Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII hôm nay, 20/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2012 và 5 năm 2011-1015. Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…
Những quyết sách kịp thời, đúng đắn, được sự ủng hộ của toàn dân Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2011, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo như: giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; khủng hoảng nợ công ở nhiều nước; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát cao tại hầu hết các quốc gia... tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã đem lại những thành tựu quan trọng nhưng cũng làm phát sinh những hệ quả tiêu cực. Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm mạnh gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn. Chính phủ đã phân tích kỹ tình hình, tham vấn các chuyên gia và ngay đầu tháng 2 đã ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02. Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã có Nghị quyết số 59 điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Đó là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, thể hiện bước tiến mới trong tư duy phát triển và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao. Nhờ những quyết sách đúng đắn và kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5 năm 2011 mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%. Điều đáng chú ý, trong khó khăn, sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển. Điển hình là lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo, thu nhập và đời sống của nông dân được cải thiện, giá trị sản xuất nông nghiệp 9 tháng tăng 4,1%, ước cả năm tăng 3,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng khá, đạt 7,8%, ước cả năm tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, 9 tháng tăng 6,24%, dự báo cả năm tăng 6,4%. Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (không quá 18%), đã góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình và chính sách hiện có, trọng tâm là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm gắn với đào tạo nghề; trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ nhân dân tham gia hệ thống bảo hiểm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hộiđã được ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng diện thụ hưởng nhằm giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn. Cả năm, ước tạo được 1,54 triệu việc làm mới, thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5%. Chương trình hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo, nhà ở sinh viên và xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tích cực. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế đều tăng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới đã có nhiều cố gắng và đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao. Các hoạt động y tế dự phòng được tích cực triển khai, nhất là phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường quản lý chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm… Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển. Nhiều giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, chống ngập nước đã được triển khai và đạt được kết quả đáng khích lệ. Ngoài ra, hoạt động khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo; Cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo; Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại đạt những kết quả tích cực… Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh và rất khó lường. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu, cũng còn nhiều tồn tại, yếu kém, chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với nước ta. Tuy nhiên, những thành tựu to lớn, toàn diện của hơn 25 năm đổi mới cùng với chính trị xã hội ổn định, sự đồng thuận của toàn dân, lợi thế của một nước đi sau đang trong quá trình công nghiệp hoá, nền nông nghiệp giàu tiềm năng và thị trường nội địa gần 90 triệu dân với sức mua đang tăng lên... là những thuận lợi cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Từ thực tế trên, Chính phủ đưa ra một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội cụ thể, năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%. Về chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Năm 2012 tăng GDP khoảng 6 - 6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%. Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Phấn đấu đạt 7%. Các chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và nợ công: Năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP. Đối với các chỉ tiêu xã hội và môi trường kiên định chủ trương phát triển bền vững, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về xã hội và môi trường như Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Chính phủ đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng trong Kế hoạch 5 năm là: Năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Tỷ lệ đổi mới công nghệ; và Nhân tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng, như trong Báo cáo Chính phủ đã trình Quốc hội Để đạt được các chỉ tiêu trên, Chính phủ để ra 7 nhóm giải pháp cho giai đoạn tới. Thứ nhất, tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Do đó, nhóm giải pháp đầu tiên là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ hai, ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Thứ tư, tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Thứ năm, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Với những giải pháp thiết thực, dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng tin rằng với sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2012 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. |
No comments:
Post a Comment