Thursday, September 22, 2011

22/09 Cải cách kinh tế: Bắt đầu từ kỷ luật tài khóa



Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa điều chỉnh kịch bản kinh tế năm 2011 (được trung tâm này công bố vào tháng 5/2011) với chỉ số lạm phát ở kịch bản thấp là 18,2% và kịch bản cao là 24,5%.

VEPR cảnh báo: Lạm phát vẫn có thể vượt tầm kiểm soát kéo theo những rủi ro vĩ mô khá lớn nếu như tính kiên định trong việc thực thi chính sách, vì một lý do nào đó, bị giảm sút.

Lạm phát: 18,2% hay 24,5%?
Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 được công bố hồi tháng 5-2011, VEPR đưa ra 2 kịch bản. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, lạm phát cả năm khoảng 15,5% và tăng trưởng GDP là 6,18%; ở kịch bản 2, lạm phát khoảng 18,2% và tăng trưởng GDP là 6,55%.

Tuy nhiên, mới đây, VEPR đã điều chỉnh lại các kịch bản này mà theo đó ở kịch bản lạc quan, mức lạm phát cả năm vào khoảng  18,2%, tăng trưởng GDP khoảng 6,2%. "Kịch bản này chỉ đạt được nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài đến hết năm) đi liền với cắt giảm đầu tư công một cách nghiêm khắc (như tinh thần của Nghị quyết 11)" - TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR cho biết. Ngược lại, theo TS. Thành, trong trường hợp xấu, lạm phát có thể lên tới 24,5%.

Phân tích diễn biến động thái chính sách những tháng gần đây, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: "Không cần nhắc lại Nghị quyết 11 đã mang lại hiệu quả thế nào khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có phần giảm tốc; các chỉ số kinh tế vĩ mô đã đi dần vào quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên, tình hình phức tạp từ thế giới và những yếu tố không lường trước nảy sinh đã khiến một số chỉ số vĩ mô khó đạt mục tiêu đề ra".

Được biết, VEPR đã quyết định điều chỉnh các kịch bản dự báo khi nhận thấy lạm phát và mức giá chung năm nay tăng vượt khá nhiều so với dự kiến. Giá cả tăng bắt nguồn từ sự biến động giá thế giới và sự điều chỉnh lớn giá các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào trong nước.

Theo VEPR, yếu tố lạm phát chi phí đẩy ngày càng thể hiện một cách đậm nét hơn trong diễn biến lạm phát những tháng qua. Vì thế, VEPR cho rằng: "Chỉ trong trường hợp giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh thì tốc độ tăng lạm phát trong nước mới có thể giảm nhiều hơn vào cuối năm giúp kìm đà tăng giá của cả năm. Tuy nhiên, khả năng để kịch bản này xảy ra là rất thấp". Nhận định của VEPR cho thấy, khó có thể hy vọng sức ép lạm phát giảm từ yếu tố khách quan, bên ngoài. Và áp lực lạm phát đang dồn nặng lên chính sách.

Hướng tới mục tiêu kép

VEPR cho rằng, cần tính toán lại các chỉ tiêu tiền tệ cho phù hợp với giai đoạn hiện nay và điều hành một cách nhất quán, dứt khoát bằng các công cụ mang tính thị trường. Theo đó, giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay như Nghị quyết 11 đã đề ra là hợp lý, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế.

Trước khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là nên giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức cụ thể là 15-17%, TS. Nguyễn Đức Thành đồng tình với định hướng của Chính phủ và NHNN là tùy diễn biến thực tế để có giới hạn tín dụng ở mức vừa phải.

TS. Thành lưu ý: "Nếu đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá thấp thì vừa khó khả thi, vừa có thể tạo ra một cú sốc mạnh đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều quan trọng là đưa ra một hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp để trên cơ sở này tạo tiền đề cho việc duy trì hạn mức tín dụng tương tự trong những năm tiếp theo nhằm tạo nền tảng cho việc thiết lập kỷ luật tiền tệ trong tương lai".

Để giữ được lạm phát cả năm ở mức 18,2%, VEPR khuyến nghị: "Chính sách tài khóa cũng cần phải thắt chặt, nhưng trên cơ sở tính toán đến khả năng tăng trưởng dài hạn". Theo đó, việc cắt giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện đồng thời với việc đa dạng hóa hay xã hội hóa đầu tư như các hình thức đầu tư theo dạng BOT, BT… hay theo mô hình hợp tác công tư (PPP) để đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo VEPR, cắt giảm chi tiêu công trong bối cảnh hiệu quả đầu tư công thấp như hiện nay là đúng hướng, nhưng đồng thời cần hoạch định những nguồn vốn bổ sung thích hợp để duy trì nguồn đầu tư cho các công trình hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Đặc biệt, vẫn cần đảm bảo nguồn chi tiêu công thích đáng cho các vùng và khu vực khó khăn.

Khuyến nghị này đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh bởi nó hướng tới mục tiêu kép, phù hợp với thực trạng và hoàn cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay. Theo đó, vừa đảm bảo mục tiêu tạo dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu cho các vùng, khu vực khó khăn; vừa tạo công ăn việc làm và không gây cú sốc cho tăng trưởng.

Đề cao kỷ luật tài khóa

Đồng thời với việc đưa ra những khuyến nghị chính sách, VEPR cũng đã hé lộ những e ngại về khả năng những rủi ro vĩ mô có thể không được xử lý một cách triệt để. Đó là trường hợp giả định Chính phủ phải đối mặt với nhiều sức ép và không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và bình ổn vĩ mô; không đủ kiên nhẫn duy trì tiếp những chính sách thắt chặt.

Sức ép này có thể đến từ  sự suy giảm của sản xuất trong nước, tình hình khó khăn của DN và những khó khăn của nền kinh tế khi chịu những tác động của chính sách thắt chặt. E ngại đó cũng chính là một trong những lý do khiến VEPR đưa ra kịch bản thứ hai với lạm phát cả năm nay có thể lên tới 24,5%. "Mức lạm phát cao như trong kịch bản này hàm chứa những rủi ro vĩ mô to lớn và khả năng lạm phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát là cao" - báo cáo của VEPR lưu ý.

VEPR cũng cho rằng, không hoàn toàn loại trừ khả năng, vì một lý do nào đó mà tính kiên định chính sách bị suy giảm như đã từng xảy ra vào nửa cuối năm trước. Và VEPR đặc biệt nhấn mạnh đến kỷ luật tài khóa. "Xét trên khía cạnh quản lý nhà nước nói chung, kỷ luật tài khóa có ý nghĩa sống còn trong việc gây dựng một chương trình cải cách phục hồi sức mạnh của nền kinh tế.

Có thể coi đây là xuất phát điểm, nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ, trước tất cả những điểm cần nhắm tới cho toàn bộ quá trình tiếp theo" - báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Cũng theo VEPR, cần hết sức chú ý tới "kết quả ròng" đạt được khi nới lỏng chính sách quá sớm bởi mặc dù việc nới lỏng có thể giúp tăng trưởng cao hơn một chút, nhưng so với các năm trước, hiệu ứng đối với tăng trưởng không còn đáng kể do sự bất ổn trong năm 2011 đã trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng.

"Kỷ luật tài khóa cần được khôi phục" - báo cáo của VEPR khuyến nghị. Theo đó, thâm hụt ngân sách tính theo GDP phải được giảm dần trong những năm kế tiếp. Để làm được điều này, cần giảm sức ép lên chi tiêu công và đồng thời cải thiện nguồn thu của Chính phủ.

Theo VEPR, muốn giảm sức ép chi ngân sách, Nhà nước cần rút khỏi những lĩnh vực hoạt động kinh tế không cần thiết thông qua việc bán tài sản trong các doanh nghiệp bằng quá trình cổ phần hóa. Mục tiêu của việc bán tài sản không phải là để tăng thu ngân sách mà thực chất là để giảm sức ép chi ngân sách trong tương lai, nhất là trong trường hợp xảy ra những rủi ro tài chính (ví dụ như sự phá sản hoặc làm ăn kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước lớn, luôn đòi hỏi có sự giải cứu của Chính phủ).

VEPR cho rằng, trên cơ sở thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước, chất lượng đầu tư xã hội có thể sẽ được nâng lên và hiện tượng đầu tư quá mức có thể được giảm bớt, góp phần cải thiện tình trạng mất cân đối giữa tiết kiệm - đầu tư; nhờ đó giảm thâm hụt cán cân vãng lai.

Đồng thời với quá trình này, hệ thống doanh nghiệp có nhiều điều kiện để minh bạch hóa hơn, tránh tích tụ rủi ro đạo đức. "Đây có lẽ là một trong những cách phòng ngừa rủi ro vĩ mô hữu hiệu nhất trong tương lai" - một chuyên gia của VEPR bình luận.
(TBNH)

No comments:

Post a Comment