07:43 | 06/09/2011
Tại nước ta, phí bảo hiểm được thu theo một mức cố định tương đương 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân. Nhưng tỷ lệ tổng nguồn vốn/ tổng số dư tiền gửi giảm dần theo từng năm, khiến khả năng xử lý của cơ quan quản lý thấp hơn so với thời gian trước. Đòi hỏi phải thay đổi cách thức tính phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro, để tăng sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tín dụng.
Nguồn: TL |
Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tín dụng phải nộp để bảo hiểm cho tiền gửi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trừ một số tổ chức. Mục đích của thu phí bảo hiểm tiền gửi là để hình thành nguồn quỹ có sẵn giúp xử lý kịp thời đổ vỡ ngân hàng và thực hiện mục tiêu bảo vệ người gửi tiền. Nguồn vốn này sẽ bảo đảm hạn chế hoặc không phải sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp vấn đề. Đối với những quốc gia áp dụng hệ thống phí điều chỉnh theo mức độ rủi ro, hệ thống này sẽ bảo đảm công bằng giữa các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bởi nguyên tắc thu phí là tổ chức có mức độ rủi ro cao thì phải đóng mức cao hơn, từ đó, tạo động lực nâng cao chất lượng quản trị rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tuân theo nguyên tắc thị trường.
Tại nước ta, phí bảo hiểm được thu theo một mức cố định tương đương 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân. Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tổng số phí thu được từ các tổ chức tham gia đến hết năm 2010 là 4.484 tỷ đồng, trong đó, số thu phí hàng năm tăng trung bình 20%. Từ năm 2004, nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi được bổ sung vào Quỹ nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Nguồn thu này góp phần quan trọng vào việc tăng quy mô nguồn vốn quỹ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Việc áp dụng mức phí đồng hạng đã giúp tổ chức của Nhà nước dễ dàng trong quản lý, dễ tính và thu phí phù hợp trong giai đoạn đầu triển khai hệ thống này. Quy định pháp lý hiện hành cũng cho phép điều chỉnh mức phí theo loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc trên cơ sở đánh giá, xếp loại của cơ quan có thẩm quyền.
Nhưng việc thu phí cố định và ở mức thấp trong bối cảnh lượng tiền gửi được bảo hiểm tăng nhanh khiến khả năng xử lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm đi. Cụ thể là do tỷ lệ tổng nguồn vốn/ tổng số dư tiền gửi giảm dần theo từng năm, hiện chỉ còn 0,8%. Điều này khiến quy mô nguồn vốn quỹ không bảo đảm ứng cứu được hai ngân hàng trung bình bị đổ vỡ cùng lúc. Hơn nữa, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu các diễn biến trên thị trường thế giới sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến hệ thống ngân hàng, với mức độ rủi ro cao hơn. Hiện đã có đề nghị phân biệt dựa trên chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng. Song, trong bối cảnh đang thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, thì phân biệt dựa vào tiêu chí này không phản ánh chính xác mức độ rủi ro của từng nhóm ngân hàng, không bảo đảm nguyên tắc tổ chức có rủi ro cao phải nộp phí cao hơn và ngược lại.
Tại một số quốc gia, mức phí đồng hạng được áp dụng trong giai đoạn đầu. Nhưng ngay sau một thời gian ngắn đã triển khai thu phí theo mức độ rủi ro. Bởi sau một thời gian hoạt động, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tích lũy đủ nguồn lực, kinh nghiệm, có khả năng đánh giá, xếp hạng, phân loại các tổ chức tham gia một cách phù hợp. Và đây cũng là kiến nghị của chính hệ thống ngân hàng để nâng cao động lực quản trị rủi ro, bảo đảm công bằng cho các tổ chức tham gia, từ đó, nâng cao sự an toàn, lành mạnh của hệ thống. Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Đài Loan, Mỹ và Malaysia cũng thay đổi các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của ngân hàng thương mại tùy theo sức khỏe của nền kinh tế trong nước, cũng như biến động của kinh tế thế giới.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề nghị, cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi cần nghiên cứu quy định về phí theo mức độ rủi ro, đặc biệt là lộ trình áp dụng cách thu này. Đồng thời xác định khung phí, quy định rõ thẩm quyền của các cá nhân, tổ chức với hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi. Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Bùi Khắc Sơn, cần kết hợp giữa các chỉ tiêu định lượng và chỉ tiêu định tính trong quá trình xây dựng tiêu chí phân loại các tổ chức tín dụng tham gia. Phương pháp này sẽ bảo đảm hệ thống phí phân biệt trên cơ sở rủi ro là khách quan, minh bạch, phản ánh được nguyện vọng của tổ chức tham gia. Trong đó, các chỉ tiêu định lượng gồm mức độ vốn, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời của tổ chức tín dụng. Chỉ tiêu định tính gồm xếp hạng của cơ quan giám sát có thẩm quyền. Để thực hiện được phương pháp này cũng cần cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng.
Mạnh Quang
No comments:
Post a Comment