Cập nhật: 13:29 GMT - thứ sáu, 8 tháng 7, 2011
Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các đối tác có thể mua lại 1,5 tỷ đô la cổ phần của ConocoPhillips ở Biển Đông, hãng Reuters đưa tin.
Hãng tin này trích một tuyên bố của Tổng Giám đốc Phùng Đình Thục nói điều này thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Trước đó có tin một số nhà đầu tư Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mua lại số cổ phần này.
Reuters nói họ không gọi điện được cho các quan chức ConocoPhillips để có phản ứng trong khi một Phó Tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí cũng không nghe điện thoại di động khi BBC gọi tới.
Trước đó ông Thục nói với truyền thông trong nước trong một họp báo mới đây về lý do ConocoPhillips rút khỏi các mỏ đang khai thác: "Nguyên nhân hãng này rút lui có thể do họ đang cơ cấu lại. Cũng có ý kiến cho rằng mỏ này đang trong giai đoạn phức tạp và họ không gia tăng khai thác nữa."
ConocoPhillips sở hữu hơn 23% cổ phần trong tổ hợp năm giếng dầu ở lô 15-1 thuộc bể trầm tích Cửu Long.
Tập đoàn này cũng nắm giữ 36% cổ phần mỏ Rạng Đông tại lô 15-2 và hơn 16% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
'Dồn vốn đầu tư'
Một số nhà phân tích nói một trong những nguyên nhân ConocoPhillips muốn rút khỏi Việt Nam là hoạt động kinh doanh của họ ở đây không tương xứng tầm vóc công ty và họ muốn dồn vốn đầu tư cho các dự án lớn hơn.
Bên cạnh đó, có thể ConocoPhillips đánh giá rằng trữ lượng dầu thô ở Việt Nam không đủ để hãng có cam kết lâu dài trong khi thăm dò ngoài Biển Đông đang phức tạp do tranh chấp lãnh hải.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói họ khai thác được hơn 7,2 triệu tấn dầu thô và 4,7 tỷ m3 khí đốt trong sáu tháng đầu năm, đạt doanh thu 340.000 tỷ đồng so với kế hoạch doanh thu cho cả năm là 640.000 tỷ.
Trước ConocoPhillips, tập đoàn BP của Anh cũng đã thu hẹp hoạt động của họ tại Việt Nam.
Hồi năm 2009, BP tuyên bố rút lui khỏi hai lô 5.2 và 5.3, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại vùng biển này.
No comments:
Post a Comment