EVNTelecom thu hồi nhiều đầu số
SGTT.VN - EVNTelecom vừa quyết định thu hồi các đầu số 202, 203, 021... đã phân phối cho khách hàng để trả về kho số của bộ Thông tin và truyền thông, do những đầu số trên nằm ngoài dải số doanh nghiệp này được cấp.
EVNTelecom đã cung cấp những số điện thoại nằm trong dải số chưa đăng ký, nay phải thu hồi, gây bức xúc cho khách hàng trước cung cách làm ăn của nhà mạng này. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái |
Quyết định này đang gây nhiều tranh cãi, bức xúc, nhất là từ những người phải bỏ ra khá nhiều tiền cho việc có được những số điện thoại đẹp, dễ nhớ (sau đây tạm gọi là số VIP).
Khách hàng có là người “sở hữu” số điện thoại?
Dưới góc độ pháp lý, quan hệ giữa khách hàng và các nhà mạng là một quan hệ cung ứng dịch vụ. Theo đó, khách hàng là người sử dụng dịch vụ viễn thông do các nhà mạng cung cấp. Một nhà mạng tất nhiên sẽ có rất nhiều khách hàng. Để phân biệt các khách hàng với nhau, nhà mạng phải cung cấp cho khách hàng một số điện thoại nhất định. Về bản chất, số điện thoại không thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Khách hàng chỉ là người được sử dụng số điện thoại. Quyền được sử dụng số điện thoại này kéo dài cho đến khi nào khách hàng đó không còn sử dụng dịch vụ viễn thông của nhà mạng đó nữa thì thôi. Bởi vậy trên thực tế, nếu như một số thuê bao mà ngừng liên lạc trong một thời gian nhất định (tuỳ theo quy định của từng mạng viễn thông) thì sẽ bị thu hồi số đã cung cấp.
Đâu là sự khác biệt của số điện thoại VIP?
Nếu xét về mặt kỹ thuật, hầu như không có sự khác biệt nào giữa các số điện thoại với nhau. Suy cho cùng, dù là một số điện thoại bình thường hay một số VIP, đó cũng chỉ là tập hợp của một dãy số. Nhưng với sự sắp xếp dãy số khác nhau thì có thể làm cho việc “nhớ” các số điện thoại cũng sẽ trở nên khác nhau. Vì thế mà người ta thường có khuynh hướng thích và có nhu cầu sử dụng những số VIP hơn là số thông thường (ngoài ra còn có lý do đó là những số phát tài, phát lộc… theo quan niệm của một số người).
Số “VIP” giá bao nhiêu? Trả lời báo chí về việc khách hàng phải mua số đẹp với khoản tiền lên tới 20 triệu đồng, ông Võ Quang Lâm, phó giám đốc EVNTelecom phủ nhận và cho biết: khi tiến hành thu hút khách hàng, EVNTelecom đã đưa ra quy định: muốn sử dụng số đẹp khách phải ký hợp đồng sử dụng ít nhất một năm, với mức cước từ 200.000 đồng trở lên. Như vậy, chỉ với khoản tiền trên 2 triệu đồng là khách hàng của EVNTelecom đã được sở hữu số đẹp. Vì thế, việc chi tới 20 triệu đồng để mua số chắc chắn đã qua trung gian. |
Khi đã mua số điện thoại nào – sử dụng dịch vụ của nhà mạng, khách hàng được độc quyền sử dụng số điện thoại ấy mà không có bất kỳ người khách nào khác có quyền tranh đoạt. Trong thực tế, nhiều người sở hữu số điện thoại VIP đã “bán” quyền sử dụng của mình cho người khác có nhu cầu sử dụng khi thấy “được giá” (theo tinh thần của thông tư 22/2009/TT–BTTTT thì sau khi đăng ký thông tin thuê bao, chủ thuê bao trả trước phải thông báo với đơn vị chức năng khi có thay đổi về chủ thuê bao – BTV). Từ đó tạo cho các số điện thoại những mức giá khác nhau. Có số vài chục ngàn đồng nhưng cũng có số điện thoại vài triệu, vài chục triệu hoặc thậm chí cao hơn.
Nghĩa vụ của EVNTelecom
Muốn kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, ngoài các thủ tục khác, EVNTelecom phải đăng ký một số đầu số nhất định cho việc kinh doanh của mình và phải được sự chấp thuận của bộ Thông tin và truyền thông. Sau đó, EVNTelecom mới có quyền cung cấp những số điện thoại trong dải số mà mình được cấp đó cho khách hàng.
Trong sự việc đang được bình luận ở đây, nếu đúng như những gì mà EVNTelecom công bố trên các phương tiện truyền thông thì EVNTelecom đã làm quy trình ngược lại. Có nghĩa là EVNTelecom đã cung cấp những số điện thoại nằm trong dải số mà mình chưa đăng ký. Cho nên hệ quả là EVNTelecom phải có nghĩa vụ thu hồi lại những số mà mình đã cấp sai cho khách hàng.
Quyền lợi của khách hàng
Cho dù lý do là có người nào đó cố tình làm sai hay là sai sót về mặt phần mềm quản lý thì bản chất vẫn là EVNTelecom đã thực hiện hành vi sai phạm.
Mặt khác, khách hàng không hề có lỗi trong việc lựa chọn một số điện thoại cho nhu cầu sử dụng của mình. Khách hàng không có nghĩa vụ phải biết và cũng không có khả năng để biết được là liệu EVNTelecom có quyền phân phối những số điện thoại đó hay không.
Vì vậy, EVNTelecom có nghĩa vụ phải khắc phục những hệ luỵ của việc thu hồi số. Cần lưu ý là sẽ không có sự phân biệt giữa khách hàng sử dụng số điện thoại thường và số VIP. Dù là khách hàng nào thì về bản chất họ cũng là người sử dụng dịch vụ. Sự khác biệt duy nhất ở chỗ có thể những người sử dụng số VIP đã phải bỏ ra nhiều tiền hơn để được sử dụng nó. Cho nên, EVNTelecom phải tuỳ vào tổn thất (nếu có) của khách hàng trong từng trường hợp mà bù đắp, chứ không thể chỉ bồi thường cho các khách hàng sử dụng số VIP.
Động thái thoả thuận của EVNTelecom với khách hàng về việc đổi sang sử dụng các số điện thoại khác trong dải số mà EVNTelecom có quyền phân phối là một cách khắc phục hợp lý. Tuy vậy, cũng có thể xảy ra tình trạng không thoả thuận được giữa EVNTelecom và khách hàng, đặc biệt là các khách hàng sử dụng số điện thoại VIP. Trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện đối với EVNTelecom. Nhưng sẽ rất khó cho khách hàng trong việc chứng minh mình bị tổn thất như thế nào do việc thu hồi số của EVNTelecom. Chúng ta đành chờ xem việc khắc phục của EVNTelecom trong thời gian tới như thế nào.
PHẠM HOÀI HUẤN
No comments:
Post a Comment