Tuesday, August 30, 2011

30/08 Thêm cơ chế phát triển hạ tầng thương mại nông thôn

07:58 | 30/08/2011
Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có điều kiện khá thuận lợi về giao thông đường sắt, thủy, bộ, hạ tầng đất đai, nhân lực... để phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, cho đến nay kết cấu hạ tầng thương mại của toàn vùng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chợ ở khu vực nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng tiến độ còn chậm và chưa đồng bộ.
Năm 2010 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của toàn vùng đạt 425 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2009. Ước 9 tháng năm 2011, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của toàn vùng đạt 383 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010 và đạt 71% kế hoạch năm. Các tỉnh có mức tăng trưởng cao là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Toàn vùng hiện có 254 siêu thị, trung tâm thương mại các loại, 2700 chợ các loại, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng thương mại của toàn vùng còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa, chưa khai thác hết lợi thế về vị trí địa lý, chưa tương xứng với vị thế là vùng kinh tế trọng điểm, có Thủ đô của cả nước. Các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có sự quan tâm đúng mức đến hệ thống bán lẻ, kênh phân phối hàng hóa và vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Thiếu doanh nghiệp trong nước với phương thức kinh doanh tiên tiến, hệ thống phân phối có tiềm lực đủ mạnh để chi phối thị trường. Đặc biệt, trong số các chợ hiện có, chợ cóc, chợ tạm vẫn chiếm tỷ lệ lớn. 
Theo nhiều địa phương, chợ nông thôn rất khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển vì công tác thu hồi vốn chậm, trong khi nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Theo Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc Nguyễn Thành Dũng, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 60 chợ, trong đó có 4 chợ loại 1, 8 chợ loại 2, còn lại là chợ loại 3. Để khuyến khích các nhà đầu tư, Sở Công thương tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, khi xây dựng chợ hạng 1, 2, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, tỉnh không hỗ trợ bằng tiền, mà bằng cơ chế. Khi quy hoạch nhà đầu tư được dành 30% quỹ đất để xây dựng khu phố thương mại. Nhà đầu tư vẫn có trách nhiệm đầu tư chợ và quản lý khai thác. Đối với khu phố thương mại, nhà đầu tư xây dựng phần thô và được phép bán, nhà nước cấp quyền sử dụng đất theo quy định. Đối với chợ hạng 3 - chợ nông thôn, ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng, mỗi xã - một chợ...
Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, quy hoạch phát triển thương mại của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã có nhưng chưa được thực hiện, hạ tầng thương mại nông thôn gần như bỏ trống. Bộ Công thương cần chủ trì với các tỉnh quy hoạch hệ thống thương mại nông thôn. Mặc dù, hiện nay, các tỉnh đã có quy hoạch thương mại và đã được duyệt, nhưng quy hoạch đó có được triển khai trên thực tế không, có dành địa điểm cho doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn để bao phủ nông thôn không? Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trong quy hoạch đó cần dành một số vị trí đắc địa cho doanh nghiệp lớn đầu tư vì hạ tầng thương mại cố định ở nông thôn hiện nay yếu, chủ yếu vẫn là hệ thống chợ. Đồng thời, hiện nay cả nước đang đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Vì vậy, Bộ Công thương nên xem xét dành nhiều kinh phí hơn cho xúc tiến thương mại nội địa, góp phần đưa hàng Việt về nông thôn và phát triển thương mại nông thôn.
Qua thực tế các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn trong thời gian qua, có thể thấy, đây là khu vực có tiềm năng phát triển rất lớn và bà con có nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Anh Tú

No comments:

Post a Comment