Monday, May 23, 2011

22/05 Nô nức ngày bầu cử Quốc hội, HĐND

Chủ Nhật, 22/05/2011 - 08:55


(Dân trí) - Từ sáng sớm nay, cử tri khắp các địa phương trên cả nước đã có mặt tại các điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình. Với hơn 62 triệu cử tri, cuộc bầu cử lần này là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
>> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi bỏ phiếu
>> Hơn 60 triệu cử tri cả nước đi bầu cử
Từ hơn 6 giờ sáng, trên khắp các tuyến phố Hà Nội, cờ hoa, biểu ngữ ngày bầu cử đã được trang hoàng đẹp, tươi mới hơn. Tiết trời giữa mùa hạ nhưng khá mát mẻ, thuận lợi cho cử tri đi thực hiện quyền bầu cử. Sáng sớm, dòng người tham gia giao thông trên các tuyến phố giảm hẳn so với bình thường. Đến hơn 8 giờ nhiều cửa hàng tại các tuyến phố vẫn chưa mở cửa vì chủ hàng cùng cả gia đình còn tham gia bầu cử 4 cấp.
Điểm bầu cử Phường Quan Thánh, Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Quốc Cường)
Cử tri xếp hàng nhận phiếu bầu (ảnh: Phương Thảo).
Bà Trần Thị Hà, một chủ cửa hàng trên phố Đội Cấn chia sẻ, đã tạm đóng cửa hàng đến sau 10 giờ để cho các nhân viên đi thực hiện quyền bầu cử.
Quận Ba Đình có 168.000 cử tri đăng ký thực hiện quyền bầu cử Quốc Hội và HĐND các cấp, trong đó cử tri nữ có trên 85.000, còn lại là cử tri nam. Đúng 7 giờ sáng, tại điểm bầu cử số 7, phường Quán Thánh, lễ khai mạc buổi bầu cử đã được tiến hành đầy đủ và trang trọng. Tham dự bầu cử, cử tri Nông Đức Mạnh - Nguyên Tổng bí thư đồng hành cùng một số nguyên lãnh đạo Đảng - Nhà nước đã cùng cử tri tổ dân phố bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Cử tri cân nhắc trước khi bỏ phiếu (Ảnh: Gia Khoa)
Tại tổ bầu cử số 8 phường Mỗ Lao - Hà Đông, hàng trăm cử tri xếp hàng cùng nhau bỏ phiếu bầu cử trong không khí tưng bừng, náo nức. Bác Bạch Hồng Tráng - Tổ trưởng tổ bầu cử số 8 phường Mộ Lao cho biết: “Ngay từ 7h sáng nay, tại đơn vị 4 tổ bầu cử số 8 phường Mỗ Lao, trước giờ mở hòm phiếu, đã có trên 300 cư tri tập trung đợi tại phòng bầu cử. Ai cũng muốn được tự tay mình bỏ những lá phiếu đầu tiên để lựa chọn ra những người đại diện cho mình. Tổng số cử tri trên địa bàn gần 1700 cử tri thì sau 1 giờ bầu cử đã có khoảng 700 cử tri đến bỏ phiếu”.
Kiểm tra hòm phiếu trước khi bỏ phiếu bầu (Ảnh: Anh Thế).
Bà Trần Ngọc Chức, một cử tri 78 tuổi hồ hởi chia sẻ: “Năm 1946, trong kỳ bầu cử đầu tiên, tôi là thiếu nhi cổ vũ cho không khí bầu cử lần đầu tiên tưng bừng cả nước. Những lần bầu cử tiếp theo đến bây giờ, tôi đều tự tay bỏ lá phiếu của mình với vẹn nguyên một cảm giác xúc động bồi hồi của người lính đã đi qua chiến tranh khao khát hòa bình độc lập tự do hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã nói”.
Gần 9h, khu vực bỏ phiếu số 2 phường Nguyễn Du đã có gần 60% trong số hơn 1000 cử tri đi bầu cử. Ông Lê Thanh Bình tổ trưởng khu dân phố cho biết, chưa có sự cố nào xảy ra. Ngoài hành lang, nơi dán danh sách ứng viên, nhiều cử tri đọc và ngẫm rất kỹ trước khi quyết định bầu ai là người đại diện cho dân đứng trên diễn đàn Quốc hội và HĐND.
Cử tri Trương Thị Chi, 80 tuổi không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu đi bầu cử. “Già như tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ lớn lao của đất nước thật sự thất rất vui, hạnh phúc”, cụ Chi chia sẻ. Cũng chính vì vậy, mà cụ giục con cháu đưa ra khu vực bỏ phiếu từ rất sớm.
Cử tri trẻ tuổi nhất khu vực bỏ phiếu số 3 phường Nguyễn Du, chị Nguyễn Hồng Hạnh (vừa tròn 18 tuổi) bộc lộ sự hân hoan trong lần đầu tiên được thực hiện quyền cao nhất của công dân. Khá đắn đo trước danh sách các ứng viên, cử tri cho biết tiêu chí chọn của mình là người có trình độ, tâm huyết, mục đích minh bạch, không vụ lợi.
Đường phố TPHCM hôm nay cũng rực đỏ màu cờ và thông thoáng hơn thường lệ, những chiếc xe cổ động di chuyển trên các tuyến đường với tiếng loa rộn rã càng tăng thêm không khí náo nức của thời khắc người dân thực hiện quyền công dân của mình. Tại chung cư 336/1 bis Phan Văn Trị Q. Bình Thạnh, từ chiều qua đã rộn ràng các bài hát chào mừng ngày bầu cử.
Cử tri xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu

Cụ Nguyễn Nhi (88 tuổi), cử tri lớn tuổi nhất phường 9 đi bầu

Cụ Nguyễn Nhi, cử tri cao tuổi nhất phường 9, quận 3 tự hào: “Năm nay tôi đã 88 tuổi, 64 năm tuổi Đảng và vinh dự được tham dự cả 13 kỳ bầu cử của nước ta.

Đến bây giờ, khi tham gia kỳ bầu cử thứ 13 thì cảm xúc vinh dự và tự hào vì lần đầu tiên được là cử tri vẫn mãnh liệt trong tôi. Ngày ấy, trong khi nhiều nước tiến bộ luôn nói là nam nữ bình quyền nhưng phụ nữ vẫn không được đi bầu, ở các nước hồi giáo lại càng không. Thế mà, nhưng ở ta ngay trong kỳ bầu cử đầu tiên đã cho phụ nữ đi bầu và bỏ phiếu kín. Điều đó thể hiện dân chủ và bình đẳng ở nước ta.

Ngày bầu cử đầu tiên ấy, ở xã tôi náo nức lắm, các chị cứ í ới gọi nhau đi. Nhiều người hỏi thì họ tự hào bảo “đi bàn việc nước” với vẻ hãnh diện lắm chứ không bảo là đi bầu như bây giờ."

Mới sáng sớm, ở khu vực bầu cử phường 17, quận Bình Thạnh, chị Pa Ti Mah, cử tri người Chăm ở TPHCM đã có mặt với lá phiếu cử tri trên tay. Chị hồ hởi cho biết: “Chúng tôi rất vui vì trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này ở TPHCM có 1 người Chăm ra ứng cử, chúng tôi sẽ bầu cho ông ấy. Vì cùng là người Chăm, ông ấy sẽ biết người Chăm mình muốn gì, cần gì để hỗ trợ. Những đại biểu khác dù quan tâm đến người Chăm nhưng cũng sẽ không hiểu hết người Chăm được”.
Chị Pa Ti Mah hy vọng lá phiếu của mình sẽ giúp đại diện của cộng đồng mình trúng cử (Ảnh: Tùng Nguyên)

Sau khi bỏ xong lá phiếu quan trọng của mình, chị Pa Ti Mah chia sẻ về kỳ vọng lớn nhất của mình đối với các đại biểu Quốc hội là mong các đại biểu quan tâm hơn đến vấn đề việc làm cho cộng đồng người Chăm."

Theo Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh, tại khu vực bầu cử này có hơn 150 cử tri người Chăm. Tổ bầu cử cũng chọn một người Chăm làm việc trong tổ để tiếp xúc, hướng dẫn đồng bào Chăm tìm hiểu ứng cử viên, luật bầu cử và quy trình bỏ phiếu.

Các tổ bầu cử đều chọn 1 người Chăm tham gia để tiếp xúc với cử tri là người Chăm (Ảnh: Tùng Nguyên)
Với hơn 4,5 triệu cử tri, Hà Nội và TPHCM là những địa phương có số người đi bầu đông nhất cả nước.
Sáng nay, hòa cùng không khí bầu cử chung cả nước, tỉnh Nghệ An có hơn 2 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Không khí bầu cử tại Nghệ An sôi động, hào hứng và an toàn... Ghi nhận tại Trường ĐH Vinh, sân trường rực rỡ cờ hoa, pa nô, áp phích,... Nhiều sinh viên háo hức vì lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân.
Sinh viên Đại học Vinh cân nhắc trước khi đưa ra quyết định (Ảnh: Nguyễn Duy)
Anh Nguyễn Hồng Soa, Bí thư đoàn trường cho biết: “Năm nay, Đại học Vinh có số lượng cử tri đông đảo gồm 18.000 học sinh, sinh viên, phần lớn lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Từ ngày 16 - 20/5/2011, Phòng Công tác chính trị - học sinh, sinh viên đã chủ động phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 theo từng lớp, nắm bắt nhận thức của sinh viên về nghĩa vụ và quyền lợi của cử tri… tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn trường”.
Trong ngày 22/5, điểm bầu cử tại Trường Đại học Vinh - thuộc tổ bầu cử số 4 phường Bến Thuỷ là điểm cầu truyền hình trực tiếp của cả nước về ngày bầu cử. Nữ sinh viên Nguyễn Huyền Trang chia sẻ với niềm tin và kỳ vọng lớn lao: "Em thấy phấn khởi lắm, đây là lần đầu tiên em đi bầu cử cho nên mong muốn của em là chọn ra được những đại biểu có chất lượng để cống hiến cho xã hội".
Tại huyện miền núi cáo Quỳ Hợp, bà con dù bận lên nương rẫy cũng cố gắng hoàn thành tốt việc bỏ phiếu chọn người tài cho đất nước. Ông Quán Vi Thắng, bản Đồn Mộng, xã Châu Quang, nói: "Tôi năm nay đã gần 70 tuổi rồi, là người cao tuổi ở trong bản. Hôm nay 22/5 là ngày bầu cử tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Tôi động viên gia đình, con cháu đi thực hiện bầu cử đầy đủ và động viên nhân dân trong xóm đi thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân, mong muốn chọn ra được những người đủ đức, đủ tài sau này có nhiều đóng góp cho nước, cho dân".
13 giờ ngày 22/5, khuôn viên Trung tâm GDLĐXH Tp Vinh dù trời nắng nóng nhưng các học viên đã quần áo chỉnh tề đợi đến giờ phút bỏ lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đúng 2 giờ chiều, tổ bầu cử số 5 xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông - nơi Trung tâm đóng mang hòm phiếu và phiếu đến.

Nghiên cứu lần cuối danh sách các ứng cử viên để đưa ra quyết định chính xác nhất

Hoàn thành nghĩa vụ của một công (Ảnh: Nguyễn Duy)
Cẩn trọng, đắn đo nhiều người không biết nên gạch ai, chọn ai bởi ứng cử viên nào cũng xứng đáng. Phải mất khoảng 10 phút các cử tri - học viên cai nghiện mới có thể đặt ngòi bút lựa chọn đại biểu để bầu.

Tại Hà Nam, sáng nay hàng nghìn sinh viên trường Cao đẳng phát thanh truyền hình I cũng hân hoan chào đón ngày bầu cử.

Thầy cô giáo và sinh viên trường CĐ Phát thanh truyền hình Hà Nam I bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Thanh Việt)

Thầy Dương Văn Tuẫn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Buổi bầu cử tại trường diễn ra rất nghiêm túc và đúng luật. Tất cả các em sinh viên đều đi bầu cử đầy đủ và thực hiện theo đúng quy định của luật bầu cử”.

Bạn Nguyễn Văn Đức, sinh viên năm cuối khoa Báo chí - Phát thanh tâm sự: “Hôm nay thực sự là một ngày hội lớn trong cuộc đời mỗi sinh viên chúng em. Chúng em được thực thi quyền lợi công dân của mình. Em hi vọng các sinh viên của trường sẽ sáng suốt bầu chọn được những đại biểu thật xứng đáng để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Tại tỉnh Quảng Ninh, có gần 850.000 cử tri đăng ký tham gia bầu cử. Không khí hân hoan trong buổi sáng ngày bầu cử đã diễn ra hầu khắp các địa điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bắt đầu từ 7 giờ sáng, tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, cử tri Vũ Đức Đam - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh đã cùng đồng hành với các lãnh đạo địa phương dự khai mạc và cùng các cử tri phường Hồng Hải thực hiện quyền bầu cử 4 cấp.


Ông Vũ Đức Đam - Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Quảng Ninh (giữa) thực hiện quyền bầu cử tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Ảnh: Quốc Cường)

Hôm nay, toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 600.000 cử tri đi bầu. 7h sáng, tại khu vực bỏ phiếu số 6 phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê, hàng trăm cử tri đã náo nức xếp hàng đợi nhận phiếu. Ghi nhận tại đây, có những gia đình mấy thế hệ cùng nhau đi bỏ phiếu; có cụ già còng lưng tóc bạc, nhờ cháu nhỏ dẫn đường đi làm nghĩa vụ công dân.


Mới 7h30 sáng, dòng người đợi vào khu vực bỏ phiếu đã xếp hàng dài (Ảnh: Khánh Hiền)

Cụ Đinh Thị Chi đã ngoài 80 tuổi, người dân tổ dân phố số 28, phường Thạc Gián, lưng đã còng, đi lại khó khăn, nhưng từ sớm cụ đã đến khu vực bỏ phiếu. Không tự tay viết phiếu bầu cử được, cụ phải đến bàn viết giúp tại khu vực bỏ phiếu, nhưng cụ cho biết: “Tôi đã tìm hiểu danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tại khu vực bỏ phiếu của mình từ trước rồi và đã có sự lựa chọn cho riêng tôi. Tôi không nhớ hết đã có bao nhiêu lần trong đời tôi đi bỏ phiếu bầu cử. Sống ở thành phố này lâu, và theo dõi các cuộc tiếp sức cử tri, tôi đã chọn được những đại biểu theo tôi là đáng để “chọn mặt gửi vàng””.


Cụ Đinh Thị Chi tay đã yếu phải nhờ người viết giúp nhưng cụ đã có sự lựa chọn của riêng mình (Ảnh: Khánh Hiền)

Điểm bầu cử phường Thuận Lộc (TT-Huế) từ 6h sáng nay, hàng trăm người với khoảng 1/3 các bạn trẻ đã tập trung đến bầu cử.


Bác Nguyễn Thanh Minh dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn xông xáo đi bầu cử từ rất sớm (Ảnh: Đại Dương)

Bác Nguyễn Thanh Minh (82 tuổi, đại tá quân đội về hưu) vui mừng tâm sự: “Đã nhiều lần tôi đi bỏ phiếu nhưng lần này vì gộp cả hai kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND nên đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền của cho Chính quyền và nhân dân. Tôi đã viết trước trong một mẫu giấy tất cả các ứng viên cách đây 1 tuần để nghiên cứu kỹ từng phẩm chất, năng lực từng người. Tôi đã chọn đại biểu 3 HĐND cấp phường, thành phố, tỉnh và đại biểu quốc hội sao cho phù hợp với tỷ lệ nam/nữ, trẻ/già để cơ cấu tốt bộ máy nhà nước. Tôi nghĩ yếu tố thiết yếu quan trọng nhất của đại biểu được lựa chọn là phải có trách nhiệm với nhân dân”.

Tờ giấy của bác Minh ghi trước đây 1 tuần về phẩm chất, công việc các đại biểu ứng cử Quốc Hội tỉnh TT-Huế để nghiên cứu (Ảnh: Doãn Công)

Khối ĐH Huế có 7 trường Đại học thành viên và 3 khoa trực thuộc Đại học Huế. Đông đảo các bạn sinh viên đã nô nức tham gia bầu cử tại sáng nay.

Đông đảo SV trường ĐH Khoa học Huế ở các tỉnh thành khác bầu cử tại trường vào 8h sáng nay (Ảnh: Thái Bá)

Em Nguyễn Anh Khiêm, SV năm 2 ngành BS Đa khoa, ĐH Y Dược Huế (quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam), lần đầu tiên đi bầu cử cho biết “Tâm trạng em khá hồi hộp vì lần đầu đi bầu cử trong đời. Em sẽ xem danh sách các ứng viên kỹ càng và ưu tiên lựa chọn cho những ứng viên về lĩnh vực y tế vì họ sẽ giúp cho ngành y tế chúng em hơn. Học ở TP Huế là một trung tâm đào tạo về y khoa nên em cảm nhận và rất mong muốn những người đắc cử sẽ thực hiện tốt việc đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cũng như chú trọng trang cấp các trang thiết bị kỹ thuật ở nhiều trường đại học về Y Dược trên cả nước tốt hơn để thế hệ sinh viên chúng em có cơ hội phát triển hơn nữa".

Theo ông Cái Vĩnh Tuấn, GĐ Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có khoảng hơn 780.000 cử tri. Tỉnh đã phân công cán bộ về từng xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ trong việc tác nghiệp tổ chức bầu cử.

Sáng ngày 22/5, tại Thanh Hóa, cụ ông Hồ Ngọc Khiết sau khi kết thúc chuyến đi bộ xuyên Việt đã thực hiện quyền công dân của mình. Đông đảo cử tri hồ hởi tiếp xúc và trò chuyện với cụ ông Hồ Ngọc Khiết (72 tuổi), quê huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Cụ Khiết sau 2 tháng 18 ngày tình nguyện đi bộ xuyên Việt, điểm xuất phát là Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và đích đến là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, đi về cội nguồn để tưởng nhớ lại bức tranh anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước.

Cụ Hồ Ngọc Khiết (thứ 2 từ phải qua) bỏ phiếu bầu cử tại Tổ bầu cử số 3, phường Ngọc Trạo (Ảnh: Duy Tuyên)

Cụ Khiết phát biểu: “Hôm nay là một vinh dự lớn, tôi về qua Thanh Hóa đúng dịp bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, được cán bộ thành phố và Tổ bầu cử tạo điều kiện giúp đỡ nhiệt tình nên tôi được tham gia bầu cử tại Tổ số 3, phường Ngọc Trạo, một trung tâm lớn của thành phố Thanh Hóa, không khí ở đây thật rộn ràng và rất trật tự. Tôi hy vọng các đại biểu sau khi trúng cử sẽ thực hiện đúng phương châm lời Bác Hồ đã dạy "Người cán bộ là đầy tớ của nhân dân”.

Huyện Quảng Xương, do số lượng cử tri đông nên một số đơn vị bầu cử phải mượn địa điểm nhà dân để tiến hành bầu cử. Ông Vũ Khoa Việt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 5 xã, do nhiều thôn chưa xây dựng được nhà văn hóa nên phải mượn nhà dân để tiến hành tổ chức bầu cử, nhất là các xã ven biển. Công tác chuẩn bị tại các điểm này đã được tổ chức tốt.
Điểm bầu cử tại một nhà dân ở thôn 3, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương - Tổ bầu cử số 3, xã Quảng Bình (Ảnh: Lan Anh).
Ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện biên giới Mường Lát cho biết: “Hôm nay thời tiết ở Mường Lát rất ủng hộ bà con đi bầu cử, trời không mưa cũng không nắng lắm. Tại bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu là bản Mông có 333 cử tri tham gia 100% đi bỏ phiếu bầu Đại biểu. Một số xã thông tin liên lạc còn khó khăn như Mường Lý cũng đã có báo cáo sơ bộ về tình hình bà con đi bỏ phiếu diễn ra tốt”.
Cử tri các dân tộc huyện Ngọc Lặc hân hoan bỏ phiếu bầu ĐBQH và HĐND các cấp
Theo thống kê ban đầu từ Ủy ban bầu cử Thanh Hóa, đến 11 giờ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 1.867.836 cử tri đi bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 (đạt 78,23%). Riêng các huyện vùng núi đã có tỷ lệ số cử tri đi bầu cao như Mường Lát: 81%; Lang Chánh; 94%; Quan Hoá 97%; Quan Sơn 93%, thành phố Thanh Hóa 80%. Riêng huyện vùng núi Lang Chánh đã có 7 điểm bỏ phiếu cử tri đi bầu đạt 100%.
Tại Hà Tĩnh, 893.600 cử tri đã nô nức đến 1710 khu vực bỏ phiếu.
Khác với lần bầu cử trước, cuộc bầu cử lần này bầu 4 cấp nên ở tất cả các tổ bầu cử, các cử tri đã đến rất sớm để nghiên cứu kỹ thêm hồ sơ các ứng cử viên trước khi bầu. Tình hình an ninh trật tự trước và trong bầu cử rất tốt, thời tiết thuận lợi là điều kiện để các đơn vị bầu cử sớm hoàn thành công việc trọng đại của mình.
Cử tri Nguyễn Thanh Bình - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - bỏ phiếu tại Khu vực Tổ bầu cử số 4 - Phường Nam Hà

Cử tri Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, các cử tri Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh; Từ Văn Diện, Chủ tịch UBMT TQ tỉnh sau khi thực hiện quyền công dân của mình đã tiến hành đi kiểm tra công tác bầu cử tại các điểm ở TP Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn.

Tại tổ bầu cử số 4, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh sau khi khai mạc trịnh trọng lễ bầu cử, 1.092 cử tri là cán bộ chiến sỹ thuộc khối Công an tỉnh đã lần lượt đến bỏ phiếu; đến 8h30 đã có 100% cử tri thực hiện xong quyền lợi nghĩa vụ công dân.
Các cử tri bỏ phiếu ở Tổ bầu cử số 5 – Thị trấn Kỳ Anh

Ông Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng uỷ phường Tân Giang cho biết: Đến 8h đã có 292/531 công dân phường hoàn thành nghĩa vụ của mình. Chợ Hà Tĩnh thường ngày tấp nập người bán kẻ mua song sáng nay bỗng vắng vẻ hẳn vì bà con tiểu thương rủ nhau đi bỏ phiếu rồi mới ra chợ mở quầy bán hàng.

Các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, nơi cách đây 8 tháng vừa ngập chìm trong trận đại hồng thủy nay đều bừng lên khí sắc mới. Cờ hoa biểu ngữ lộng lẫy tung bay trong gió sớm. Xã Hương Trà huyện Hương Khê vinh dự là điểm cầu truyền hình trực tiếp của cả nước. Chính vì vậy, hơn 65.000 cử tri trong huyện càng phấn khởi tự hào trước trọng trách của mình. Ông Đinh Hữu Tân- Chủ tịch UBBC huyện cho biết: “Trước và trong bầu cử, công tác an ninh trật tự rất tốt. Đến 10h ngày 22/5, đã có 95% cử tri toàn huyện đến tại các điểm bỏ phiếu để bầu cử”.
Giáo dân xã Thạch Trung bầu cho người mình chọn (Ảnh: DT)

Vùng biển cửa Lộc Hà, tại tổ bầu cử số 3 xóm Xuân Phượng xã Thạch Kim có 1.200 cử tri, là 1 trong những xóm có số lượng cử tri làm nghề đánh bắt cá đông nhất xã. Ngư dân Ngô Văn Minh- cử tri thôn Giang Hà vừa cập bến sáng nay sau chuỗi ngày dài đánh bắt cá ở đảo Hòn Mắt. Anh hồ hởi: “ Ngoài nghe thông tin trên các phương tiện tuyên truyền về công tác bầu cử, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc lựa chọn những người có đủ tài đức và tâm huyết vào đại biểu Quốc Hội và HĐND các cấp nên hầu hết ngư dân chúng tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để kịp về bầu cử nên sáng nay tàu chúng tôi cập bến đúng 6h.

Vùng Giáo dân Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) với 3.615 theo đạo Thiên chúa trên 5.580 cử tri toàn xã đã phấn khởi đến các 6 đơn vị bỏ phiếu dự lễ khai mạc và tự tay cầm lá phiếu của mình bỏ cho người mình chọn.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 971 khu vực bỏ phiếu. Sau khi huyện đảo Trường Sa hoàn thành công tác bầu cử sớm tại 21 điểm đảo vào ngày 15/5, sáng nay (22/5), tại 3 điểm bầu cử của huyện Trường Sa đặt tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, cử tri tiến hành bỏ phiếu cùng với cả nước theo đúng chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Trung ương. Từ trước 7 giờ sáng đông đảo cử tri là cán bộ, chiến sỹ đoàn M46, công chức của huyện Trường Sa và thân nhân các cán bộ đang công tác ngoài đảo đã có mặt đầy đủ để thực hiện quyền công dân của mình.

(Ảnh: Nguyễn Thành Chung)

Tại phường Lộc Thọ (TP Nha Trang), ông Phan Thanh Hương, tổ trưởng tổ bầu cử này cho biết: Điểm bỏ phiếu tại phường Lộc Thọ có 599 cử tri, đặc biệt là có thêm những khách vãng lai được giới thiệu đến bỏ phiếu, khách đi du lịch nhưng cũng không quên nghĩa vụ và quyền lợi của mình đi bầu cử để thực hiện đầy đủ quyền công dân.

Điểm bỏ phiếu tại trường dự bị Đại học dân tộc Trung Ương Nha Trang (phường Tân Lập, TP Nha Trang), bạn Ngô Minh Tuấn, dân tộc Tày, sinh viên khóa 28A7, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia bầu cử, em rất tự hào và nhiều cảm xúc. Em sẽ sáng suốt bầu ra những người đủ tài, đủ đức với mong muốn cống hiến, xây dựng cho nước nhà”.

Lào Cai hôm nay có gần 40 vạn cử tri của 25 dân tộc nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016. Nét đặc biệt của cuộc bầu cử lần này là tỉnh Lào Cai có tất cả 8 huyện trong tỉnh và 12 phường trực thuộc thành phố tỉnh lỵ Lào Cai không phải bầu đại biểu hội đồng nhân cấp huyện và đại biểu hội đồng nhân dân cấp phường nhiệm kỳ 2011-2016 như nơi khác vì ở đây vẫn được Trung ương cho phép tiếp tục thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện và hội đồng nhân dân cấp phường trong nhiệm kỳ này.



(Ảnh: Ngọc Triển)

Ý thức bầu cử của bà con dân tộc thiểu số rất cao, đúng 7h sáng đã có mặt đông đủ. Đại diện khu vực bỏ phiếu số 3 xã Quang Kim, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cho biết do tổ chức vận động tốt nên 405 cử tri của thôn Làng Kim 1, 2 thuộc khu vực bỏ phiếu sẽ bỏ phiếu xong ngay trước 9 giờ sáng nay.

Có mặt tại Làng phong Đăk Kia (thuộc thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết,TP.Kon Tum) từ lúc 6 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến thôn trưởng Đăk Kia - anh A H’Nhĩu - mồ hôi ướt cả bờ vai chạy tới chạy lui đốc thúc các thành viên tổ bầu cử hoàn thành nốt các công việc cho bầu cử vào lúc 7 giờ tới. Làng Đăk Kia cũng là Tổ bầu cử số 1 của xã Đoàn Kết, phục vụ bầu cử cho 366 cử tri là bệnh nhân phong đang sinh sống tại làng phong Đăk Kia. Sơ Y Phương - người được dân làng gọi với cái tên thân mật “Mẹ Phương” - nói trong nước mắt: “Chính quyền tốt với dân làng phong quá, vừa cho cái ăn, cho cái nhà để ở, nay được đi bầu cử nữa là dân làng vui lắm rồi”. Già làng Đăk Kia, ông A Níu cũng là Tổ trưởng Tổ bầu cử của làng nói trong niềm phấn khởi: “Dân làng mình vui cái bụng lắm. Đảng và Nhà nước không phân biệt người bệnh tật, người nghèo. Ai cũng được quyền đi bầu cử cả!”.




(Ảnh: Đại Hòa)

Thông tin ban đầu của Ủy ban Bầu cử tỉnh, do chuẩn bị khá kỹ các khâu, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh nếu do thiên tai gây ra như mưa bão lớn…nên việc bầu cử diễn ra thuận lợi, theo đúng kế hoạch. Đến trưa nay, khoảng 6-70% số cử tri trong toàn tỉnh đã thực hiện xong quyền công dân của mình. Riêng trên 17 nghìn cử tri tại 12 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh bầu cử sớm 01 ngày (ngày 21/5) đến 13 giờ cùng ngày đã hoàn thành công tác bầu cử, với số cử tri đi bầu đạt 100%.

7h sáng nay 22/5, các Tổ bầu cử trên địa bàn TP Cần Thơ khai mạc, nhưng từ rất sớm người dân Cần Thơ đã nao nức rủ nhau đến các tổ bầu cử để bỏ phiếu. Cụ Lâm Thị Tốt (84 tuổi, ngụ phường An Hội, quận Ninh Kiều) cầm thẻ cử tri trên tay hồ hởi nói: “Không nhớ là tui đã đi bầu cử mấy lần rồi nhưng lần này thấy vui quá, dù nhà gần điểm bỏ phiếu nhưng tui cũng tranh thủ đi sớm để xem lại tiểu sử của các đại biểu để chọn cho đúng người mà gửi nguyện vọng của người dân chúng tui”.

Đem hòm phiếu tới tận giường cho các cụ già yếu bỏ phiếu (Ảnh: Ngô Nguyễn)

Tại điểm bầu cử số 1, khu vực phường An Hội, sáng nay Đài PTTH TP Cần Thơ đã truyền hình trực tiếp buổi khai mạc trong 30 phút. Điểm bầu cử này có sự tham dự của ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ, ông Mẫn cũng là người đầu tiên bỏ phiếu bầu hoàn thành trách nhiệm của một công dân.

Có mặt tại Nhà nuôi dưỡng Người già và Trẻ em không nơi nương tựa TP.Cần Thơ lúc 8h sáng, PV Dân trí ghi nhận cho thấy không khí tại đây cũng rất sôi động. Cụ Trần Thị Sửu (90 tuổi) nói: “Tôi sống đến nay đã 90 tuổi rồi, cũng đã nhiều lần đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu đại diện của dân, những ngày như thế này tui háo hức lắm. Giờ sống ở trong nhà nuôi dưỡng nhưng vẫn được sự quan tâm của các cấp chính quyền để cho tui làm nhiệm vụ công dân. Tui cũng được hướng dẫn bỏ phiếu đầy đủ”.

Theo ông Phan Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết ở đây có 61 cụ (các cụ đều từ 70 tuổi trở lên), nhiều cụ mắt đã mờ, tai bị điếc không nghe rõ vì thế trung tâm phải hướng dẫn cụ thể để các cụ bỏ phiếu. Ngay trong sáng nay, nhiều cụ còn đi được thì Trung tâm đã tổ chức cho các cụ đi bỏ phiếu với những cử tri khác. Còn những cụ không đi được thì nhân viên mang thùng phiếu phụ đến từng giường cho các cụ bỏ vào.
Người dân nô nức chạy ghe đi bầu cử (Ảnh: Huỳnh Hải)

8h30 sáng, PV Dân trí qua chuyến đò để đến cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) ghi nhận không khí bầu cử ở đây. Cồn Sơn dù cách đất liền khá xa nhưng công tác bầu cử vẫn rất rộng ràng. Hình ảnh sôi động nhất ở khu vực này là đông đảo người dân rủ nhau chạy ghe đến điểm bỏ phiếu.

Tại Trường ĐH Cần Thơ, nhiều sinh viên đã đến các điểm bầu cử sớm để xem lại danh sách các ứng cử viên. Sinh viên Nguyễn Thị Trà My (khoa Luật) chia sẻ: “Em thấy Trường ĐH Cần Thơ tổ chức cho các em đi bầu, không phải về quê đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chúng em hoàn thành trách nhiệm công dân. Thế hệ trẻ chúng em đều mong muốn chọn được người tài đức để có thể đại diện nguyện vọng của chúng em, đặc biệt là các hoạt động giáo dục ngày càng phát triển hơn”.
Bà con dân tộc Khmer ấp Vũng Đùng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng đi bầu cử (Ảnh: B.D).

Người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam hoàn thành trách nhiệm công dân
Chiều ngày 22/5, tin từ Ban bầu cử xã Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, cụ bà Trần Thị Viết (119 tuổi) đã hoàn thành trách nhiệm công dân của mình trong kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Cụ bà Trần Thị Viết (SN 1892) hiện đang sống tại ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng với cháu nội. Theo UBND xã Tuyên Bình Tây, thống kê chưa đầy đủ thì cụ Viết có trên 400 con, cháu, chút, chít…
Trong sáng nay, Ban bầu cử xã Tuyên Bình Tây đã nhận được các phiếu bầu ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp của cụ Viết. Như vậy, người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm của một công dân.
Cụ Viết có 10 người con (7 trai, 3 gái), cả 7 người con trai của cụ đều theo cách mạng và anh dũng hy sinh. Sau giải phóng, cụ Viết được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
.
Theo anh Nguyễn Văn Bình, cháu nội của cụ (con của người con út của cụ) cho biết, mắt của cụ bắt đầu mờ từ nhiều năm nay nhưng trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn. Cụ có thể nhớ và hát nhiều bài hát ru dân gian.
Ngày 18/12/2010 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố cụ Trần Thị Viết (119 tuổi) là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn tuổi nhất ở Việt Nam.
Huỳnh Hải
Nhóm PV

No comments:

Post a Comment