Thursday, September 22, 2011

22/09 Khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 09:21 GMT - thứ năm, 22 tháng 9, 2011
Giao dịch ở tiệm vàng
Vàng đã tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua
Những biến động khó lường của kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua đang tác động tiêu cực đến Việt Nam, theo lời của một số chuyên gia trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm cùa Việt Nam chỉ tăng có 5,7% so vợ́i cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp thứ hai trong năm năm trở lại đây (chỉ cao hơn mức 4,6% của năm khủng hoảng kinh tế 2009).
Cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng trầm trọng ở Châu Âu đang có nguy cơ đẩy thế giới vào một đợt suy thoái mới, trong khi kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa còn Nhật Bản vẫn đang chống chọi với những hậu quả của thảm họa động đất sóng thần hồi tháng Ba năm nay.
Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đều là những đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt của Việt Nam.
Đối với một đất nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì sức khỏe của kinh tế thế giới có tác động rất lớn đối với tình hình kinh tế trong nước, theo nhận định của Giáo sư Hà Tôn Vinh hiện đang giảng dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Sau đợt khủng hoảng năm 2008, qua năm 2009 và đến năm 2010 nhiều người cứ nghĩ là đã qua khó khăn và ổn định trở lại,” GS Vinh nói với BBC.
“Nhưng đến năm 2011 thì tình hình lại trở nên hết sức khó khăn,” ông nói.
“Bình thường nếu kinh tế thế giới vững thì Việt Nam cũng không gặp khó khăn nhiều lắm,” ông nói thêm.

Bất ổn vĩ mô

Tuy nhiên hiện nay xuất khẩu cũng như lượng kiều hối của Việt kiều gửi về Việt Nam đều giảm sút.
Dấu hiệu rõ nét của những bất ổn của kinh tế vĩ mô là việc vàng tăng giá đột biến trong thời gian ngắn, từ dưới 30 triệu hiện đã đạt mức 47 đồng Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm.
Theo GS Vinh, giá vàng trong nước tăng một mặt là tăng theo thị trường thế giới do Việt Nam phải nhập khẩu vàng, mặt khác do tâm lý lo sợ của người dân Việt Nam.
“Người dân Việt Nam rất nhạy cảm, bất cứ biến động gì cũng ‘thủ’ cho chắc ăn,” ông nói.
"Chúng ta phải có giải pháp dài hơi chứ không phải giải pháp tình thế như hiện nay vốn chỉ tập trung vào ưu tiên ngắn hạn là chống lạm phát"
GS Hà Tôn Vinh, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Đối với họ, đầu tư vào vàng lúc này là đúng bởi vì lạm phát cao nên họ không dám bỏ tiền vào ngân hàng,” ông giải thích.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam không dựa vào vàng và đa số người dân Việt Nam cũng không đầu tư vào vàng nên giá vàng tăng chỉ có lợi cho rất ít người mà thôi, ông nói.
Bên cạnh những tác động từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu những tác dụng phụ của việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát,
“Các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay hoặc phải vay với lãi suất cao nên không có vốn sản xuất,” ông nói.
“Thậm chí khi sản xuất được thì cũng không xuất khẩu được.”
Sản xuất đình đốn nên doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc dẫn đến thất nghiệp gia tăng.
“Doanh nghiệp không phát triển thì an sinh xã hội không thể bảo đảm mặc dù đây là mục tiêu Chính phủ rất muốn thực hiện,” ông nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn thua lỗ thì thị trường chứng khoán sẽ kéo dài thời kỳ ảm đạm.
GS Vinh cho rằng việc Chính phủ tập trung vào chống lạm phát một cách quyết liệt sẽ để lại hậu quả lâu dài cho các doanh nghiệp vốn sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi trở lại.
“Chúng ta phải có giải pháp dài hơi chứ không phải giải pháp tình thế như hiện nay vốn chỉ tập trung vào ưu tiên ngắn hạn là chống lạm phát,” ông nói.
Tuy nhiên GS Vinh cũng thừa nhận là rất khó để cân bằng giữa các mục tiêu chống lạm phát và phát triển sản xuất.
“Hiện nay cả Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang cố gắng hết sức để chống chọi với tình hình khó khăn,” ông nói.

Giảm đầu tư công

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận vốn ngân hàng
Về tình hình thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, GS Vinh cho biết trên thực tế không làm được bao nhiêu.
“Đầu tư công của Việt Nam rất lớn, đến hơn 90.000 tỉ, trong khi chỉ cắt giảm được khoảng 3%,” ông nói.
“Đây là công việc mất nhiều thời gian xem xét để quyết định cắt giảm dự án nào ở địa phương nào,” ông nói thêm, “Nếu không sẽ cắt giảm những dự án cần thiết cho những địa phương nghèo trong khi vẫn giữ nguyên những dự án không hiệu quả.”
GS Vinh cho biết hiện ông chưa thấy tín hiệu gì khả quan của nền kinh tế Việt Nam cả và ít nhất phải đến năm 2013 hoặc 2014 thì kinh tế Việt Nam mới có triển vọng sáng sủa trở lại.
“Trong khi đó thì người dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mua vàng,” ông nói.
GS Vinh cũng nhận định là Chính phủ Việt Nam sẽ không phá giá tiền đồng một lần nữa mặc dù có thể sẽ nới rộng biên độ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong khi đó, GS Hà Huy Thành, nguyên viện phó Viện kinh tế học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, có một cái nhìn lạc quan hơn GS Hà Tôn Vinh.
Theo GS Thành, giá vàng tăng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống của người dân Việt Nam.
Ông cũng dự đoán rằng từ bây giờ đến cuối năm 2011, giá cả cũng không tăng gì đột biến. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát theo như Quốc hội đề ra thì không thực hiện được.
“Chính phủ đang quyết tâm kiềm chế lạm phát, nhưng mục tiêu tăng trưởng thì chắc chắn không đạt được như kế hoạch dù tôi hy vọng là sẽ không giảm nhiều lắm,” ông nói.

Giá xăng có thể tăng

Về giá xăng dầu, GS Thành cho biết có thể sẽ tăng nhưng theo hướng không tạo cú sốc cho thị trường vì giá xăng dầu hiện nay đã được điều tiết theo thị trường nhưng vẫn có sự điều chỉnh của Chính phủ.
"Xây dựng cơ bản, nhà công vụ và mua sắm ô-tô cho các bộ ngành cũng giảm nhiều"
GS Hà Huy Thành, nguyên viện phó Viện kinh tế học
Ông cũng dự đoán là trong nhiều tháng tới giá điện sẽ không tăng vì Chính phủ đã dứt khoát nói không với đề xuất tăng giá của Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Ông nói những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay mặc dù lớn nhưng cũng không thể làm cho nền kinh tế Việt Nam chao đảo hay sụp đổ được.
Về tình hình đầu tư công, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất quyết liệt.
“Xây dựng cơ bản, nhà công vụ và mua sắm ô-tô cho các bộ ngành cũng giảm nhiều,” ông nói.
Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2011 trong phiên họp tháng 11 năm ngoái, thì lạm phát được khống chế dưới 7% còn mục tiêu tăng trưởng trong khoảng từ 7 đến 7,5%.
Sau đó, Chính phủ đã hai lần điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng xuống lần lượt là 6,5 và 6% trong năm nay.
Trong bản báo cáo về nền kinh tế toàn cầu vừa mới công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 là 5,8% còn lạm phát cả năm là 19%.
IMF dự kiến đến năm 2012, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm còn 12% và tăng trưởng kinh tế sẽ nhích lên 6,3%.

No comments:

Post a Comment