Tuesday, May 10, 2011

09/05 Thuốc đặc trị nào cho 'căn bệnh' nhập siêu?

Thứ Hai, 09/05/2011 | 06:17

Phản hồi: 4 | A


Số liệu chính thức cho thấy nhập siêu bốn tháng đầu năm 2011 đã đạt mức 4,89 tỉ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã tới gần 4 tỉ USD. Những biện pháp từ kỹ thuật tới kinh tế và hành chính đều chưa đạt hiệu quả hạn chế nhập siêu như mong muốn.

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành danh sách 100 mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Đây là một nỗ lực tiếp theo của các cơ quan quản lý sau các biện pháp như: tăng thuế, giấy phép, tỷ giá và cả hành chính nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu trong năm 2011.

Nhập siêu cao càng làm cho bức tranh kinh tế còn nhiều thách thức có thêm những lý do để lo ngại. Tuy nhiên, dù áp dụng rất nhiều biện pháp và nhiều bộ ngành cùng vào cuộc nhưng nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2011 vẫn không giảm mà lại có dấu hiệu tăng. Số liệu chính thức từ Bộ Công thương cho thấy nhập siêu bốn tháng đầu năm 2011 đã đạt mức 4,89 tỉ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã tới gần 4 tỉ USD.

Các sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất là máy móc thiết bị (4,68 tỉ USD), xăng dầu (3,58 tỉ USD), vải (2,1 tỉ USD), sắt thép (1,95 tỉ USD); còn xuất khẩu nhiều nhất gồm dệt may (3,9 tỉ USD), dầu thô (2,4 tỉ USD)...

Đặc biệt, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc cũng có lượng nhập khẩu tăng tới 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam lên tới 14.330 chiếc với tổng trị giá 185 triệu USD.

Nhìn lại những năm gần đây, chống nhập siêu tuy luôn là một nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa bao giờ là một thành công xuất sắc, thậm chí nó luôn là nỗi đau đầu với cả nền kinh tế. Chính vì thế, các chuyên gia và cả nhà quản lý đều thừa nhận chống nhập siêu cần nhưng không hề dễ.

Điểm lại các biện pháp chống nhập siêu hiện nay từ kỹ thuật như giấy phép, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đến kinh tế như tăng tỷ giá, tăng thuế đều chưa mang lại kết quả mong muốn. Thậm chí dù phải áp dụng cả các biện pháp hành chính như hạn chế, cấm nhập, gia tăng các thủ tục... nhưng cuối cùng lượng hàng nhập vẫn tăng ầm ầm.

Trong khi đó, nhìn vào thống kê nhập khẩu và lý giải từ cơ quan chức năng thì nhập khẩu Việt Nam khó giảm ngay vì chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu trong nước chưa có.

Chính vì thế, không phải không có lý do khi một số chuyên gia cho rằng các biện pháp chống nhập siêu hiện nay chỉ có tác dụng rất hạn chế trong một số nhóm hàng chiếm cơ cấu nhập khẩu không quá lớn. Hay nói đúng hơn là chống nhập siêu chưa đúng hướng khi chúng ta chưa làm chủ được phần cơ bản nhất của nhập khẩu là nguyên liệu và máy móc. Thậm chí, ngay trong danh sách 100 mặt hàng hạn chế nhập khẩu có rất nhiều sản phẩm thuộc nhóm nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng... vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Điều này một lần nữa cho thấy, chống nhập siêu không thể trông chờ mãi vào những biện pháp ngắn và có tác động hạn chế như trên trong khi nội lực chưa đủ mạnh còn nhu cầu thì mỗi ngày một tăng lên.

Để chống nhập khẩu thì bên cạnh việc tìm cách hạn chế như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo không thể quên việc gia tăng xuất khẩu và đi cùng đó là tăng cường năng lực sản xuất để thay thế nhập khẩu trong nước.

Biện pháp hạn chế đã nhiều mà chưa hiệu quả, xuất khẩu thì tăng trưởng ngày càng khó hơn thì "địa dư" còn lại là sản xuất để đáp ứng và thay thế nhu cầu trong nước còn rộng nhưng lại tiến chưa nhanh như mong đợi.

Câu chuyện muôn thuở và dễ nhìn thấy là xuất khẩu dệt may nhưng nhập khẩu nguyên liệu lớn, xuất khẩu thô và nhập xăng dầu, bán nông sản thô nhập khẩu về hàng chế biến và đồ tiêu dùng xa xỉ... Trong khi đó, một trong những định hướng lớn nhất để giảm nhập khẩu nguyên nhiên liệu và máy móc - phần lớn nhất của nhập khẩu là phát triển công nghiệp phụ trợ xem ra vẫn còn chậm chạp. Bên cạnh đó, việc gia tăng giá trị từ những mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, hạt điều, cao su... vẫn còn ì ạch. Và như thế thì dù tăng có tăng xuất bao nhiều cũng khó mà bù nhập khẩu.

Nhập siêu là hạn chế cố hữu của nền kinh tế và vì thế không thể hy vọng một vài biện pháp hạn chế để có thể đạt được mục tiêu. Một khi nội lực chưa mạnh thì khó có thể năng được sự xâm lấn của hàng hóa từ bên ngoài. Những biện pháp hạn chế xem ra khó có thể trông chờ dài lâu trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Điều quan trọng là có những biện pháp dài hơi để giải quyết những căn nguyên của "căn bệnh" nhập siêu này.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment