Thứ Sáu, 06/05/2011 | 09:23
Phản hồi: 1 | A
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhận định, do nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư vào Hà Nội nên thành phố phải có chính sách lựa chọn chặt chẽ, tất yếu có phàn nàn về cơ chế.
Tại cuộc họp chiều 5/5, của Ban chỉ đạo chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế thủ đô, nhiều lãnh đạo các sở, ngành đã mổ xẻ nguyên nhân kinh tế thủ đô chưa phát triển xứng với tiềm năng và chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2010 bị tụt hạng tới 10 bậc so với năm 2009.
Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh mà VCCI đưa ra là một so sánh đã được thừa nhận nên không thể ngụy biện. Tuy nhiên, chỉ số này không phản ánh sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Hà Nội có rất nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư, khác với các tỉnh khác thường phải trải thảm đỏ mời gọi. Do vậy, thành phố phải đưa ra cơ chế chính sách chặt chẽ như đấu thầu, đấu giá các dự án, yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính...
"Mười doanh nghiệp vào đầu tư thì chỉ có một doanh nghiệp được chấp thuận thì tất yếu các doanh nghiệp kia sẽ không hài lòng với Hà Nội", ông Thảo nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch thành phố cũng thừa nhận chưa phát huy được hết tiềm năng để phát triển kinh tế thủ đô, điểm yếu nhất là tỷ lệ lao động có chất xám chưa được sử dụng hiệu quả, hiệu quả sử dụng đất và đầu tư chưa cao, năng suất lao động còn thấp do vậy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị tụt hạng… Thời gian tới, thành phố sẽ phải tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.
Ông Nguyễn Minh Phong, đại diện Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, cũng cho rằng, Hà Nội mất điểm do thiếu đất đai, tất yếu không thể ưu tiên các doanh nghiệp bất kỳ, thành phố phải lựa chọn các doanh nghiệp đảm bảo khả năng, có tiềm lực… Tuy nhiên, để tăng chỉ số cạnh tranh, thành phố cần minh bạch, tăng thông tin của các sở ngành, cải cách hành chính và hợp tác chặt chẽ với VCCI để cơ quan này có cái nhìn toàn diện hơn.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra các nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của kinh tế Hà Nội đạt thấp. Nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo điều hành của thành phố trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chính quyền địa phương thiếu năng động, thậm chí trì trệ, chưa theo kịp yêu cầu chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cấp, ngành còn đùn đẩy, né tránh việc khó, xử lý trách nhiệm thiếu kiên quyết...
Nguyên nhân khách quan là khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, phức tạp, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ.
Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 12-13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 82-86 triệu đồng, 100% cơ sỏ sản xuất áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị thiết bị xử lý chất thải, tất cả khu công nghiệp có khu xử lý nước thải…
Mục tiêu của thành phố là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao và ổn định trên cơ sở nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội – môi trường. Hà Nội mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế có trình độ phát triển cao của vùng và cả nước, gắn với phát triển kinh tế tri thức đi đầu cả nước.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại kinh tế thủ đô không đạt được chỉ tiêu đã đề ra, khi mà GDP trong 3 tháng đầu năm 2011 mới đạt 9%.
Theo ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương, Hà Nội hiện có 35 sản phẩm chủ lực, song chưa có giá trị công nghiệp cao xứng với tiềm năng. Do vậy, thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho các sản phẩm mũi nhọn này, để tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, hiện có 45 cụm công nghiệp song chỉ có 4 cụm có khu xử lý nước thải, do vậy, yêu cầu đặt ra trong 5 năm tới là tất cả khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải là khá khó khăn. Một số khu công nghiệp không quy hoạch khu xử lý nước thải nên khó buộc doanh nghiệp đầu tư hạng mục này.
Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Huy Tưởng cũng đồng tình việc đầu tư mạnh hơn cho các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm mũi nhọn. Ông Tưởng cho rằng, các đơn vị sản xuất bóng đèn rất muốn đổi mới công nghệ song không có tiền đầu tư, do vậy, thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đặt mục tiêu cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các giải pháp kế hoạch đưa ra trong 5 năm phải rõ nét hơn.
Một số ý kiến khác nêu ra là cần phải tăng hiệu quả quản lý nhà nước, công khai hóa các cơ chế, minh bạch các chính sách, để phấn đấu phát triển kinh tế bền vững.
Đoàn Loan
VNEXPRESS
No comments:
Post a Comment