Sunday, June 5, 2011

25/11/2010 Vật vã ước mơ “chân dài”


Thứ Năm, 25/11/2010, 05:17 (GMT+7)
TT - Mong muốn có đôi chân dài khiến không ít người bất chấp mọi gian nan của hành trình kéo dài chi: từ sự đau đớn trải qua cuộc phẫu thuật lớn đến giai đoạn giam mình trong phòng kín, có người phục vụ mọi sinh hoạt để chờ đợi chi căng giãn, lành xương và tháo các thiết bị...
Song không phải ai cũng đến đích với đôi chân hoàn hảo.
Một trường hợp kéo dài chi (do bệnh lý) sau phẫu thuật - Ảnh: N.Hà
Đoạn trường ai hay
Thông thường, kỹ thuật kéo dài chân có thể cho cao thêm hay dài ra 5-15cm, nhưng kéo càng dài thì khả năng biến chứng càng cao. Chiều dài được kéo ra tốt nhất là 5cm, với chiều dài này tỉ lệ biến chứng rất thấp, khoảng 10-15%.
Nguyễn Thanh H. (23 tuổi, Tây Sơn, Hà Nội) tốt nghiệp ĐH loại ưu, nhưng ra trường loay hoay mãi vẫn không xin được việc. Tất cả chỉ vì chiều cao khiêm tốn 1,44m. Nhưng đó là chuyện gần ba năm trước.
Giờ đây H. đã “nhổ neo” lên 1,51m và vừa được tuyển vào làm tại một ngân hàng thương mại trên đường Láng Hạ (Hà Nội). H. tâm sự nhiều nơi cô đăng ký dự tuyển từng trả lời thẳng: “Năng lực là một chuyện nhưng điểm ngoại hình ưu tiên trước hết là chiều cao. Không đạt được mức chỉ tiêu thì bị loại cũng đừng thắc mắc”!
H. chỉ là một trong hơn 300 bệnh nhân được kéo dài chi nhằm tăng chiều cao tại Bệnh viện trung ương quân đội 108. TS Đỗ Tiến Dũng, phó chủ nhiệm khoa chấn thương chỉnh hình tổng hợp - Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội Bệnh viện 108, cho hay nhu cầu kéo dài chân vì lý do thẩm mỹ ngày càng có xu hướng gia tăng trong giới trẻ.
Ngoài những trường hợp tăng chiều cao để đủ tiêu chuẩn làm việc như H., không ít bạn nữ có chiều cao 1,57m-1,58m, nam có chiều cao 1,66m-1,67m cũng tìm đến viện những mong có được đôi chân dài. Nhưng thực tế nhiều người không hình dung hết khó khăn để đến với chiều cao mơ ước nên đành bỏ cuộc giữa chừng. Chuyện các bạn trẻ ban đầu khăng khăng đòi kéo dài cả đùi, cả chân thêm hơn 10cm nhưng chỉ được 1-2cm lại xin thôi diễn ra rất phổ biến.
Có thể biến chứng
T.N.T. (23 tuổi, Hà Nội) còn nhớ một năm trời giam mình trong căn phòng 20m2. Thuê một người phục vụ 24/24 giờ, được cả nhà tạo điều kiện tối đa cả về tinh thần và vật chất, nhưng nhiều lần T. ứa nước mắt vì đau và muốn bỏ cuộc. Quyết định tăng thêm 5cm chiều cao, T. được tư vấn sẽ nằm nhà chừng nửa năm đợi xương lành. Song thực tế cô cử nhân ĐH Kinh tế quốc dân phải chôn chân trong phòng ngót nghét một năm mới được tháo khung cố định ngoài, lại thêm vài ba tháng tập luyện phục hồi chức năng, tập cho cổ chân mềm ra, vuông góc, rồi tập đi đứng nhẹ nhàng...
Vết tích của việc nâng chiều cao đến giờ không chỉ có 16 vết sẹo, mà còn cả đống thuốc giảm đau mẹ T. trang bị cho cô con gái cưng. “Ba tháng đầu sau phẫu thuật phải tự kéo xương mỗi ngày là thời gian kinh khủng nhất. Tôi chỉ nằm trơ ra trên giường, không thể lật mình; các bề mặt cơ thể tiếp xúc với giường như mông, lưng do tì nhiều mà sần sùi, nứt nẻ, nhức nhối”, T. kể. Theo thông tin từ Bệnh viện 108, chi phí cho ca phẫu thuật nâng chiều cao chừng 30 triệu đồng, song theo T., chi phí thực tế không hề nhẹ nhàng, mà “cao hơn rất nhiều”.
Còn T.B.N. (21 tuổi) sau khi nâng chiều cao thêm 7cm đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng nặng ở vị trí một lỗ đinh vừa rút ra. Cô sinh viên ngoại ngữ đã phải bảo lưu kết quả học tập từ năm 2 để theo liệu trình điều trị kéo dài chân đang hốt hoảng đối mặt với vết nhiễm trùng nặng, đe dọa hoại tử.
Theo TS Dũng, công việc chăm sóc chân sau mổ rất nhiều kỳ công, nếu không dễ sinh biến chứng như nhiễm khuẩn chân đinh, kéo nhanh làm xương không vững, va đập ngã bị gãy xương khi đang trong quá trình kéo giãn, biến dạng các khớp lân cận do kéo căng mà bệnh nhân không tập được...
Giảm thời gian liền xương bằng công nghệ tế bào gốc
Mối lo lắng và trở ngại lớn nhất của bệnh nhân có nhu cầu nâng chiều cao là thời gian nằm một chỗ quá lâu, không động đậy, không sinh hoạt bình thường khiến cơ thể bức bối, u uất, mệt mỏi. Mới đây, Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội Bệnh viện 108 đã áp dụng thành công công nghệ tế bào gốc tự thân vào điều trị mất đoạn xương và ngắn chi, khắc phục phần nào trở ngại trên.
Đến tháng 11-2010, phương pháp này thực hiện thành công trên 22 ca (kể cả kéo dài chi, nâng chiều cao và khắc phục tình trạng bệnh lý “chân cao - chân thấp”). Kết quả, chi kéo dài liền xương nhanh hơn rất nhiều, giảm được thời gian bỏ khung cố định ngoài sớm hơn 30-40%. Thống kê trước đây cho thấy quá trình liền xương của bệnh nhân là 39 ngày/cm kéo dài, nghĩa là để tăng 7-8cm thì bệnh nhân phải “hi sinh” gần một năm nằm nhà điều trị. Với việc nối dài chi có tiêm tế bào gốc tự thân, thời gian liền xương rút ngắn chỉ còn 25 ngày/cm kéo dài.
Trên thế giới, ngoài Việt Nam mới chỉ có Nhật Bản áp dụng thành công công nghệ tế bào gốc, nhằm làm tăng nhanh quá trình liền xương cho những ca bệnh phẫu thuật nâng chiều cao.
TS Đỗ Tiến Dũng cũng cho biết viện đang triển khai một phương pháp khác trong phẫu thuật kéo dài chi là đóng đinh vào tủy. Theo đó, đinh bắt phía trong đảm bảo cho xương giãn ra và liền mà không cần đến sự bao bọc liên tục của khung cố định ngoài; giúp giảm 60-70% thời gian bệnh nhân phải sống lệ thuộc vào sự phục vụ của người khác.
NGỌC HÀ

No comments:

Post a Comment