Thành Nhà Hồ được Việt Nam công nhận là di tích quốc gia từ năm 1962. Việc xây dựng hồ sơ để đệ trình UNESCO được khởi động từ năm 2006 và ngày 27/6/2011 vừa qua đã chính thức được công nhận là Di sản văn hoá thế giới tại kỳ họp lần thứ 35 của Uỷ ban di sản thế giới UNESCO (WHC) diễn ra tại Paris, Cộng hoà Pháp. Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc theo lối dinh lũy phòng thủ khi sảy ra chiến tranh. Công trình được Hồ Quý Ly- một ông quan có nhiều thanh thế trong triều Trần cho xây dựng vào năm 1397 ở An Tôn (thuộc hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Thành có hình chữ nhật, chu vi khoảng 3 km vuông, tường bao quanh xây bằng những khối đá hình hộp được mài nhẵn, phẳng, dài từ 2 đến 4m, cao 1m, dày 0,7m. Cổng ghép đá hình vòm, cao 8m. Trong thành có khu dinh thự để vua ngự và xuống chiếu, nay chỉ còn lại những con rồng đá chạy dọc bậc thềm... Từ một ông Quan nắm được nhiều quyền hành tối cao ở triều Trần, tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lập ra vương triều mới: Triều Hồ. Nhà Hồ tồn tại được 7 năm (1400-1407) và dời đô từ Thăng Long về An Tôn, gọi đây là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Trong khoảng 35 năm, Ông đã từng bước tiến hành nhiều cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt, từ chính trị, văn hóa đến kinh tế- xã hội. Trong phạm vi bài viết này, xin dẫn dụ về một số nét về cải cách tiền tệ. Lần đầu tiên trong lịch sử tiền tệ thời phong kiến Việt Nam có chuyện tiêu dùng tiền giấy. Lịch sử tiền tệ của chế độ phong kiến Việt Nam là lịch sử tiếp thu có chọn lọc tinh hoa chế tác đồng tiền kim loại hình tròn- lỗ vuông của nước láng giềng Trung Quốc vốn đã có ảnh hưởng khá sâu đậm qua hàng ngàn năm Bắc thuộc. Khác chăng là các ông Vua Việt lấy biểu trưng niên hiệu, hoặc thời hiệu của mình để đặt tên cho đồng tiền qua mỗi lần phát hành thay vì dùng tên tiền Trung Quốc cùng thời để chứng tỏ tính độc lập của vương triều thông qua tiền tệ. Thế nhưng vào năm 1396 “…mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái, năm thứ 9 bắt đầu phát hành tiền giấy “Thông Bảo Hội Sao”. In xong, hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền…”. (trích Đại Việt sử ký toàn thư). Cũng phải nhắc lại là, năm 1024 ở Trung Quốc đã thấy nói triều đình Bắc Tống phát hành tiền giấy, gọi là “Quan Giao Tử”. Dần dần, “Giao tử” cải thành “Tiền dẫn”, “Hội tử”, “Giao sao” …(xin xem:Lịch sử tiền giấy. http://vi.wikipedia.org). Tuy nhiên, các loại “tiền giấy” này thực chất chỉ như “ngân phiếu”, nó không thay thế hoàn toàn tiền kim loại trong lưu thông tiêu dùng. Do là những “bảo chứng” tiền tệ có mệnh giá lớn nên nó cũng chỉ lưu hành hạn hẹp ở tầng lớp giàu có. Cho đến năm1455 (thuộc triều nhà Minh) loại “tiền giấy” này không còn thấy lưu hành. Việc phát hành tiền giấy thời Hồ có thể xem là dấu hiệu của một “biến cố” bởi sự kiện xảy ra chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Điểm khác biệt căn bản so với nước láng giềng Trung Quốc là Hồ Quý Ly đãquyết định thay đổi dùng tiền kim loại sang tiền giấy. Về hình thức có thể cho rằng “Thông bảo hội sao” là cách phỏng theo “Quan Giao Tử” hoặc “Giao sao” của Trung Quốc … , nhưng về quan niệm tiền tệ thì Hồ Quý Ly đã xem ‘Thông bảo hội sao” là đồng tiền chính thức. Do tiên liệu trước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khép dân chúng tiêu dùng tiền giấy, Hồ Quý Ly cũng đã ban hành các điều luật cực đoan đi kèm, như: Cấm hẳn tiêu tiền kim loại, định tội không tiêu tiền giấy… Cho đến năm 1401, Hồ Hán Thương (con trai thứ của Hồ Quý Ly, nối ngôi vua) còn phải khuyến khích: “… mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng nhưng nộp bằng tiền giấy thì được giảm đi. Thuế đinh cũng tương tự, thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước, nhưng thu bằng tiền giấy thì lại giảm đi…” (sách đã dẫn). Năm 1402, định lại các thuế về tô ruộng, theo đó: ngoài việc dùng các quy định của pháp luật còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho tiền giấy được lưu hành rộng rãi trong dân. Nhưng trong thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, đến nỗi dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng để tránh phạm luật… Nguyên nhân và những hệ lụy của việc phát hành tiền giấy. Chuyện kể rằng, thời Hồ có Nguyên Trừng (con trai trưởng của Hồ Quý Ly)- là người sáng chế ra “thần cơ sang pháo” (súng thần công). Khi nhà Minh Trung Quốc tấn công Việt Nam theo lời thỉnh cầu của hậu duệ họ Trần, bắt được người chế súng cùng nhiều khẩu thần công đem về Trung Quốc, ông không bị giết mà còn được phong là “Tả tướng quốc”. Mỗi lần làm lễ tế súng thần công, quân Minh đều phải tế sống Hồ Nguyên Trừng. Do thời phong kiến, nguồn nguyên liệu đồng luôn khan hiếm, vì vậy, nếu để duy trì đúc tiền kim loại trong hoàn cảnh sáng chế súng thần công cũng đang rất cần một nguồn nguyên liệu đồng to lớn, thì đây quả là một thách thức không nhỏ. Cùng với nguy cơ bị giặc Minh Trung Quốc đe dọa xâm lược, buộc Hồ Quý Ly phải lựa chọn hoặc đúc tiền, hoặc đúc súng. Và ông đã lựa chọn đúc súng. Nếu đây là một trong những nguyên nhân cơ bản thì việc chuyển sang dùng tiền giấy là một quyết định đúng. Chỉ có điều, việc hoạch định chính sách cải cách đó luôn chứa đựng các yếu tố cực đoan, thiếu các cơ sở có tính chất nền tảng để thực thi, khi mà việc phát hành tiền giấy rất khác với tâm lý tiêu dùng thông thường, lại không giống quốc gia nào xét trên bình diện chung của tiền tệ trong khu vực. Những sự thay đổi đó vô hình chung đã đi ngược lại quyền lợi thiết yếu của người dân, với thói quen tiêu dùng và giao thương hàng hóa lâu đời bằng đồng tiền có lỗ xỏ dây, với việc cất trữ, tích lũy tiền với số lượng lớn của tầng lớp quan lại, địa chủ, thương lái...một bộ phận không nhỏ tầng lớp trên trong xã hội. Sự quá đỗi đó đã vượt ngưỡng khuôn phép của hoàn cảnh kinh tế- xã hội đương thời có thể chấp nhận được. Việc ban hành tiền giấy của nhà Hồ xem như thất bại. Cùng với sự sụp đổ của nhà Hồ, tiền giấy cũng chấm dứt lưu hành (1407). Đánh dẹp xong quân Minh, năm 1429, năm thứ hai sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã cho đúc tiền kim loại trở lại, nhân dân trở về tiêu dùng đồng tiền tròn- lỗ vuông. Ngày nay giới sử học nói chung đánh giá cao mặt tích cực của Hồ Quý Ly, cho rằng Ông là một nhà cải cách táo bạo và hiếm có trong lịch sử Việt Nam nhằm hai mục đích: tăng cường chế độ tập quyền, giải quyết mâu thuẫn kinh tế- xã hội, giải phóng sức sản xuất... những điểm sáng, tích cực trong hoàn cảnh hạn chế của chế độ phong kiến Việt Nam đương thời. MT |
Friday, August 12, 2011
12/08 Nhân "Thành nhà Hồ" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- bàn về ông Vua cải cách tiền tệ
Labels:
DisanVanhoa,
Ho Quy Ly,
nhnn,
Thanh nha Ho,
UNESCO
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment