Tuesday, May 10, 2011

09/05 Tăng trưởng Việt Nam cần động lực mới nào?

Thứ Hai, 09/05/2011 | 08:50

Phản hồi: 0 | A


Sau phiên họp bàn về những động lực mới cho tăng trưởng của khu vực châu Á thập kỷ tới, trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội tuần qua, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với một số diễn giả bên lề hội nghị.

Nếu không có tư nhân thì khó thành công

Một trong những thông điệp chính mà ADB đem đến hội nghị lần này là nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á rất lớn, đồng nghĩa với cần đến nguồn vốn khổng lồ. Theo chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, từ nay đến 2020, châu Á – Thái Bình Dương cần khoản đầu tư khoảng 750 tỉ USD mỗi năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng, cả phần cứng và phần mềm, tương đương tổng số vốn cần ở mức 8.000 tỉ USD.

Phát triển cơ sở hạ tầng rõ ràng là một trong những động lực phát triển cốt yếu của khu vực, nhưng chủ tịch ADB cũng khẳng định, “Chính phủ không thể làm một mình trong việc phát triển này”.

Với tư cách giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Anoop Singh cho rằng, thách thức lớn của khu vực chính là tìm nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng. Các nước cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, để chung tay với Chính phủ. Nếu không làm được điều đó thì sẽ khó thành công.

Với Việt Nam, ông Changyoung Rhee, chuyên gia kinh tế trưởng, ban Nghiên cứu và kinh tế của ADB nói, thời điểm này Việt Nam cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất (hạ tầng cứng), được coi là động cơ chính cho tăng trưởng của các nước trong thập kỷ qua.

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn chưa định dạng được phát triển cơ sở hạ tầng. Việc Chính phủ chỉ chọn một ngành công nghiệp và đầu tư trong thời gian dài có thể là sai lầm.

Theo ông Rhee, Việt Nam phải chú ý đến chất lượng cơ sở hạ tầng, đến chất lượng đầu tư ở lĩnh vực này. Muốn vậy, chính phủ cần thu hút được nguồn vốn của tư nhân tham gia cùng, hay còn gọi là mô hình hợp tác công tư (PPP). Đó có thể coi là một thách thức của Việt Nam.

Góp ý về vấn đề này, bà Tao Wang, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư UBS AG nói, kinh nghiệm của Trung Quốc là chính phủ cần phải thúc đẩy mối hợp tác công tư trước, sau đó khu vực tư nhân nhận dạng và tham gia.

Trước đó, khi tham dự hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam (sự kiện mở đầu hội nghị thường niên ADB hôm 3.5), phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng công bố số vốn Việt Nam cần cho đầu tư cho phát triển giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 300 tỉ USD.

Quản trị cũng là một “nút thắt”

Nếu như chuyên gia kinh tế của ADB muốn Việt Nam chú trọng đến cơ sở hạ tầng phần cứng (đường sá, cầu, cảng…), thì đại diện của ngân hàng Standard Chartered lại nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng mềm.

Ông Gerard Lyons, chuyên gia kinh tế trưởng, kiêm trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Standard Chartered đặc biệt lưu ý đến vấn đề kỹ năng của lao động Việt Nam và “sự quản trị đúng đắn” của Chính phủ. Ông Lyons cho rằng, thế giới biết đến Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, chăm chỉ nhưng vẫn là lao động có chi phí thấp, thiếu kỹ năng. Nếu nhìn vào nước láng giềng Trung Quốc, có thể thấy nước này đang hấp thu đầu tư của các công ty quốc tế bằng lao động có kỹ năng. Vì vậy, Việt Nam cần phải chú tâm vào cạnh tranh về mặt này.

Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị, ông Lyons nói, bài học cho Việt Nam là cần học cách lên chính sách của mình phù hợp với nhu cầu trong nước, và tránh chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Theo ông, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rủi ro “thụt lùi” trong tăng trưởng, và chính sách cần được thắt chặt để kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát. Điều này có nghĩa là cần có lãi suất cao hơn, cắt giảm tăng trưởng tín dụng, các biện pháp vĩ mô khôn ngoan để kiểm soát lĩnh vực tài sản (property sector).

Đồng tình với ý kiến này, GS Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế của Nhật Bản, người có hơn mười năm nghiên cứu về Việt Nam cảnh báo, Việt Nam cần chú ý đến dòng vốn lớn từ bên ngoài đổ vào. Với nền kinh tế nhỏ, dòng vốn ODA, FDI, kiều hối… lớn đổ vào rất dễ tạo nên sự bùng nổ về thị trường bất động sản, chứng khoán… Do đó, Chính phủ cần có các biện pháp trung hạn kiểm soát dòng vốn cho “tương xứng”.

Cụm từ “chất lượng quản trị” cũng đã được chủ tịch ADB lưu ý trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên ADB hôm 5.5, khi nói đến khả năng giải quyết các thách thức của châu Á. Theo ông Kuroda, nhiều nước đang phát triển trong khu vực châu Á vẫn bị xếp thứ hạng thấp trong quản trị, và điều này cần phải cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng của khu vực. Chủ tịch ADB cũng đề cập đến thay đổi định hướng xuất khẩu là một động lực mới cho tăng trưởng của châu Á.

Và ông Lyons đã phân tích khá thú vị với trường hợp của Việt Nam. Thời điểm này, với đặc trưng là nền kinh tế ở giai đoạn đầu của phát triển so với các nước khác ở Đông Á, Việt Nam vẫn hưởng lợi từ định hướng xuất khẩu với lao động chi phí thấp.

Tuy nhiên, theo ông, về dài hạn, nếu Việt Nam chỉ dựa vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng thì độ mở của nền kinh tế sẽ khiến Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn, trước các cú sốc bên ngoài và phải phải trải qua tăng trưởng không ổn định.

Điều này có nghĩa là, Việt Nam, cũng như các nước châu Á khác, cần nhận thức rằng “một cỡ thì không vừa cho tất cả”. Tăng trưởng không chỉ dựa vào xuất khẩu, mà phải có sự cân bằng với nhu cầu trong nước. Điều đó sẽ giúp châu Á phát triển bền vững hơn.

Việt Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

No comments:

Post a Comment