Trước thềm diễn đàn kinh doanh lần hai (21.4 tại White Palace, TP.HCM):
SGTT.VN - Từ thực tiễn kinh doanh, hàng trăm câu hỏi được các nhà điều hành doanh nghiệp đặt ra cho hai diễn giả, TS Vũ Thành Tự Anh, Trần Sỹ Chương và các đồng sự từ hơn 400 doanh nghiệp đăng ký tham dự diễn đàn kinh doanh lần thứ hai về các giải pháp để biến thách thức trước mắt thành cơ hội tồn tại và phát triển; đặc biệt là các vấn đề về chi phí vốn, nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp để có các lợi thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư – thương mại SMC
Doanh nghiệp nặng gánh
Chúng tôi thấy trong năm này khó khăn đẩy về phía doanh nghiệp rất nhiều, rất nặng cho dù Chính phủ đã có những giải pháp tích cực. Thật ra chi tiêu công nhiều đâu phải do doanh nghiệp gây ra, nhưng hậu quả thì doanh nghiệp phải chịu như thắt chặt tín dụng. Trong ngành thép và ximăng, các dự án bị đình trệ, sức tiêu thụ nhà ở giảm. Tín dụng bị cắt giảm mà đòi hỏi doanh nghiệp giữ vững sản xuất, tăng trưởng, nộp ngân sách nhiều hơn thì thật khó. Để đạt được sản lượng như năm 2010 đã là điều cực kỳ khó, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp ổn định để phát triển như năm trước.
Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc công ty TNHH May túi xách Minh Tiến
Luôn trong tình trạng thiếu vốn
Mở rộng phân phối ra các tỉnh đó là cách tốt nhất để tăng doanh số bán lẻ, nhưng chi phí mặt bằng bán lẻ hiện cũng cao. Hiện nay, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn, tự giải quyết bằng cách xem xét điều tiết dòng tiền, giảm tồn kho vật tư cũng như thành phẩm, đốc thúc thu tiền từ các nhà phân phối. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có giải pháp về vĩ mô như nhanh chóng hạ lãi suất ngân hàng xuống để doanh nghiệp có thể giảm chi phí, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ.
Ông Trần Hữu Chinh, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần FIDECO
Muốn tái cấu trúc, khó nhất là nhân lực
Đứng trước những khó khăn, muốn tái cấu trúc các hoạt động, doanh nghiệp phải xác định mục tiêu: tiếp tục phát triển và bền vững. Trong quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp có hai vấn đề cần quan tâm: một là lực lượng lao động, hai là hệ thống. Lực lượng lao động đang rải ra nằm trong các hoạt động của mình. Khi sắp xếp lại hệ thống là coi lại dòng tiền, coi lại đầu tư hiệu quả để quyết định một cách khoa học. Trong việc tái cấu trúc khó nhất là lực lượng lao động vì đời sống con người không dễ gì giải quyết.
Phía Nhà nước, phải kiên quyết chống lạm phát như một cách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là mới giải quyết phần ngọn, gốc vấn đề là chống lạm phát, thì mọi khó khăn sẽ giải quyết dễ dàng hơn. Đôi khi Nhà nước quyết định những vấn đề tỷ giá, lãi suất nhanh quá ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nếu nhà nước có những quyết định liên quan chính sách tài chính, tiền tệ thì nên thực hiện ở thời gian thuận lợi và có mức độ nào đó để doanh nghiệp không bị đột ngột, không phản ứng kịp tình hình.
CÁC NGỌC (GHI)
No comments:
Post a Comment