện đối với EVNTelecom. Nhưng sẽ rất khó cho khách hàng trong việc chứng minh mình bị tổn thất như thế nào do việc thu hồi số của EVNTelecom. Chúng ta đành chờ xem việc khắc phục của EVNTelecom trong thời gian tới như thế nào.

PHẠM HOÀI HUẤN

Bình Chánh tổ chức Hội nghị những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

Thực hiện kế hoạch số 25/KH-UBMT ngày 26/4/2011 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh V/v tổ chức Hội nghị những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Từ ngày 05/5-08/5/2011, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh đã tổ chức cho 05 vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại 05 cụm liên xã, thị trấn của huyện Bình Chánh.

Huyện Bình Chánh và Quận 8 thuộc đơn vị bầu cử số 10, số đại biểu ứng cử là 05, số đại biểu được bầu là 03, gồm các ứng cử viên:

1/ Bà Nguyễn Minh Hương - Trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa, Giám đốc Kinh doanh.

2/ Ông Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

3/ Ông Lê Trọng Sang - Phó Giám đốc thường trực Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

4/ Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

5/ Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan trung ương, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí y học thực hành Bộ Y tế.

Tại các buổi tiếp xúc, có sự tham dự của 05 vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII, lãnh đạo Huyện ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân Huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đông đảo các cô bác cử tri trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Đa số các cử tri đều bày tỏ sự tâm đắc các chương trình hành động và tin tưởng vào tài đức các vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đồng thời kỳ vọng vào Quốc hội khóa XIII sẽ quyết những vấn đề đột phá tạo đà phát triển cho đất nước trong thời kỳ hội nhập. Ngoài ra, các cử tri còn mong mỏi các vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu đắc cử sẽ quan tâm hơn những vấn đề như: chống tham nhũng, chống lạm phát, chế độ chính sách cho người có công, người nghèo, các vấn đề về y tế, giáo dục, thực thi pháp luật, bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, có tài, có đức, bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của cử tri.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII trình bày

chương trình hành động nếu được đặc cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

Cử tri phát biểu trong Hội nghị tiếp xúc với các ứng cử viên

đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị bầu cử số 10, huyện Bình Chánh

(Mỹ Hương – Bình Chánh)


Cập nhật ngày 10-05-2011

11/05 Cử tri và cấu trúc lợi ích xã hội

Ngày 11.05.2011, 09:26 (GMT+7)

SGTT.VN - Cử tri, trong trường hợp điển hình, được hình dung là người đang sống trong không gian xã hội, với những lo toan, trăn trở, bức xúc đời thường, tương ứng với vị trí xã hội của mình. Như nhà nông mong muốn luôn trúng mùa được giá, người công nhân trong khu công nghiệp mơ ước về một chế độ lương bổng và phúc lợi xã hội khả quan; nhà đầu tư, về phần mình, trông đợi một môi trường đầu tư minh bạch và có những bảo đảm chắc chắn về quyền sở hữu, về sử dụng lợi tức; trong khi đó, người dân vùng giải toả đòi hỏi một chính sách đền bù và tái định cư thoả đáng…

Tuỳ theo tính hiệu quả của hoạt động đại diện, thể hiện qua kết quả thực thi cam kết của người đại biểu, cử tri quyết định liệu có tiếp tục dành cho người này sự tín nhiệm trong các nhiệm kỳ sau. Ảnh: Đoàn Quý

Chạy đua giành lá phiếu tín nhiệm của cử tri để bước vào cơ quan đại diện dân cử, ứng cử viên tự nhiên được thôi thúc để tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đặc thù của những người đi bỏ phiếu tại khu vực bầu cử của mình. Chương trình tranh cử gọi là thiết thực phải chứa đựng các cam kết cụ thể và có tính thuyết phục, nhằm thúc đẩy sự hoàn thiện luật pháp và thể chế, để có tác dụng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tất cả hoặc ít nhất là của đại đa số cử tri thuộc khu vực bầu cử.

Các lợi ích của những nhóm cử tri có thể rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Được các đại biểu đưa ra và bảo vệ tại diễn đàn cơ quan đại diện dân cử, các lợi ích ấy có điều kiện tương tác, tự điều chỉnh và dung hoà với nhau trong quá trình thảo luận, tranh luận công khai giữa các đại biểu. Sự dung hoà đó có tác dụng tạo ra quan niệm về lợi ích chung, được chính thức thừa nhận thông qua biểu quyết dân chủ theo đa số, trở thành chuẩn mực chi phối đời sống xã hội dưới tên gọi là luật pháp.

Trong chừng mực đó, quan hệ giữa ứng viên và cử tri thực sự là quan hệ uỷ quyền: bằng lá phiếu, cử tri xác nhận việc giao cho ứng viên quyền thay mặt mình để bảo vệ các lợi ích thiết thân của chính mình tại thiết chế quyền lực. Cử tri theo dõi, giám sát, đánh giá hành vi và sự mẫn cán của người được mình bầu ra. Tuỳ theo tính hiệu quả của hoạt động đại diện, thể hiện qua kết quả thực thi cam kết của người đại biểu, cử tri quyết định liệu có tiếp tục dành cho người này sự tín nhiệm trong các nhiệm kỳ sau.

Các lợi ích của những nhóm cử tri được các đại biểu đưa ra và bảo vệ tại diễn đàn cơ quan đại diện dân cử. Các lợi ích ấy có điều kiện tương tác, tự điều chỉnh và dung hoà với nhau trong quá trình tranh luận. Sự dung hoà đó có tác dụng tạo ra quan niệm về lợi ích chung, được chính thức thừa nhận thông qua biểu quyết dân chủ theo đa số, trở thành chuẩn mực chi phối đời sống xã hội dưới tên gọi là luật pháp.

Thái độ tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu được tưởng thưởng bằng sự trung thành của cử tri. Trong chừng mực nào đó, có thể nói giống như khách hàng trung thành của thương nhân góp phần tạo nên giá trị của thương hiệu trong đời sống kinh tế, cử tri trung thành của đại diện dân cử góp phần tạo ra tên tuổi, uy tín, niềm tự hào của người đại biểu trong sinh hoạt nghị trường.

Nếu không xác định được lợi ích cụ thể cần bảo vệ, ứng viên dễ sa vào chỗ chỉ tâm huyết với những giá trị chung chung, chẳng hạn nhà nước pháp quyền, trật tự xã hội, phát triển kinh tế... Giả sử tất cả các ứng viên đều như thế, thì người bỏ phiếu, không có sự lựa chọn, chỉ có thể gửi gắm những lợi ích chung chung trong lá phiếu của mình. Khi đó, cơ quan đại diện dân cử được hình thành có thể phản ánh được cấu trúc vùng, miền và cấu trúc thành phần xã hội, nhưng không phản ánh được cấu trúc lợi ích xã hội.

Hệ quả tất nhiên là nghị trường có xu hướng chỉ được sử dụng, hoặc như là nơi vận động cho các lợi ích cục bộ của các địa phương, hoặc như là nơi chuyên giải quyết những vấn đề bật ra từ quá trình hoạch định chính sách vĩ mô do các cơ quan nhà nước chủ trì. Đáng lý ra, đó phải là nơi mà hiện thực cuộc sống được phản ánh qua các thông điệp của người đại biểu dân cử xây dựng trên cơ sở chắt lọc ý kiến cử tri; kèm theo đó là những vấn đề nóng hổi về xung đột lợi ích mà kết quả giải quyết được ghi nhận thành các điều khoản cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông bế tắc và thúc đẩy xã hội phát triển.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

11/05 Chưa có tương thích giữa đổi mới kinh tế và chính trị

Ngày 11.05.2011, 07:33 (GMT+7)

SGTT.VN - Tại cuộc toạ đàm “Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” do tạp chí Cộng Sản tổ chức diễn ra tại Hà Nội hôm qua (10.5), nguyên phó giám đốc học viện Báo chí và tuyên truyền Dương Xuân Ngọc chia sẻ, trong khi đổi mới kinh tế được nghiên cứu kỹ thì các vấn đề về đổi mới chính trị lại chưa được nói đến nhiều.

Đổi mới chưa đồng bộ

Dư luận cho rằng đổi mới chính trị ở nước ta còn tụt hậu so với đổi mới kinh tế. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái

Chuyện làm ăn của các “ông lớn” kinh tế được nhiều diễn giả đưa ra làm ví dụ như điển hình của việc đổi mới chính trị chưa song hành với đổi mới kinh tế.

Sau 20 năm, tốc độ phát triển kinh tế đã đi khá xa, nhưng nền tảng kinh tế đang lộ rõ nhiều bất cập và dấu hiệu thiếu bền vững. Vòng xoáy lạm phát và tình trạng khó khăn hiện nay là minh chứng rõ nét.

“Chỉ sau năm – bảy năm nữa hoặc chậm lắm mười năm là mọi thành tựu, hậu quả, đúng, sai sẽ bộc lộ rõ hết”, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng viện Chiến lược và khoa học, bộ Công an) nói. Ông Cương dẫn lại bài học từ vụ PMU 18 và Vinashin như những ví dụ điển hình cho những sai sót về mối quan hệ chưa rõ ràng minh bạch giữa kinh tế với chính trị.

Theo ông Cương, đổi mới chính trị mạnh mẽ là để góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng và lòng tin của nhân dân.

Phó viện trưởng viện Chính trị học (học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) Phạm Xuân Sơn phân tích, dư luận cho rằng đổi mới chính trị ở nước ta còn tụt hậu so với đổi mới kinh tế. Chừng nào chưa có sự tương thích giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị thì mọi vướng mắc và mâu thuẫn còn chưa được giải quyết rốt ráo.

“Quyền lực không được giám sát là quyền lực
sẽ bị tha hoá. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ”. Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thực tế, ngay cương lĩnh bổ sung xây dựng đất nước vừa được thông qua tại Đại hội XI cũng đã xác định, “phải đặc biệt giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”...

Giám sát quyền lực

Thiếu tướng Lê Văn Cương đưa ra rất nhiều phân tích chỉ rõ những điểm nghẽn cần đột phá nếu muốn đổi mới chính trị. Đầu tiên theo ông Cương là phải khắc phục tình trạng tha hoá, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có trọng trách. Và quan trọng hơn là đảm bảo thực hiện cơ chế giám sát trong Đảng và giám sát của nhân dân với hoạt động của Đảng.

“Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hoá. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ”, thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định. Ngoài ra, theo ông Cương, phải thực hiện giám sát và phản biện xã hội với tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch và đề án phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước.

Ông Cương cho rằng, nhiều năm qua, đổi mới chính trị đã có những bước tiến tích cực, như không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn trong đời sống xã hội và trong các hoạt động của các cơ quan Đảng, Quốc hội. Nhưng, sự xa rời của một bộ phận cán bộ trong cơ quan Đảng, Nhà nước đã làm cho Đảng và cơ quan công quyền ngày càng xa dân, thoát ly sự kiểm soát của nhân dân. Đây là một nguy cơ lớn cần được nhận diện và thay đổi, nếu muốn đổi mới chính trị thực chất và căn bản. Chỉ có như vậy, thành tựu đổi mới kinh tế mới thực sự phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Đức, viện trưởng viện Văn hoá phát triển lại nêu vấn đề, phải chăng thuốc để chống tham nhũng đã bị vô hiệu hoá? “Vì vậy khi bàn đến đổi mới kinh tế trong quan hệ với đổi mới chính trị trước hết phải từ những việc làm thiết thực để củng cố niềm tin trong nhân dân”, ông Đức nói. Việc trì hoãn cải cách và đổi mới cũng được các nhà khoa học chỉ ra, đó là căn bệnh tham nhũng và tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ.

NGỌC TRANG

10/05 Tuần lễ Biển và hải đảo 2011 được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa

Thứ Ba, 10/05/2011 - 16:55

Sáng nay (10/5), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo công bố về việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Năm quốc tế về rừng (2011); Tuần lễ Biển và hải đảo; và Thông báo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh họp báo
Hưởng ứng Năm quốc tế về Rừng, Liên hợp quốc lấy chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2011 là “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” và Ấn Độ là quốc gia đăng cai tổ chức.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức các hoạt động quốc gia Ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về rừng tại tỉnh Bắc Kạn với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo đó, ngày 4/6 tại Nhà văn hóa Bắc Kạn sẽ khai mạc triển lãm rừng Việt Nam; Hội thảo bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học; trao Giải thưởng môi trường Việt Nam và phát động Cuộc thi quốc gia sáng tác ca khúc về môi trường lần 2. Ngày 5/6 là ngày diễn ra Lễ mít tinh quốc gia Ngày Môi trường thế giới và Năm Quốc tế về rừng 2011 và trao quyết định công nhận Ba Bể là khu Ramsar (khu bảo tồn đất ngập nước) thứ 3 của Việt Nam.

Hoạt động thứ hai trong tháng 6 là sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Trí tuệ xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam”. Theo kế hoạch, tuần lễ sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 8/6 tại các địa phương trong cả nước với nhiều hoạt động phong phú. Năm nay, tỉnh Khánh Hòa được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức một số hoạt động chính. Theo đó, ngày 5/6, tại tỉnh này sẽ diễn ra Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam; chương trình xác lập kỷ lục “Nối vòng tay lớn” do hơn 3.000 thanh niên nắm tay nhau xếp hình bản đồ Việt Nam, đồng thanh hát Quốc ca và đón mặt trời mọc trên bãi biển Nha Trang... Từ ngày 6 – 8/6 sẽ diễn ra Diễn đàn thương hiệu quốc gia Biển Việt Nam lần thứ III, hội nghị lãnh đạo các nhà quản lý tổng hợp vùng bờ, triển lãm ảnh đẹp về biển đảo, chương trình nghệ thuật Biển xanh quê hương...

Cũng trong sáng nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã thông báo về việc xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, nội dung chính của Thông báo gồm: Kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm cơ sở 2000 cho các lĩnh vực năng lượng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu.. Ngoài ra, Thông báo quốc gia lần hai của Việt Nam còn đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tăng cường hệ thống quan trắc, dự báo biến đổi khí hậu và nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng khẳng định, việc hoàn thành Thông báo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước khí hậu được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2010. Các thông tin nêu trong Thông báo sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Linh Vân

09/05 Bí quyết để Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”

Thứ Hai, 09/05/2011 - 16:05

Mặc dù chưa có bất cứ tổ chức nào công bố, nhưng theo nhiều chuyên gia và người dân trên cả nước nhận xét, Đà Nẵng hiện được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. Trong Hội nghị tổng kết năm 2010 của Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng đã “bật mí” những bí quyết giúp Đà Nẵng đạt được danh hiệu đáng tự hào này.
Một góc Đà Nẵng lộng lẫy và quyến rũ

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, ngoài những giải pháp chung đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng, Đà Nẵng còn có những “chiêu” chưa hề có tiền lệ, góp phần phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ và tạo ra sự ổn định trong đời sống xã hội.

Những chuyện “hổng” giống ai

Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. 5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được thật là mỹ mãn.
Rất nhiều cây cầu ở Đà Nẵng không chỉ là nơi đi lại mà còn là một công trình nghệ thuật, nơi tham quan du lịch
Từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không có hộ đói; cuối năm 2004, cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, trong 2 năm 2001 và 2002 hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6-35, tập trung 1.537 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải quyết cho 14.570 lượt đối tượng xã hội được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ thường xuyên, giải quyết cứu trợ đột xuất cho 101.964 lượt người gặp khó khăn, hoạn nạn. Về tội phạm ma túy, từ năm 2001 đến 2005, Công an thành phố đã bắt và xử lý 245 vụ, gồm 705 đối tượng, kiềm chế được sự gia tăng tội phạm về ma túy.
Sau "5 không", Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình "3 có" - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, "Thành phố môi trường", một đề án mới đang được triển khai cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Đà Nẵng luôn cầu thị và tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại
Tuy nhiên, một việc khá nổi tiếng, đã đem lại bộ mặt khang trang và hiện đại cho Đà Nẵng mà ai cũng biết, nhưng lại chưa địa phương nào làm được đó là vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường. Không như các thành phố khác, khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không từ 30 đến 50 mét và sau đó quy hoạch bán đấu giá. Việc này theo ông Thanh không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, tránh được nhà siêu mỏng, siêu méo, mà nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường sá khang trang, rộng rãi nên giá đất tại những khu vực này cũng đã tăng lên rất nhanh. Không chỉ dừng lại tại đó mà việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường.
Đường phố Đà Nẵng hấp dẫn về đêm
Một việc khác cũng chưa từng có tiền lệ đó là xây dựng bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ. Đối với bệnh viện ung thư thì ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã có nhưng đó là tiền do ngân sách nhà nước xấy dựng, còn ở Đà Nẵng là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp. “Tôi chính là trưởng ban vận động quyên góp xây dựng nên bệnh viện này. Do thấy chúng tôi làm việc này là vì cái tâm nên đã có không ít cá nhân trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ. Chúng tôi cũng đã quyên góp được hàng trăm tỷ đồng xây dựng nên một bệnh viện cho những người ung thư với hơn 500 giường bệnh và sắp tới sẽ đưa vào khánh thành. Đối với bệnh viện phụ nữ thì đây có lẽ là nơi khám chữa bệnh đầu tiên trên cả nước duy nhất chỉ dành cho phụ nữ. Tất cả chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí”, ông Thanh cho biết.
Đối với vấn đề thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám, Đà Nẵng cũng có những “chiêu” tỏ ra rất cao tay đó là thành lập ra một trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Tất cả những em theo học ở đây đếu phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, không có chuyện nhờ vả, chạy vạy hay xin xỏ. Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi học tiếp ở nước ngoài, em nào giỏi học đại học trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học sau đó quay về được bố trí công việc phù hợp và đặc biệt phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm. Theo ông Thanh giải thích là trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng thì họ đã gắn bó với Đà Nẵng, gắn bó với công việc và đặc biệt là họ sẽ xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Đó chính là nguyên nhân giữ người tài ở lại với Đà Nẵng và tại sao Đà Nẵng không bị chảy máu chất xám trong thời gian qua.
Ngày càng có nhiều du khách muốn đến với Đà Nẵng

Không chỉ tự ý làm mà chính quyền Đà Nẵng còn rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong việc định hướng quy hoạch và phát triển Đà Nẵng trong những năm tiếp theo. Điển hình của việc cầu thị này là mới đây thôi thành phố đã mời các chuyên gia đầu ngành của mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, quy hoạch… đến dự hội thảo bàn về “Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố hiện đại Châu Á và thế giới”. Tại cuộc hội thảo Đà Nẵng đã nhận được những góp ý rất chân tình, thiết thực và quý báu từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia để biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh và hiện đại trong khu vực.

Hay như một việc mà không phải địa phương nào cũng làm được đó là tổ chức cuộc thi pháo hoa Quốc tế. Đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần và đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa giải trí gắn liền với thương hiệu của Đà Nẵng và đã thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Đây cũng là dịp để Đà Nẵng thúc đẩy việc quảng bá phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch.

“Nói không” với tệ nạn

Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn trên toàn quốc đang phải “vật vã” với tệ nạn đua xe trái phép và coi đó là vấn đề nan giải và chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, thì đối với Đà Nẵng chuyện này lại trở thành chuyện nhỏ. Ông Thanh tâm sự “Chúng tôi không phải thức khuya, thức đêm để ngăn chặn nạn đua xe. Với Đà Nẵng, nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ. Đã nhiều lần Quốc hội chất vấn tôi và cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, nhưng tôi đặt câu hỏi lại các đại biểu là đã có luật nào cho phép đua xe?. Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng. Và thế là Đà Nẵng đã từ lâu không bao giờ có tệ nạn đua xe”.

Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người. Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền. Nhưng hình như kể từ khi đề ra quy định này vẫn chưa có ai được thưởng bởi dù người dân “lọ mọ” đến mấy thì cũng khó có ai phát hiện ra người nghiện ngoài đường.

Với vấn đề bạo hành trong gia đình, Đà Nẵng đã có sáng kiến có một không hai đó là đích thân Bí thư thành ủy ký giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ đến để khuyên nhủ. Sau khi được đích thân Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh ân cần tâm sự và khuyên nhủ thì tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Bên cạnh đó các bà vợ hay bị chồng ngược đãi cũng được các cấp hội phụ nữ thành phố tư vấn cách ứng xử làm thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ có những chính sách đặc biệt đó mà việc bạo hành trong gia đình tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt, dịp Tết vừa qua đã có gần 100 ông chồng được thành phố mời đến tặng bằng khen và thưởng tiền với mức 500 ngàn đồng/người.

Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà. Theo ông Thanh giải thích đó là thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay mà ông Thanh cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”. Nhưng với những việc làm đặc biệt kể trên cùng với những chính sách “hổng giống ai” như: không tuyển công chức học tại chức, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không cho bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo, đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm trờ thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường... cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập để sao cho mỗi người dân khi nói về quê hương của mình đều ánh lên vẻ tự hào như Đà Nẵng đã làm được ngày hôm nay.

Tiến Dũng



Ý kiến bạn đọc

  • Bùi Thu Hiền 5/9/2011 9:50:54 PM

    buithuhien0909@yahoo.com

    Giá mà lãnh đạo trên khắp các tỉnh thành trong cả nước có suy nghĩ sống vì thành phố thân yêu của mình như ông Nguyễn Bá Thanh thì nước Việt Nam chả mấy mà bằng bạn bằng bè. Ước gì !