Friday, October 28, 2011

28/10 Nhận diện những “thủ phạm” gây bất ổn kinh tế

TỪ NGUYÊN
28/10/2011 07:20 (GMT+7)
pictureĐại biểu Quốc hội muốn Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn về năng lực quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

“Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai cũng sẽ bắt nguồn từ chính những ngân hàng yếu kém”.


Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành ủy Đà Nẵng) đưa ra quan điểm như trên khi nói về những bất cập của chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó có việc “đẻ” quá nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua.

Ngân hàng cũng buôn đất

Nhìn nhận của đại biểu Thanh khá đồng nhất với đánh giá của nhiều đại biểu khác trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về thực hiện kinh tế - xã hội 2011, ngày 27/10 cũng như các buổi thảo luận tại tổ trước đó.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh, sau Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương... thì tình hình kinh tế có khá dần lên, song còn nhiều vấn đề vẫn đáng quan ngại; trong đó tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, đồng tiền mất giá, nhập siêu tăng... là những nỗi lo thường trực.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo đại biểu, là nằm ở chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng trước đó và cơ cấu bản thân nền kinh tế còn nhiều bất hợp lý, phát hành, đưa nhiều tiền mặt vào lưu thông, trong khi hàng thì ít đã dẫn đến lạm phát cao. 

Đặc biệt, cơ quan thẩm quyền mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, nâng tổng số lên gần một trăm ngân hàng, trong khi quản lý nhà nước lại tỏ ra yếu kém đã dẫn đến mất kiểm soát. 

“Tôi biết có ngân hàng khi thành lập có vốn khoảng một nghìn tỷ đồng, sau đó họ huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng nữa, rồi nhẹ nhàng rút tiền của mình ra, lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước, từ đó đẩy lạm phát lên cao...”, đại biểu Thanh cho hay.

Thậm chí, có ngân hàng “ôm” mấy miếng đất của mình mua rồi ôm luôn mấy miếng đất của người vay mang đi thế chấp, trong khi thị trường nhà đất thì đóng băng, không bán được thế là nợ xấu tăng lên.

“Báo cáo nợ xấu hiện nay là 75 nghìn tỷ đồng, nhưng tôi cho rằng con số này cũng đáng nghi ngờ vì có thể thực tế còn nhiều hơn. Nguy hơn là trong 75 nghìn tỷ đồng đó thì đã xấp xỉ 50% thuộc loại cực xấu, tức là không còn khả năng thu hồi được”, đại biểu nói tiếp.

Nhiều ngân hàng là vậy, song theo đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An), cử tri ở nông thôn rất bức xúc vì không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Mỗi lần “vác” sổ đi vay thì ngân hàng luôn kêu hết vốn (thật ra là ngân hàng ngại cho vay trong sản xuất nông nghiệp vì tính rủi ro cao).

Hơn nữa, trong một thời gian dài, cùng với một hệ thống ngân hàng “hùng mạnh”, nền kinh tế đã bị rơi vào vòng luẩn quẩn bởi nới lỏng chính sách tiền tệ thì bị lạm phát, còn thắt chặt thì nợ xấu tăng lên, sức mua giảm sút, các nguồn tín dụng đen phát triển mạnh và kéo theo đó là nguy cơ đổ vỡ, sự tăng trưởng có nguy cơ bị đe dọa...

Bởi vậy, theo các đại biểu, Chính phủ cần sớm cải tổ hệ thống ngân hàng, nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp, "làm sao chúng ta diệt được sâu rầy ở những cánh đồng nhưng vẫn giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu".

“Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ là muốn nói đến trách nhiệm của người điều hành, muốn chỉ ra những yếu kém của quản lý nhà nước chứ không phải chỉ là mổ xẻ tình hình”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến.    

Và những "đồng phạm" 

Cùng với những bất ổn của hệ thống tài chính, tiền tệ, nhiều tồn tại ở các lĩnh vực khác cũng được các đại biểu chỉ ra tại phiên thảo luận chiều 27/10.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho hay, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước dù nhận được nhiều vốn, ưu đãi nhưng lại kém hiệu quả. Khối này chiếm tới 60% vốn tín dụng và chiếm 70% vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp khoảng 37 - 38% GDP hàng năm, trong đó khoảng 12% bị thua lỗ, với mức lỗ bình quân gấp 12% so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một “tội đồ” khác cũng góp sức không nhỏ cho những bất ổn của nền kinh tế, theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) là tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, tài nguyên. Nó không những gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia và còn là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tham nhũng, tiêu cực. 

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích để hoang hóa lãng phí là rất nghiêm trọng. Vẫn còn 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục nghìn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 ha đất. Còn tới 3.311 cơ quan, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện 25.587 ha, trong khi các quận nội thành Hà Nội cần ít nhất 1.500.000 m2 đất, Tp.HCM cần tới 4.874.000 m2 đất cho các trường phổ thông, các trường mầm non... 

“Đầu kỳ họp này, tôi có trao đổi với đồng chí Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đồng chí cho biết tại Tp.HCM, đất của rất nhiều cơ quan, tổ chức để hoang hóa, sử dụng sai mục đích với diện tích rất lớn, nhưng thu hồi chẳng được bao nhiêu vì đụng đâu vướng đó”, đại biểu Tiến cho hay.
 
Với thực tế trên, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) mong muốn Chính phủ cần có những phân tích nghiêm túc, sâu sắc hơn về diễn biến tình hình. Bởi, theo đại biểu, thực tế là hiệu quả của nền kinh tế nước ta đang có biểu hiện giảm sút, khi mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010 cao hơn giai đoạn trước nhưng tốc đột tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn, hệ số ICOR lại tăng lên...

Truyền đạt những nhìn nhận, suy nghĩ của cử tri đối với những bất ổn của nền kinh tế, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho biết, dư luận chung hiện đang có một tâm trạng vừa mừng, vừa lo và hi vọng.

Mừng vì trong điều kiện khó khăn trong nước và ngoài nước đang tăng, mà chúng ta đã có kết quả như báo cáo, chúng ta đã có một vị thế được thế giới đánh giá, nhất là giải pháp tình thế là điều đáng mừng. Lo vì đã chỉ đạo rất quyết liệt mà lạm phát vẫn cao, đứng thứ hai thế giới và cách xa các nước trong khu vực. 

Cùng với đó, cử tri cũng hy vọng là Chính phủ sẽ có những đột phá vào những khâu rất quan trọng như thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực... Đặc biệt là dỡ ra rào cản về tư duy nhiệm kỳ, về lợi ít cục bộ, lợi ích nhóm và bệnh thành tích.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) chốt lại: “Tái cấu trúc nền kinh tế và nhiều lĩnh vực khác không phải là vấn đề mới vì Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII đã đề cập khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế cần phải chớp thời cơ. Song tiếc là chúng ta nói sớm, nhưng làm muộn”.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Lee
    09:00 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Những vấn đề gốc đã được chỉ ra. Giải pháp cũng được định hướng. Còn thực hiện thế nào thì chờ Chính Phủ.
  • Minh Mạnh
    08:18 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Nguyên nhân thi ai cũng biết, chỉ có điều giải pháp và hành động thì chưa đáng kể và mạnh mẽ. 

    Đối với doanh nghiệp Nhà nước, nếu đánh giá lại vốn đặc biệt về đất đai do đặc quyền từ lâu nay thì hiệu quả còn thấp đi rất nhiều và đại đa số thua lỗ khi tính đủ khấu hao (trên giá trị tài sản đánh giá) và chi phí, vậy vậy cần phải bán và cổ phần hóa triệt để ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt các doanh nghiệp còn đang có lãi như viến thông, khoáng sản,... để thu hồi vốn cao nhất vào ngân sách phục vụ đầu tư phát triền hạ tầng kinh tế đem lại hiệu quả cao hơn. 

    Đối với đầu cơ đất đai cần định hướng cho thị trường giảm mạnh để hút vốn đầu cơ sang lĩnh vực sản xuất khác, thắt thật chặt dòng tiền đầu cơ bất động sản để ngăn chặn rủi ro nợ xấu gia tăng. 

    Có làm mạnh thì may ra thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn, nói nhiều nhưng chẳng đi đến đâu, khó khăn càng chồng chất.

No comments:

Post a Comment