Thứ sáu, 9/12/2011, 17:59 GMT+7
Quan chức Lầu Năm Góc hôm qua trấn an Trung Quốc rằng việc Mỹ tăng cường các mối quan hệ quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương không phải để kiềm chế cường quốc phương Đông.
> Trung Quốc đòi Mỹ giải thích việc điều quân tới Australia
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Flournoy tại cuộc đàm phán tham vấn quốc phòng Mỹ - Trung ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Theo bà Flournoy, những động thái quân sự gần đây của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương thực sự không có liên quan tới Trung Quốc. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố kế hoạch điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới đồn trú tại Australia hoàn toàn chỉ liên quan tới quốc gia thuộc châu Đại Dương. Đây cũng đồng thời là cách để duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này, có liên quan tới những thách thức phi truyền thống mà nhiều nước đang phải đối mặt.
Thông tin điều quân được Tổng thống Mỹ thông báo trong chuyến thăm Australia tháng trước. Số lính Mỹ nói trên sẽ có mặt tại cảng Darwin của Australia từ nay tới giữa năm 2012. Bà Flournoy cho biết đây là hoạt động nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Australia, đặc biệt sau khi Tổng thống Obama khẳng định vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương.
Trung Quốc tỏ ra quan ngại khi Mỹ gần đây đang từng bước tái khẳng định sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng những động thái của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Nhiều tướng lĩnh và các quan chức quân sự của Trung Quốc đã liên tục phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước này để nói lên quan điểm về chuyển biến quân sự của Mỹ.
Bên cạnh việc Mỹ chuẩn bị điều quân tới Australia, Trung Quốc còn bày tỏ sự không hài lòng về thương vụ vũ khí trị giá 5,85 tỷ USD mà Washington đồng ý thông qua với Đài Loan hồi tháng 9, trong đó có việc nâng cấp 145 máy bay F-16 mà hòn đảo này đang sở hữu.
Trong phiên khai mạc của cuộc gặp gỡ quân sự cấp cao, phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên cho rằng vòng đàm phán tham vấn quốc phòng lần này thể hiện rằng cả hai nước cùng cam kết cải thiện quan hệ, kiêm soát những rủi ro và giảm thiểu những hiểu lầm. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Flournoy thì cho hay hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như chương trình hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Biển Đông, tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Về các tranh chấp ở Biển Đông, đại diện quốc phòng Mỹ nhắc lại quan điểm Mỹ không đứng về bên nào, nhưng Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải cũng như muốn bảo lưu các quyền nghiên cứu thăm dò trên không và trên biển, điều mà Trung Quốc phản đối.
"Tôi không nghĩ là đã có tiến bộ quan trọng nào, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã trao đổi quan điểm một cách tích cực", WSJ dẫn lời bà Flournoy cho biết về vấn đề Biển Đông. Vùng biển này có những quần đảo là chủ đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á.
Một số mặt khác như những tiến bộ cụ thể trong công nghệ quân sự không được hai bên đề cập tới, bất chấp những thành tựu gần đây của Trung Quốc trong công nghệ tên lửa cũng như việc chạy thử hàng không mẫu hạm đầu tiên. Bà Flournoy mô tả tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc là một vấn đề còn cần được trao đổi lâu dài, và khẳng định Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ giải thích nhiều hơn về tương lai của tàu chiến này, như một phần trong những bước đi hướng tới việc minh bạch hơn về quốc phòng giữa hai nước.
"Dù thế nào đi nữa, đây là một bước tiến hợp lý trong sự phát triển quân sự toàn diện của Trung Quốc. Chúng tôi chờ đợi Trung Quốc sẽ nói nhiều hơn về sự phát triển này", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Nhật Nam
No comments:
Post a Comment