07:28 | 20/06/2011
ĐBQH rất cần báo chí. Qua báo chí, ĐBQH nắm bắt được rất nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình mỗi địa phương. Báo chí cũng là nơi phản ánh rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và như vậy cũng có thể coi báo chí như là một kênh tiếp xúc cử tri gián tiếp của ĐBQH.
Thêm nữa, khi cần nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó, ĐBQH có thể trông cậy báo chí như là một nguồn thông tin phong phú và bổ ích, như là một người bạn tâm giao và cao hơn, nhiều khi như là một người thầy. Khi tham gia các hoạt động của QH, nhất là khi tham gia thảo luận tại các Kỳ họp QH, tôi đều nghiên cứu, sử dụng những thông tin trên báo chí. Báo chí giúp tôi nắm bắt được cuộc sống một cách toàn diện và đa chiều hơn, tiếp xúc được nhiều hơn với thực tiễn sinh động, phong phú.
Nhân dân cũng rất cần báo chí. Tuy nhiên ở đây tôi chỉ đề cập tới cử tri – những người bằng lá phiếu của mình bầu ra ĐBQH. Theo luật pháp, QH có quyền giám sát tối cao và ĐBQH tham gia vào việc thực hiện thẩm quyền đó. Nhưng ai giám sát QH và ĐBQH? Đó chính là nhân dân, là cử tri. Sự giám sát của cử tri qua nhiều kênh, trong đó có một kênh rất quan trọng là báo chí. Qua báo chí, cử tri biết được hoạt động của ĐBQH, biết quan điểm, suy nghĩ của ĐBQH; qua đó đánh giá hoạt động của ĐBQH, biểu thị sự đồng tình ủng hộ hoặc không tán thành, thậm chí phản đối. Người ĐBQH phải tiếp nhận, phân tích, sàng lọc những thông tin đó để bổ sung, điều chỉnh, để làm tốt hơn nhiệm vụ người đại biểu nhân dân của mình.
Ở Thái Nguyên,, ngay từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với báo, đài địa phương có chuyên mục “ĐBQH và HĐND với cử tri”. Chúng tôi cũng có trang Web riêng “Đại biểu dân cử Thái Nguyên” nên có thể nói, báo chí ở địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với cá nhân, tôi luôn gắn bó, quý mến và trân trọng báo chí. Trong cuộc đời công tác của mình, tôi đã có thời gian làm Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh truyền hình Thái Nguyên. Tôi thường xuyên đọc báo và rất mừng vì báo chí của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động của QH và ĐBQH, nhất là trong các kỳ họp của QH luôn được báo chí quan tâm và phản ánh kịp thời. Tuy nhiên, nhiều tờ báo mới tập trung phản ánh hoạt động của QH và ĐBQH tại các kỳ họp, còn giữa 2 kỳ họp thì vẫn ít thông tin. Vì giữa 2 kỳ họp, QH và ĐBQH không hề ngừng, nghỉ mà còn rất nhiều hoạt động khác. Trong kỳ họp, nhiều báo tập trung phản ánh những phiên họp toàn thể tại hội trường, chưa quan tâm phản ánh thảo luận tại tổ mà tôi nghĩ thảo luận tổ rất hay vì có nhiều đại biểu tham gia phát biểu, nhiều ý kiến rất thẳng thắn và trực diện.
Nghị trường QH có những vấn đề nóng và cả những vấn đề mang tính chất nhạy cảm. Việc có đưa những vấn đề đó lên báo chí hay không, điều đó nằm trong nguyên tắc nghề nghiệp báo chí. Còn với cá nhân tôi, dù báo chí có hỏi tôi những vấn đề nhạy cảm hay không nhạy cảm thì tôi vẫn có thể trả lời trong khả năng hiểu biết và chính kiến của mình. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, tôi đã được các nhà báo hỏi về khai thác bauxite ở Tây Nguyên, về mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, về đánh giá trả lời chất vấn của một số thành viên Chính phủ... tôi đều trả lời theo nhận thức và suy nghĩ, quan điểm của mình.
Đỗ Mạnh Hùng
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
L. Hiển ghi
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
L. Hiển ghi
No comments:
Post a Comment