Sunday, June 5, 2011

05/06 Lã Thanh Huyền “dính phốt” vì thiếu hiểu biết?


Chủ nhật, 05/06/2011 09:43

(2Sao) - Người đẹp của cuộc thi Phụ nữ thế kỷ XXI đang yên đang lành lại bị khán giả lên tiếng phản ứng dữ dội vì những bức ảnh "nhạy cảm".

Theo nội dung của các bức ảnh, Lã Thanh Huyền đi dự một hội nghị của Thuỵ Sĩ nhưng lại mặc chiếc áo xường xám, trang phục truyền thống của Trung Quốc. Trong khi đó, thời gian này đang rất nhạy cảm xảy ra tranh chấp trên Biển Đông. Liệu rằng Lã Thanh Huyền quá ngây thơ hay vì cô thiếu hiểu biết?

Độc giả tên T. ở địa chỉ email hayduoinuoc@yahoo.com.vn, 05/06/2011 07:40 dành những lời nặng nề như “Hán Gian” dành cho Lã Thanh Huyền. “Trong lúc đang nước sôi lửa bỏng tranh chấp Biển Đông thì cô ta lại mặc đồ Tàu chụp ảnh với danh nhân. Thật lố bịch!”





Danh Danh ở địa chỉ email hodanhdanh@yahoo.com  chia sẻ: “Không biết cô diễn viên này nghĩ gì nữa. Trong thời điểm này mà đi du lịch ở Trung Quốc. Bộ chỉ biết làm đẹp rồi đi tung tăng thôi hả, không đọc đến một tờ báo hay xem tin tức sao ấy!".
Hien (saomai_344@yahoo.com, 04/06/2011 20:37): “Là phụ nữ thế kỷ 21 mà lại thế, gái Việt Nam đi dự hội nghị của Thuỵ Sĩ mà lại mặc áo Tàu. Nhất là trong lúc 2 nước đang có tranh chấp. đúng là hết chỗ nói".

Độc giả tên vy (leanhvu270@yahoo.com, 05/06/2011 00:17): “Huyền miệng có vẻ rộng, cười không đẹp, gu thời trang khá quê, còn kém sắc hơn mấy cô gái Trung Quốc đứng gần”. Ngoài ra, “ba bức ảnh cuối do chỉnh photoshop quá đà nên nhìn khá xấu” - độc giả ở địa chỉ email saltybocap@yahoo.com bắt lỗi. 


Mỹ Loan ở Đồng Tháp lại tỏ ra cảm thông nhưng không nén nổi tức giận: “Tôi cũng băn khoăn quá, không biết là Lã Thanh Huyền đang suy nghĩ gì nữa. Vì nếu như những bức ảnh này được chụp cách đây lâu rồi mà giờ mời tung ra thì cũng không thể chấp nhận được. Hiện tại, thời điểm đang quá nhạy cảm. Mà là phụ nữ Việt Nam, đi ra nước ngoài, không mặc đồ truyền thống Việt Nam thì thôi ai lại đi mặc đồ truyền thống nước khác. Trong khi, tham dự một sự kiện của công ty Thụy Sĩ".

Trên đây là một bài học khá đắt dành cho Lã Thanh  Huyền, bởi dù chỉ là thời trang thôi nhưng cũng gây lên làn sóng phản đối. Trong khu vực, Triệu Vy đã từng bị phản đối 2 năm vì chiếc áo cờ quân nhật thời chiến tranh, Lee Seung Yeun gặp phải tình huống tương tự. Mới đây thôi, một hãng thời trang Úc bị đóng cửa tại một số nước đạo hồi vì tung bộ ảnh catwalk bikini có hình Nữ thần Hindu.

Ming Ming

26/03 Hoa ban bừng sáng đường Bắc Sơn


Thứ Bảy, 26/03/2011, 08:22

TTO - Trong xuân còn se lạnh, những đóa ban tím của núi rừng Tây Bắc bung cánh đón nắng. Những bông hoa tím biếc như được gửi gắm chút tình người Tây Bắc, tô thắm thêm mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Hoa ban dịu dàng, e ấp sau những tán lá - Ảnh: Phạm Thị Thảo


Không giống hoa ban trồng trong công viên Nghĩa Đô (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) hay trên đường Kim Mã đến thời điểm này chỉ còn lúc lỉu từng chùm quả trên cành. Cứ đến đầu tháng 3, những cây hoa ban tím được trồng dọc hai bên đường Bắc Sơn (đối diện lăng Bác) lại đồng loạt trổ bông.

Cũng không giống hoa ban trên đường Thanh Niên bên bờ hồ Tây, cây cao chót vót, phải mỏi cổ mới nhìn thấy hoa, những cây hoa ban ở đây hầu hết đều thấp, thân chia thành bốn năm nhánh như cây cảnh, hoa lá là là ngang tầm mắt người ngắm.  

Hoa ban là loài hoa phổ biến ở núi rừng Tây Bắc, chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng 3 đến hết tháng 4 dương lịch. Ở Hà Nội hoa ban được trồng nhiều nhất trên đường Bắc Sơn (đối diện lăng Bác).

Người Hà Nội dường như không thể bỏ lỡ cơ hội ngắm hoa ban duy nhất một lần trong năm như thế. Những ngày này, rất đông bạn trẻ tìm đến đây chụp ảnh, tâm tình hay đi dạo dưới tán cây. Người đi đường chạy xe qua “con đường hoa ban” cũng đi chậm lại một chút để chiêm ngưỡng biểu tượng vẻ đẹp Tây Bắc ngay giữa thủ đô.  
Không rực rỡ như hoa phượng, kiêu hãnh như bằng lăng, ngào ngạt như hoa sữa, những bông hoa ban có cánh mỏng manh như những cánh bướm, sắc tím pha lẫn màu hồng nhạt tạo cảm giác ấm áp, nên thơ. Vẻ đẹp của hoa ban khiến người ta ngỡ ngàng, con đường Bắc Sơn như dài thêm nỗi nhớ và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho những người yêu văn chương và yêu cái đẹp.

Đường Bắc Sơn lãng mạn trong sắc hoa ban tím - Ảnh: Thường Nga

Nhiều bạn nữ tìm đến “con đường hoa ban” chụp ảnh - Ảnh: Thường Nga

Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Hàng nghìn đời nay, hoa ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân Tây Bắc. Trong ký ức của những người con đi xa luôn có nỗi nhớ da diết hoa ban mỗi mùa xuân về.

Hoa ban tím dậy mùa xuân phố núi
Để lòng người như lạc cõi yêu thương
Hoa lấp lánh giọt trên cành e ấp
Giữa núi đồi nắng sớm bạt ngàn sương...
 

Và sắc tím nhạt nên thơ ấy nay cũng đã đi vào lòng người Hà Nội như một món quà rất đỗi thân quen từ miền Tây Bắc xa xôi...

Cành, lá và hoa giăng mắc vào nhau trên nền trời xanh - Ảnh: Thường Nga

Những nụ hoa đón lấy ánh nắng mặt trời... - Ảnh: Phạm Thị Thảo

...rồi he hé nở - Ảnh: Thường Nga

... và đẹp cả đến khi rơi xuống - Ảnh: Phạm Thị Thảo

THƯỜNG NGA - PHẠM THỊ THẢO

02/04 Khai mạc Năm du lịch quốc gia 2011: Ấn tượng biển đảo Nam Trung bộ

Thứ Bảy, 02/04/2011, 06:33

TTO - Tối 1-4, tại quảng trường 1-4, Bộ Văn hóa, thông tin & thể thao phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên khai mạc Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011.

Âm vang một vùng quê, giới thiệu di sản đàn đá và kèn đá, cồng chiêng, trống Ktung Kkhắc của Phú Yên cùng màn vũ đạo sôi động của các đoàn tham gia đêm hội.


Năm 2011, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định chọn 8 tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ để tổ chức Năm du lịch quốc gia mà Phú Yên là tỉnh đăng cai tổ chức khai mạc và bế mạc cùng 30 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia năm du lịch 2011, nhấn mạnh: Việc chọn tám tỉnh duyên hải miền Trung tổ chức Năm du lịch quốc gia nhằm mục tiêu khai thác các thế mạnh về biển đảo cùng những nét văn hóa đặc trưng của các tỉnh trong khu vực, kết nối các hoạt động liên kết phát triển đầu tư và dịch vụ du lịch trong những năm đến.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ, và đề nghị các tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức tốt các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia, biến tiềm năng, lợi thế về biển trở thành thế mạnh kinh tế của các địa phương theo đúng tinh thần nghị quyết của Đảng.  

Khúc tráng ca thời mở đất, khắc họa cảnh lao động, khai sơn phá thạch mở mang bờ cõi của người dân Phú Yên qua bao nhọc nhằn gian khó để xây dựng tỉnh Phú Yên 400 năm trước.
Trống trận Tây Sơn, đặc trưng miền đất võ Bình Định, thể hiện hào khí Tây Sơn một thời trong lịch sử dân tộc.


Cũng trong chương trình khai mạc Năm du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, du khách và đông đảo các tầng lớp nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc 90 phút với sự chỉ huy của nghệ sĩ nhân dân Ngọc Cường cùng 400 diễn viên chuyên và không chuyên đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, các tỉnh và Phú Yên.

Kết thúc chương trình nghệ thuật biểu diễn là tiết mục âm vang một vùng quê, giới thiệu di sản kèn đá, đàn đá, cồng chiêng, trống Ktung K’khắc của đồng bào dân tộc Ê đê PY. Trong nhịp chiêng trống rộn rã là màn quần vũ sôi động của tất cả các đoàn về tham dự lễ hội.

Kết thúc chương trình, pháo hoa đã được bắn rực rỡ trên bầu trời Tuy Hòa chào mừng Phú Yên 400 tuổi, chào Năm du lịch quốc gia 2011.

LÊ BIẾT

03/04 Mênh mang Bình Trị

Chủ Nhật, 03/04/2011, 06:13

TT - Xuất phát từ bến thuyền Chùa Hang đối diện hòn Phụ Tử (Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Bình Trị (còn gọi quần đảo Bà Lụa) với nhiều hòn đảo còn nguyên sơ ở vùng biển Tây Nam...




Bãi sỏi ba hòn Đầm - Ảnh: Trần Thế Dũng

Chiếc tàu chạy dọc bãi Hàng Dương rồi qua hòn Kiến Vàng, hòn Trẹm, cảng hòn Chông... cuối cùng là hòn Rễ Lớn, hòn Rễ Nhỏ - hai đảo đá tựa hai pháo đài trấn giữ quần đảo. Tàu lướt nhẹ trên sóng, mặt biển xanh ngăn ngắt, xa xa lấp loáng những bờ cát trắng tinh, những hàng cây thốt nốt lá tua tủa.

Những núi đá thoạt nhìn như đám cây rừng trôi bồng bềnh về vịnh Thái Lan, đến gần mới thấy thiên hình vạn trạng, kết quả của sự bào mòn từ mưa gió, sóng biển... Thiên nhiên đã sáng tạo vô số hang chân sóng quanh chân núi, theo thời gian xâm thực sâu vào lòng núi, trổ thêm nhiều ngóc ngách làm nên những tuyệt tác diệu kỳ.

Chúng tôi đổ bộ hang Tiền, động đá có chiều dài hơn 150m xuyên hẳn qua núi, mở ra hai cửa theo trục tây nam và đông bắc. Càng vào sâu không khí càng mát lạnh, lòng hang mở rộng đến hơn 10m. Từ đây xuất hiện những khối thạch nhũ đồ sộ với đủ hình dáng treo trên vách đá, cái tựa hạt gạo khổng lồ, cái như hoa sen nở rộ...

Thỉnh thoảng, nước từ trần hang rơi tí tách khiến không gian u tịch càng thêm huyền ảo, kỳ bí.

Thông thường, khách thăm động vào cửa tây nam bằng thuyền để khi ra hướng đông bắc được tiếp cận một bãi tắm xanh màu ngọc bích luôn yên ả, phẳng lặng, rời bờ vài trăm mét nước cũng chỉ tới ngực. Những ngày đẹp trời nước trong leo lẻo, ngồi trên thuyền có thể nhìn rõ đàn cá bơi nhởn nhơ dưới đáy biển.

Xa nhất về phía nam quần đảo Bình Trị là ba hòn Đầm, tên chung của ba hòn đảo bao bọc một vụng nhỏ cách hòn Phụ Tử khoảng 15 hải lý. Người ta kể thời Pháp thuộc, các “bà đầm” vợ “quan Tây” hay mặc váy xòe thưởng ngoạn, tắm biển ở đây...

Hình ảnh đó đi vào ký ức cư dân bản địa, rồi thêm vào đặc điểm từng đảo họ đặt tên, phân biệt: hòn Đầm Giếng, Đầm Đước, Đầm Dương như cách cư xử vốn chân thật của người Nam bộ. Mỗi đảo chỉ duy nhất một gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên đời sống giản dị.

Bù lại, khí hậu thuần khiết, cảnh quan nguyên sơ, chưa hề bị can thiệp bởi du lịch. Vì thế, những lúc có khách phương xa đến thăm, các thành viên trong gia đình đều trở thành nhân viên phục vụ bất đắc dĩ nhưng lòng hiếu khách, nhiệt tình không thiếu. Khách ngẫu hứng muốn ở lại qua đêm, trải nghiệm cuộc sống Robinson đúng nghĩa, cũng có thể mượn võng, căng bạt, câu cá, tự nấu nướng giữa trời như thời khẩn hoang.

Một bên biển trời mênh mông, một bên là những rặng dừa cao vút đong đưa theo gió, những vườn me cổ thụ xanh um bên bãi tắm đầy sỏi nhỏ đủ màu sắc. Độc đáo nhất là khi triều xuống, trong cái vụng nhỏ ba bề núi đá mặt nước hạ thấp dần, lộ diện bãi cát trắng rộng mênh mông.

Lúc này không gì thú vị hơn đi cào nghêu, bắt ốc, ghẹ bò ngổn ngang hoặc dạo chơi trên bờ cát.

Thủy triều lên, ba hòn đảo lại nằm cách biệt ba góc, xung quanh là mặt nước xanh lai láng, khách có thể bì bõm dưới biển, theo cư dân trên đảo thả vài mẻ lưới kiếm con cá ngon, nướng trui rồi hả hê thưởng thức ngay tại bãi.

Buổi tối nằm trên võng, bên đống lửa tranh tối tranh sáng, ngắm bầu trời đầy sao giữa tiếng sóng vỗ về, khoan nhặt, giấc ngủ sẽ đến dịu dàng lúc nào không hay...

Cửa vào hang Tiền - động đá dài nhất trong quần đảo Bình Trị


Quần đảo Bình Trị có khoảng 45 đảo đá vôi lớn nhỏ, độ cao trung bình 100m, đặc điểm hiếm thấy ở miền Nam. Phần đông đảo quần tụ lô nhô ngoài khơi, số ít phân tán rải rác ở vùng biển cạn Kiên Lương, lâu ngày đất bồi thành núi trên đất liền. Trong đó hang Mo So, hang Cá Sấu... đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng.

Những đảo đá ngoài khơi đều có tên riêng, gắn với những truyền thuyết giải thích nguồn gốc hoặc tưởng nhớ các tiền nhân đã đầu sóng ngọn gió, gian nan khai phá.

TRẦN THẾ DŨNG

05/04 Vòng quanh Phố Hiến

Thứ Ba, 05/04/2011, 17:49

TTO - Không huyên náo như phố cổ Hà Nội, Phố Hiến (Hưng Yên) êm đềm nửa quê nửa phố, phảng phất dấu ấn một thương cảng sầm uất từng vang bóng một thời. Câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” khiến tôi nhớ mãi và muốn một lần khám phá.

Đường Phố Hiến và nhà Đông Đô Quảng Hội - Ảnh: Tiến Thành


7g sáng, xuất phát từ bến xe Lương Yên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi bắt đầu hành trình bằng tuyến xe buýt số 205. Hai giờ trên xe, qua Văn Giang rồi Khoái Châu, cuối cùng trước mắt cũng hiện ra một bờ đê xanh mướt. Một bên những bó hương làng hương xạ Cao Thôn bung xòe, khoe sắc; bên kia những rặng tre xanh rì và hàng nhãn lồng rợp bóng...

Khám phá phố thượng…

Với giá “hữu nghị” 50.000 đồng, anh xe ôm tên Công nói sẽ chở tôi đi tham quan một vòng phố Hiến. Từ đường Điện Biên, xe rẽ vào khu phố thượng với hàng nhãn cành lá xum xuê. Đi qua con đê làng là đến đền thờ Quan Lớn. Anh Công rành rọt kể về lịch sử của đền và các danh thắng như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Trước cổng đền Quan Lớn - Ảnh: Tiến Thành


Đền Quan Lớn nằm bên bờ đê sông Hồng với cổng tam quan đồ sộ. Đền thờ vị quan đệ tam đã có công lao đánh giặc Thục, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Trong đền mọi thứ đều sơn son thếp vàng, cùng tiếng hát chầu văn đều đặn vang lên, tạo một cảm giác thiền tịnh và thư thái.

Rẽ vào Văn miếu Xích Đằng, biểu tượng của nền học vấn Hưng Yên xưa, ấn tượng đầu tiên là hai hàng cây đại thụ hun hút dẫn đến một nghi môn cổ kính hai tầng. Qua cổng nghi môn là một khoảng sân rộng, ở giữa sân là “con đường thập đạo”, lối đi dành riêng cho quan lại và các vị giám khảo trong các kỳ thi xưa. Ngó qua cánh cửa nhà tiền tế đã đóng, thấy một pho tượng thờ Chu Văn An cùng 9 tấm bia đá ghi lại lịch sử xây dựng văn miếu.

Nghi môn Văn miếu Xích Đằng - Ảnh: Tiến Thành


Văn miếu Xích Đằng đã tồn tại gần 400 năm và ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam (nay là Hưng Yên) được xem là tinh hoa văn hóa của người dân Hưng Yên, vì thế theo lời anh Công, “khách chưa đến đây coi như chưa đến Phố Hiến!”.

Thong dong phố hạ

13g30, kết thúc chuyến khám phá phố thượng bằng xe máy tại chùa Chuông, tôi chuyển sang đi bộ tại khu phố hạ. Bắt đầu từ chùa Hiến, phường Hồng Châu chạy dài đến đường Trưng Trắc, phường Quang Trung. Đây là khu trung tâm của quần thể di tích Phố Hiến với hàng chục di tích danh thắng như đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu, chùa Phố...

Không còn quang cảnh tấp nập nhộn nhịp, sầm uất như một thương cảng từng vang bóng, đường phố nay vắng vẻ. Dấu ấn của một thương cảng quốc tế lớn nhất nhì Việt Nam chỉ còn phảng phất qua vài di tích bắt gặp dọc đường. Đó là chùa Hiến (còn gọi là Thiên Ứng tự), nơi lưu giữ hai tấm bia đá ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng phố Hiến.

Chùa Chuông được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh thắng" - Ảnh: Tiến Thành


Ngôi chùa này còn có cây nhãn Tổ đã hơn 300 năm, nằm trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon. Mỗi mùa nhãn chín, các nhà sư thường chọn hái để dâng đức Phật, cúng thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Thân cây chính nay đã mục ruỗng, chỉ còn một nhánh được vun gốc, phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.

Cách chùa Hiến không xa là nhà Đông Đô Quảng Hội được xây dựng năm 1590, từng là nơi hội họp của các thương gia nước ngoài, chủ yếu là người Hoa đến làm ăn, buôn bán tại vùng Phố Hiến vào thế kỷ 16,17. Cánh cổng vẫn đóng hằng ngày, chỉ trơ những khung gỗ đã ngả màu nâu thẫm.

Chiều trên triền đê - Ảnh: Tiến Thành


Và cũng chỉ vài chục bước chân nữa, như tách biệt với những tòa nhà cao tầng đang đua nhau mọc bên đường, men theo con đê Quảng Châu là đã cảm nhận chút quê giữa lòng Phố Hiến.

Con đê dài hun hút, quanh co với những tán cỏ xanh mượt. Dưới ánh trời chiều, một vài người phụ nữ thong thả đạp xe đi làm đồng, còn mấy cụ già, em nhỏ ngồi chăn bò dưới những gốc nhãn thân sần sùi, trổ màu hoa lấm tấm ven đê. Cảm giác bình yên đến lạ lẫm…

TIẾN THÀNH

Từng là thương cảng quốc tế vang bóng một thời vào thế kỷ 16-17, Phố Hiến nay là dải bãi bồi từ thôn Đằng Châu (xã Lam Sơn) đến thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu, TP Hưng Yên). Phố Hiến có những địa danh trên cùng trục đường không thể bỏ qua:
1. Đền Quan Lớn - Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn)
2. Chùa Chuông - đình An Vũ (phường Hiến Nam)
3. Chùa Nễ Châu - Chùa Hiến - Đông Đô Quảng Hội (đường Phố Hiến)
4. Đền Mẫu - đền Trần (đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP Hưng Yên)
5. Đền Thiên Hậu - Chùa Phố - Võ Miếu (đường Trưng Trắc, phường Quang Trung).

10/04 Dạo chơi trên sông Chày

Chủ Nhật, 10/04/2011, 10:46

TT - Sông Chày chảy ngang cửa động Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Dạo chơi bằng thuyền trên sông, đặc biệt vào mùa hè, sẽ là một trải nghiệm thú vị bởi cảnh vật, nước non rất đỗi hữu tình.


Thuyền trên thượng nguồn sông Chày.


Dòng sông bắt nguồn từ những dãy núi đá vôi trùng điệp của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Một nhánh chảy qua khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, nhánh thứ hai (nhánh chính) bắt nguồn từ suối Nước Moọc. Dài chỉ khoảng 10km, nhưng sông Chày có đủ thác ghềnh, bãi đá giữa dòng và rừng cây hai bên bờ...

Những ngày nắng ráo, đi thuyền trên sông nhìn rõ dưới đáy những rạn đá ngầm nhấp nhô, từng đàn cá bơi lội thoắt ẩn thoắt hiện giữa các hang hốc. Điều đặc biệt nhất của sông Chày là màu nước, có đoạn biếc xanh như ngọc bích, đoạn xanh màu nước biển, đoạn lẫn lộn xanh - vàng trông rất kỳ ảo. Theo một số cán bộ vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nước sông có nhiều màu do hai bên bờ là các vách núi đá vôi cao, xanh thẳm, hai bên bờ cũng ngát màu cây xanh và đáy sông có một loại tảo xanh.

Từ ngã ba sông Chày (trước cửa động Phong Nha) ngược lên khoảng 2km sẽ thấy cửa hang Tối nằm ngay dưới mép nước phía bên trái. Đây là một hang trong hệ thống hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng, được các đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh khảo sát vào các năm 1990, 1992. Ghé thăm hang Tối, ngay từ khi bước vào du khách sẽ được chiêm ngưỡng một khối thạch nhũ như tượng một nữ thần ở giữa hang và vô số bất ngờ.

Hang Tối trên sông Chày - Ảnh: L.G.


Dự kiến cuối tháng 5-2011, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đưa tuyến du lịch trên sông Chày vào khai thác. Đoạn sông Chày để du khách rong chơi dài 5-7km với ba điểm xuất phát. Một từ Trung tâm du lịch - văn hóa - sinh thái Phong Nha và kết thúc ở suối Nước Moọc.

Điểm thứ hai từ động Phong Nha, Tiên Sơn đến suối Nước Moọc. Điểm thứ ba từ suối Nước Moọc theo đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) đến Trộ Mợng và đi đò đến hang Tối, thác Chày rồi về tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn (nếu thích). Cả ba tuyến đều đi từ hạ nguồn đến thượng nguồn dòng sông Chày.


Tiếp tục hành trình trên sông, hai bên bờ là những “hòn non bộ” với trăm ngàn kiểu dáng, những cây lội cả trăm năm tuổi sum suê tỏa bóng, những cây sung già lúc lỉu quả chín, vươn cành xòa xuống dòng nước như che bóng thuyền đi... Nhiều cụm đá nhấp nhô giữa dòng nước xanh biếc trông như một vịnh Hạ Long thu nhỏ.

Ngược dòng thêm nữa thác Chày hiện ra. Không ầm ào như tên gọi, thác nhỏ dịu dàng uốn lượn qua những khối đá. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn cá lội ngược dòng nước trong ngần. Cư dân địa phương kể tên thác Chày được gọi do ngày xưa có nhiều đá chắn lối, nước chảy vì thế vang tiếng như chày giã gạo.

Qua hết thác Chày là suối Nước Moọc, khu vực có nhiều bãi đá cuội rất đẹp. Dòng suối đầu nguồn chảy quanh các bãi đá trên một địa hình khá bằng phẳng và rộng rãi rất thích hợp để dựng trại nghỉ ngơi, đi bộ tham quan cảnh rừng, hang động, tắm suối...

Thư giãn bên suối Nước Moọc - Ảnh: L.GIANG


Du ngoạn trên sông Chày nếu may mắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loài cá (trong số 82 loài cá có mặt trong dòng sông và 162 loài cá đặc hữu của Phong Nha - Kẻ Bàng). Thú nhất là được dừng thuyền trên sông, chờ mua tôm của người dân địa phương đánh bắt thủ công và tổ chức một bữa ăn dã ngoại tươi ngon ngay trên thuyền...

LAM GIANG - VĂN PHÚC

11/04 Về Sầm Sơn kéo "rùng"

Thứ Hai, 11/04/2011, 06:24

TTO - Về thăm Sầm Sơn, địa danh du lịch nổi tiếng của xứ Thanh, du khách sẽ có dịp xem, thậm chí cùng bà con ngư dân “kéo rùng” bắt cá biển mỗi buổi sớm mai.

Kéo rùng trên bờ biển Sầm Sơn

“Kéo rùng” là một cách lưới cá theo cách gọi của ngư dân ở đây và là phương pháp đánh bắt hải sản vào loại cổ xưa nhất ở vùng biển Thanh Hóa, nay chỉ còn ở Sầm Sơn. Vì thế nhiều dân "phượt" còn ví "kéo rùng" là sản phẩm du lịch độc đáo của vùng du lịch Sầm Sơn dành cho du khách mỗi khi tới thăm, khám phá nơi này.

Gặp lão ngư dân Đinh Hữu Tấn hơn 70 tuổi đang cùng con cháu “kéo rùng cho vui”, cụ tâm sự: "Không ít người biết đầu tháng 9-1960 Bác Hồ đi công tác ở vùng biển Sầm Sơn đã cùng bà con ngư dân kéo rùng bắt cá biển và bức ảnh lịch sử Hồ Chủ tịch đang cùng ngư dân kéo lưới trên biển Sầm Sơn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn luôn được trưng bày trang trọng trong “Ngày truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam” tổ chức vào ngày 1-4 hằng năm.  

Mời bạn đọc cùng xem những bức ảnh chúng tôi có cơ may ghi lại được khi bà con ngư dân ở thị xã Sầm Sơn “kéo rùng” bắt cá biển buổi sớm mai khi trời yên, biển lặng ở ngay khu vực bãi tắm Sầm Sơn nổi tiếng.


PHẠM NGỌC BẰN

17/04 Quy hoạch nhà công tử Bạc Liêu thành khu du lịch

Chủ Nhật, 17/04/2011, 13:01

TT - Ngày 15-4, ông Nguyễn Chí Thiện - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu - cho biết tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư đấu thầu xây dựng dự án khu du lịch phức hợp tại nhà công tử Bạc Liêu.



Theo đó, xây dựng cụm khách sạn bốn sao liền kề khu nhà và các hạng mục phục vụ phát triển điểm du lịch này.

Ông Thiện cũng cho biết Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa ngưng dự án xây dựng nhà khách tỉnh ủy rộng hơn 500m2 (đã làm xong nền móng) trong khuôn viên nhà công tử Bạc Liêu.

Hiện Sở VH-TT&DL đang đánh giá hiện trạng để tu bổ ngôi nhà, đồng thời xem xét đề nghị Bộ VH-TT&DL cấp một danh hiệu du lịch và cấp chứng nhận nhà cổ.

T.CƯỜNG

21/04 BBC giới thiệu du lịch “bụi” Việt Nam

Thứ Năm, 21/04/2011, 14:19

TTO - Những ai thích phiêu lưu, khám phá thiên nhiên và không quản ngại vất vả hẳn sẽ rất muốn rong ruổi bằng xe đạp, xe máy trên những cung đường tuyệt đẹp ở mọi miền Việt Nam hay thả hồn theo dòng nước trong vắt ở các vịnh, sông và biển đảo.


Gợi ý các kiểu du lịch “bụi” lý tưởng ở Việt Nam, BBC cho rằng những khu rừng rậm rạp, núi non trập trùng, vách đá cheo leo, sông ngòi bất tận… là cảm hứng cho những hành trình thú vị ở đất nước hình chữ S.

Rong thuyền kayak trên vịnh Hạ Long

Đi thuyền kayak trên vịnh Hạ Long - Ảnh: Halongluxuryjunks

Sử dụng thuyền kayak sẽ giúp bạn tiến vào vô số hang động tuyệt đẹp trên vịnh Hạ Long - nơi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vừa khua mái chèo, vừa tận hưởng vẻ đẹp của trời mây non nước, bạn sẽ có một chuyến dã ngoại không thể nào quên.

Khách du lịch cần chú ý thời gian nước rút và lên để có chuyến đi an toàn.

Leo lên đỉnh Phanxipăng

Hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên đường lên đỉnh núi Phanxipăng - Ảnh: TTO


Dù không phải đỉnh Everest, độ cao 3.143m của Phanxipăng cũng kích thích những người muốn chinh phục thử thách. Đây là đỉnh núi cao nhất của Việt Nam trong dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).

Được ngắm mây trắng bồng bềnh ôm quanh các đỉnh núi, rừng đỗ quyên rực rỡ, suối nước trong veo… sẽ khiến bạn quên đường xa mệt mỏi.

Khám phá vùng núi phía Bắc bằng xe máy

Trên một cung đường Tây Bắc - Ảnh: Tiếu Phong 


Cảnh núi non trập trùng, những cung đường quanh co mềm mại của vùng núi phía Bắc Việt Nam thật sự ngoạn mục và khó có phương tiện phiêu lưu nào sánh bằng xe máy nếu bạn là dân “phượt” thứ thiệt.

Dừng lại để ngắm các thung lũng mênh mông hay trò chuyện với người dân tộc thiểu số cũng là một phần hấp dẫn của chuyến đi.

Du ngoạn đồng bằng sông Cửu Long

Chợ nổi - Ảnh: Nam Vinh


Nếu muốn khám phá khu vực này, hãy nghĩ đến những con thuyền nhỏ để tận hưởng đầy đủ nhất cảnh đẹp và cuộc sống của người dân trên dòng Mekong.

Lặn biển

Lặn biển khám phá Hòn Mun - Ảnh: Tuổi Trẻ


Sẽ thật thiếu sót khi bạn không thưởng lãm những rạn san hô đẹp ở Nha Trang, Phú Quốc hay Côn Đảo.
Thời tiết ấm áp của miền Nam sẽ giúp bạn lặn biển hầu như quanh năm.

Bay trên mặt biển

Chuẩn bị đua lướt ván diều ở Mũi Né, Phan Thiết - Ảnh: TTO


Nếu thích cảm giác mạnh, bạn có thể đến với dịch vụ lướt ván diều trên mặt biển. Mũi Né (Phan Thiết) là trung tâm của trò chơi này nhưng khá đơn giản - bạn chỉ được bay lên rồi hạ xuống quanh bờ biển.

Khám phá các khu rừng quốc gia

Khám phá vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) - Ảnh: Phùng Mỹ Trung


Rừng ở Việt Nam rất rộng, trong đó có một số khu bảo tồn tự nhiên khá đẹp và có hệ sinh thái đa dạng.
Rừng quốc gia trải từ Bắc vào Nam như Cúc Phương, Pù Luông, Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên…

PHAN ANH (Theo BBC)

25/04 Mùa anh đào phủ trắng xứ Hàn

Thứ Hai, 25/04/2011, 00:00

TTO - Thời điểm trung tuần tháng 4 nếu những con đường ở Nhật Bản đang ngập tràn màu hồng thắm thì ở xứ sở Cao Ly cũng trắng xóa màu hoa anh đào. Anh đào trắng là hình ảnh quen thuộc mỗi khi xuân về trên đất nước Hàn Quốc. 

Dù sắc hoa anh đào đã có ngay từ tháng 1 ở vài nơi nhưng phải đến giữa tháng 4 mới là lúc anh đào khoe sắc đẹp nhất và quyến rũ nhất


Ai cũng biết hoa anh đào gắn với hình ảnh nước Nhật, là loài hoa biểu tượng của văn hóa đất nước mặt trời mọc. Cũng bởi thế mà từ sakura (hoa anh đào - trong tiếng Nhật Bản) được người khắp thế giới dùng chung để gọi tên loại hoa chỉ nở vào trung tuần tháng 4 ấy.

Nhưng không chỉ với người Nhật, anh đào cũng là loài hoa thân thuộc và mang nhiều ý nghĩa với người dân xứ Hàn. Tháng 4 luôn có một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân nước này vì đó là mùa hoa anh đào nở. Với người dân xứ sở kim chi, hoa anh đào nở báo hiệu mùa xuân về, màu trắng của hoa anh đào cũng là mùa lễ hội, mùa nghỉ ngơi và du xuân.

Hoa anh đào (trong tiếng Hàn Quốc là 벗꽃/Boetkkot). Đây là loài hoa ngắn ngày, thuộc họ hoa hồng.
Trên thế giới cây anh đào chỉ có ở một số quốc gia trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó anh đào Nhật Bản nổi tiếng với màu hồng và đỏ; anh đào trắng có nhiều ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam cũng có loài anh đào được trồng ở vùng núi Đà Lạt (Lâm Đồng).
Ba năm gần đây, lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội được tổ chức vào trung tuần tháng 4, thu hút hàng ngàn người tới tham gia. Đây là lễ hội hoa anh đào quy mô nhất ở Việt Nam và là hoạt động văn hóa biểu trưng tình hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nhật.

Ở Hàn Quốc, hoa anh đào có nhiều trên những khu đồi, hai bên bờ sông, ven đường phố hoặc công viên, vườn hoa. Hầu như anh đào ở đây đều tự mọc, dễ sống, không cần chăm sóc cầu kỳ như nhiều loài hoa khác. Những năm gần đây khi du lịch phát triển hơn, người ta cũng trồng thêm vào để tạo nên những hàng cây thẳng tắp ven sông hay cả đồi hoa trắng xóa mỗi mùa anh đào nở…

Nếu như người Nhật coi anh đào là biểu tượng của văn hóa tâm linh và tình cảm, thì người Hàn lại coi đó như biểu tượng của cái đẹp, để thưởng ngoạn và quảng bá du lịch.

Trong mùa lễ hội, dưới những hàng cây anh đào phủ trắng màu hoa, các hoạt động văn hóa truyền thống (viết thư pháp, múa võ, ký họa chân dung) và các chương trình vui chơi (như biểu diễn ca nhạc, trẩy hội, chụp ảnh lưu niệm) được tổ chức tưng bừng. Mỗi vùng nam bắc Hàn Quốc đều có lễ hội hoa anh đào đặc trưng.

Đầu tiên phải kể đến lễ hội hoa anh đào ven bờ sông Geum từ mồng 9 đến 11-4) tại thành phố Chungnam (cách thủ đô Seoul hơn 100km về phía nam). Điểm độc đáo của lễ hội này là những màn biểu diễn ánh sáng với anh đào vào những buổi tối, trò chơi hoa anh đào, triển lãm ảnh hoa anh đào theo vùng miền...

Lễ hội hoa mùa xuân (Hangang Yeouido Spring flower festival) từ 3-4 đến 18-4 hằng năm ở Yeouido, Seoul là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Mỗi năm lễ hội này thu hút hơn 4 triệu người Hàn và khách du lịch tham gia với sự góp mặt của nhiều loài hoa mùa xuân, đặc biệt là những hàng anh đào ven sông ngập màu trắng xóa.

Phía nam Hàn Quốc nổi tiếng với festival hoa anh đào tại thành phố Jin Hae (thuộc tỉnh Changwon, ven bờ biển phía nam). Đây được xem lễ hội hoa anh đào nổi tiếng nhất xứ Hàn, được tổ chức những ngày giữa tháng 4 khi gần 350.000 cây anh đào đồng loạt nở rộ. Ngoài việc thưởng ngoạn anh đào trong không khí mát lành, ấm áp của mùa xuân, du khách đến lễ hội còn được tham gia các trò chơi vui nhộn và những buổi trình diễn ca nhạc truyền thống…

Ngoài những lễ hội trên, rất nhiều tỉnh ở Hàn Quốc cũng có những chương trình lớn nhỏ gắn với loài hoa anh đào. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã lập ra Ủy ban phát triển lễ hội hoa anh đào để quản lý những lễ hội trong mùa hoa tháng 4 này.

Sau đây là chùm ảnh hoa anh đào do CTV TTO thực hiện tại thành phố Ulsan (phía nam Hàn Quốc).

Anh đào Hàn Quốc được trồng bên hai bờ sông, trong công viên, trường học hoặc ngay trên đường phố


Vào mỗi mùa hoa, các bạn trẻ Hàn Quốc thường cắm trại dưới gốc cây anh đào


Anh đào là loại hoa ngắn ngày, từ lúc chồi nụ đến nở hoa chỉ trong hai tuần


Khác với màu hồng thắm trên đất Nhật Bản, anh đào Hàn Quốc chủ yếu màu trắng. Mỗi khi anh đào nở, cả xứ sở Cao Ly tràn ngập màu trắng xóa lãng mạn


Mỗi mùa hoa anh đào người Hàn thường dạo chơi và chụp ảnh lưu niệm dưới những tán hoa


Trên nền trời xanh, hoa anh đào càng thêm mỏng manh nhưng tuyệt đẹp

NGUYỄN DỊU - Ảnh: SỸ QUÝ