Tuesday, August 30, 2011

30/08 Tìm điểm bắt đầu tái cấu trúc nền kinh tế

07:58 | 30/08/2011
Theo VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM TRẦN ĐÌNH THIÊN, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề có phạm vi rất rộng và phức tạp, nó bao gồm cả sự mổ xẻ cơ cấu ngành, vùng lẫn sự phân tích hệ thống thể chế, cơ chế vận hành và hệ thống quản trị vĩ mô. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là sớm xác định điểm bắt đầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế…
- Bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ yếu kém nội tại của nền kinh tế. Thực tiễn này đã hối thúc chúng ta phải sớm tái cấu trúc nền kinh tế, thưa Viện trưởng?

Nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều vấn đề khá nghiêm trọng. Trong khi đó, các điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế giúp nền kinh tế nước ta tận dụng được thời cơ và vượt qua thách thức còn yếu, chưa đầy đủ. Điều này sẽ làm giảm năng lực hội nhập của kinh tế nước ta. Kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công. Hiện nay, kinh tế thế giới cũng đang phải tiến hành tái cấu trúc. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc nền kinh tế nước ta là yêu cầu cấp thiết. Nếu không tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng thì khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2011-2020 có một mục tiêu rõ ràng là phải làm cho đất nước tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình. Đây là mục tiêu thể hiện tầm nhìn chiến lược và mang tính thực tiễn cao nhưng căn cứ vào các điều kiện KT-XH cụ thể hiện nay thì việc đạt được mục tiêu này không dễ dàng.
Các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng khẳng định việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Như vậy, nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế có tầm nhìn và định hướng mục tiêu kép: vượt qua mô hình tăng trưởng cũ và mô hình kinh tế mới phải bảo đảm cho nền kinh tế phát triển thành công trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng phức tạp...
- Có ý kiến cho rằng, những năm qua, nhất là từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế nước ta phát triển không giống ai. Viện trưởng có suy nghĩ gì về nhận định này?
Đúng là từ năm 2007 đến nay, có tình trạng phát triển không giống ai trong nền kinh tế nước ta. Chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển lớn, tốc độ tăng trưởng khá cao được duy trì bền vững, song nền kinh tế càng phát triển càng bị mất cân đối lớn, rơi vào tình trạng lạm phát cao và bất ổn vĩ mô kéo dài. Kéo theo đó là sự suy giảm lòng tin của người dân. Tình trạng này không chỉ cho thấy bất cập, hạn chế của mô hình tăng trưởng, cũng như cơ cấu của nền kinh tế. Đó còn là hạn chế trong cách thức hành động để ổn định tình hình, khôi phục cơ sở bảo đảm cho việc tăng trưởng bền vững. Vì thế, quản trị vĩ mô không thể hành động theo cách cứ tập trung lo giải quyết cho xong những bất ổn ngắn hạn, sau đó, bắt tay vào tái cấu trúc. Ngược lại, phải đặt việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn, dù rất nóng bỏng, trên nền tảng giải quyết các vấn đề dài hạn (tái cấu trúc). Điều này càng cho thấy việc làm rõ các vấn đề cấu trúc bên trong của nền kinh tế có ý nghĩa quyết định. Và đây vẫn là điều cần phải bắt tay vào làm một cách nghiêm túc, có bài bản và mang tính hệ thống. Nền kinh tế cần được đại phẫu để phát hiện thực chất căn bệnh, cũng như căn nguyên của tình hình.

Nguồn: vietbao.vn
- Mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư đã giúp GDP nước ta tăng cao trong nhiều năm, song cũng để lại nhiều hệ lụy. Tái cấu trúc nền kinh tế có thể hiểu là việc sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư hay không, thưa Viện trưởng?
Mô hình tăng trưởng với các trụ cột chính là khai thác tài nguyên, lao động rẻ chất lượng thấp; đầu tư vốn lớn và dễ dàng; khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiều ưu đãi, có thế và lực khá mạnh nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cao. Điều này dẫn đến một cơ cấu ngành ít có năng lực tự cải tạo và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng xét theo quan điểm phát triển bền vững. Kéo theo đó là một cơ cấu công nghiệp lệch lạc, thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ. Sản xuất tại nước ta chưa thâm nhập được vào chuỗi sản xuất của thế giới và khu vực. Đặc điểm này kéo theo một hệ lụy là nhập siêu ngày càng tăng, sản xuất trong nước phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới. Đây là hậu quả tất yếu của một mô hình tăng trưởng và một cấu trúc kinh tế hiện nay của nước ta. Nói cách khác là hậu quả không thể tránh khỏi của một cách thức phân bố nguồn lực mang nặng tính hành chính, ít dựa trên nguyên tắc thị trường. Do vậy, bàn đến khuyết tật cấu trúc, đến các điểm yếu cơ cấu thực chất là bàn đến phương thức, cơ chế phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Phân tích, mổ xẻ là để có thể thay đổi theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, có năng lực hội nhập quốc tế cao.
- Vậy theo quan điểm cá nhân của Viện trưởng, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện nguồn lực có hạn thì nên  bắt đầu từ đâu?
Có thể thấy, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề có phạm vi rất rộng và phức tạp. Nó bao gồm cả sự mổ xẻ cơ cấu ngành, vùng lẫn sự phân tích hệ thống thể chế, cơ chế vận hành và hệ thống quản trị vĩ mô. Điều này phần nào lý giải tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự bắt tay vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là sớm xác định điểm bắt đầu của quá trình này. Nhưng cũng cần lưu ý rằng tìm kiếm tọa độ bắt đầu quá trình này không có nghĩa là dốc sức để xác định cho được điểm đầu tiên, duy nhất của quá trình tái cấu trúc cho cả nền kinh tế. Đây là một khái niệm định hướng chứ không đóng đinh nỗ lực tìm tòi vào một điểm.
Về nội hàm, có thể khái quát nội dung tái cấu trúc kinh tế gồm một số nội dung chủ chốt như: tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô gồm: tái cấu trúc hệ thống ngân sách, hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công, cải cách hành chính... Đồng thời, tái cấu trúc hệ thống phân cấp quản lý Trung ương - địa phương; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung trước hết vào các Tập đoàn kinh tế Nhà nước; cấu trúc lại hệ thống sở hữu và phát triển hệ thống thị trường; tư duy lại kết cấu nông nghiệp và vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ... Như vậy, tái cấu trúc nền kinh tế có khối lượng công việc rất lớn. Tại Hội nghị tham vấn của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã tạm chốt lại một số tọa độ cấp bách như: tái cấu trúc đầu tư công, chi tiêu ngân sách và phân cấp quản lý. Nhưng đó mới là đề xuất ban đầu, cần tiếp tục phân tích sâu sắc, toàn diện, để nhận diện rõ hơn những bước đi đầu tiên cho quá trình này. Điều đó có thể thực hiện được khi làm rõ logic hệ thống và lộ trình tổng thể của quá trình tái cấu trúc.
- Xin cám ơn Viện trưởng!
N. Vũ thực hiện

No comments:

Post a Comment