Sunday, June 12, 2011

10/06 Tướng Việt Nam phân tích tình hình Biển Đông

10/06/2011
(ĐVO) "Không sợ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền khu vực đó, vừa giữ được hòa khí. Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất", Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện về câu chuyện biển Đông.

>>TQ lộ rõ ý đồ biến biển Đông thành 'ao nhà'


'Người dân Trung Quốc muốn hòa bình'
Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét: “Không phải người dân Trung Quốc bất chấp lẽ phải đâu. Họ cũng muốn hòa hiếu, muốn ổn định, hòa bình”.
Đồng ý kiến này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định: “Tôi tin rằng 1,3 tỷ dân Trung Quốc đều là những người hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tin rằng đa phần lãnh đạo Trung Quốc thiện chí với Việt Nam”.

Vả lại, Việt Nam cũng không thể trông đợi bên ngoài. Phải dựa vào mình là chính. Ta vững thì họ lùi. Đó là quy luật của quan hệ rồi”, thiếu tướng nói.
Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt. Ảnh: TTXVN
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, trong thế giới toàn cầu hóa, Trung Quốc cần một hình ảnh tốt đẹp để phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội...Trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?
 
“Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này. Trên cơ sở nhận thức như vậy, nhưng giải pháp của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và lợi ích cho chính Trung Quốc, và có thể sẽ được hiện thực hóa trong tương lai, tất nhiên nó sẽ vô cùng lâu dài và khó khăn, nhưng phải kiên trì”, Trung tướng Vĩnh nói.


Đuối lý mới phải dùng vũ lực
Tại Hội nghị An ninh Châu Á vừa được tổ chức tại Singapore, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong sự việc tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp. Đại tướng nhấn mạnh việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.
Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á. Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho ai xé rào khỏi luật pháp.
 
Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.
 
Trung tướng Vịnh đánh giá: “có thêm một sự kiện Bình Minh 02 nữa xảy ra thì đây rõ ràng là một hành động leo thang. Thậm chí, đó còn là một thông điệp đối với không chỉ Việt Nam mà còn đối với các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
“Điều tôi mong muốn nhất là làm sao người dân hiểu chỉ có dựa vào chính mình mới giải quyết được việc của mình, không thể dựa vào ai để giải quyết được vì đó chỉ là nhân tố bên ngoài. Chúng ta tin rằng có thể giải quyết được trong hòa bình và vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ. Quá khó khăn nhưng nếu phân tích dưới góc độ lợi ích, chúng ta hi vọng”, Trung tướng Vĩnh nói.
Chủ quyền trên hết
Thiếu tướng Cương cũng cho rằng, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây hấn, cắt cáp dầu khí là thủ thuật của Trung Quốc để gây hiểu nhầm, và từng bước biến vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp. Hành động này không khác gì việc có anh hàng xóm xấu bụng, chạy sang vườn nhà người ta đào bới, chặt cây, hái quả, sau đó sinh sự để biến cái vườn ấy thành mảnh vườn tranh chấp, Thiếu tướng Cương nhận xét. 
Theo Đại tướng Lê Đức Anh, trước sự cố này, phải đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số 1. Đồng thời, Việt Nam phải giữ hòa hiếu với nhân dân tất cả các nước. 
“Về chuyện Biển Đông, ta phải xem chủ quyền của ta tới đâu. Và chủ quyền các nước trong khu vực tới đâu. Phải đối chiếu lại với quy định của luật pháp quốc tế. Chỗ nào của ta, ta phải giữ.
Trường hợp chúng ta tôn trọng quy định chung mà các nước trong khu vực không tôn trọng, phải đối thoại trước khi đưa ra Tòa án quốc tế.  Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ”, Đại tướng Lê Đức Anh nói.
"Bảo vệ chủ quyền là số 1", Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định. 
Khánh Tường (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment