Chỉ một ngày sau khi chiếc Varyag được hạ thủy, Trung Quốc đã gián tiếp đe dọa có thể sử dụng chiếc tàu sân bay này trong các tranh chấp vùng biển. Tờ "Giải phóng Quân báo" - cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc - đã không ngần ngại cho rằng chiếc tàu sân bay của Trung Quốc cần phải được dùng vào các chiến dịch bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Tác giả của bài viết này đã đặt câu hỏi: “Đóng tàu sân bay để làm gì nếu chúng ta không có đủ dũng khí và quyết tâm sử dụng phương tiện này để xử lý các tranh chấp lãnh thổ? Đóng tàu sân bay là để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên biển một cách hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ tự tin và quyết tâm hơn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có được hàng không mẫu hạm”. Theo ông này, “việc dùng tàu sân bay hay bất cứ loại tàu chiến nào để giải quyết tranh chấp là một điều hợp lý”. Lời lẽ đầy tính hăm dọa này hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố đầy tính trấn an của giới chức lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay khi nói về chiếc tàu này, rằng họ chỉ dùng con tàu vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện, sự tồn tại của phương tiện chiến tranh mới này không hề thay đổi chính sách quốc phòng mà Bắc Kinh tự nhận là "hiếu hòa".
Theo giới phân tích, bài viết này có thể được coi là một tín hiệu hù dọa mới của Trung Quốc nhằm vào các nước đang có tranh chấp với họ tại Biển Đông như Việt Nam hay Philíppin, hoặc tại vùng biển Hoa Đông như Nhật Bản. Bắc Kinh từng mượn lời các phương tiện truyền thông trong tay họ để tung ra các tín hiệu hăm dọa nhằm vào các nước có tranh chấp thời gian gần đây. Hãng tin Pháp AFP nhận định báo chí hoặc các trang web nhà nước của Trung Quốc thường được kiểm tra chặt chẽ, do đó bài viết được đăng tải nói trên chắc chắn đã được thông qua ở cấp cao hơn, cho dù không hẳn đã phản ánh đúng quan điểm chính thống của Bắc Kinh. Theo AFP, một số chuyên gia phân tích độc lập cho rằng Trung Quốc đang muốn lợi dụng việc chiếc tàu được hạ thủy để chơi trò chiến tranh tâm lý trong khu vực, vào lúc họ đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có cùng một vùng biển với họ.
Ngày 10/8, Oasinhtơn đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc Trung Quốc hạ thủy tàu Varyag (Thi Lang) với danh nghĩa là cho chạy thử. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, nói rằng cần phải làm rõ vì sao Trung Quốc cần đến một phương tiện như hàng không mẫu hạm. Đối với phía Mỹ, vấn đề này là đáng quan ngại vì Trung Quốc thiếu minh bạch trong lĩnh vực quốc phòng, trong việc trang bị vũ khí cũng như trong việc tăng ngân sách quân sự. Cũng như Mỹ, sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng châu Á lo ngại. Tuần trước, Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về "ngân sách quốc phòng mập mờ" của Trung Quốc cũng như việc nước này ngày càng mở rộng sự hiện diện của hải quân trên các vùng biển.
Tuy nhiên, ông Russell Smith - cựu Tùy viên Quân sự Ôxtrâylia tại Trung Quốc, Giám đốc phụ trách bộ phận an ninh và quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn IHS - cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc chạy thử tàu sân bay không nhằm mục đích giải quyết những xung đột ở Biển Đông, nguyên nhân là vì Trung Quốc đã có một căn cứ không quân có thể hỗ trợ hoạt động của quân đội nếu nước này quyết định tiến xa hơn trong vấn đề biển Đông. Ông nói: “Tôi cho rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang nằm ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đương nhiên nước này phải tăng cường quân đội để tự bảo vệ lợi ích của mình và việc phát triển hàm không mẫu hạm là một điều hết sức quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu đó”. Theo ông, động cơ chính trị của Trung Quốc lần này là nhằm phô trương sức mạnh với các nước trên thế giới. Theo đó, tàu sân bay Varyag có tầm quan trọng lớn về mặt quân sự bởi nó thể hiện khả năng tác chiến của quân đội nước này. Trên thực tế, hiện nay Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí khác để đảm bảo rằng hệ thống chỉ huy quân sự sẽ có thể vận hành trên mọi phương diện. Ông nói thêm: “Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần thời gian mới có thể đạt được khả năng tác chiến toàn diện”./.
Hương Trà (gt)
No comments:
Post a Comment