Thứ Hai, 09/05/2011 | 09:49
Phản hồi: 0 | A
Đó là nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 4 và dự báo tháng 5/2011, phát đi hôm 5/5 vừa qua. Theo cơ quan này, bên cạnh những nguyên nhân tiếp tục gây áp lực tăng giá hàng hóa, nhiều yếu tố thuận lợi khác cũng có tác động kìm giữ.
Phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu và giá cả thị trường trong nước, báo cáo cho biết, giá cả một số hàng hoá, nguyên, nhiên liệu trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, gây sức ép tăng giá trong nước.
Cục Quản lý giá cũng lưu ý tác động theo độ trễ và yếu tố tâm lý của việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6/2011, tăng giá xăng dầu và lương tối thiểu (từ 1/5/2011 đối với người hưởng lương ngân sách)...
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ du lịch tăng cao do số ngày nghỉ kéo dài có thể tác động làm tăng giá nhóm hàng đi lại, vận tải hành khách, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, trông giữ xe ô tô, xe máy... Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng một số hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè của người dân cũng tăng trong thời gian này.
Ngoài ra, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được khống chế hoàn toàn và vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh, tác động đến nguồn cung thực phẩm trong nước.
Ở chiều tác động ngược, Cục Quản lý giá cho rằng, tình hình cung cầu hàng hoá cơ bản được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Đây được xem là yếu tố cơ bản giảm áp lực tăng giá.
Cùng với một số chương trình khuyến mãi, giảm giá trong đợt lễ 30/4, 1/5, “một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng được dự báo có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ như thóc gạo, đường, xi măng, thép, phân bón...”, cơ quan này cho hay.
Trong khi đó, tác động từ điều chỉnh chính sách tại Nghị quyết 11 cũng tiếp tục vào thị trường, biểu hiện rõ nét qua tỷ giá USD/VND khá ổn định và đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Đánh giá tình hình cung cầu và giá cả từng mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý giá dự báo, giá gạo thế giới và trong nước tháng 5/2011 sẽ ổn định do dự trữ gạo của Ấn Độ và Trung Quốc rất cao; Philippines, Indonesia, Bangladesh đã nhập khẩu gần đủ lượng dự trữ, trong khi nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam khá lớn.
Ngược lại, giá các mặt hàng thịt, cá trong tháng 5/2011 có thể tiếp tục đứng ở mức cao do tốc độ tái đàn còn chậm, chi phí đầu vào tăng, yếu tố tâm lý bị tác động bởi giá điện, giá xăng dầu tăng và tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra trên diện rộng. “Có hiện tượng hút hàng sang Trung Quốc làm cho nguồn cung giảm”, Cục Quản lý giá lưu ý thêm. Riêng các loại rau củ quả cơ quan này dự báo giá cả có thể sẽ ổn định.
Với mặt hàng đường, khả năng giá giảm cũng được Cục Quản lý giá tính đến. Cơ sở cho dự báo này là sản lượng vụ ép năm nay có thể đạt 12,2 triệu tấn mía, tương đương với khoảng 1,146 triệu tấn đường sản xuất, cao hơn vụ trước 200 nghìn tấn.
“Cộng thêm lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam tràn sang và lượng đường nhập khẩu về cho các nhu cầu không phải thương mại, đang tạo sức ép đẩy giá đường trong nước tiếp tục giảm xuống”, cơ quan này cho hay.
Đáng chú ý, giá xi măng và thép tháng 5 được dự báo sẽ ổn định so với tháng 4/2011 hoặc có thể giảm nhẹ. Sau khi tăng giá mạnh vào đầu tháng 4/2011 do tác động tăng từ một số chi phí đầu vào sản xuất xi măng, sang tháng này, cầu giảm có thể gây sức ép ổn định giá mặt hàng này.
Trong khi đó, giá phôi thép thế giới cũng đang ổn định, giá thép thành phẩm trong nước tháng 5/2011 có thể chững lại hoặc giảm nhẹ do nhu cầu thép giảm khi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được thực thi, khiến nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm, Cục Quản lý giá nhìn nhận.
Với mặt hàng đang được quan tâm nhiều thời gian gần đây, xăng dầu, báo cáo dẫn nguồn phân tích của hãng thông tấn Reuters cho rằng, giá xăng dầu thế giới chưa thể giảm so với hiện tại và có thể sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng.
Cùng quan điểm nhận định, xu hướng giá khí hóa lỏng LPG cũng được dự báo có thể tăng nhẹ trong tháng này do chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, thiên tai…, trước khi có thể giảm trong các tháng hè tiếp theo.
Do giá một số loại thuốc nhập khẩu đã tăng từ 4-7% nhưng Bộ Y tế chỉ đạo và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thực hiện lộ trình điều chỉnh tăng giá dần dần, Cục Quản lý giá cho rằng thị trường dược sẽ tương đối ổn định, giá còn ở mức cao với một số ít loại thuốc có thể tăng trong biên độ hẹp.
Diệu Hương
TBKTVN
No comments:
Post a Comment