Thursday, October 27, 2011

27/10 Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

15:20 | 27/10/2011
Hôm nay, 27.10, QH thảo luận ở hội trường về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012. Hầu hết các ĐBQH đều đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp của Chính phủ trong thời gian vừa qua và nhấn mạnh, thời gian tới, ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế để bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội...
ĐBQH Ya Duck (Lâm Đồng): Tăng tỷ lệ bố trí chi đầu tư phát triển cho vùng dân tộc và miền núi
Hiện nay, tỷ lệ bố trí chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách bao gồm chi từ nguồn xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ chỉ đạt từ 25 - 26% là quá thấp so với yêu cầu. Thực tiễn cho thấy KT - XH vùng dân tộc và miền núi nước ta hiện nay còn rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế kém, giao thông và các công trình hạ tầng quan trọng chủ yếu bước đầu đầu tư xây dựng ở mức phục vụ đời sống, sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Do đó đề nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét tăng tỷ lệ bố trí chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi từ nguồn xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ đạt từ 28-30% trong tổng chi ngân sách của nhà nước.
Về hỗ trợ vốn đầu tư phát triển KT - XH, hiện nay các chương trình chính sách, dự án do Trung ương quy định như Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả nhằm thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đối với Chương trình 135 giai đoạn 2 thực tế hiện nay đã kết thúc, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét để tiếp tục ban hành cơ chế chính sách và cân đối ngân sách để tiếp tục cho triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 3, từ năm 2011 - 2015 nhằm phát triển KT - XH tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn...

ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn): Việc thực hiện quy hoạch phát triển KT - XH vùng và của từng tỉnh còn nhiều bất cập
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách đầu tư cho kinh tế vùng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển KT - XH từng vùng. Quy hoạch phát triển KT - XH của từng tỉnh cho cả giai đoạn và hàng năm trong dự toán phân bổ ngân sách Nhà nước cũng đã dành một khoản kinh phí để thực hiện các chủ trương chính sách tại các vùng. Đặc biệt vùng có khó khăn như vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đời sống đồng bào ở các khu vực này đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên sự gắn kết thực hiện quy hoạch phát triển KT - XH vùng và quy hoạch phát triển KT - XH của từng tỉnh còn nhiều bất cập, có lúc còn chồng chéo. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng để bổ sung cho nhau trong khai thác thế mạnh, phát huy tùy tiềm năng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng dàn hàng ngang để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển và thành lập các trường đại học là tương đối phổ biến... Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tôi đề nghị Đảng, Chính phủ sớm đánh giá thực hiện các chính sách quy hoạch phát triển KT - XH của từng vùng để sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách mới cho phù hợp với từng vùng. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển KT - XH của từng vùng với quy hoạch phát triển KT - XH của từng tỉnh trong trung và dài hạn. Tăng cường vai trò của cơ quan có thẩm quyền, chủ trì theo dõi, kiểm tra thực hiện quy hoạch vùng gắn với quy hoạch của từng tỉnh, giúp đỡ để tháo gỡ những xung đột lợi ích giữa các địa phương khi cần thiết. Trong phân bổ ngân sách của từng năm trung và dài hạn, cần quan tâm đầu tư vốn phù hợp để thực hiện quy hoạch phát triển KT - XH vùng, tạo điều kiện cho các vùng, các tỉnh khai thác thế mạnh giữa các địa phương.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, tôi đề nghị mạng lưới an sinh xã hội cần tập trung vào 3 nội dung cơ bản là tập trung cho chính sách an sinh về việc làm và cần trú trọng đầu tư nguồn lực, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Thứ hai, quan tâm điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế cho phù hợp với từng đối tượng theo hướng người dân trong cùng địa bàn đặc biệt khó khăn thì được hưởng như nhau về chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế. Không nên phân biệt giữa các dân tộc trong cùng một địa bàn khó khăn mà người dân cùng sinh sống. Thứ ba, rà soát lại chính sách hỗ trợ cho các nhóm bảo trợ xã hội, chính sách đối với hộ nghèo, huyện nghèo.

ĐBQH Mai Hữu Tín (Bình Dương): Nên đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân trong thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH
Cử tri và doanh nghiệp nói chung vui mừng trước những thành tựu đã đạt được và tin tưởng vào khả năng điều hành của Chính phủ. Chúng tôi cũng tin rằng Chính phủ nhận thức được chính xác những thách thức đã và đang đặt ra với đất nước, với nền kinh tế và đang có các giải pháp phù hợp để có thể sớm thoát khỏi các khó khăn hiện tại và tiếp tục phát triển ổn định hơn, bền vững hơn.
Hướng về tương lai tôi không lạc quan lắm với tình hình kinh tế thế giới sắp đến và triển vọng tăng trưởng. Bất ổn xảy ra ở nhiều nơi, các chuyên gia kinh tế của các định chế tài chính lớn gần đây đã nhận định rằng thế giới khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kép. Cơ may tăng trưởng của chúng ta trong thời gian gần với tình hình của các thị trường chính như vậy theo tôi khá mong manh.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng tạo việc làm lớn nhất của nước ta đã phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt 3 năm qua và đặc biệt trong năm nay. Đã có rất nhiều phân tích về việc này. Chúng tôi chỉ mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Do vậy dù hiểu rằng một trong những lý do Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm, nhưng theo tôi việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó, để làm được việc này mà mức tăng trưởng không đạt 6% theo tôi đã là thành công.
Về xã hội, việc nước ta đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ là một thành công rất lớn và người dân rất cảm kích với các cố gắng đầu tư của Chính phủ. Nhưng chất lượng cuộc sống ở một số mặt đã giảm sút là một thực tế phải nhìn nhận, an toàn của người dân trên đường đi, trong công việc, trên bàn ăn và ngay trong ngôi nhà của mình cả về mặt môi trường và an ninh đã trở thành nỗi lo thường trực... Chúng ta xác định chính quyền của chúng ta là của dân, do dân, vì dân. Nhưng hiện nay chưa có một chỉ số cụ thể để đo lường việc này. Tôi kiến nghị QH đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm. Việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó. QH có thể đưa ra tiêu chí cần thiết để việc điều tra này đem lại được những số liệu cần thiết, cụ thể, giúp các cơ quan quyền lực điều chỉnh pháp luật và chính sách hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả xã hội.

ĐBQH Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng): Chỉ tiêu tăng trưởng GDP như vậy là hợp lý
Tôi đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 là 6%, giai đoạn năm 2011 - 2015 là 6,5 - 7%. Chỉ tiêu này là phù hợp với thực tế và phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng trưởng hợp lý, chú trọng chất lượng tăng trưởng. Tôi cũng đồng tình với việc bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm và hàng năm, như năng suất lao động xã hội, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ đổi mới công nghệ, nhân tố năng suất tổng hợp góp vào tăng trưởng như đề xuất của Chính phủ. Đây là những chỉ tiêu để phấn đấu để đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đây là giai đoạn vừa phải tập trung nguồn lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, vừa phải đẩy mạnh CNH - HĐH để tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế trong khi dự báo trong thời gian tới tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới còn tiếp tục khó khăn phức tạp, diễn biến khó lường trong điều kiện chúng ta phải thắt chặt tài khóa tiền tệ tín dụng, giảm tỷ trọng đầu tư công kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu... Vì vậy đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt, thận trọng, kiên quyết kịp thời trong chỉ đạo điều hành theo đúng mục tiêu giải pháp, lộ trình đã được xác định; tăng cường khả năng dự báo tình hình thế giới và trong nước, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa việc tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược với việc thực hiện CNH - HĐH. Việc tái cấu trúc nền kinh tế cần chú ý làm rõ thêm ưu điểm, nhược điểm của việc tái cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực trước khi xây dựng các chương trình đề án tái cơ cấu, có như vậy mới có thể có những phương án tái cơ cấu phù hợp, qua đó phát huy được hiệu quả của ngành, lĩnh vực sau khi tái cơ cấu...
ĐBQH Lê Phước Thanh (Quảng Nam): Tập trung đầu tư cho đào tạo lao động, phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng khoa học, công nghệ
Chúng tôi thống nhất cao với mục tiêu tổng quát năm 2012 đó là phải ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế để bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Vấn đề thứ nhất là thực hiện mục tiêu kìm chế lạm phát. Đã nói đến kìm chế lạm phát tất nhiên là  thắt chặt tài chính. Tôi đề nghị hạn chế chi cho tiêu dùng và ưu tiên tập trung chi cho đầu tư phát triển, đây là vấn đề hết sức cần thiết. Do vậy cần rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại danh mục đầu tư công. Thời gian qua, hiệu quả đầu tư công chưa cao, còn mang tính dàn trải thể hiện qua hệ số ICO và các số liệu đã khảo sát. Giai đoạn 1996 - 2000, hệ số ICO là 4,2 lần. Đến năm 2001 - 2005 tăng lên khoảng 5,2 lần và giai đoạn 2006 - 2010 tăng lên 6,1 lần. Như vậy bình quân chung của giai đoạn từ 1996 - 2010, hệ số ICO là 5,6 lần. Nếu so sánh với Đài Loan thì hệ số này là gấp đôi và so sánh với Trung Quốc thì tăng gấp 1,6 lần. Trong đó chưa kể đến nếu tính riêng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước theo số tham khảo thì có thể nói hệ số ICO chiếm tỷ lệ cao nhất.
Vấn đề thứ hai đó là đổi mới nguồn tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Có thể nói, tăng trưởng của Việt Nam phần lớn do vốn đầu tư chiếm khoảng 55%, do lao động chiếm khoảng 20%, do năng suất lao động chiếm khoảng 25%. Do vậy đề nghị tập trung đầu tư cho vấn đề đào tạo lao động, đầu tư cho phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng khoa học, công nghệ. Cần có giải pháp, chính sách đồng bộ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó ưu tiên tập trung giảm tiền lãi vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Nhóm thứ ba là nhóm an sinh xã hội, đề nghị tập trung hỗ trợ cho các huyện nghèo.
ĐBQH Võ Kim Cự (Hà Tĩnh): Chính phủ nên tiếp tục phân công, phân cấp mạnh cho các địa phương
Đối với vấn đề liên kết phát triển kinh tế vùng và liên vùng để tạo chuỗi liên kết các mắt xích các tỉnh trong vùng gắn với cấu trúc nền kinh tế, tôi đề nghị nên xây dựng và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế vùng, các tỉnh trong vùng để cùng khai thác tiềm năng lợi thế dựa vào nhau và chia sẻ những thuận lợi, khó khăn với nhau cùng dùng chung các hạ tầng KT - XH như về giao thông vận tải,  điện, nước và các sân bay, nhà ga, bến cảng... Đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau về nguồn nhân lực như khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh dự báo đến năm 2015 cần khoảng 5 vạn công nhân. Như thế nguồn nhân lực của Hà Tĩnh sẽ chưa thể đáp ứng được mà cần sự trợ giúp của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An và các tỉnh vùng lân cận hoặc phát triển về mô hình sản xuất để liên kết cùng nhau có nguyên liệu nhằm nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn, có chất lượng tốt hơn, đáp ứng với sự cạnh tranh của bên ngoài và giảm thiểu những cạnh tranh không cần thiết. Đồng thời loại bỏ sự cục bộ địa phương và canh tác tư. Chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ tiếp tục phân công, phân cấp mạnh cho các địa phương, có phân công gắn với chuyên môn hóa, hợp tác hóa để tạo ra các vùng kinh tế phát triển động lực.
Về chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, đây là vấn đề rất quan trọng và chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Xây dựng nông thôn mới vừa có ý nghĩa chiến lược về KT - XH cả trước mắt và lâu dài, vừa cấp bách, vừa cơ bản. Thời gian qua, sự chỉ đạo đã quyết liệt song cần phải có sự đầu tư nhiều hơn của Nhà nước đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vì nơi đây vừa bảo đảm an ninh lương thực, an ninh kinh tế, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần rà soát 16 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án để hỗ trợ, tính toán lồng ghép đồng bộ để loại trừ các yếu tố trùng lặp...
Minh Vân lược ghi

No comments:

Post a Comment