Saturday, September 17, 2011

17/09 Siết chặt việc đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước

07:47 | 17/09/2011
Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hướng siết chặt việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành nghề và đầu tư vào các lĩnh vực “nhạy cảm” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm...

Nguồn: giaoduc.edu.vn
10% vốn chủ sở hữu cho lĩnh vực nhạy cảm
Theo bản dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, doanh nghiệp có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức quy định trong dự thảo Nghị định này hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 1 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư. Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, doanh nghiệp được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.
Theo quy định cũ (Nghị định 09/2009/NĐ-CP), công ty nhà nước được phép đầu tư ngoài ngành tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.
Ban soạn thảo cho biết: tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao nêu trên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm đều không vượt mức quy định. Tuy nhiên, trong khi năng lực, quản trị của các doanh nghiệp còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa mạnh thì việc siết chặt đầu tư là để các doanh nghiệp nhà nước tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính.
Thay “vốn điều lệ” bằng “vốn chủ sở hữu”
Gần đây, việc các tập đoàn, tổng công ty dựa vào danh “nhà nước” để huy động vốn rồi vung tiền đầu tư dàn trải không còn là chuyện hiếm. Hệ quả là trong một số trường hợp, các ngân hàng trong nước ôm cục nợ xấu khổng lồ; còn đối với các tổ chức nước ngoài thì đã có trường hợp nhà nước phải đứng ra trả nợ thay. Theo Ban soạn thảo, dù tỷ lệ bình quân vốn huy động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2010 mới chỉ bằng 1,5 lần vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, xét từng doanh nghiệp, vẫn còn những tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động trên 20 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vượt mức quy định (năm 2010) là 25% trên tổng số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (24/95). Vì vậy, để các doanh nghiệp được phép huy động đúng với thực lực tài chính tại thời điểm huy động vốn, dự thảo Nghị định quy định: các doanh nghiệp được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số an toàn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn vượt quy định phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải bảo đảm khả năng trả nợ và có hiệu quả.
Về tiêu chí để xác định mức huy động vốn tối đa của doanh nghiệp, trước đây, theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tài chính đối với công ty nhà nước và quy định hiện hành đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các doanh nghiệp được huy động vốn tối đa không quá 3 lần vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí “vốn điều lệ” để khống chế mức huy động vốn có những bất cập. Thông thường, vốn điều lệ luôn cao hơn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng vốn điều lệ để khống chế mức huy động vốn tối đa sẽ làm cho mức dư nợ vay của doanh nghiệp càng vượt xa khả năng thanh toán của doanh nghiệp, trong khi phạm vi trách nhiệm hữu hạn của doanh nghiệp lại là vốn của chủ sở hữu đầu tư tại doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh kém, làm mất vốn nhà nước, sau quá trình hoạt động vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ (hoặc vốn nhà nước), nếu cho những doanh nghiệp này được huy động vốn trên mức vốn điều lệ sẽ không đảm bảo được khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định này lấy tiêu chí vốn chủ sở hữu để khống chế mức huy động vốn của doanh nghiệp.
 Ngày 8.9.2011, bản Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho hay: Có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng. Trong 6 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trên một nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ; Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ; Tập đoàn Điện lực đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…
Lĩnh vực được các doanh nghiệp chuộng rót vốn nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng. Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng…
Báo cáo cũng cho biết, hầu hết các đơn vị đều không đạt giá trị về đầu tư, bình quân chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch. Đáng chú ý là giá trị đầu tư của Tổng công ty Hàng không mới đạt 39% kế hoạch, Tổng công ty Xi măng là 49%, và Sông Đà 59%...
Hải Dương

No comments:

Post a Comment