Saturday, September 10, 2011

10/09 Điều cuối cùng là quyền lợi của nhiều thế hệ

07:40 | 10/09/2011
Cuộc điều tra của Nhóm tư vấn chính sách Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính và UNDP không phải là cuộc điều tra đầu tiên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Kết quả được công bố cũng không gây bất ngờ. Điều đang được chờ đợi là sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát doanh nghiệp FDI.
Không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của doanh nghiệp FDI vào thành tích xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động trong suốt hơn 20 năm mở cửa nền kinh tế. Khu vực này hiện cũng đang trở thành đầu tàu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, không phải không có những kết quả đáng thất vọng. Ví dụ, số lao động trong khu vực FDI chủ yếu là lực lượng lao động nữ, tay nghề thấp. Việc đầu tư sử dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ mới còn rất hạn chế ở các doanh nghiệp này. Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công và dựa trên chi phí nhân công rẻ. Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế không nhiều. Trong khi đó, mục tiêu quan trọng nhất của thu hút FDI là nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và nâng cấp nền kinh tế chứ không phải là tối đa hóa lượng vốn, hay thậm chí việc làm.
Một điều nữa lâu nay làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách là mức đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI đã không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài lý do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có một nguyên nhân khác là nhiều công ty thực hiện chính sách chuyển giá ra nước ngoài để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục được hoàn thuế giá trị gia tăng. Câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp FDI được nhắc đến từ hơn chục năm trước và kéo dài tới giờ, không chỉ làm cho nước ta bị thất thu khoản thuế lớn, mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả rất tai hại đối với nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo sự hiện diện của những doanh nghiệp FDI không trung thực sẽ tạo ra những số liệu ảo về nhập siêu, làm méo mó số liệu thống kê. Từ đó, có thể dẫn đến việc ban hành những chủ trương, chính sách điều hành ở cấp vĩ mô không phù hợp, thậm chí có hại cho sức phát triển của một ngành hoặc cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng gian dối này khiến cho doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp FDI trung thực khác, giảm khả năng cạnh tranh và mất dần thị phần.
“Chúng tôi tự tin xử lý được”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định trong một cuộc họp báo hồi đầu năm nay khi các phóng viên hỏi về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Ông nói: chỉ cần làm điểm 2 - 3 doanh nghiệp và đưa ra ánh sáng, ngay lập tức họ sẽ phải thay đổi vì đây là những doanh nghiệp quốc tế và họ cần giữ uy tín của mình. 
Niềm tin của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã được chứng thực bằng một câu chuyện của Bộ Tài chính. Đầu năm 2011, Bộ Tài chính vừa mới ra quyết định thanh tra, kiểm tra khả năng chuyển giá tại hơn 80 doanh nghiệp FDI, ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp FDI báo lỗ trong nhiều năm, nay đã khai có lãi. Cá biệt có doanh nghiệp 10 năm báo lỗ, năm 2010 báo lãi hơn 100 tỷ đồng. Tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh, nơi hàng năm có khoảng 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ, trong 5 tháng đầu năm 2011 đã tăng hơn 50%. Nguyên nhân được xác định là do số thuế thu được từ các doanh nghiệp FDI tăng hơn hẳn mọi năm khi nhiều doanh nghiệp báo cáo kinh doanh có lãi. 
Từ đây, suy rộng ra, nếu các cơ quan quản lý quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát các doanh nghiệp FDI thì sẽ góp phần cải thiện đáng kể những tồn tại của khu vực này mà cuộc điều tra của Nhóm tư vấn chính sách Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính đã chỉ ra. Có thể là muộn, nhưng phải bắt đầu. Trong đó, yếu tố kiểm soát quan trọng nhất trong dài hạn là sẽ không có dự án nào được phép triển khai nếu không có một thành tố cụ thể về việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ nhà đầu tư nước ngoài cho lực lượng sản xuất trong nước. Điều này không dễ dàng nhưng có thể thực hiện được, trên cơ sở quyết định dựa trên quyền lợi của nhiều thế hệ.
Hồng Loan

No comments:

Post a Comment