Chủ Nhật, 08/05/2011 | 10:28
Phản hồi: 0 | A
Đập thủy điện trên sông Mêkông:
Nguy cơ đối với thủy sản biển ĐBSCL
Các đập thủy điện trên sông Mêkông không chỉ gây tác động đối với thủy sản nội địa mà còn ảnh hưởng đến vùng ven biển ĐBSCL, làm giảm năng suất thủy sản biển và tạo ra những ảnh hưởng dây chuyền về kinh tế xã hội. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc.
Trong các vùng biển của cả nước, ngư trường thuộc ĐBSCL có sản lượng cao nhất, giàu có nhất, dù chiều dài bờ biển chỉ khoảng 736 ki lô mét, chưa tới một phần tư tổng chiều dài bờ biển cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng đánh bắt thủy sản biển của vùng ĐBSCL năm 2009 là 606.500 tấn, gần bằng tổng của ba vùng Đông Nam bộ, Trung và Bắc Trung bộ, và đồng bằng sông Hồng cộng lại, và gấp gần 8 lần sản lượng thủy sản biển của vùng đồng bằng sông Hồng (77.900 tấn). Theo thống kê năm 2008, toàn bộ khu vực ĐBSCL có 25.000 tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có khoảng 6.000 tàu đánh bắt xa bờ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL liên tục tăng từ 1,2 tỉ đô la Mỹ năm 2003 lên 4,2 tỉ đô la năm 2009. Hiện nay, thủy sản của ĐBSCL đã có mặt trên 130 quốc gia trên thế giới.
Ngành đánh bắt thủy sản biển còn tạo ra một số ngành công nghiệp và dịch vụ “ăn theo” khác như chế biến, vận chuyển, thương mại, và cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn cho ngành nuôi thủy sản. Hệ thống cảng cá ở Kiên Giang có quy mô lớn nhất nước. Sự trù phú về hải sản của ĐBSCL chính là nhờ vào nguồn dinh dưỡng của sông Mêkông tải ra hàng năm.
“Bộ lông cánh” của lưu vực sông Mêkông
Xét về mặt sinh thái, lưu vực sông Mêkông không phải kết thúc ở cửa sông. Khi dòng sông đổ ra biển, một vùng nước đặc thù được tạo ra, gọi là vùng “plume”, tạm dịch là “bộ lông cánh” của lưu vực sông Mêkông mở rộng ra biển. Năng suất thủy sản trong vùng “bộ lông cánh” này phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng do sông Mêkông tải ra hàng năm với một lưu lượng nước trung bình đổ ra biển Đông khoảng 475 tỉ mét khối, thấp nhất vào tháng 5 và cao nhất vào tháng 10.
Tuy nhiên, ngoài những tác động do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác quá mức, mất rừng ngập mặn, thì sự trù phú của ngư trường ĐBSCL đang gặp phải một mối đe dọa mới, đó là các đập thủy điện trên sông Mêkông. Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (báo cáo SEA) của Ủy ban sông Mêkông (MRC) cho rằng năng suất sinh học sơ cấp của vùng ven biển ĐBSCL sẽ giảm do sự giảm dinh dưỡng sông tạo ra, kéo theo là sự suy giảm của ngành đánh bắt hải sản và các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc ngành này. Theo báo cáo SEA, sản lượng hải sản của vùng biển ĐBSCL phụ thuộc vào khoảng 16.000 tấn dinh dưỡng bám vào phù sa bồi lắng ở vùng nước nông ven thềm lục địa của ĐBSCL và đây chỉ mới là con số ước lượng thấp và dè dặt.
Vấn đề được đặt ra là năng suất thủy sản vùng ven biển ĐBSCL bị ảnh hưởng như thế nào và bao nhiêu bởi các đập thủy điện đã và dự kiến sẽ xây dựng trên dòng chính sông Mêkông.
Kinh nghiệm thế giới
Sự ảnh hưởng của đập thủy điện trên sông lên năng suất thủy sản biển đã được biết đến từ lâu và ở nhiều nơi trên thế giới. Theo báo cáo của A.A. ALEEM đăng trên Marine Biology và được trình bày tại hội nghị khoa học “Sự tác động của con người đối với biển”, tổ chức vào tháng 9-1970 ở Tokyo, việc xây dựng đập Aswan ở Ai Cập và sự ngưng dòng chảy lũ của sông Nile từ năm 1965 (35 tỉ mét khối hàng năm) ra biển Địa Trung Hải, đã gây ảnh hưởng lên vùng nước ven biển của đồng bằng sông Nile và năng suất thủy sản vùng nước lợ của các hồ ven biển.
Hàm lượng dinh dưỡng đã giảm đáng kể trong các vùng nước này; phiêu sinh thực vật liên quan đến nước sông Nile đã biến mất và sản lượng đánh bắt cá trích đã giảm đột ngột từ 15.000 tấn năm 1964 xuống 4.600 tấn trong năm 1965, đến 554 tấn vào năm 1966. Sự giảm chất dinh dưỡng, giảm chất hữu cơ, và sự lắng đọng bùn và phù sa cũng ảnh hưởng đến sinh vật đáy ở thềm lục địa và các hồ nước lợ ven biển. Sự sạt lở bờ biển cũng gia tăng rất nhanh sau khi đập này được xây dựng. Điều này đã dẫn đến hiện tượng biển lấn vào các hồ ven biển, và đòi hỏi phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ bờ biển.
Còn ở Australia, theo số liệu của FAO được trích dẫn trong báo cáo giai đoạn thông tin nền của báo cáo SEA, tổng sản lượng thủy sản nội địa và hải sản của Australia trung bình cho giai đoạn 2005-2007 là khoảng 140.000 tấn/năm. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Kinh tế tài nguyên và Nông nghiệp của Australia năm 2004 thì sản lượng hải sản của Australia vào khoảng dưới 250.000 tấn mỗi năm cho giai đoạn 1997-2004.
Các con số này thấp hơn nhiều so với riêng sản lượng hải sản của ĐSBCL trong khi Australia có bờ biển dài hơn 35.000 ki lô mét chỉ tính riêng phần lục địa chính, gấp gần 50 lần chiều dài bờ biển ĐBSCL. Thậm chí sản lượng hải sản của cả Australia cũng chỉ xấp xỉ bằng sản lượng hải sản đánh bắt của tỉnh Kiên Giang (239.000 tấn vào năm 2000). Sản lượng hải sản thấp của Australia có thể được giải thích là vì phần lớn đất bên trong Australia là sa mạc và có lượng mưa hàng năm thấp nên lượng dòng chảy bề mặt thấp và nghèo dinh dưỡng. Vùng biển của Australia vì vậy cũng nghèo dinh dưỡng và được mệnh danh là “vùng biển sa mạc”, nghèo sự sống.
Trong tương lai, nếu tất cả các đập thủy điện dòng chính Mêkông được xây dựng, lượng phù sa và dinh dưỡng bổ sung cho vùng ngư trường ĐBSCL giảm đi và vùng nước ven biển của ĐBSCL có thể trở thành “vùng biển sa mạc” tương tự như vùng biển của Australia. Sự sụt giảm năng suất thủy sản biển ĐBSCL sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản của Việt Nam nói chung, gây tác động dây chuyền lên các ngành khác, trong đó đời sống ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cần nghiên cứu tác động của thủy điện Mêkông lên sản lượng hải sản ĐBSCL
Các nhà khoa học đều nhất trí rằng việc xây dựng thủy điện trên sông Mêkông, bên cạnh các tác động khác của con người, sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng của vùng biển và vì vậy ảnh hưởng đến năng suất thủy sản. Báo cáo SEA cũng dự báo rằng việc giảm phù sa và dinh dưỡng ra biển tính đến năm 2030 sẽ khoảng 50-75% của mức trung bình hàng năm hiện nay và sẽ có tác động lớn đến sản lượng thủy sản ven biển và ngành đánh bắt và thương mại thủy sản của Việt Nam - một ngành trên đà tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm qua.
Báo cáo này cũng thừa nhận hiện nay sự hiểu biết của khoa học về thủy sản biển của Mêkông còn rất thấp, mặc dù vùng biển này có sản lượng đánh bắt hơn nửa triệu tấn mỗi năm và cho rằng một khi các tác động kinh tế của thủy sản đồng bằng và thủy sản biển được hiểu rõ hơn, thì các con số ước lượng tổn thất sẽ tăng lên đáng kể.
Vùng nước “bộ lông cánh” của sông Mêkông đến nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều như đối với các sông lớn khác trên thế giới như Amazon, Dương Tử và Mississippi. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào được công bố về tác động môi trường, kinh tế xã hội lên vùng ven biển ĐBSCL và đây là một lỗ hổng lớn trong việc đánh giá tác động xuyên biên giới của các đập thủy điện trên sông Mêkông.
Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm nguồn nước, mất rừng ngập mặn, thì các đập thủy điện trên sông Mêkông sẽ có những tác động nghiêm trọng về môi trường và kinh tế xã hội đối với ĐBSCL.
Rất khó có thể nghĩ rằng tác động đối với hệ sinh thái biển và năng suất thủy sản biển từ các đập thủy điện trên sông Mêkông có thể được khắc phục một khi các đập này sẽ được xây dựng. Đây là một thí dụ tiêu biểu của sự tác động vĩnh viễn và không phục hồi được của các đập thủy điện Mêkông. Vì vậy nghiên cứu đánh giá tác động của các đập thủy điện sông Mêkông là cần thiết và cấp bách.
Để đánh giá được các tác động này thì các nghiên cứu về các tiến trình tự nhiên diễn ra ở vùng cửa sông và ven biển cần phải được tiến hành trước hoặc song song. Việc tiến hành các nghiên cứu này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, kinh phí lớn, và thời gian dài, và cần được tiến hành càng sớm càng tốt.
Nếu tất cả các đập thủy điện dòng chính Mêkông được xây dựng, lượng phù sa và dinh dưỡng bổ sung cho vùng ngư trường ĐBSCL giảm đi và vùng nước ven biển của ĐBSCL có thể trở thành “vùng biển sa mạc” tương tự như vùng biển của Australia.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện
TNKTSG
No comments:
Post a Comment