Monday, September 5, 2011

05/09 Sẽ cấm xe máy lưu thông tại một số thành phố lớn


.
▪  AN NHI
05/09/2011 15:11 (GMT+7)
 
Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, áp lực giao thông và nạn ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán nan giải.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết này là giải pháp cấm xe máy lưu thông tại một số thành phố lớn.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Thời hạn trình các đề án lên Thủ tướng là trong quý 4/2012.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để hạn chế xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.

Sở dĩ giải pháp này tạo sự chú ý đặc biệt là bởi xe máy hiện vẫn đang là phương tiện vận chuyển chủ yếu của đa số người dân Việt Nam. Trong khi đó, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Tp.HCM, áp lực giao thông và nạn ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán nan giải.

Tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải cho biết lượng môtô, xe gắn máy trên toàn thành phố đang vào khoảng 3,7 triệu chiếc, lượng ôtô gần 380.000 chiếc và khoảng 50.000 phương tiện vãng lai.

Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá: Với số lượng gia tăng đăng ký mới ôtô, xe máy như hiện nay (trung bình 12-14%/năm), nếu không có biện pháp kiểm soát thì dù có xây dựng hệ thống hạ tầng cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Do đó, ông Thảo cho rằng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông cần phải được nghiên cứu khẩn trương.

Một số chuyên gia cho rằng, hạn chế dần và tiến tới cấm lưu hành xe máy tại một số thành phố lớn là cần thiết song phải thận trọng trong từng giải pháp cụ thể. Cũng nhằm hạn chế lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu hành, trước đây đã từng có một số đề xuất như lưu thông vào nội đô theo ngày chẵn, lẻ hay cấm lưu thông vào một số giờ cao điểm, tuyến phố. Tuy nhiên, những đề xuất này đã nhận được những phản đối mạnh mẽ từ người dân.
 
Thảo luận (9 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Hương Ly 15:57 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông là cần thiết, nhưng biện pháp nên cân nhắc kỹ, có lộ trình rõ ràng, phù hợp.

Theo tôi, trước khi ra lệnh "cấm" một cách khiên cưỡng, cần "giải phóng" cho người dân khỏi sự lệ thuộc vào các phương tiện cá nhân bằng cách phát triển hệ thống phương tiện công cộng đồng bộ, tối ưu hơn hẳn xe máy.

Làm được điều đó thì không cần cấm người dân cũng sẽ tự ý chuyển đổi phương tiện, vừa rẻ, vừa đảm bảo an toàn...Còn nếu khi chưa có phương tiện thay thế vượt trội so với xe máy thì không nên "cấm" một cách vô lý.

Mọi biện pháp đều vì mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, nếu làm đời sống nhân dân trở nên khó khăn, khốn đốn vì những lệnh "cấm" bất hợp lý thì nên cân nhắc kỹ!
Nguyen Tuấn Thành 13:43 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Tôi cứ tự hỏi, các vị đưa ra chính sách có bao giờ đi xe bus chưa? Bẩn thỉu, chạy chậm, bỏ chuyến, lái xe nói tục, thiếu văn hóa... tôi đã rất kiên nhẫn đi xe bus nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại với xe máy.

Tôi đồng tình với việc hạn chế xe máy, hoặc cấm hẳn xe máy, nhưng người dân sẽ đi làm bằng cái gì?

Tôi đã thấy Thái Lan, Lào có xe túc túc rất sạch sẽ, tiện và trông cũng rất đẹp. Tại sao nước ta lại cấm nhỉ?
P.T.Son 12:16 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Nhất trí cấm xe máy trong các thành phố lớn, đó là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông lớn nhất, nhưng phải phát triển hệ thống giao thông bằng xe công cộng một cách khoa học, hợp lý.
Hoàng Duy 11:07 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Vấn đề ở đây là phải tìm ra nguyên nhân vì sao chúng ta cứ phải chạy xe long nhong trên đường hoài? Nếu như tôi có thể nhanh chóng đến được nơi tôi cần đến thì tại sao tôi cứ phải chạy xe vòng vòng mãi?

Liệu chúng ta có thể:

1. Di dời các cơ quan hành chánh, trường đại học ...ra ngoại ô thành phố.

2. Xây dựng các khu chung cư, cao ốc chất lượng cao, trao đổi với người dân để mở rộng đường sá.

3. Qui hoạch những khu vực nào được phép mở shop, những khu vực nào chỉ chuyên để ở.

4. Qui hoạch các tuyến xe công cộng, metro ra ngoại ô.

5. Qui hoạch các tuyến xe công cộng trong khu vực, chỉ chuyên di chuyển trong khu vực1 khu vực để đảm bảo thời gian giữa các chuyến xe. Từ đó người dân có thể dễ dàng tính thời gian cho các trạm xe kế tiếp.

6. Phân luồng xe. Tách xe 2 bánh ra khỏi dòng di chuyển của xe 4 bánh.

7. Qui hoạch những tuyến cấm xe máy, nhưng đồng thời hướng dẫn tuyến đường thay thế. ( những tuyến chỉ dành riêng cho xe máy).

8. Qui hoạch lại các nút giao thông ( ngã 3, ngã 4, vòng xoay...). Không để tình trạng quẹo trái, quẹo phải, xoay đầu tuỳ tiện làm cắt mạch di chuyển của các phương tiện giao thông khác.

9. Xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, sử dụng camera quan sát để xử phạt chính xác hơn và thuyết phục hơn.

10. Phát triển các dịch vụ thông báo mật độ giao thông vào giờ cao điểm. Hướng dẫn các tuyến đường có thể thay thế, nhằm hướng dòng xe đến những tuyến đường thoáng hơn. ( mục đích chính là điều tiết lưu lượng giao thông trên các tuyến đường).

11. Xử phạt các công trình thi công chiếm dụng mặt đường, chậm hoàn công.

Cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để có một kế hoạch khoa học và hiệu quả hơn nhầm giải quyết bài toán giao thông này.
Michael Nguyen 09:24 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Chính phủ cứ nói đi nói lại rất nhiều về việc cấm và hạn chế xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố lớn nhưng vẫn không thực hiện được.

Vấn đề chính không phải là "thực hiện các biện pháp để hạn chế hay cấm môtô, xe gắn máy và ôtô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong TP" mà phải là THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ HOẶC CẤM DÂN NHẬP CƯ TỪ CÁC TỈNH THÀNH KHÁC ĐỔ XÔ VÀO 2 THÀNH PHỐ LỚN LÀ HÀ NỘI & HCM.

Hiện nay cả 2 TP lớn đều có số lượng dân nhập cư rất đông và hàng năm đều tăng lên rất nhanh. Trung bình cứ 1 người nhập cư mang theo 1 xe máy nên số lượng xe máy mang biển số các tỉnh chiếm số lượng rất nhiều. Do đó muốn hạn chế xe máy thì trước tiên phải hạn chế người dân nhập cư vì XE MÁY LÀ DO CON NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CHỨ XE MÁY KHÔNG TỰ CHẠY ĐƯỢC.

Việc làm này rất cơ bản và quan trọng hàng đầu, giống như khi một căn nhà bị ngập nước thì việc đầu tiên là phải tìm cách ngăn không cho nước tiếp tục chảy tràn vô nhà, sau đó mới làm động tác bơm nước ra ngoài.
Thu Hiền 08:33 (GMT+7) - Thứ Ba, 6/9/2011
Cấm xe máy cũng được, nhưng vấn đề phương tiện giao thông công cộng có đáp ứng được nhu cầu đi lại cơ bản của người dân không: xe buýt đủ chỗ ngồi, không nhồi nhét khách, chạy đúng giờ, sạch sẽ, lịch sự ... ở Việt Nam e là hơi khó!
DTN 20:44 (GMT+7) - Thứ Hai, 5/9/2011
Đa số làm ra ùn tắc là những “đường đi 2 chiều không có lan can”, “những ngã 4 được phép rẽ trái”, nếu các bác nghiên cứu lại và giải quyết được 2 vấn đề trên, tôi nghĩ sẽ giải quyết được tối thiểu 50% đường ún tắc giao thông.

Tất cả các tuyến đường đều cấm rẽ trái (hoặc cấm trong giờ cao điểm); các tuyến đường đi 2 chiều cũng phải có lan can.

Như vậy là biện pháp giải quyết vấn đề ùn tắc nhanh nhất và sẽ là liệu quả hơn.
Van 17:21 (GMT+7) - Thứ Hai, 5/9/2011
Tôi ở ngoại thành Hà Nội hàng ngày đi 8km để đến đuợc nơi làm việc, nếu cấm xe máy vào nội thành thì chúng tôi đi làm bằng phưong tiện gì khi mà nơi chúng tôi ở không có xe buýt (chẳng lẽ đi bằng xe đạp)?

Cấm xe máy là đúng, nhưng xin quí vị hãy xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng thật đa dạng, thật tốt, rồi hẵng cấm!

Chưa hoàn thiện cái nọ mà đã cấm cái kia, thì xin hãy nhìn vào bài học trong quá khứ thì sẽ hình dung ra kết quả ngay thôi, xin hãy trưng cầu ý dân xem họ có đồng thuận hay không? Chớ nên đề xuất rồi lại huỷ bỏ, rất mất thời gian công sức và tiền bạc!
Hung Nguyen 15:28 (GMT+7) - Thứ Hai, 5/9/2011
Vẫn cái cách làm không quản được thì cấm. Trong khi mô tô, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam tại các thành phố lớn, nếu cấm thì họ đi lại bằng cách nào? Xe bus có đủ để phục vụ đi lại của người dân không? Chất lượng dịch vụ xe bus đang có nhiều vấn đề, nếu tăng đột biến về số lượng thì chất lượng sẽ ra làm sao? Vậy cơ sở nào cho sự cấm đoán này?

Chủ trương lớn cần phải phục vụ mục địch của đại đa số dân chúng, lấy dân làm gốc chứ.

No comments:

Post a Comment