Friday, June 3, 2011

01/06 Xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo: Cần hiểu “Halal” và “Haram”


▪  HỒNG THOAN
01/06/2011 15:22 (GMT+7)
 
Một sản phẩm thực phẩm được "cộp" dấu chứng nhận sản phẩm Halal.
Hiện số lượng các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo còn quá ít, do các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Theo lý giải của ông Trần Xuân Giáp, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam (HCA), theo tiếng Ảrập, “Halal” là được phép sử dụng và đối lập lại là “Haram” có nghĩa là bị cấm.

Người Hồi giáo chỉ ăn, sử dụng những gì được chứng thực Halal theo luật Shariah, đây là yêu cầu bắt buộc phải có từ rất lâu của người Hồi giáo. Vì thế, nền công nghiệp Halal rất rộng lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, như sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ sữa, bánh mỳ, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, dược phẩm, nước hoa...

Tại hội thảo "Dấu chứng nhận sản phẩm Halal - Cơ hội xuất khẩu và cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam" do Bộ Công Thương và dự án hỗ trợ thương mại đa biên Mutrap III vừa tổ chức, ông Chu Thắng Trung, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD, theo số liệu được Diễn đàn Halal Thế giới công bố gần đây. 

Còn nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1,2 - 2 nghìn tỷ USD/năm.

Trên thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm khoảng 25% dân số thế giới. Với tốc độ tăng trưởng dân số Hồi giáo khoảng 2,9%/năm thì số lượng tín đồ Hồi giáo sẽ chiếm khoảng 30% dân số thế giới vào năm 2025. Đây là một con số rất ấn tượng đối với ngành công nghiệp Halal thế giới.

Ông Hans Farhammer, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân thương mại, Việt Nam chỉ còn một cách là làm sao giảm nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Bên cạnh việc tận dụng hiệp định thương mại tự do để phát triển sản xuất hơn nữa thì cách để doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu là sản xuất ngày càng phải tinh vi hơn, sản phẩm phải ngày càng cao cấp hơn. Việc đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo.

Ông Trần Xuân Giáp cho biết, người Hồi giáo mua sản phẩm dựa trên 2 nguyên tắc, một là phải có dấu Halal, hai là ngôn ngữ phải thân thiện (phải có tiếng Ảrập). Hiện HCA đang chứng nhận sản phẩm theo hai chương trình, một là in logo trực tiếp trên bao bì sản phẩm, hai là phát hành logo miễn phí cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn trong đó có bán sản phẩm Halal hoặc có dịch vụ Halal.

Chứng nhận sản phẩm Halal có nghĩa là sản phẩm được xác nhận không có các thành phần Haram và đảm bảo sự tinh khiết trong quá trình sản xuất. Dấu chứng nhận này được cấp cho 1 sản phẩm cụ thể hay nhiều sản phẩm cụ thể trong 1 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những yêu cầu rất khắt khe. Trong đó, chọn nguyên liệu là thách thức lớn nhất cho sản xuất sản phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định cấm hàm lượng cồn trong sản phẩm, chỉ có Malaysia chấp nhận ở mức dưới 0,05%, Indonesia chấp nhận ở mức 0,03%, nhưng không được cho trực tiếp vào sản phẩm mà chỉ chấp nhận hàm lượng cồn này phát sinh ra trong quá trình lên men. Ngay cả những nhà cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất cũng phải cam kết những nguyên liệu cung cấp là Halal.

Cộng đồng người Hồi giáo có những phòng thí nghiệm đặc biệt để phân tích và nghiên cứu xem các thành phần trong sản phẩm có Haram hay không, nếu có thì sản phẩm đó sẽ bị toàn bộ cộng đồng Hồi giáo tẩy chay.

Theo phân tích của ông Trần Xuân Giáp thì tự nguyện và tự giác là những nhân tố tiên quyết đối với các doanh nghiệp, bởi bên cạnh yếu tố nguyên liệu của doanh nghiệp khi sản xuất ra sản phẩm phải có tất cả các thành phần Halal thì yêu cầu về độ tinh khiết để sản xuất ra sản phẩm cũng rất tuyệt đối.

Khi đã sản xuất được sản phẩm Halal, để tiếp cận thị trường thành công, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần phải hiểu về văn hóa, giao tiếp của đối tác. Với những nước Hồi giáo chính thống, người Hồi giáo không làm việc vào ngày thứ 6, đặc biệt là sau 12h trưa ngày thứ 6 vì đó là giờ hành lễ tại nhà thờ của tất cả cộng đồng người Hồi giáo.

Một lưu ý quan trọng nữa là người Hồi giáo tuyệt đối không uống rượu bia, nếu đem ra mời sẽ là sự thiếu hiểu biết, không tôn trọng đối tác...

Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - doanh nghiệp đã được HCA trao dấu chứng nhận Halal cho 8 sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, cho biết, dấu chứng nhận Halal là dấu ấn có thể tiếp cận tất cả các thị trường mà người tiêu dùng yêu cầu phải xây dựng được niềm tin với nhà sản xuất. Khi doanh nghiệp đã được chứng nhận sản phẩm Halal thì có thể đưa sản phẩm tới tất cả các thị trường khác trên thế giới.

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ Halal là 1 năm, sau 6 tháng sẽ giám sát một lần, việc đánh giá chứng nhận lại được thực hiện không muộn hơn 1 tháng trước ngày hết hạn, ông Trần Xuân Giáp cho biết.

No comments:

Post a Comment