Wednesday, May 11, 2011

11/05 Quan điểm chống lạm phát của lãi suất ở đâu?

Thứ Tư, 11/05/2011 | 08:57

Phản hồi: 0

Nhiều người dân đang chọn tiền đồng làm phương tiện cất giữ tài sản vì so sánh giữa các kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, tiền đồng đang có giá nhờ lãi suất cao. Ưu thế lãi suất của tiền đồng liệu có kéo dài?

4 tháng: Lãi suất thực chưa bằng một nửa lạm phát

Kỳ hạn tiết kiệm phổ biến được khách hàng lựa chọn ở các ngân hàng hiện nay là một tháng. Chỉ khoảng 30% số khách hàng gửi tiền chọn kỳ hạn ba tháng. Hiếm người gửi tiết kiệm sáu tháng trở lên.

Người gửi không muốn gửi dài vì có tâm lý ngóng chờ: Lãi suất có còn tăng? Giá vàng, USD có biến động? Gửi kỳ hạn ngắn khi cần có thể rút ra ứng phó linh hoạt. Ngân hàng không muốn áp dụng lãi suất cao kỳ hạn dài vì khả năng lãi suất có thể giảm cuối năm. Cả hai đều lo lợi ích trước mắt, ăn xổi ở thì.

Không thể trách người dân khi họ phải toan tính cho đồng tiền của mình như thế. Lạm phát bốn tháng đầu năm trung bình 2,4%/tháng, nhưng với trần lãi suất tiền đồng 14%/năm, tức 1,17%/tháng, lãi suất thực mà người gửi tiền có được đang âm. Không những âm mà còn âm trầm trọng. Lãi suất tiền gửi không bù được một nửa mức lạm phát bình quân mỗi tháng.

Cứ cho lạm phát cả năm là 15%, khoảng 0,675%/ tháng cho tám tháng còn lại, thì lãi suất thực cũng không thể dương. Do đó một kênh đầu tư nào đó có thể giữ giá trị tài sản, ngang bằng hoặc cao hơn lạm phát, sẽ được tìm đến. Giá nhà đất, giá cổ phiếu, giá đôla Mỹ đang giảm (so với tiền đồng). Nhìn qua nhìn lại, chỉ còn giá vàng vẫn đang tăng. Thế nên ngay cả khi ngân hàng chỉ giữ hộ vàng chứ không trả lãi suất, không ít người vẫn giữ vàng, gửi vàng ở ngân hàng. Xem ra nhất thời vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn!

Vẫn cơ chế hai lãi suất

Trong sổ tiết kiệm của khách hàng, cho dù ở kỳ hạn nào, lãi suất ghi cao nhất cũng chỉ 14%/năm. Trên thực tế lãi suất người gửi và ngân hàng thỏa thuận phổ biến ở 17% - 18%/năm, thậm chí 19% - 20%/năm cho những khoản tiền lớn hàng tỉ đồng. Cơ chế hai lãi suất vốn đã tồn tại từ nhiều tháng nay vẫn chưa thể nào chấm dứt.

Có nhiều lý do giải thích sự vượt trần của lãi suất huy động, song cái cốt lõi chính là ở chỗ vì sao chính sách tiền tệ đưa ra lại khiến các chủ thể liên quan phải “lách”? Hiện tượng “lách” không chỉ ở một tổ chức tín dụng, một khách hàng, mà hầu hết các ngân hàng và người gửi tiền đều “lách”. Đến mức người có 500 triệu đồng mà chấp nhận gửi tiền lãi suất 14%/năm bị cho là lạc hậu!

Trong khi đó, theo tinh thần của Nghị quyết 11, điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt tiền đồng phải linh hoạt, góp phần chống lạm phát. Sự linh hoạt ở đâu khi mà trên bảng điện tử của các ngân hàng, lãi suất tiết kiệm tiền đồng dàn hàng ngang, đồng loạt 14%/năm cho mọi kỳ hạn? Với trần lãi suất hiện hành, tiền đồng vẫn không được hút vào ngân hàng nhiều như mong muốn. Tiền vẫn trong lưu thông và vẫn là một trong những tác nhân gây lạm phát. Thử hỏi quan điểm chống lạm phát của lãi suất ở đâu?

Vì sao e ngại dự trữ bắt buộc?

Gió đã đổi chiều trên thị trường ngoại hối từ gần tháng nay, khi nguồn cung đôla Mỹ dồi dào và giá mua bán của các tổ chức tín dụng thấp hơn giá niêm yết của Sở Giao dịch NHNN. Thời điểm để NHNN mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối có lẽ không lúc nào tốt hơn lúc này. Thế nhưng NHNN vẫn chỉ mua vào ngoại tệ thận trọng, một cách nhỏ giọt vì e ngại phải “bơm” tiền đồng ra.

Liệu “khoanh tay” nhìn cung cầu ngoại tệ nghiêng về cung; trần lãi suất huy động bị “lách”; thanh khoản tiền đồng tại không ít ngân hàng căng thẳng có phải là góp phần kềm chế lạm phát lúc này? Chắc chắn là không! Khả năng tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng đã được bỏ ngỏ thời gian qua để giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, song đến nay thanh khoản vẫn chưa hề được tháo gỡ. Việc tăng lãi suất thị trường mở, tái chiết khấu, tái cấp vốn ngang bằng trần lãi suất huy động không làm cho thanh khoản dịu đi. Thanh khoản và lãi suất cần một cách giải quyết dứt khoát và mạnh hơn.

Để đạt được mục đích rút bớt tiền trong lưu thông, để tiền chảy vào ngân hàng, biến các tổ chức tín dụng thành kênh trung chuyển hút tiền đồng, rào cản trần lãi suất huy động phải được dỡ bỏ.

Thay vào đó, có thể khống chế lãi suất cho vay. Song song cùng lúc NHNN có thể đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc để cân bằng lượng tiền “bơm” ra. Các quốc gia trong khu vực, kể cả Trung Quốc, đã tăng dự trữ bắt buộc lên rất cao mặc dù lạm phát của họ thấp hơn đáng kể so với Việt Nam. Tại sao dự trữ bắt buộc – một công cụ chống lạm phát hiệu quả - được quốc tế áp dụng, còn ta thì không?

Lấy áp lực thanh khoản của các ngân hàng để biện minh cho việc không sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc đến nay đã không còn sức thuyết phục. Chính việc đưa tiền ra mua ngoại tệ và “giải phóng” lãi suất đầu vào sẽ tháo gỡ thanh khoản cho ngân hàng. Những động thái này cần phải được thực thi càng sớm càng tốt. Thị trường tiền tệ đang chuyển biến rất nhanh, mọi sự chậm trễ có thể phải trả giá đắt, nhất là khi dự trữ ngoại hối của chúng ta đã giảm nhiều so với vài năm trước.

Hải Lý

LAO ĐỘNG

No comments:

Post a Comment