Monday, August 8, 2011

08/08 Hiển hiện nỗi lo về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020

07:30 | 08/08/2011
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực từ ngày 21.7. Đây được coi là chương trình quy mô, đồ sộ nhất giúp khai thông những khó khăn cơ bản của ngành điện từ trước tới nay. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn hiển hiện do những trụ cột chính của ngành điện được xác lập trong quy hoạch này là những gương mặt cũ được giao trách nhiệm bảo đảm tiến độ các dự án phát triển nguồn điện.


Nguồn: tietkiemnangluong.com
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra 5 điểm mới cơ bản của Quy hoạch điện VII nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có việc cụ thể hóa những giải pháp triển khai thực hiện. Quy hoạch cũng xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo cho sản xuất điện, theo đó, từ nay đến năm 2020 sản lượng điện từ năng lượng mới và tái tạo phải đạt ít nhất 4,5% trên tổng sản lượng điện của toàn hệ thống và khoảng 6,5% vào năm 2030. Và Chính phủ cũng đã đưa ra quy định phải giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020. Quy hoạch cũng quy định đến năm 2030 tổng công suất điện hạt nhân đạt 10.700MW. Đặc biệt là đưa các quy định về cơ chế giá điện theo giá thị trường tiếp cận với chi phí biên dài hạn của hệ thống điện, phấn đấu đến 2020 giá điện phải đạt 8-9UScents/kWh. Ngoài ra, quy hoạch này cũng được coi như cởi nút thắt quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi Chính phủ đã yêu cầu địa phương phải dành quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất của mình cho tất cả các dự án nguồn và lưới điện mà đã được xác định.
Liên quan đến phát triển năng lượng mới và tái tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương Lê Tuấn Phong cho biết, đã có những cơ sở nghiên cứu tiềm năng năng lượng gió cũng như cơ chế giá khá phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ví dụ như Quy hoạch điện VII đã quy định việc miễn giảm thuế cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc miễn tiền thuê đất… tương đương khoảng 2cents/kwh. Hỗ trợ này cộng với tiền mua giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và giá các chứng chỉ phác thải đã nâng giá bán lên mức 10cents-  là mức có thể khuyến khích đầu tư cho loại điện này.
Quy hoạch điện VII cũng chỉ rõ vai trò trụ cột của 3 tập đoàn lớn trong việc bảo đảm an ninh cung cấp điện là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Trong đó, EVN vẫn chiếm tỷ trọng nguồn điện lớn đồng thời với nhiệm vụ đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới truyền tải điện và đưa điện về nông thôn... Với 25 dự án EVN được giao trong Quy hoạch điện VII từ nay đến năm 2020, tập đoàn này đang có kế hoạch triển khai 14 dự án, trong đó 10 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án đang lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị khởi công trong năm 2011. Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cho biết, vẫn còn 3 khó khăn cơ bản khiến EVN lo ngại là vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) và đặc biệt là nguồn năng lượng đầu vào như than, khí... Đây là những yếu tố EVN không chủ động được và là thách thức lớn đối với trụ cột chính của ngành điện.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn năng lượng cho sản xuất, kinh doanh tại nước ta, chứ  không chỉ là những trụ cột của ngành điện. Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Vũ Mạnh Hùng, cùng với khó khăn về vốn cho phát triển nguồn điện, Vinacomin còn gặp khó trong việc đầu tư vào các mỏ than mới, kể từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực. Bởi luật pháp quy định vốn của chủ đầu tư ít nhất phải bằng 30% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, hiện suất đầu tư của một tấn công suất xê dịch trong khoảng 140-200 USD/tấn. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể bảo đảm yêu cầu của pháp luật trong quá trình khai thác than.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hùng cho rằng, để thực hiện mục tiêu của Quy hoạch điện VII cần xây dựng song hành thêm ít nhất 2 tổng sơ đồ khác. Cụ thể là tổng sơ đồ về nguồn năng lượng sơ cấp (như thủy điện, than, dầu, khí…) và tổng sơ đồ vốn. Qua đó, sẽ tạo được thế 3 chân kiềng vững chắc, bảo đảm hoàn thành một tổng sơ đồ điện VII đồ sộ như thiết kế đã được phê duyệt.
Nguyên Long

No comments:

Post a Comment