Wednesday, October 19, 2011

19/10 Nâng cao chất lượng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh

 19/10/2011
Tham luận của HĐND tỉnh Nam Định tại Hội nghị Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, do ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG ANH TUẤN trình bày

Trong hoạt động của HĐND, kỳ họp là hình thức hoạt động cơ bản, chủ yếu nhất. Nâng cao chất lượng của kỳ họp là một vấn đề quan trọng, luôn mang tính thời sự, được đặt ra ngày càng bức thiết, rất cần được trao đổi, rút kinh nghiệm, đặc biệt trong thời gian đầu của nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Nhiệm kỳ vừa qua, HĐND tỉnh Nam Định đã chú trọng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định; phương thức hoạt động của HĐND, về cơ bản, đã làm tốt công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND trong chuẩn bị và tổ chức kỳ họp; công tác TXCT được triển khai bài bản; công tác giám sát, thẩm tra trước kỳ họp có chuyển biến tích cực; chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên; công tác thông tin tuyên truyền tại kỳ họp được quan tâm; tại các kỳ họp, HĐND đã ban hành các nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân địa phương; chất lượng kỳ họp HĐND đã nâng lên một bước, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Có thể nói, chuẩn bị tốt nội dung các văn bản là điều kiện bảo đảm thành công của kỳ họp. Và vì vậy Thường trực HĐND tỉnh Nam Định luôn coi trọng khâu chuẩn bị, thẩm tra các văn bản, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế để chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp ngày càng được nâng cao.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp? Từ thực tế chuẩn bị các kỳ họp của HĐND tỉnh Nam Định, chúng tôi xin nêu một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND tỉnh, giữa các ban HĐND và các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị văn bản trình kỳ họp.
Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chủ động tổ chức cuộc họp liên tịch để bàn, thống nhất dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp. Cuộc họp liên tịch nếu được tổ chức sớm thì sẽ giúp công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được thuận lợi, các sở, ngành chức năng có thời gian chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Sau cuộc họp liên tịch, Thường trực HĐND tỉnh ra Thông báo để các ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan triển khai công tác chuẩn bị kỳ họp; giao cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành chuẩn bị công tác soạn thảo báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp bảo đảm thời gian quy định; phân công các ban thẩm tra các báo cáo, đề án; thường xuyên đôn đốc và đề nghị UBND chỉ đạo xây dựng dự thảo đề án, báo cáo phục vụ kỳ họp bảo đảm thời gian quy định; Thường trực HĐND sắp xếp thời gian tham gia cùng các ban dự hội nghị thẩm tra để kịp thời phát hiện vấn đề và có ý kiến về nội dung các văn bản trình tại kỳ họp, đặc biệt là các báo cáo, đề án có tính chất chuyên sâu, tầm ảnh hưởng rộng; Thường trực HĐND chú ý định hướng những nội dung cần phân tích, đánh giá sâu trong báo cáo thẩm tra của các ban HĐND. Trong thực tế hoạt động của HĐND, có những vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm, những vấn đề bức xúc cần được khẳng định trong báo cáo thẩm tra, nhưng chưa đưa đầy đủ vào nội dung báo cáo thẩm tra hoặc có đưa cũng chỉ ở mức độ lướt qua, mờ nhạt. Do vậy cần phải có ý kiến chỉ đạo và định hướng của Thường trực HĐND để các ban chủ động đề cập được đầy đủ những vấn đề nhạy cảm trong báo cáo thẩm tra.
Thứ hai, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục và thời gian trong quá trình soạn thảo, thẩm tra các văn bản trình kỳ họp. Theo quy định, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp phải được tiến hành theo đúng thủ tục và thời gian quy định như: lập chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND, phân công cơ quan soạn thảo; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; thẩm định của Sở Tư pháp; thông qua tập thể UBND gửi Thường trực và các ban HĐND trước 10 ngày để tổ chức thẩm tra.
Trên thực tế trong những năm qua tại tỉnh Nam Định, vẫn còn có văn bản thực hiện không đúng quy định trên; hồ sơ, tài liệu gửi để thẩm tra còn chậm gây khó khăn cho công tác thẩm tra của HĐND.
Thứ ba, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra. Báo cáo thẩm tra của các Ban có ý nghĩa rất quan trọng trong kỳ họp nên cần bảo đảm các yêu cầu: khẳng định căn cứ pháp lý để HĐND xem xét, quyết định; xem xét vấn đề đưa ra có phù hợp với tình hình thực tế, với nguyện vọng của cử tri; cần gợi mở, đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề còn vướng mắc, định hướng cho đại biểu thảo luận, thực hiện chất vấn thuận lợi, có cơ sở để xem xét và đi đến quyết định các vấn đề tại kỳ họp.
Hoạt động thẩm tra của các ban thường gặp một số khó khăn như: nhận được dự thảo báo cáo, tờ trình, đề án chậm; các thành viên của ban HĐND là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu; thời gian để hoàn thành báo cáo thẩm tra ít...
Trong những năm qua, các ban HĐND tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng để cải tiến và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra trước kỳ họp, ngoài những vấn đề mang tính quy trình, thủ tục... chúng tôi rút ra một số vấn đề quyết định đến hiệu quả công tác thẩm tra và chất lượng báo cáo thẩm tra như sau:
Một là, các ban HĐND tỉnh phải bảo đảm tính chủ động trong công tác thẩm tra. Căn cứ Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, các ban đã xây dựng chương trình công tác năm, trong đó chú trọng các nội dung phục vụ công tác thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết dự kiến trình HĐND tỉnh trong năm. Ngay sau hội nghị liên tịch, các ban chủ động xây kế hoạch nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin về các nội dung phải thẩm tra, không chờ đợi dự thảo của các cơ quan hữu quan.
Hai là, nâng cao chất lượng thẩm tra và tính phản biện trong thẩm tra. Thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình phải tập trung xem xét sự cần thiết của vấn đề; xem xét sự phù hợp của nội dung với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; với tình hình điều kiện phát triển KTXH ở địa phương, tính hợp pháp, tính thống nhất của các nội dung trình kỳ họp. Cần tìm hiểu làm rõ thêm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau...
Sau hội nghị thẩm tra, nếu còn có ý kiến trái chiều với cơ quan soạn thảo thì trong báo cáo thẩm tra của ban trình kỳ họp phải nêu rõ vì sao không thống nhất và đề xuất giải pháp, phương án cụ thể đề làm cơ sở cho các đại biểu HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Ở Nam Định, hội nghị thẩm tra thường được tổ chức tại cơ quan được phân công soạn thảo văn bản với sự tham gia của các thành phần gồm: Thường trực HĐND, các thành viên ban và các cơ quan liên quan. Sau khi các văn bản được cơ quan soạn thảo trình bày, hội nghị nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị về các nội dung. Sau đó, cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu đặt ra, hội nghị cùng tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, lãnh đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉ đạo hoàn chỉnh văn bản sau hội nghị.
Với cách làm như vậy, hoạt động thẩm tra các văn bản trình tại kỳ họp HĐND đã đóng góp nhiều ý kiến điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản trình tại kỳ họp; có những đề án đã phải dừng lại, bổ sung hoàn thiện vì qua thẩm tra thấy chưa đủ điều kiện để trình kỳ họp.
Ba là, nội dung báo cáo thẩm tra phải ngắn gọn, khắc phục tình trạng né tránh, ngại va chạm mà không đưa vấn đề gai góc, bức xúc vào báo cáo thẩm tra.
Cần chắt lọc, lựa chọn những vấn đề cần quan tâm để đưa vào báo cáo thẩm tra một lượng thông tin phù hợp, tránh sự dàn trải sẽ làm giảm sức thuyết phục. Không nên trích, chép lại những đánh giá của cơ quan trình báo cáo mà nên thể hiện rõ quan điểm đánh giá của các ban HĐND trong từng vấn đề.
Một điều cần chú ý là các văn bản trình tại kỳ họp cần được gửi trước đến đại biểu HĐND để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, xem xét. Bên cạnh đó cần có sự gợi ý thảo luận của chủ tọa đối với vấn đề các ban đề xuất, kiến nghị trong báo cáo thẩm tra.



No comments:

Post a Comment