Thursday, September 22, 2011

22/09 Người anh hùng làng chài - Kỳ 3: Trong ngôi mộ cổ


Thứ Năm, 22/09/2011, 06:18 (GMT+7)
TT - Truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực thật phong phú, riêng nơi Pháp chôn cất ông lại càng có nhiều lời đồn đoán khác nhau. Có người nói: “Sau khi thi hành án chém, Pháp chôn ông Nguyễn thân một nơi, đầu một chỗ, vì lo sợ nghĩa quân sẽ cướp xác”.
Lại có ý kiến: “Gia đình cụ Nguyễn đã lo cho tên đao phủ Bòn Tưa hai nén bạc để hắn xuống nhẹ tay, đầu không lìa khỏi cổ và sau đó giặc đã chôn cụ trong khu vực tòa bố (tòa hành chính) Kiên Giang”...
Lễ cải táng di hài người anh hùng Nguyễn Trung Trực về đình tại TP Rạch Giá, Kiên Giang năm 1986 - Ảnh: Nguyễn Văn Thuận.
Bí ẩn dưới gốc đa
Sau năm 1975, tỉnh Kiên Giang đã đặt ra yêu cầu tìm mộ Nguyễn Trung Trực. Ông Trần Lam (Bảy Lam), nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, nhớ lại: “Năm 1979 tôi về làm giám đốc Sở Văn hóa - thông tin, anh Hai Huỳnh (Lê Minh Huệ), lãnh đạo tiền nhiệm, lúc bàn giao công việc đã dặn đi dặn lại: Anh em cố gắng thu thập các thông tin truyền khẩu trong dân gian và các tài liệu lưu trữ của Pháp để tìm cho bằng được mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta”.
Để thực hiện yêu cầu này, Sở Văn hóa - thông tin Kiên Giang đã lập đội công tác, chia thành nhiều nhóm. Nhóm ở thị xã Rạch Giá, theo dư luận truyền khẩu “giặc chôn cụ Nguyễn dưới gốc đa gần tòa bố”, đã tiến hành khảo sát khu vực khuôn viên tòa hành chánh, xung quanh cây đa phía sau dinh tỉnh trưởng kéo dài tới giáp lộ qua khám lớn, và khu vực cây đa phía trước dinh tỉnh trưởng đến giáp lộ qua ngân hàng...
Suốt một thời gian dài tìm kiếm, đào thăm dò nhưng các nhóm khảo sát vẫn không phát hiện dấu tích gì. “Một bữa, sở đang tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả công việc, mọi người đều căng thẳng vì mấy năm rồi mà chưa tìm được mộ cụ Nguyễn thì anh Sơn Nam từ ngoài cổng bước vô. Tôi biết anh từng có nhiều công trình sưu khảo về cụ Nguyễn Trung Trực nên hỏi cầu may: Anh xuống chỉ tụi tôi mộ cụ Nguyễn hả”, ông Bảy kể. Nhà văn Sơn Nam có vẻ ngạc nhiên, đáp: “Ủa, tưởng mấy ông biết rồi. Trước năm 1945 tôi làm thơ ký ở tòa bố Rạch Giá, có lần tình cờ biết chỗ Tây chôn cụ Nguyễn. Tôi còn nhớ chỗ đó ở sau tòa bố, cạnh cây đa lớn và đống gạch cũ...”.
Sau khi nghe nhà văn Sơn Nam nói, ông Bảy Lam đã cho ngừng cuộc họp, nhờ dẫn ra chỉ mộ ngay. Hơn 40 năm rồi nhà văn Sơn Nam mới quay lại nơi này. Cây đa ngày trước đã bị đốn, còn trơ lại cái gốc to, có mấy nhánh mọc lên. Nhưng cạnh đó, đồn lính cũ bằng đá do Pháp cất vẫn còn, nên nhà văn không khó để xác định vị trí ngôi mộ đã ăn sâu vào ký ức. Ông chỉ ngay vào phiến đá hình vòng cung, dài khoảng 1m, khẳng định: “Đây là mộ bia, phía dưới là di hài cụ Nguyễn Trung Trực”. Thấy nhà văn Sơn Nam chỉ, nhiều thành viên có mặt lúc ấy đã không khỏi sửng sốt vì trước đây do không biết, có người đã vô tình bó gạch, tráng ximăng làm chuồng nuôi heo ngay trên nền mộ.
Lúc 13 giờ ngày 19-4-1986, đội khai quật bắt đầu công việc. Sau bốn tiếng tỉ mẩn tìm kiếm từng nắm đất trong lòng huyệt mộ dài trên 2m, rộng 1m, sâu 1,8m, thu được một hộp xương sọ đã bể, ba cái răng mòn vẹt, một đốt xương cổ ở vị trí sát hộp sọ, một số xương sườn và xương ống chân. Không có thêm gì ngoài mấy miếng gỗ mục nát dùng để đóng quan tài.
Ngay tại hiện trường, đội khai quật gồm tám người, trong đó có nhà nhân chủng học - khảo cổ học Nguyễn Trung Khá, cán bộ Ủy ban Khoa học TP.HCM, đã đưa ra nhận xét bước đầu: “Đây là bộ xương tộc Việt, đàn ông, khoảng 40 tuổi. Người này cao khoảng 1,6m, đã chôn trên 100 năm. Người này ăn trầu và có lẽ nghèo vì mộ bằng đất, hàng bằng gỗ tạp và không có vật lễ mang theo...” (trích biên bản khai quật được lập lúc 17g ngày 19-4-1986).
Những bức thư nặng tình
Dựa vào những luận cứ có tính khoa học khi phân tích hài cốt, đồng thời tham khảo, đối chiếu những thông tin truyền khẩu trong dân gian, tỉnh Kiên Giang đã kết luận đây là hài cốt cụ Nguyễn Trung Trực và quyết định di dời về đình Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá). Ngày 15-11-1986, ngôi mộ mới, khang trang hoàn thành trước nhà Tây lan, bên trái đình Nguyễn Trung Trực.
Vậy là sau 118 năm (1868-1986) thăng trầm dâu bể, xương cốt người anh hùng dân tộc mới được tìm thấy và đưa về nơi trang nghiêm. “Làm được việc này, bà con mình xúc động lắm. Nhiều người ở xa đến quỳ trước mộ cụ thắp hương mà cứ khóc ròng như người thân đi xa lâu ngày mới gặp lại” - ông Bùi Văn Thành, ủy viên ban bảo vệ đình Nguyễn Trung Trực, cho biết.
Ông Bảy Lam trầm tư: “Việc tìm mộ coi vậy chứ “sóng gió” lắm. Có người đã gửi thư tới các cơ quan cấp tỉnh nói rằng đó là mộ của người Tây nào đó, chứ không phải mộ cụ Nguyễn. Tôi nghĩ những ý kiến này nọ có lẽ xuất phát từ tình cảm sùng kính dành cho cụ, cũng như có những truyền khẩu khác nhau về nơi an táng cụ. Đó là trăn trở chính đáng và tỉnh Kiên Giang hồi ấy đã giải quyết rất cẩn trọng trên tinh thần dựa vào những luận cứ khoa học, cũng như tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn”.
Một trong những luận cứ mà chúng tôi tiếp cận được là “tờ cam kết” viết tay của nhà văn Sơn Nam đề ngày 15-10-1986, nguyên văn như sau: “Tôi ký tên dưới đây là Phạm Minh Tày, nhà văn bút hiệu Sơn Nam, tác giả quyển Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân chài in tại Sài Gòn vào năm 1959.
Năm 1943-1944, tôi có làm thơ ký ở tòa bố Rạch Giá, vì thế mà tôi có tìm hiểu về Nguyễn Trung Trực, nhất là nơi chôn hài cốt. Tên phó tham biện bấy giờ là Roger Lucas có nhà riêng ở khuôn viên tòa bố nói nhiều lần với tôi rằng xác của Nguyễn Trung Trực chôn ở sát bên Tòa bố, tức là chỗ mà tôi đã chỉ rõ để khai quật. Tòa bố thời Pháp, từ năm 1880 về sau xây không chính xác đúng nền tòa bố cũ.
Vì vậy, tòa bố sau có vách đá kiểu đồn lính, lại sát kề bên mộ. Giặc giữ xác Nguyễn Trung Trực sát đồn, sợ trường hợp nghĩa quân lén đào xới, đem chôn nơi khác rồi khởi nghĩa lần nữa. Hoặc nghĩa quân cho rằng người bị giặc chém là Nguyễn Trung Trực giả, chẳng dám công khai để xác nhận sự thật. Thời Mỹ, một tên tỉnh trưởng đã cho lính thăm dò và mời tôi đến ăn lễ, tôi từ chối không đến. Xin trình với Sở Văn hóa - thông tin Kiên Giang những điều tôi biết và hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Cố giáo sư Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi được hỏi ý kiến về việc này đã bày tỏ tâm huyết qua bức thư viết chung đề ngày 8-1-1989, lúc đang giữ nhiệm vụ chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM. Thư có đoạn: “Có điều kiện, có lý do để các đồng chí ở Kiên Giang xác định di hài đó là của Nguyễn Trung Trực. Điều kiện thì có, tuy không đủ. Không đủ nhưng đã có tối thiểu. Không đủ thì còn có thể điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm cho đến khi nào có bằng cớ là không phải thì ta sẽ nhận định lại. Còn bây giờ hãy xem đó là di hài của ông Nguyễn Trung Trực và không được làm gì có thể làm giảm bớt lòng tôn kính của nhân dân với vĩ nhân lịch sử”.
TẤN ĐỨC
-------------------------------------------
Tìm ra di hài cụ Nguyễn và đưa về lập mộ ở đình Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã dẫn tới phát hiện mới về hậu duệ của cụ tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau.

No comments:

Post a Comment