Tuesday, September 6, 2011

05/09 Cơ chế để khu kinh tế phát huy hiệu quả?

07:20 | 05/09/2011
Cả nước hiện có 18 khu kinh tế được thành lập. Nhiều khu kinh tế đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần tạo ra diện mạo ban đầu, cũng như tạo tiền đề và kinh nghiệm cho sự phát triển các giai đoạn tiếp theo trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Tuy vậy, điều kiện hạ tầng thiết yếu tại nhiều khu kinh tế chưa đủ, cộng với các cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án có quy mô lớn, với hàm lượng xuất khẩu cao còn hạn chế. Theo PHÓ TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ MỞ CHU LAI ĐỖ XUÂN DIỆN, cần có các cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư thì mới khẳng định được vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm.

Nguồn: vcmedia.vn
- Thưa Phó trưởng ban, có thể nói, khu kinh  tế mở Chu Lai là một trong những khu kinh tế được thành lập đầu tiên tại nước ta. Sau 8 năm phát triển, khu kinh tế đã đạt được những mục tiêu nào trong kế hoạch đề ra?
Khu Kinh tế Chu Lai được thành lập vào ngày 5.6.2003 bằng Quyết định 108 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở của Bộ Chính trị từ thông báo số 79 ngày 29.7.2002. Mục tiêu ban đầu của khu kinh tế Chu Lai như tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là đưa ra một mô hình để áp dụng những cơ chế, chính sách, cũng như thể chế mới có thể vượt luật để tạo ra khung pháp lý cơ bản để đầu tư và phát triển khu vực này là đầu tàu phát triển của nước ta. Sau 8 năm thực hiện, hình hài của khu kinh tế Chu Lai đã rõ ràng. Một số dự án công nghiệp vào đầu tư và hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa đạt đuợc sự kỳ vọng cũng như mong muốn ban đầu.
- Cụ thể là những kỳ vọng ban đầu nào chưa đạt được, thưa Phó trưởng ban?
Kỳ vọng của Bộ Chính trị ban đầu đây là một mô hình để áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có thể vượt khung pháp lý. Nhưng trong quá trình thực hiện thì những cơ chế này không được ra đời và không áp dụng được ở khu kinh tế Chu Lai. Chúng tôi từ thực tế ở địa phương, mày mò nghiên cứu tìm hiểu và xin một số cơ chế và từ các cơ chế tài chính này có điều kiện ban đầu để xây dựng hạ tầng, từ đó hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
- Để phát triển khu kinh tế thì điều cốt lõi có phải là cơ chế đặc thù phù hợp với điều kiện ở từng địa phương hay không?
Mỗi khu kinh tế có vị trí cũng như điều kiện riêng của khu vực đó để lựa chọn cho ra đời một khu kinh tế, thì việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng theo yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Và từ thực tiễn đó, các khu kinh tế đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tháo gỡ  vướng mắc. Đối với khu kinh tế Chu Lai, thực tiễn đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù ví dụ như phân cấp, giao quyền, trao quản lý tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, những cái vướng này hiện chưa được giải quyết.
- Từ sự phát triển KKT Chu Lai, Phó trưởng ban thấy hiệu quả của đầu tư vào khu kinh tế này so với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách như thế nào?
Từ năm 2003 đến nay, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho khu kinh tế Chu Lai chưa được 1000 tỷ đồng. Lượng vốn này được sử dụng để xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu để đủ điều kiện thu hút một số dự án. Các dự án này tạo ra nguồn thu trung bình 4.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh, và tạo ra việc làm cho khoảng 11.000 lao động. Như vậy cứ 1 đồng ngân sách hỗ trợ đã tạo ra 4 đồng. Và 1 đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, thì đuợc 50 đồng đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân và ngoài nước.
- Tại khu kinh tế Chu Lai, Trường Hải là một trong những công ty đầu tư lớn nhất, với tổ hợp phát triển sản xuất linh kiện ô tô. Với nguồn thu chính này, Phó trưởng ban đánh giá như nào thế nào về tính chuyên biệt trong phát triển khu kinh tế?
Trong giai đoạn đầu chúng tôi rất lúng túng khi xác định ngành công nghiệp, cũng như dự án động lực trong quá trình thực hiện cũng như thu hút đầu tư. Sau đó chúng tôi lựa chọn Trường Hải là một doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào khu kinh tế, với ngành công nghiệp sản xuất ô tô và công nghệ phụ trợ. Tổng đầu tư của Trường Hải vào Chu Lai hiện khoảng 400 triệu USD. Và tạo ra đuợc một tổ hợp sản xuất công nghiệp đặc biệt, với 17 nhà máy công nghiệp phụ trợ và tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao trong lắp ráp ôtô. Trong đó, đối với xe du lịch 17%, với xe buýt là 46% và với xe tải là 52%. Nỗ lực này của Trường Hải đã đáp ứng được điều kiện để xuất khẩu xe tải, xe buýt sang các nước trong khu vực ASEAN. Trường Hải cũng  hợp tác với Tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc để thành lập nhà máy động cơ. Từ đó, sẽ bảo đảm đủ điều kiện đưa xe du lịch tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, và là điều kiện cần cơ bản để xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai đã xác định do điều kiện hạ tầng kỹ thuật cũng như các yếu tố khác về các cơ chế ưu đãi đầu tư, nên chưa thu hút được các dự án lớn hơn của các tập đoàn đa quốc gia hay gói đầu tư có tổng vốn cao. Vì vậy, Ban quản lý đã hợp tác với Trường Hải để tổ chức một loại hình đầu tư. Hoạt động này góp phần điều chỉnh lại ngành công nghiệp ô tô nước ta cũng như tạo tiền đề cơ bản để phát triển công nghiệp tại khu kinh tế Chu Lai.
- Như vậy, có phải do tính khác biệt trong việc thu hút đầu tư tại khu kinh tế Chu Lai chưa rõ ràng nên lượng vốn đầu tư vào khu vực này chưa như kỳ vọng?
Tôi nghĩ rằng, do điều kiện hạ tầng thiết yếu tại khu kinh tế chưa đủ, cộng với các cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án có quy mô lớn, với hàm lượng xuất khẩu cao. Muốn có dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, với thị trường toàn cầu, thì ưu đãi đầu tư phải bù lỗ được chi phí vận chuyển nguyên nhiên liệu đưa vào đây sản xuất, cũng như chi phí đưa thành phẩm ra thị trường tiêu thụ. Điều này cơ chế ưu đãi của chúng ta chưa thỏa mãn được. Vì vậy, Ban quản lý khu kinh tế Chu Lai đã đề nghị với Chính phủ cần có các cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư vào khu vực này, để bảo đảm bù đắp được những chi phí trong quá trình sản xuất.
- Thưa Phó trưởng ban, dư luận nói nhiều về vấn đề phát triển khu kinh tế với vai trò là lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm. Nhưng dường như khu kinh tế Chu Lai  vẫn chưa làm được điều này?
 Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung thêm 3 khu kinh tế vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến 2020 là: khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Quảng Trị; khu kinh tế ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình; khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Như vậy, đến năm 2020 trên cả nước sẽ có 18 khu kinh tế, với tổng diện tích đất liền và mặt nước biển là 730.553ha (tương đương 7305,53 km2). Tại các khu kinh tế đã thành lập hiện thu hút được khoảng 130 dự án đầu tư vốn nước ngoài, với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ USD. Và khoảng 650 dự án đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư 537 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, khu kinh tế Chu Lai đóng góp tương đương trên 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam. Tổng lao động của khu kinh tế tăng lên khoảng 15.000 người. Với những yếu tố này có thể thấy, khu kinh tế đã có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với tỉnh Quảng Nam, khu kinh tế Chu Lai không thể thiếu trong lúc này. Khu kinh tế này là đầu tàu cho kinh tế tỉnh. Tôi nghĩ rằng nếu như Chính phủ có những cơ chế đặc thù, thì Chu Lai sẽ làm được vai trò đầu tàu của vùng kinh tế miền Trung, không chỉ của tỉnh Quảng Nam.
- Phó trưởng ban chờ đợi gì nhất về cơ chế trong phát triển khu kinh tế Chu Lai, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay?
Khu kinh tế Chu Lai xác định có 3 dự án động lực, trong đó, dự án hạ tầng động lực khu vực này là sân bay Chu Lai. Cơ sở hạ tầng này được Chính phủ quy hoạch là sân bay trung chuyển quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho đầu tư nước ngoài hỗ trợ để làm quy hoạch cũng như làm dự án khả thi để kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư ra một sân bay trung chuyển quốc tế. Dự án động lực thứ hai là công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ và sản xuất ô tô. Trong 8 năm qua, chúng tôi cùng với Trường Hải đã làm được một việc là đào tạo lao động, cũng như mở rộng sản xuất công nghiệp phụ trợ. Dự án thứ 3 là đối với Chu Lai và vùng Đông Quảng Nam là chiến lược và dịch vụ từ du lịch. Tỉnh Quảng Nam có hai thuận lợi là thành phố Hội An, khu thánh địa Mỹ Sơn. Hai di sản văn hóa thế giới này cùng với các khu vực khác đã thu hút khoảng 3 triệu du khách vào Chu Lai, trong đó, có khoảng 1 triệu du khách là nước ngoài. Đây là điều kiện ban đầu để phát triển thêm các dịch vụ cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã xác dịnh kêu gọi đầu tư một khu phức hợp giải trí đặc biệt ở khu ven biển. Dự án dịch vụ này được xác định là động lực thứ ba cho phát triển kinh tế - xã hội Chu Lai. Các dự án động lực này sẽ có tác động lan tỏa ra các dự án đầu tư khác, cũng như thúc đẩy dự án đầu tư và phát triển cho khu kinh tế, cũng như cho tỉnh Quảng Nam.
- Xin cám ơn Phó trưởng ban!
Đức Thành thực hiện

No comments:

Post a Comment