Thursday, June 30, 2011

Mô hình nào cho “thành phố Thừa Thiên - Huế”?


Thứ Năm, 30/06/2011, 07:51 (GMT+7)
TT - Nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia tại buổi tọa đàm tìm giải pháp thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị về việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương, vừa diễn ra tại TP Huế hôm 27-6.
Trung tâm TP Huế hiện còn giữ được sự hài hòa vốn có, từng được mệnh danh là “kiệt tác thơ kiến trúc đô thị” - Ảnh: THÁI LỘC

Bà Phạm Thị Nhâm - Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - cho biết đề án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do viện này đang thực hiện theo hướng: phát triển cả tỉnh Thừa Thiên - Huế theo mô hình “tập hợp đô thị văn hóa” được cấu thành bởi hạt nhân là TP Huế và các thị trấn sinh thái. Đề án này đề xuất xây dựng hệ thống giao thông tốc độ cao để nối hệ thống đô thị nằm rải rác trên diện tích hơn 5.000km2 của thành phố Thừa Thiên - Huế tương lai.
Việc quy hoạch đô thị Thừa Thiên - Huế cũng sẽ dựa trên bốn nguyên tắc: gìn giữ di sản văn hóa Huế; giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; thay đổi cấu trúc không gian nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị Huế hiện nay sang các khu vực khác; phát triển mạng lưới giao thông kết nối nhanh.
Theo bà Nhâm, nên đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cho thành lập thành phố Thừa Thiên - Huế trước rồi sau đó có những bước đi phù hợp trong việc xây dựng cả tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương.
"Huế đang là đô thị di sản nên mô hình chiến lược phát triển của Huế chỉ có thể là phát triển tiếp nối, trên cơ sở của ba hệ giá trị: thành thị, nông thôn và thiên nhiên, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, cải tạo và hiện đại hóa"
GS.KTS Hoàng Đạo Kính
Ông Lê Hồng Kế, giám đốc Trung tâm bảo vệ môi trường và quy hoạch phát triển bền vững, cho rằng đề án nói trên xây quá nhiều khu đô thị mới là không nên. Theo ông Kế, nếu xây nhiều khu đô thị mới sẽ có nhiều nhà cao tầng, kiến trúc chạy theo hiện đại, không phù hợp với Huế.
“Quy hoạch phải chú ý khai thác những gì Huế có mà không nơi nào có, trong đó đặc biệt chú ý đến các vấn đề sinh thái rừng, biển và đầm phá đặc trưng” - ông Kế nói.
Trong khi đó GS.TS Nguyễn Lân, tổng thư ký Hiệp hội Đô thị VN, lưu ý việc trưng cầu ý kiến người dân trong thực hiện quy hoạch.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng Huế tương lai chỉ có thể được “cấu tạo” bởi ba yếu tố chủ đạo gồm thiên nhiên là chính, đô thị giãn và nông thôn được văn minh hóa. Đây sẽ là một “thành phố giãn” từ hạt nhân lớn là TP Huế chuyển hóa mềm ra các khu vực khác, với các tính chất nho nhã, mềm mại, sinh thái, tự nhiên...
Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ tịch Hội Quy hoạch Thừa Thiên - Huế, cho rằng Huế nên phát triển theo hướng chùm đô thị đa trung tâm, lấy TP Huế hiện nay làm đô thị động lực nối kết với các đô thị xung quanh như Thuận An, Tứ Hạ, Hương Thủy, Bình Điền bằng những mảng xanh và lan tỏa ra các đô thị vệ tinh khác như Phong Điền, Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô...
Ông Tiến nói: “Việc xây dựng phải nỗ lực bằng nhiều nguồn chứ không nên chỉ trông chờ vào trung ương đầu tư”. KTS Lã Thị Kim Ngân, viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội, thì cho rằng rất khó để giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là chiến lược bảo tồn giá trị di sản, cảnh quan vốn có với việc phát triển kinh tế để xứng tầm đô thị loại một tầm cỡ quốc tế mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hướng tới.
Bà Ngân cho rằng Huế rất nên bảo tồn những vùng nhạy cảm để dành cho không gian phát triển của tương lai trong quá trình phát triển. Tương tự,
PGS.TS Đỗ Hậu (tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) cho rằng không thể không phân vùng kiểm soát phát triển đối với Huế, và từng vùng trong đó phải ban hành những quy chế riêng...
THÁI LỘC



(12)
Nên để Huế chính là Huế
01/07/2011 9:15:25 SA

Tôi không phải người Huế, nhưng yêu Huế đến lạ kỳ. Vài ba năm trước tôi đến Huế làm lãnh đạo tại một ngân hàng ở Tp.Huế. Được tiếp xúc với từng người dân, kẻ giàu, người nghèo và cả những vị lãnh đạo của thành phố Huế - Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tôi ôm trong mình nỗi trăn trở, làm gì để phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng ở đây, làm gì để kinh tế Huế và cả Thừa Thiên Huế phát triển. Người ta thường nói tới quy hoạch đô thị, nhưng chưa bàn tới quy hoạch kinh tế, hướng phát triển nào cho kinh tế Thừa Thiên Huế? Một đô thị đúng nghĩa là nơi có trình độ kinh tế cao chứ không phải là nơi có nhiều nhà lầu, có nhà chung cư cao tầng, có các khu công nghiệp… Nếu không, quy hoạch đô thị dù có đẹp thế nào cũng giống như xây một ngôi chợ Đông Ba mới ở Lăng Cô mà không có người mua kẻ bán. Huế cần phải cởi mở hơn, đột phá hơn trong cách nghĩ, tư duy.
Nhưng nên để Huế đúng là Huế với chính Huế. Theo tôi Huế nên chỉnh trang nhẹ nhàng, trang điểm thêm để nét hoang tàn thành nét đẹp hoài cổ, cho bờ Nam sông Hương tráng lệ hiện đại trong cái kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi ủng hộ việc phát triển quy hoạch kinh tế - đô thị cho các vùng phụ cận Huế. Việc gì phải tách Huế ra khỏi Thừa Thiên Huế và chẳng phải vì Huế mà phải khiên cưỡng đưa cả Thừa Thiên Huế thành đô thị.

LTANPHONG
Tôi không hiểu
01/07/2011 6:16:44 SA
Đành rằng mọi qui hoạch cần có chiến lược, có tầm nhìn. Nhưng đừng vẽ ra cái tầm đâu đâu, trong khi bao nhiêu vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. Sao không qui hoạch chỉnh trang nội thành Huế? sao không tôn tạo hai bờ sông Hương đẹp hơn? Việc làm đường tránh qua Huế vòng trên núi nơi có nhiều lăng tẩm các đời vua, là một sai lầm, các vị có biết không?... Tôi đồng tình quan điểm của GS Hoàng đạo Kính.
HỒ ANH THẮNG
Tại sao phải lên TP trung ương
30/06/2011 9:20:15 CH
Tôi không hiểu tại sao Huế cần phải lên TP trực thuộc trung ương mới phát triển được. Không những vậy mà còn đưa cả tỉnh lên trực thuộc trung ương? Muốn Huế phát triển, hãy đầu tư nhân lực, thu hút người tài. trên mọi lĩnh vực. Hãy thử xem có bao nhiêu người con ưu tú của Huế phải tha hương kiếm sống mới thấy được môi trường làm việc, sinh sống ở Huế còn nhiều hạn chế lắm. 
TRẦN CHINH
Lên TP không chỉ là giúp nhà nước hay là để ra uy như Anh Long nói
30/06/2011 1:19:18 CH

Thừa Thiên Huế cần xây dựng cơ chế về mọi mặt để trở thành Thành Phố trưc thuộc TW, tuy nhiên cái gì cũng có những khó khăn nhất định khi Huế là một đô thị mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước, do đó để phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vừa đáp ứng giữa hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc lich sử. Ở đây tiến lên TP TW khoan hãy nói là để đóng góp gì to lớn cho đất nước đã mà hãy nghĩ đến quyền lợi của người dân Huế đã.
Một khi lên TP TW thì cơ hội đầu tư cũng như lượng đầu việc tạo ra cũng nhiều góp phần cải thiên đời sống của người dân, thay đổi nếp suy nghi có phần thiếu linh hoạt như hiện nay.
Từ đó sẽ có nguồn lơi như: thuế, nhân tài, .... lúc đó đong góp cho TW cũng chưa muộn. ở đây trước tiên mình phải chắc cái bụng mình đã, hãy xem mình đã làm gì cho người dân địa phương đã chứ đừng nghĩ xa vời đến TW như Anh Long nói ở trên.

LEMINH@GMAIL.COM
Cần có một phác thảo cơ bản cho thành phố tương lai và quyết tâm thực hiện
30/06/2011 12:53:40 CH

Tỉnh Thừa Thiên - Huế với những tiềm năng rất lớn nhưng vẫn còn rời rạc thiếu liên kết giữa đô thị hạt nhân với các khu đô thị khác, cụ thể là đường cao tốc nối liên thành phố Huế và các đô thị vệ tinh, tỉnh nhà cần có một phác thảo thực sự cụ thể sẽ có những con đường như thế nào sẽ được xây dựng ra sao để có một cảnh quang chung trong việc kết nối giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Điều này có thể tạo ra một cơ hội lớn từ tầm nhìn của các nhà đầu tư, bản thân những con người sẽ là chủ nhân tương lai của quê hương sẽ có tầm nhìn và hình dung rõ ràng hơn về thành phố tương lai của mình để có một quyết tâm thực sự góp phần cho việc phát triển của quê hương.
Tôi cảm thấy rất thích khi đọc bài báo này, nhưng kế hoạch đến 2030 là một con đường khá dài do vậy cần phải có lộ trình hẳn hoi trong việc xây dựng và phát triển. Tôi yêu Huế vì những giá trị trầm tích, thân thương của quê hương mình hy vọng với nội lực của mình Huế sẽ là một thành phố thực sư đẹp và giàu mạnh trong tương lai.

LÊ VĂN LINH
Không nhất thiết Huế phải "trực thuộc trung ương"
30/06/2011 12:09:22 CH

Những năm trở lại đây, người ta đua nhau "chạy án", "chạy trường", "chạy bằng cấp", không ngờ còn "chạy để lên TP trực thuộc trung ương". Cha ông ta vẫn dạy: "tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
Hàng trăm thành phố ở những nước phát triển đâu có "trực thuộc trung ương" nhưng người dân vẫn sống sung túc, văn hóa truyền thống được bảo tồn tốt nhất.

NGÔ ĐOÀN
Rồi một ngày
30/06/2011 11:54:17 SA

Không biết ban đầu các nhà quản lý đưa ra khái niệm "TP trực thuộc TƯ" có một đưa ra một bộ tiêu chuẩn nào không? Ngay cả cái khái niệm thành phố cũng vậy. Rồi một ngày, có lẽ tất cả thành phố đầu trực thuộc trung ương hết.
Bây giờ còn sáng tạo ra thêm một khái niệm là "thành phố Thừa Thiên - Huế" nữa chứ, tức là bê nguyên một tỉnh gần 90% đất đai là rừng núi và ruộng đồng làm thành phố!
Rồi một ngày Đồng Hới quê tôi cũng xin thành thành phố trực thuộc trung ương vì có Phong Nha - Kẽ Bàng đẹp nhất thế giới!

KHÁNH
Cần phát triển hài hòa
30/06/2011 10:43:42 SA

Huế là một đô thị, cổ kính hài hòa, vì vậy việc quy hoạch và phát triển nó phải được xem xét kỹ lưỡng. Tôi cũng đồng tình theo hướng xây dựng và đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó lấy thành phố Huế là đô thị trung tâm và xây dựng quy hoạch các đô thị khác làm vệ tinh, trong đó nên phát triển các thị trấn thành các đô thị nhỏ hiện đại.
Tuy nhiên cần phải đảm bảo được sự hoài hòa vốn có và phát triển các vùng nông thôn theo hướng là văn minh sạch đẹp theo tiêu chí là nông thôn mới, sự liên kết với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện hiện đại và cơ sỡ hạ tầng chặt chẽ và đồng bộ

TRẦN ĐỨC TIỄN
Mô hình cho thành phố Thừa Thiên - Huế
30/06/2011 10:32:04 SA

Tôi thấy các vị kiến trúc sư, lãnh đạo ngành kiến trúc quy hoạch đô thị và một số quý đại biểu khác đang còn băn khoăn và chưa có giải pháp để giải bài toán về "Mô hình cho Thành phố Thừa Thiên - Huế".
Theo tôi chúng ta nên tổ chức tọa đàm tiếp tục (có thể là tổ chức tọa đàm trực tiếp trên đài truyền hình) và lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà lịch sử, các chuyên gia tư vấn độc lập). tại đây tôi xin góp ý để các quý vị nghiên cứu, tham khảo thêm với mục đích là để đưa ra được mô hình thành phố Thừa Thiên - Huế phát triển bền vững và thịnh vượng mãi mãi!
Muốn phát triển bền vững và thịnh vượng mãi mãi! Chúng ta phải bắt đầu từ bài toán quy hoạch mà quy hoạch phải đúng, còn quy hoạch sai là hiểm họa đấy! Quy hoạch đúng ở đây là quy hoạch đúng theo phong thủy, phong thủy là ngành khoa học để chúng ta quy hoạch đô thị, thành phố, huyện thị, xã, thôn bản, công trình, nhà cửa, .... làm cho quốc gia vững mạnh, nhân dân thịnh vượng,....
Như vậy chúng ta phải Quy hoạch bảo tồn, trùng tu các giá trị di tích lịch sử để lại của tô tiên ta. bảo tồn trùng tu cho đúng. Không được làm sai.
Quy hoạch các đô thị xung quanh và kết nội với thành phố Huế. ở đây vấn đề kết nối rất quan trọng (tức giao thông đường xà, cầu cống- kết nối từ đô thi này sang đô thị khác.) hình thành các khu sinh thái, bào vệ núi đồi,..... (nếu đi vào chi tiết từng hạng mục cụ thể tôi sẽ góp ý thêm).
Quy hoạch thiết kế, thi công xây dựng các khu đô thị, tòa nhà kiến trúc cao tầng,....trường học, bệnh viện... phải đúng phong thủy. Chúng ta phải biết rằng sét đánh tại Việt Nam ngày càng nhiều, gây hư hỏng tài sản làm thiệt hại về kinh tế và số người chết tăng lên.

LÝ VĂN HANH

No comments:

Post a Comment