07:40 | 10/09/2011
Thiếu thông tin
Tháng 6.2009, trong lễ khai trương Trung tâm Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) quốc gia, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ở nước ta Ts Jean Marc Olivé nói: còn có nhiều thách thức đang chờ đợi trong hành trình tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả tại Việt Nam. Giờ đây, khuyến cáo này vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn: suckhoedoisong.vn |
Tháng 3.2011, Trung tâm về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) thứ 2 của cả nước được thành lập. Đây là Trung tâm DI&ADR khu vực TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Y tế và hoạt động dưới sự quản lý hành chính của Bệnh viện Chợ Rẫy. Là mô hình gắn kết hoạt động thông tin thuốc với hoạt động điều trị lâm sàng, Trung tâm có chức năng quản lý báo cáo về an toàn thuốc và cảnh giác dược trong khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Sau 5 tháng hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý hơn 100 báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) từ các cơ sở điều trị, từ đó có thể đưa ra những khuyến cáo sớm về tính an toàn của thuốc, giúp cho việc sử dụng thuốc thích hợp. Còn theo báo cáo của Ts Nguyễn Tuấn Dũng (khoa Dược, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh), từ tháng 11.2010 đến tháng 7.2011 chỉ có tổng cộng 315 báo cáo ADR, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 30 - 40 báo cáo ADR. Trung tâm DI&ADR Quốc gia- đặt tại ĐH Dược Hà Nội cũng chỉ nhận được 1.000 báo cáo mỗi năm. Trong khi đó, quy định của WHO là phải gấp 10 lần con số này. Và trên thế giới, hệ thống thông tin, cảnh giác dược đạt hiệu quả thường có khoảng 200 báo cáo/1 triệu dân.
Theo Phó giám đốc Trung tâm DI&ADR quốc gia Ts Nguyễn Hoàng Anh, hệ thống cảnh giác dược ở nước ta còn thiếu sự liên kết chặt chẽ, chưa kết nối được với các chương trình y tế. Cán bộ y tế chưa tích cực tham gia vào hệ thống, còn hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng và phạm vi cảnh giác dược. Lãnh đạo một bệnh viện cho rằng, số lượng báo cáo ADR ít ỏi nêu trên có thể do chưa có các quy định pháp lý một cách rõ ràng về hoạt động của các trung tâm DI&ADR, và thừa nhận báo cáo ADR chủ yếu mang tính hình thức.
Có một thực tế khác, từ năm 2003, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của thông tin thuốc (DI) trong bệnh viện. Hơn 90% bệnh viện từ trung ương đến địa phương trên cả nước đã thành lập DI, nhưng hoạt động của đơn vị này chỉ mang tính hình thức. 70% bệnh viện tỉnh và 85% bệnh viện huyện không có phần mềm tra cứu thông tin thuốc. Việc theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc chưa được thường xuyên và kịp thời. Nhân lực ngành dược thì vẫn thiếu số lượng, chưa đảm bảo chất lượng.
Hoàn toàn có lý do để lo lắng trước những hạn chế trong hệ thống thông tin và cảnh giác dược tại Việt Nam khi thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết: mỗi năm hệ thống kiểm nghiệm thuốc trong cả nước đã kiểm tra hàng chục nghìn mẫu thuốc và số lượng thuốc kém chất lượng luôn chiếm từ 2,67% - 3,33% số mẫu kiểm nghiệm.
Phối hợp cấp quốc gia
Sử dụng thuốc đúng chỉ định, hợp lý và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết đối với ngành y tế. Bởi sai sót thuốc có thể xảy ra ở mọi nơi và mọi đối tượng. Sai sót trong sử dụng thuốc có thể xảy ra khi điều dưỡng hoặc y tá đưa thuốc cho bệnh nhân uống: tên thuốc gần giống nhau, hình dạng của viên thuốc na ná nhau, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn. Hoặc trong quá trình tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, bác sỹ không dặn dò kỹ, bệnh nhân uống sai cũng sẽ gây hại cho sức khỏe…
Ở góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các bệnh viện cần đầu tư hỗ trợ đảm bảo đủ các thiết bị làm việc và nguồn nhân lực thì việc thông tin thuốc mới đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sử dụng thuốc. Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội Pgs.Ts Lê Viết Hùng lại nhấn mạnh: sự hợp tác chặt chẽ giữa đội ngũ điều trị, người sản xuất, kinh doanh dược phẩm, cơ quan quản lý, người tiêu dùng và các tổ chức quốc tế sẽ góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả trong các khu vực điều trị và cộng đồng.
Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị quản lý Trung tâm DI&ADR khu vực TP Hồ Chí Minh - cho biết sắp tới, sẽ tạo môi trường cởi mở, khuyến khích để nhân viên y tế dũng cảm báo cáo phản ứng có hại của thuốc. Đội ngũ làm công tác này sẽ được huấn luyện chuyên nghiệp, thu thập báo cáo nhưng phải trả lời thỏa đáng cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần thiết phải phát triển hệ thống phối hợp cấp quốc gia để đảm bảo an toàn thuốc ở tất cả các cấp độ của hệ thống y tế Việt Nam.
Theo cách hiểu thông thường, cảnh giác dược là ngành khoa học về thu thập, giám sát, nghiên cứu, theo dõi và đánh giá thông tin từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân đối với các tác dụng ngoại ý của thuốc, sản phẩm sinh học, thảo dược và thuốc cổ truyền nhằm: xác định các thông tin mới về các nguy cơ liên quan đến thuốc; ngăn chặn tác dụng độc hại đối với bệnh nhân. Theo Wikipedia |
Minh Nguyệt
No comments:
Post a Comment