Sunday, October 3, 2010

03/10 Hà Nội của những người bạn tôi!


Ngày 03.10.2010, 23:15 (GMT+7)

SGTT.VN - Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc chở tôi dạo quanh Hà Nội. Tôi ngồi trước trên chiếc xe đạp dàn ngang đi tới nhà ông Lâm. Anh nói, ông này lưu giữ nhiều thứ của Hà Nội. Lúc đó ông Lâm cà phê đã già.
Một góc Hồ Tây Ảnh: intenet
Ngồi trong bóng tối căn nhà 60 Nguyễn Hữu Huân, vừa uống cà phê, ông Lâm vừa nói vừa cẩn thận giở những cuốn sổ vàng úa ra. Cơ man nào tranh ảnh, thủ bút của những văn nghệ sĩ tiếng tăm đất Hà thành được ông giữ gìn cẩn thận. Đó là những nhân vật gắn liền với Hà Nội, chỉ nghe tên đã ngưỡng mộ. Chưa nói đến chuyện được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm hay thủ bút của họ. Lúc sắp ra về, ông Lâm cà phê đối đãi với tôi y hệt một nhân tài. Ông lật cuốn sổ ra, kẹp cây bút vào và nói: “Cậu cho tôi xin vài dòng và ký tên vào đây!”. Tôi viết “cảm ơn ông Lâm cà phê, người giữ một phần hồn Hà Nội”, rồi ký tên. Hơi sến một chút nhưng tôi cảm thấy vui vui. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc cười hết cỡ, vỗ vai nói biết đâu mai sau chữ ký của chú giá trị ngang chữ ký ông Bùi Xuân Phái. Khi đó tôi mới hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên tới đất Hà thành.
Viết đến đây, tôi lại nhớ anh Ngọc, người đã từng đi bộ xuyên Việt. Anh không phải là dân gốc Hà Nội nhưng anh chú ý và thích Hà Nội. Anh cư xử lịch lãm nhẹ nhàng và chu đáo như người gốc kinh kỳ. Hôm sau, không biết anh kiếm đâu ra hai cô đẹp cỡ hoa khôi rủ đi uống rượu. Giữa mùa đông, hai cô quàng khăn voan, ngồi trên hai chiếc xích lô tới quán rượu Cỏ ở gần nhà tù Hỏa Lò. Quán nhỏ chỉ đủ ba bộ bàn, mồi một món cá kho dưa cải. Khách đến kêu rượu từng li, úp mặt vào tường uống, nói năng thì thầm đều đặn. Anh Ngọc nói, Hà Nội là đây! Hai ông bà chủ quán nghe vậy mới chạy tới hỏi chú quê ở mô? Tôi bảo miền Trung. Hai ông bà già nói tôi quê Quảng Bình, ở Hà Nội mấy chục năm rồi mà vẫn thấy Hà Nội không phải quê hương. Nói xong bà chạy vào nhà lấy cây đàn ra, hỏi có biết dân ca miền Trung không? Thế là hát. Ông già say, bà già cũng say, anh Ngọc say, tôi cũng say, hai cô gái uống ít má ửng hồng. Bà già bắt đầu khóc trước, cả đám khóc theo. Lúc ra về, bà chùi nước mắt bảo: “Con người mình thà chết còn hơn sống tha hương”. Ngay sau đó bà chỉ anh Ngọc kêu mắt chú lộ quá, dị tướng và chết yểu, đừng có sống tha hương như tôi ở Hà Nội. Chẳng ngờ, đó là sự thật. Mấy năm sau anh Ngọc bị tai nạn, nằm liệt giường mấy năm rồi qua đời ở quê. Mỗi lần ra Hà Nội, nhớ tới anh lòng không khỏi bùi ngùi.
Tôi còn có vài người bạn gốc Hà Nội khác. Anh bạn bảo muốn biết Hà Nội phải đi ăn phở. Đối với anh, Hà Nội là phở. Lần nào ra, anh cũng chờ sẵn đưa đi ăn sáng ở tất cả các hàng phở tiếng tăm. Lần đầu tiên ăn phở Lò Đúc, anh phải dạy cho tôi như con. Bước vào quán, tay phải cầm cái bát, tay trái cầm tiền tiến tới nồi phở và gọi to món phở muốn ăn. Chờ tới lượt mình xong, cầm bát phở nóng sôi tự đi tìm cái ghế. Ăn xong anh hỏi, ngon không? Tôi bảo ngon nhưng hơi kỳ kỳ sao đó. Tưởng tôi chê, lần sau anh lại đưa đi phở Bát Đàn. Cũng y hệt chuyện cầm bát xếp hàng chờ tới lượt ngồi ghế bệt xuống vỉa hè. Ăn xong, chúng tôi sà sang hàng chè chén, nhìn những cô gái xinh như mộng ngậm tăm leo lên xe chạy vù vù ngoài đường. Những lần ra Hà Nội, những năm tháng sống ở Hà Nội của tôi cứ theo bạn hết hàng phở này sang hàng phở khác từ lề đường xó chợ cho tới những hàng sang. Bất cứ hàng nào bạn tôi cũng biết lai lịch người bán, biết cả hương vị hoa hồi trong bát phở nhiều hay ít… Tôi hiểu, anh sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội, nhìn nhận và yêu quê hương theo cách của riêng mình. Mới đây, tôi lại rủ ngược anh vào một hàng phở mà anh chưa biết tới. Phở bò ở phố Hoàng Ngọc Phách, chỗ ngồi bình thường, phở lai căng nhưng giá đắt hơn phở ở Mỹ. Mỗi tô từ 450 ngàn tới 650 ngàn đồng. Ăn xong anh bảo hôm nay mày rủ tao đi làm bò. Nói xong anh chau mày mông lung, nhưng biết làm sao, nhu cầu đời sống nó là vậy. Mày có thấy nườm nượp người sang trọng đi ăn cái phở Hà Nội lai căng kia không?
Hà Nội của những người bạn của tôi như vậy. Đó là những buổi chiều thu ngồi bên hồ Thuyền Quang hay Hồ Tây nhâm nhi vài chén rượu chờ người bán ốc rọng đi qua để gọi một đĩa rồi nhìn người nhìn xe chạy qua chạy lại như nêm. Hà Nội trong mắt bạn vẫn còn những góc lẩn khuất để người phương xa có một chút hoài niệm!

THỔ DÂN

No comments:

Post a Comment