Thứ Sáu, 06/05/2011 | 18:34
Phản hồi: 0 | A
Tại Hội nghị cấp cao về Kinh doanh trong khuôn khổ hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Hà Nội mấy ngày qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nói: “Việt Nam đang phấn đấu để lạm phát năm 2011 xấp xỉ năm 2010, tức là vào khoảng 11,75%”. Tuy nhiên đấy là ước vọng khó có thể thực hiện được.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,32% so với tháng 3 khiến cho mức tăng CPI của 4 tháng đầu năm 2011 lên đến 9,64%. Như thế là lạm phát của 4 tháng đầu năm đã cao hơn 2,64% so với chỉ tiêu 7% cho cả 12 tháng năm nay mà Quốc hội đề ra. So với bình quân 4 tháng của năm trước mức tăng là 13,95%, còn so với cùng kỳ (tháng 4-2010) lạm phát đã tăng lên 17,51%.
Lạm phát ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. |
Vậy làm thế nào để đến tháng 12 năm nay CPI so với tháng 12-2010 chỉ ở mức 11,51%?
Giả như CPI hàng tháng sẽ như nhau trong 8 tháng tiếp theo, từ tháng 5 đến tháng 12, là x%/tháng, thì CPI tính vào ngày 31-12-2011 so với cùng kỳ năm trước sẽ là:
(1+0,964) * (1+x) mũ 8 = 1,1175
Từ đó suy ra (1+x) mũ 8 = 1,0192 hay x ~ 0,24%.
Nói cách khác nếu trong 8 tháng tới, mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,24% so với tháng trước, thì CPI
cuối năm sẽ là “khoảng” 11,75% như Bộ trưởng mong muốn.
Còn nếu CPI không âm trong bất cứ tháng nào và chỉ cần 1 tháng duy nhất nào đó CPI cao hơn 1,92% thì mong ước trên càng khó thành hiện thực.
Hãy xem từ tháng 5 đến tháng 12 năm ngoái sự biến động của CPI ra sao?
Theo Tổng cục Thống kê, CPI của các tháng đó so với tháng trước, theo thứ tự tương ứng là: 0,27% (tháng 5); 0,22% (tháng 6); 0,06% (tháng 7); 0,23% (tháng 8); 1,31% (tháng 9); 1,05% (tháng 10); 1,86% (tháng 11); và 1,98% (tháng 12-2010).
Tức là CPI của 8 tháng ấy so với tháng 4 là: (1+0,027) * ….* (1,0198) = 1,0717. Nói cách khác lạm phát trong 8 tháng đó của năm 2010 là 7,17%.
Nếu 8 tháng tới cũng được như năm ngoái, thì từ 1,0964 * 1,0717 = 1,1750, chúng ta thấy lạm phát năm 2011 (vào tháng 12 so với cùng kỳ năm trước) sẽ là 17,5% chứ không phải 11,75%. Đấy là một con số dự báo cho lạm phát năm nay.
Với việc tăng lương tối thiểu từ 1.5.2011, với giá ga tăng thêm khoảng 8,6% từ 1.5.2011 và sự tăng giá các mặt hàng khác, thì CPI tháng 5 này không thể là 0,22% như năm ngoái, mà ít nhất cũng phải 1,92% hay nói cách khác hy vọng có thể tan như mây khói ngay vào cuối tháng này, chứ đâu cần đợi đến tháng 12!
Lưu ý rằng trong các tính toán ở trên thay vì tính cộng CPI của các tháng chúng ta phải lấy (1+CPI) của các tháng nhân với nhau rồi trừ đi 1 thì mới có kết quả đúng.
Các quan chức có trách nhiệm thường hay nói lạm phát sẽ giảm trong các tháng tới. Đấy là một cách nói mập mờ ám chỉ rằng mức CPI của tháng tới có thể ít hơn CPI của tháng trước nhưng lạm phát vẫn tăng chừng nào CPI còn là một số dương.
Người ta cũng nói đã, hay đang hình thành mặt bằng giá mới và những điều chỉnh giá vừa rồi là do chúng ta “chủ động” làm, nên sau khi đã có mặt bằng giá mới thì giá sẽ ổn định và không còn tiếp tục tăng cao nữa. Có thể thấy gì từ các “lập luận” này?
Thứ nhất, nó khẳng định lại chuyện đã biết từ lâu lắm rồi trong kinh tế học: về cơ bản nhà nước là người gây ra lạm phát và nhà nước có công cụ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu quá đà thì nhà nước cũng bó tay khi vòng xoáy lạm phát đã tự kích.
Thứ hai, “lập luận” kiểu này có lẽ không phải những tính toán bài bản, chẳng cao siêu gì.
Một trong không nhiều nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ sức mạnh của đồng tiền quốc gia. Để cho lạm phát tăng cao, tức là sức mạnh của đồng tiền quốc gia suy yếu, là ngược lại hoàn toàn với nhiệm vụ chính của nhà nước. Thế nhưng vẫn có các “cố vấn” khuyên chấp nhận lạm phát để có tăng trưởng. Thậm chí người ta còn đặt ra mục tiêu lạm phát 7% cho suốt 5 năm tới. Đấy là mức rất cao, chứng tỏ có sự chưa hiểu biết. Và chính tư duy lệch lạc như vậy khiến cho lạm phát tuột khỏi tầm tay, gây khó khăn cho hàng chục triệu người, nhất là những người nghèo. Và vì thế không bao giờ được lơ là với lạm phát, đấy là một nhiệm vụ chính của nhà nước.
Nguyễn Quang A
LAO ĐỘNG
No comments:
Post a Comment