Saturday, October 30, 2010

26/10 Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Viên chức

4:58 PM, 26/10/2010
(Chinhphu.vn) - Phạm vi điều chỉnh, quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập... là những nội dung của dự thảo Luật viên chức được tập trung thảo luận trong phiên họp toàn thể Quốc hội hôm nay…


Đại biểu tỉnh Khánh Hòa Bo Bo Thị Yến phát biểu - Chinhphu.vn


Dự thảo Luật Viên chức gồm 6 chương, 36 điều, nếu được thông qua Luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2012.

Liên quan tới phạm vi điều chỉnh của Luật, vẫn còn nhiều ý kiến nhưng đa số tán thành với quy định của dự thảo Luật là chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo các đại biểu, đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước, phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không thể áp dụng như các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập .

Về tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức, đa số đại biểu tán thành với điều 24 của dự thảo luật, là đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị được thực hiện việc tuyển viên chức và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Tuy nhiên, theo đại biểu Vi Thị Hường (Điện Biên) cần có quy định trách nhiệm rõ ràng cũng như cần có cơ chế kiểm tra bảo đảm sự minh bạch bởi việc giao quyền cho người đứng đầu quá nhiều, dễ tạo nên tiêu cực thiếu khách quan.

Về vấn đề công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định trong dự thảo viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam.

Lấy dẫn chứng cụ thể là trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu, đại biểu Nguyễn Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng cần có quy định cụ thể tạo điều kiện cho người có tài năng tâm huyết tham gia đóng góp cho đất nước. Nếu bó hẹp, sẽ ảnh hưởng đến thu hút người tâm huyết phát triển sự nghiệp công lập. Với những trường hợp như thế cần có cơ chế mời họ về làm việc.

Cùng ngày, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới …

Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2001 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về cơ bản, các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành là phù hợp với các yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân tăng 27%/năm và tính đến hết năm 2009 đã tái vốn đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 13 lần so với năm 2000.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm lần này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động.

Quỳnh Hoa

No comments:

Post a Comment