15:13 | 21/10/2011
Sáng nay, 21.10, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ. Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đó là quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ; hội đồng xác định giá trị tài liệu; thời hạn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử; sử dụng tài liệu tại lưu trữ lịch sử và hoạt động dịch vụ lưu trữ.
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Cần có quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh
Về tổ chức lưu trữ, trong dự thảo luật xác định chỉ có 2 cách lưu trữ đó là lưu trữ ở Trung ương và lưu trữ cấp tỉnh. Tôi đồng ý với giải trình của UBTVQH, tuy nhiên tôi đề xuất cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thêm trong luật phải có quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực thi hành nhưng chuyển giao thực hiện không kịp thời, gây ra tình trạng thất thoát và hư hỏng tài liệu lịch sử cũng như không giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, tài sản... đang được quản lý ở cấp huyện.
Vấn đề thứ hai về sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử quy định tại Điều 30, cơ bản tôi thống nhất với giải trình của UBTVQH, trong một số trường hợp đặc biệt có thể chưa công khai các tài liệu lưu trữ lịch sử theo quy định chung của điều này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, đề nghị trong luật phải quy định rõ hơn các điều kiện nguyên tắc cơ bản để Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt tại Khoản 5, Điều 30 cũng như các điều kiện nguyên tắc để xác định cơ quan có thẩm quyền xác định các tài liệu chưa được sử dụng rộng rãi tại Khoản 6, Điều 30.
Đối với việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ quy định tại Điều 35, đề nghị trong luật cần quy định rõ và xác định rõ việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ thuộc hệ thống đào tạo dạy nghề của quốc gia hay một hệ thống đào tạo riêng để làm rõ vấn đề này, xác định giao lại cho các cơ quan chức năng thực hiện. Nếu như đây là hệ thống riêng thì trong luật cũng phải quy định nguyên tắc điều kiện cụ thể giao cho Chính phủ quyết định việc đào tạo hệ thống lưu trữ này. Nếu như đây là một trong các nghề như các ngành nghề khác chúng ta quy định giao lại cho hệ thống giáo dục làm chức năng, nhiệm vụ hoặc là giao cho hệ thống dạy nghề mà không cần quy định riêng trong dự thảo luật về việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho hệ thống nghiệp vụ lưu trữ.
Về xã hội hóa hoạt động lưu trữ quy định tại Điều 36, Điều 37, tôi đồng ý với quan điểm khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong hoạt động lưu trữ đã được UBTVQH tiếp thu, tuy nhiên, tôi đề nghị cũng cần nghiên cứu mở rộng hơn nữa phạm vi cung cấp dịch vụ. Bởi vì như quy định Điểm a, Khoản 3, Điều 36 các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ chỉ được phép làm nhiệm vụ bảo quản chỉnh lý, sắp xếp và số hóa tài liệu lưu trữ, hoạt động nghiên cứu về chuyển giao khoa học về hoạt động lưu trữ. Tôi cho trong luật chỉ cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ tiếp xúc với các tài liệu không thuộc bí mật quốc gia. Do đó có thể mở rộng phạm vi cung cấp đầy đủ các hoạt động như trong khái niệm về hoạt động lưu trữ đã định nghĩa trong Điều 3.
ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): Bảo đảm tính bền vững của luật
ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): Bảo đảm tính bền vững của luật
Theo quy định tại Điều 1 dự thảo luật về đối tượng áp dụng có nêu tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc. Tuy nhiên, trong toàn dự luật hầu như chỉ nêu vai trò của cơ quan hành chính cụ thể là cơ quan nội vụ trong việc lưu trữ, trong khi đó bỏ ngỏ vai trò của các cơ quan, tổ chức khác. Do vậy, tôi đề nghị phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật phải được thể hiện cụ thể.
Một vấn đề nữa là quy định tại Khoản 5, Điều 8 về nghiêm cấm các hành vi mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vì trong Khoản 5 này chưa chặt chẽ nên khó kiểm soát. Hiện nay trong xu thế công nghệ phát triển mạnh mẽ, một cá nhân không mang tài liệu ra nước ngoài, nhưng ở tại một điểm có thể phát tán thông tin ra toàn thế giới thông qua các cổng điện tử. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về quy định này nhằm tránh tình trạng thông tin mật của đất nước bị rò rỉ phát tán. Tại Khoản 4 của điều này đề nghị bổ sung những hành vi bị cấm có liên quan đến việc lưu trữ Đảng cộng sản để thống nhất với phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.
Điều 21 về thẩm quyền thu thập tiếp nhận tài liệu của lưu trữ lịch sử, Khoản 2 quy định lưu trữ lịch sử của Nhà nước thu thập, tiếp nhận tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động cơ quan, tổ chức thuộc phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam ở 2 cấp đó là cấp Trung ương và cấp tỉnh là chưa phù hợp, vì chưa bảo đảm tính dự báo, tính bền vững của luật. Dân số ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường diễn ra sôi động sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội. Nếu quy định 2 cấp quản lý tài liệu như dự thảo trong thời gian ngắn hoạt động lưu trữ ở 2 cấp sẽ quá tải phát sinh nhiều bất cập mới. Cũng ở Khoản 2 điều này đề cập đến lưu trữ lịch sử của Nhà nước rất cụ thể, rõ ràng nhưng lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam đề cập quá chung chung, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh hợp lý hơn...
ĐBQH Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh): Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật
ĐBQH Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh): Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật
Theo dự thảo luật thì phông lưu trữ quốc gia vẫn có hai phông lưu trữ lớn, đó là phông lưu trữ nhà nước và phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam, thành phần gồm các tổ chức chính trị xã hội. Trong phông lưu trữ của nhà nước có những phông lưu trữ rất đặc thù, chẳng hạn như của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là của cơ quan khối tư pháp, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử. Từ tính đặc thù này, các tổ chức bộ máy rất đa dạng, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm thế nào để luật điều chỉnh được thống nhất, khi đó mới tăng cường quản lý nhà nước và tăng cường vai trò, vị trí của phông lưu trữ quốc gia được.
Luật này có 45 điều, không lớn nhưng có 21 nội dung ở 21 khoản ở các điều quy định cho Chính phủ, cho Bộ Nội vụ, cho cơ quan Đảng và Bộ nội vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương hướng dẫn quy định cụ thể để thi hành. Tôi thấy như vậy rất rộng, Chính phủ thì được rồi, nhưng đối với các bộ như Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng hướng dẫn chừng mực nào đó chứ không nên để nhiều quy định như thế này sẽ thiếu tính thống nhất, tính đồng bộ, tính pháp chế của hệ thống văn bản pháp luật.
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hoá): Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp chưa rõ
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hoá): Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp chưa rõ
Quản lý Nhà nước về lưu trữ cần bảo đảm sự thống nhất, tổ chức lưu trữ cần bảo đảm tính khoa học thông suốt. Vì vậy, không nên phân chia và nhấn mạnh lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam bên cạnh phông lưu trữ của Nhà nước Việt Nam mà chỉ coi lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam như lưu trữ của các ngành đặc biệt như Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân.
Luật lưu trữ là một luật chuyên ngành. Luật có 45 điều, nhưng có 15 điều giao cho Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định. Như vậy luật này nếu được ban hành thì phải chờ đợi và phải có một thời gian khá dài mới đi vào được cuộc sống. Cho nên, để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, đề nghị phải khắc phục tình trạng này và luật này có đủ điều kiện để quy định chi tiết ngay không cần phải chờ Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Đối với trách nhiệm quản lý về lưu trữ, đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng, đặc biệt ở cơ sở hiện nay việc đảm bảo lưu trữ ở cấp xã đang còn rất nhiều hạn chế, nhưng trong Điều 39 của luật chỉ quy định rằng Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về lưu trữ theo thẩm quyền. Quy định này chưa rõ. Trong quá trình xây dựng luật, rất nhiều dự thảo luật, nhiều quy định của luật hiện nay quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khá cụ thể và như vậy trong quá trình tổ chức, điều hành, trách nhiệm của các cấp chính quyền rõ để đưa được luật vào cuộc sống. Tôi đề nghị quy định rõ, chi tiết thêm về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Nguồn nộp lưu của cấp huyện khá nhiều...
Liên quan đến vấn đề lưu trữ cấp huyện, trong quá trình công tác tôi nhận thấy rằng lưu trữ của chúng ta hiện nay chủ yếu ở hai cấp. Riêng đối với lưu trữ cấp huyện chưa được quan tâm lắm, nguồn nộp lưu của nó khá nhiều và khác nhau, có khoảng 20 - 25 nguồn nộp lưu. Nhiều người nghĩ rằng nguồn nộp lưu của lưu trữ cấp huyện chỉ xuất phát từ các cơ quan cấp huyện như Ủy ban nhân dân huyện nhưng thực tế nguồn này rất lớn. Nếu nguồn nộp lưu ở cấp huyện với khối lượng như vậy mà đưa lên tỉnh tôi nghĩ sẽ quá tải, trong khi lợi ích của công tác lưu trữ là phục vụ cho sử dụng cho nên rất khó khăn trong công tác nghiên cứu và sử dụng, nếu tất cả các tài liệu lưu trữ ở cấp huyện đều nộp lên tỉnh. Vì vậy, nếu huyện có lưu trữ tôi nghĩ rằng sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu.
Về vấn đề nộp lưu tài liệu và lưu trữ lịch sử, Điều 21 quy định trong thời hạn 10 năm kể từ ngày công việc kết thúc, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nộp lưu tài liệu và bảo quản vĩnh viễn tại lưu trữ lịch sử. Đoạn sau lại ghi rằng trong trường hợp đến thời hạn nộp lưu mà các cơ quan, tổ chức muốn giữ lại hồ sơ, tài liệu đó thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan lưu trữ lịch sử có thẩm quyền theo quy định tại Điều 20 của luật này. Tôi nghĩ đây là một quy định không nên đưa vào luật, nó sẽ tạo ra sự tùy tiện trong việc có những quyết định. Trong thực tế theo chúng tôi được biết, việc nộp lưu vào lưu trữ lịch sử hiện nay cũng đang còn rất nhiều vấn đề, chính vì vậy, cần cân nhắc quy định trong trường hợp giữ lại tài liệu mà phải đến thời hạn nộp lưu và lưu trữ lịch sử...
Minh Vân lược ghi
No comments:
Post a Comment