Thứ Tư, 11/05/2011 | 06:19
Phản hồi: 0
Xung quanh thông tin các dự án hỗ trợ VN của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ chính thức chấm dứt trong khoảng 10 năm tới, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB.
Được biết ADB có kế hoạch ngừng toàn bộ các hoạt động của mình tại VN vào 2025. Xin ông có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc này?
Trước tiên tôi muốn nói lại cho rõ, hiện tại ADB chưa có tuyên bố chính thức về việc này. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước khi trở nên giàu có cũng từng là người đi vay của ADB như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông những năm 60 hay Hàn Quốc khoảng 20 năm trước đây. Khi các quốc gia, vùng lãnh thổ này trở nên giàu mạnh hơn, họ có thể tự mình vay vốn ở thị trường quốc tế thay vì đến gõ cửa ADB.
Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của VN vào khoảng 1.200 USD và sẽ đạt khoảng 2.000 USD vào 2015. Nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình và không xảy ra vấn đề nghiêm trọng nào, con số này được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 4.000 - 5.000 USD vào năm 2020. Với mức GDP đầu người này, VN sẽ dễ dàng hơn để vay vốn từ thị trường tài chính quốc tế. Đó là lý do vì sao mà tôi vẫn nửa đùa nửa thật nói với các nhân viên của mình rằng vào khoảng 2020 chúng ta sẽ cung cấp những khoản vay ưu đãi cuối cùng của ADB cho VN. Và điều đó có nghĩa là sau 5 năm khi các dự án này hoàn tất thì vào 2025 ADB sẽ không còn dự án nào ở VN nữa. Tôi nói điều đó với một tinh thần hết sức tích cực.
Ông có lạc quan về sự phát triển của VN trong giai đoạn tới?
Có một nghiên cứu khá thú vị đã được công bố nhận định rằng trong 40 năm tới nếu các quốc gia đạt được tiềm năng phát triển của mình thì VN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Tôi không có nghi ngờ gì về tiềm năng phát triển của VN cả. Nhưng để đảm bảo chắc chắn rằng VN có thể tối đa hóa được tiềm năng của mình thì có nhiều thứ cần phải làm và cần làm ngay từ hôm nay. Đó là các vấn đề liên quan đến chính sách, hệ thống kinh tế, đầu tư… Việc VN có thể đạt được điều đó hay không phụ thuộc vào chính Chính phủ và nhân dân VN. Khách quan mà nói, tiềm năng của VN là rất tốt và các bạn là người quyết định liệu có thể biến tiềm năng đó thành hiện thực hay không.
Việc đã quen với các khoản vay ưu đãi có tạo ra những thách thức lớn cho VN trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế không, thưa ông?
Nhiều người sợ rằng sau khi VN trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thì nguồn vốn ODA sẽ giảm xuống nhưng thực tế không phải như vậy. Cam kết của các đối tác phát triển không hề giảm xuống mà thậm chí còn tăng cao hơn. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) 2009, 2010 mức vốn ODA cam kết đều đạt tương đương 8 tỉ USD, trong khi năm trước đó con số này là khoảng 6 tỉ USD. Điều duy nhất là quan điểm về ODA chắc chắn đang thay đổi. Một số nhà tài trợ, có thể là không phải ngay lập tức sẽ chấm dứt hoạt động. Từ phía ADB hay Ngân hàng Thế giới (WB), những khoản vay ưu đãi cao với lãi suất 1-1,5% sẽ giảm dần vẫn là rất rẻ với các điều kiện hiện nay của VN. Nếu VN đi vay ở thị trường quốc tế các bạn sẽ phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn nhiều. Các khoản vay sắp tới sẽ không được ưu đãi như cũ nhưng chúng chưa thực sự là những khoản vay với mức lãi suất thị trường.
Nếu VN vay vốn từ thị trường quốc tế trong bối cảnh có áp lực kinh tế thì chi phí sẽ cao. Nhưng chi phí đó sẽ hạ xuống khi nền kinh tế VN trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là cách thức mà điều đó xảy ra. Sẽ có bước chuyển dần dần từ các khoản vay ưu đãi cao đến các khoản vay ưu đãi thấp hơn. Điều này có nghĩa là VN trở thành một quốc gia giàu mạnh hơn. VN có khả năng chi trả những khoản chi phí vay vốn cao hơn trước. Thực tế là mặc dù chi phí đi vay sẽ cao hơn nhưng nguồn vốn mà VN có thể tiếp cận sẽ vẫn dồi dào.
Tôi muốn nói thêm là vào những năm 90, có khoảng 60% người dân VN thuộc diện đói nghèo và rất khó khăn cho Chính phủ hỗ trợ những người nghèo. Đó là lý do vì sao các khoản vay ưu đãi đã được đổ vào VN. Con số này đang dần giảm xuống và khi tỷ lệ nghèo của VN còn khoảng 10% thì điều đó có nghĩa là 90% người VN không còn thuộc diện nghèo nữa và họ có trách nhiệm hỗ trợ cho 10% người nghèo thay vì trông chờ vào nguồn lực nước ngoài. Đó là một sự chuyển đổi hoàn toàn tự nhiên.
Trường Sơn - Lê Hương
THANH NIÊN
No comments:
Post a Comment