Tuesday, May 10, 2011

07/05 Chủ tịch ADB: Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát

Thứ Bảy, 07/05/2011 | 07:28

Phản hồi: 1 | A


Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda khẳng định như vậy trong cuộc họp báo quốc tế ngày 6-5 tại Hà Nội

Tại cuộc họp báo quốc tế kết thúc hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Hà Nội ngày 6-5, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB, cho biết lạm phát là một thách thức đối với nhiều quốc gia và nghiêm trọng đối với một số quốc gia trong khu vực.

“Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nghị quyết có 6 điểm để kiềm chế lạm phát, bao gồm cả chính sách tài chính và tiền tệ. Tôi đánh giá đây là những biện pháp phù hợp. Việt Nam có một nền kinh tế mở cửa nên sẽ phải chịu tác động bên ngoài, đặc biệt là giá lương thực, tiêu dùng và dầu đang tăng. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các chính sách, tôi tin rằng sẽ kiểm soát được lạm phát, tuy có thể mất nhiều thời gian” - ông Kuroda phân tích.

Chủ tịch Kuroda cho biết Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB đã thành công tốt đẹp với trọng tâm thảo luận về nhiều chính sách định hướng trung và dài hạn cho khu vực, tập trung vào phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết sắp tới, ADB sẽ hướng ưu tiên vào “năng lượng xanh” bằng cách dành 2 tỉ USD để hỗ trợ chương trình phát triển nguồn năng lượng này.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda phát biểu tại Hội thảo thường niên ADB lần thứ 44. Ảnh: TTXVN

Các vấn đề chính được đưa ra thảo luận bao gồm giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, cơ sở hạ tầng và khả năng liên kết, biến đổi khí hậu, cũng như làm thế nào để châu Á-Thái Bình Dương có thể bảo đảm được một tương lai thịnh vượng trong những thập kỷ tới.

Theo ADB, giá hàng hóa tăng cao kỷ lục hiện đang đẩy hàng triệu người quay lại dưới ngưỡng nghèo đói 1,25 USD/ngày. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng ở châu Á - Thái Bình Dương đang làm trầm trọng hơn vấn đề phát thải carbon của khu vực. 3,3 tỉ người sẽ bị ảnh hưởng nếu các vấn đề này cùng với sự tăng dân số không được giải quyết triệt để.

Theo báo cáo của ADB về châu Á, nếu giải quyết tốt các vấn đề của mình thì vào năm 2050, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể chiếm tới một nửa nền kinh tế toàn cầu, so với tỉ lệ 1/4 hiện nay. Ông Kuroda nhấn mạnh vai trò của Việt Nam tại hội nghị: “Nhiều đại biểu đã quan tâm tới Việt Nam, chính phủ đã cung cấp cho chúng tôi một sự hỗ trợ tuyệt vời để tổ chức thành công hội nghị. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy được sự hiếu khách của người dân Hà Nội” - Chủ tịch ADB nhận xét.

Hội nghị thường niên lần thứ 45 của ADB sẽ được tổ chức tại Manila, Philippines.

Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng có vai trò quan trọng

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, ảnh hưởng ngày càng gia tăng từ nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cũng cần được thể hiện trong việc thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế, theo đó, khu vực này đảm nhận vai trò và trách nhiệm lớn hơn đối với sự ổn định tiền tệ và kinh tế toàn cầu. Hội nghị lần thứ 44 tổ chức ở Hà Nội thu hút nhiều đại biểu đến từ nhiều nơi trên thế giới, cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực quan trọng đối với thế giới. Với khoảng 4.000 đại biểu, hội nghị đạt kỷ lục về số người tham dự.

Bích Diệp

NGƯỜI LAO ĐỘNG

No comments:

Post a Comment