Ngày 17.06.2011, 07:37 (GMT+7)
SGTT.VN - Hôm qua (16.6), thượng nghị sĩ Philippines, Edgardo Angara, phó chủ tịch uỷ ban về các vấn đề đối ngoại của thượng viện nước này, nhấn mạnh, trong tranh chấp ở Biển Đông, sự hỗ trợ của ASEAN chính là yếu tố căn bản và trước nhất.
Biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc trên vùng biển Tây Philippines. Ảnh: Reuters |
Theo ông Angara, rõ ràng tranh chấp ở Biển Đông không chỉ liên quan mỗi Philippines và Trung Quốc, giải pháp cho vấn đề này không thể là hành động đơn phương. “Chúng ta cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước trong khu vực, và từ ASEAN là điều chủ yếu, nhằm giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo”, ông nói.
Đề xuất thành lập khối liên kết
Thượng nghị sĩ khẳng định, rõ ràng Trung Quốc đang tiếp tục cách cư xử hung hăng ở nơi mà cả Philippines, Việt Nam và các nước có liên quan khác đều có lợi ích kinh tế lớn. Nhưng cách cư xử phô trương này của Trung Quốc là không đáng có. Từ đó, ông Angara cho rằng, “Chúng ta cần một diễn đàn nơi chúng ta có thể bày tỏ sự phản đối và giải quyết các khác biệt bằng con đường ngoại giao như thể đây là cách duy nhất chúng ta có”.
Đáng chú ý, ông Angara đề xuất Philippines nên có một đoàn ngoại giao chuyên trách để đàm phán với các nước ASEAN về việc thành lập một khối liên kết để giải quyết vấn đề ở Biển Đông. Đồng thời, nhóm công tác này cũng có trách nhiệm kết nối với Liên hiệp quốc để đàm phán, giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa.
Trong khi đó, cựu chủ tịch hạ viện Philippines Jose de Venecia Jr nhận định, trong khi những lời nói bất hoà “bay qua bay lại” trên Biển Đông giữa các nước có liên quan, điểm mấu chốt là “vẫn chưa có gì thay thế cho đối thoại và một đàm phán chính trị”.
Trước đó, thượng nghị sĩ Loren Legarda, chủ tịch uỷ ban Đối ngoại của Thượng nghị viện Philippines, nhắc nhở các nước có quyền lợi ở Biển Đông nên tuân thủ với DOC mà Trung Quốc và ASEAN đã ký hồi 2002.
Đối thoại hoà bình
Hôm 16.6, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Edwin Lacierda, đã bày tỏ sự hoan nghênh với phát biểu của Mỹ và Trung Quốc về sự cần thiết có một giải pháp hoà bình cho vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi nhắc lại rằng đối thoại hoà bình trên nền tảng đa phương là cách tốt nhất cho Philippines, ASEAN và tất cả các nước có liên quan. Chúng tôi sẵn sàng trở thành thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế, một quốc gia nghiêm túc về cam kết của mình và làm hài hoà lợi ích quốc gia với trách nhiệm quốc tế của mình”.
Ông Lacierda nói, chính quyền của Tổng thống Aquino đã xác nhận cam kết thực hiện DOC qua những gì tổng thống Philippines phát biểu trong cuộc họp lãnh đạo ASEAN và Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. “Tôi tin tưởng điều này phù hợp với tuyên bố chính thức của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về Biển Đông hồi tháng 7.2010, ủng hộ quá trình ngoại giao hợp tác. Là một nước yêu chuộng hoà bình, Philippines ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào để giải quyết các bất đồng tiềm ẩn theo cách hoà bình nhất có thể”, Lacierda dẫn lời Tổng thống Aquino.
Văn phòng tổng thống Philippines cũng hoan nghênh Trung Quốc có tuyên bố không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. “Tuyên bố từ bộ Ngoại giao Trung Quốc là điều lạc quan. Điều tốt lành là chúng ta nghe họ nói rằng, họ không sử dụng vũ lực. Chúng tôi hoan nghênh điều đó”, Lacierda nói trong họp báo tại văn phòng tổng thống. “Nhờ thế, ít nhất chúng ta có một sự cam kết trong khu vực là không cần thiết phải sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình”.
Cùng ngày 16.6, khi trao đổi với ngoại trưởng Úc, bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh, Philippines rất quan ngại nếu Trung Quốc cắm các cột mốc ở khu vực có tranh chấp ở Trường Sa.
CA THY (PHILSTAR, SUNSTAR, REUTERS)
No comments:
Post a Comment