Wednesday, June 29, 2011

28/06 Đại biểu Quốc hội cần có tâm thật sáng...


07:00 | 28/06/2011
Nếu thực sự vì lợi ích chung của người dân thì đại biểu sẽ có đủ sự tinh tường để xác định được cái gì cần ưu tiên số 1, cái gì là ưu tiên số 2, cái gì thật sự cấp bách... Cái tâm thật trong sáng thì chắc chắn đại biểu sẽ được ủng hộ. PHÓ CHỦ TỊCH HỘI HOÁ HỌC VIỆT NAM BÙI THỊ AN, một trong 500 người trúng cử ĐBQH Khóa XIII đã chia sẻ với PV Báo ĐBND như thế và cũng cho rằng, đã là đại biểu của dân thì trong bất cứ trường hợp nào cũng phải hành xử đúng với vai trò, trách nhiệm của một người đại diện cho dân.
- Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII đang đến rất gần. Sau khi thẩm tra tư cách đại biểu, các ĐBQH Khóa XIII sẽ chính thức thực hiện nhiệm vụ của mình. Tâm trạng của chị bây giờ như thế nào?
Tôi đang rất hồi hộp chờ đón Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH Khóa XIII, vì đây là nhiệm kỳ đầu tiên tôi tham gia QH. Khi biết tin trúng cử ĐBQH Khóa XIII, là đại diện của giới trí thức Thủ đô tại QH tôi thực sự rất vui mừng. Nhưng cũng thấy ngay trách nhiệm của mình trong 5 năm tới đây rất lớn vì cuộc sống đang bề bộn nhiều vấn đề, mà không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai. Tôi ý thức rằng, là ĐBQH thành phố Hà Nội, tôi không chỉ đại diện cho tiếng nói của cử tri Thủ đô, giới trí thức Thủ đô mà còn có trách nhiệm đại diện cho tiếng nói của cử tri cả nước. Lựa chọn vấn đề gì để đóng góp ý kiến với QH để giải quyết những mong muốn, nguyện vọng của cử tri Hà Nội và cử tri cả nước là vấn đề mà ngay từ bây giờ tôi đã giành thời gian suy nghĩ, nghiên cứu.
- Trong hình dung của một Tiến sỹ hóa học, chị thấy QH như thế nào?
Trước khi làm đại biểu HĐND, nói thực là tôi cũng ít quan tâm đến hoạt động của QH, cũng hình dung về QH giống như nhiều người là, QH là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, cơ quan đại diện cho nhân dân cả nước, là nơi duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước... Sau 7 năm làm đại biểu dân cử, tôi nghĩ, QH có thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ, trí tuệ, bản lĩnh của từng ĐBQH và các cơ quan của QH.
- Từng là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, khi ứng cử ĐBQH, chị đã thuyết phục cử tri Thủ đô như thế nào?
Tôi có may mắn là đã được cử tri biết đến với vai trò là một đại biểu HĐND thành phố, đã có cuộc sống thực và những việc làm thực được người dân Thủ đô ghi nhận. Vì thế, tôi thuyết phục cử tri bằng những kinh nghiệm thực tiễn đã tích lũy được và bằng những việc làm cụ thể trong 7 năm làm đại biểu HĐND thành phố của mình. Chương trình hành động của tôi rất ngắn gọn. Tôi hứa dành thời gian để lắng nghe dân nói bằng nhiều hình thức, có thể là gặp gỡ trực tiếp, tiếp dân tại nơi làm việc, tại nhà, lắng nghe ý kiến của dân qua thư, email, điện thoại... Trên cơ sở đó, phân loại các ý kiến, giành thời gian đi khảo sát thực tế và đối chiếu với luật pháp, cái gì luật pháp đã quy định sẽ kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết, cái gì chưa được luật pháp quy định sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi hoặc ban hành chính sách mới. Tôi nghĩ, với tư cách một đại biểu của dân thì quan trọng nhất vẫn là góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận tiện cho sinh hoạt và đời sống của người dân. Mọi việc làm của đại biểu, từ lắng nghe, phân loại, khảo sát thực tế đến kiến nghị chính sách cũng đều vì mục tiêu thuận tiện cho người dân, mang lại lợi ích chung cho đông đảo người dân. Tôi nghĩ đó cũng chính là mang lại lợi ích chung cho đất nước.
- Vậy chị đã chuẩn bị cho mình hành trang như thế nào để thực hiện được những điều đã hứa với dân?
Tôi đã có kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện nhiệm vụ của một đại biểu dân cử. Tuy nhiên, tầm vóc của QH rất khác so với HĐND thành phố. ĐBQH nói gì, làm gì ở diễn đàn của QH đều phải hết sức thận trọng, phải nghiên cứu và quyết định trên cơ sở thực sự thấu hiểu vấn đề đó mang lại lợi ích như thế nào cho người dân. Tôi là đại biểu của giới khoa học, không am hiểu nhiều về các quy trình hoạch định chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành nên chắc chắn sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều về luật pháp, về kinh tế, xã hội... Có kiến thức, có hiểu biết thì mới có thể tự tin thảo luận, tranh luận về những vấn đề mà QH xem xét, quyết định.
- Chị thấy làm đại biểu dân cử như thế nào?
Rất thú vị!
- Có vất vả và áp lực không?
Vất vả thì cũng có. Nhưng áp lực thì không. Những vấn đề tôi nêu ý kiến, đóng góp với HĐND thành phố, với chính quyền thành phố đều đã được người dân thủ đô ghi nhận và được các cơ quan có liên quan chấp nhận. Có lẽ vì thế mà tôi không thấy có áp lực gì chăng?
- Vậy theo chị, điều cần nhất đối với một người đại biểu dân cử là gì?
Điều cần nhất là trong bất cứ trường hợp nào cũng phải hành xử đúng với vai trò, trách nhiệm của một người đại diện cho dân. Nếu luôn xác định được mình đứng ở đâu, đại diện cho ai, vì lợi ích của ai thì người đại biểu dân cử dù hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm cũng sẽ luôn có thời gian để lắng nghe dân nói, sẽ có thời gian để khảo sát, nghiên cứu và đề xuất được những giải pháp đáp ứng mong muốn của cử tri; sẽ bản lĩnh, sẽ không thấy ngần ngại, cân nhắc, đắn đo trong những tình huống cần thiết phải va chạm, thậm chí là hy sinh lợi ích cá nhân hoặc lợi ích cục bộ của địa phương, của một nhóm người nào đó cho lợi ích chung.
- Lâu nay khi nói về mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri, có ý kiến cho rằng, đại biểu dân cử chưa có động lực gắn bó với cử tri, còn cử tri lại chưa có cơ chế cụ thể để giám sát hoạt động của đại biểu. Chị thấy như thế nào?
Sao có thể nói đại biểu dân cử không có động lực để gắn bó với dân được? Tôi nghĩ cần nói cho rõ động lực của người đại biểu dân cử là gì? Là chức vị, quyền lực, là lợi ích cá nhân hay là lá phiếu của cử tri để có thể tái cử ở nhiệm kỳ sau? Nếu là tất cả những điều đó thì với cơ chế hiện nay đúng là đại biểu không thực sự có động lực để gắn bó với dân. Nhưng đã là đại biểu dân cử, đã được người dân lựa chọn và ủy quyền đại diện cho dân thì việc gắn bó với người dân, lắng nghe dân nói và giúp dân giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống phải được xem là trách nhiệm sống còn. Đó là đạo đức, là tư cách, phẩm giá của một con người. Với tôi, đó còn là lòng tự trọng của một trí thức. Người dân có bỏ phiếu cho mình thì mình mới có thể trở thành đại biểu. Nếu đại biểu của dân mà không gắn bó với dân thì dân cần đến người đại diện để làm gì? Chúng ta hay nói về động lực mang tính cá nhân nhưng tôi nghĩ động lực quan trọng nhất của một người đại biểu dân cử chính là lòng tự trọng của một con người.
- Có ý kiến cho rằng, thách thức lớn của một ĐBQH là làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, giữa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia. Khi còn là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, chị đã khi nào phải cân nhắc vấn đề này chưa?
Tôi nghĩ cân bằng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương trên diễn đàn của QH chắc không dễ dàng gì. 7 năm làm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, nói thật, tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Có thể ở phạm vi hẹp hơn trong một địa phương thì tính chất vùng, miền, địa bàn này địa bàn kia không rõ nét như ở diễn đàn của QH nên đại biểu HĐND cũng không mấy khi phải băn khoăn về việc mình cần bảo vệ lợi ích của quận, huyện mình ứng cử hay lợi ích của thành phố. Nhưng nói đó là thách thức của ĐBQH có lẽ cũng chưa hẳn đã chính xác. Có thể, trong 5 năm tới, trong quá trình hoạt động ĐBQH, tôi cũng sẽ có những lúc phải lựa chọn giữa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi nghĩ chỉ cần tâm mình trong sáng thì việc cân bằng lợi ích đó chắc cũng không quá khó khăn. Nếu thực sự vì lợi ích chung của đa số quần chúng nhân dân thì tôi tin sẽ có đủ sự tinh tường để xác định được cái gì cần ưu tiên số 1, cái gì là ưu tiên số 2, cái gì thật cần thiết, cái gì cấp bách hơn... Nếu khách quan, thật tâm trong sáng thì quyết định của mình chắc chắn sẽ được mọi người ủng hộ.
- Đại biểu HĐND TP Hà Nội Bùi Thị An được biết đến như một “cây chất vấn”, một đại biểu hay cãi, gai góc và thẳng thắn… Vậy một ĐBQH Bùi Thị An thì sẽ như thế nào?
(Cười) Dù là đại biểu HĐND hay là ĐBQH thì tôi vẫn là Bùi Thị An, vẫn là người hay cãi và cãi thẳng như thế thôi, dù vẫn biết là hay cãi quá, thẳng quá nhiều khi cũng khó nghe... 7 năm qua, tôi chất vấn nhiều, cũng có lúc gai góc, có lúc khó nghe nhưng sau đó chưa thấy ai phàn nàn hay nhắc nhở gì mà ngược lại, các anh bên UBND thành phố còn rất quý tôi nữa. Có lẽ đó cũng là động lực khiến tôi không phải e ngại gì mỗi khi chất vấn các anh bên UBND TP Hà Nội.
- Nhìn vào danh sách trúng cử ĐBQH Khóa XIII, nhiều người tin tưởng rằng, QH Khóa XIII sẽ là QH của những trí thức. Cá nhân chị, đại diện cho giới trí thức Thủ đô tại QH, chị mong muốn điều gì ở QH Khóa XIII?
Tôi nghĩ trình độ học vấn cao là điều rất cần thiết đối với các ĐBQH. Trình độ, trí tuệ càng cao thì càng có khả năng nắm bắt, xử lý thông tin và giải quyết vấn đề tốt hơn. Tuy nhiên, hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước mang tính thực tiễn rất lớn, cá nhân mỗi ĐBQH phải tự trau dồi kinh nghiệm, lắng nghe dân để chuyển tải được thực tiễn cuộc sống đến với nghị trường QH. Mong muốn của trí thức Thủ đô và cũng là mong muốn của giới trí thức cả nước là được cống hiến, được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước và sự đóng góp đó phải mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước. Vì thế, tôi mong QH Khóa XIII sẽ có cơ chế để tận dụng được tối đa chất xám của đội ngũ trí thức hiện nay, tạo cho họ động lực và niềm phấn chấn được góp sức cho sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng nhiệm kỳ QH Khóa XIII cũng sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ hơn QH Khóa XII. Tất nhiên, điều này đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn của ĐBQH và các cơ quan của QH.
- Xin cám ơn sự chia sẻ của chị và chúc chị sẽ làm được những điều chị đã hứa với người dân!
B.Long thực hiện

No comments:

Post a Comment