Thursday, September 15, 2011

15/09 Nước mắt phu vàng - Kỳ 1: Vào hầm


Thứ Năm, 15/09/2011, 04:11 (GMT+7)
Giữa rừng thiêng nước độc, có những con người quăng thân mình dưới hầm sâu, lao động như những nô lệ để đổi lấy đồng tiền công rẻ mạt. Họ là những phu vàng thời hiện đại. Chọn nghề này như một kế mưu sinh, nhiều người chưa kịp cầm lấy đồng tiền đã bỏ mình như một kẻ vô danh trong đất bùn hầm mỏ...
Nước mắt phu vàng - Kỳ 1: Vào hầm
TT - Giống như bao thân phận phu phen khác, tôi vác balô gói ghém vài bộ đồ đi làm phu vàng. Dưới cái nắng oi nồng một ngày đầu tháng 8, con đường vào bãi vàng mỗi lúc một sâu hút với núi non cheo leo trùng điệp.
Một phu vàng leo từ dưới hầm sâu khoảng 20m lên mặt đất - Ảnh: CTV
Khởi hành
Theo thống kê trong tám tháng đầu năm 2011 liên tục xảy ra nhiều vụ sập hầm vàng chết người nghiêm trọng. Ngày 19-8 sạt lở hầm vàng, một người chết tại khu vực núi Vực Bộng (Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam). 17-6 sập hầm vàng sáu người chết tại huyện Nam Giang (Quảng Nam). 1-6 sập hầm vàng một người chết, một người bị thương nặng tại khe A Ho (xã A Vao, Đăkrông, Quảng Trị). 1-5 sập hầm vàng năm người chết tại bản Đình Hương, Tam Đình, Tương Dương (Nghệ An). 30-4 sập hầm ba người chết tại vùng núi Hố Khế (thôn Kim Sơn, Ân Nghĩa, Hoài Ân, Bình Định). 14-3 sập hầm vàng một người chết, một người bị thương nặng ở thôn Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam).
Năm 2009 xảy ra vụ sập hầm vàng tại khe Nước Vin (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) làm 13 phu vàng chết.
Trước ngày vào bãi vàng tôi được một “đại ca” tên Đô ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cảnh báo: “Mày đừng tưởng bở, phải có người quen biết giới thiệu may ra còn có ngày về đất mẹ, cứ lớ ngớ bãi nào cũng đâm đầu vô không chừng nó đày mất xác giữa rừng không ai biết”.
Ba ngày sau tôi được giới thiệu vào làm việc tại một bãi vàng ở Phước Chánh (Phước Sơn, Quảng Nam) của chủ cai biệt danh Khánh “béo” quản lý. Bãi vàng nơi tôi làm việc nằm cheo leo giữa lưng chừng núi cao. Khe suối nước đã ngả màu vàng đục, đặc sệt. Từ dưới chân núi nhìn lên chỉ nghe âm thanh từ những cỗ máy nổ kêu kinh động cả khu rừng.
Đặt chân lên lán, trước mắt tôi là hàng chục thanh niên trai tráng hùng hục khuân đá, đập đá và xay đá. Lâu lâu tiếng chửi thề sa sả vọng ra khỏi miệng hầm: “ĐM. làm đi, ngồi đừ như chó chết vậy”, “Mày muốn ăn đá thay cơm hả thằng kia?”. Sau mỗi tiếng chửi các phu vàng lại gồng mình, căng sức làm việc, họ chỉ dám liếc mắt nhìn tôi ái ngại. “Lính mới hả mày?” - một phu vàng giọng miền Trung đập đá cạnh chiếc máy xay hất hàm hỏi. Tôi lí nhí trả lời “Dạ, em mới vô”.
Rướn sức đập vỡ nốt khối đá to đùng, anh ta buông lời xanh rờn: “Lạ chi mô, mười đứa vô thì chín đứa xin về vì không chịu nổi công việc nặng nhọc, nhìn mày xanh xao ốm yếu, cùng lắm vài ngày là gục”. Tôi ậm ừ xách túi bước nhanh vào lán gặp chủ cai ngồi trên phản gỗ với một vài “cộng sự” đang ghi chép sổ sách. Ngước mắt nhìn tôi một lượt chủ cai gằn giọng hỏi: “Mày đã từng làm bãi nào chưa?”.
Tôi nói thật là lần đầu tiên đi làm vàng, trước nay chỉ quen làm ruộng. Chủ cai Khánh “béo” gạt tay nói: “Không sao, mấy thằng vô đây cũng làm ruộng như mày nhưng làm riết quen hết”.
Tôi được chủ cai giao kèo ngắn gọn về lương và giờ giấc làm việc: “Có hai ca làm việc cho mày lựa chọn là ca ngày và ca đêm. Ca ngày bắt đầu từ 6g-17g30. Ca đêm làm từ 18g30-6g sáng hôm sau (nghỉ giữa buổi trưa và tối một tiếng rưỡi - PV). Lương 2,5 triệu đồng/tháng bao ăn ở. Làm đủ ba tháng tao sẽ trả đủ tiền”. Tôi nhẩm tính thế là một ngày phu vàng chúng tôi chỉ nhận được khoản tiền công 83.000 đồng cho hơn 10 tiếng làm việc hùng hục dưới hầm sâu nguy hiểm.
Dưới đáy sâu
Giữa lưng chừng vách núi một cửa hầm hình bán nguyệt được khoét sâu như địa đạo. Đường hầm cao 1,5m, rộng 80cm. Phía trên và hai bên được đóng cọc thưng gỗ để tránh đất đá sụt lún bít kín đường hầm. Tôi lạnh người khi vào sâu phía trong đường hầm 30m là hàng chục nhánh hầm lớn nhỏ được đục khoét tứ tung. Khoét lên, khoét xuống, khoét ngang, khoét dọc... đủ cả. Có chỗ nổ mìn miểng đá còn mắc lại treo lơ lửng trên đầu. Một số chỗ lâu ngày đá sập được chống hờ vài cọc gỗ to bằng nắm chân với dăm tấm ván đề phòng sập tiếp.
Công việc ở bãi vàng được vận hành như cái máy, từ khâu nổ mìn, khoan đá, khuân đá ra khỏi hầm, đập đá, xay đá và cuối cùng là đãi. Phu vàng phải làm tất cả các khâu trừ đãi vàng là khâu nhẹ nhàng nhất do chủ cai trực tiếp làm. Nhận chiếc xe đẩy từ bãi đá mà nhóm làm ca đêm để lại, tôi khom người lao xe vào đường hầm sâu hun hút chỉ có vài bóng đèn điện sáng lờ nhờ.
Lao xe vào gần cuối đường hầm để rẽ sang chỗ bốc đá thì “bốp” - đầu tôi bị đập mạnh vào thanh gỗ chắn ngang đường hầm. Đứng đợi xe tôi vào bốc đá, Huỳnh nhe răng cười khè khè: “Bể đầu chưa ông anh? Cúi thấp xuống nữa không thì đầu “thăm” gỗ dài dài”. Tôi nhăn mặt, xuýt xoa vết thương thì mắt cay xè, mũi như cứng lại khi một mùi hắc cực độ từ trong hầm thốc ra.
Tôi lau vội nước mắt, nước mũi tính chạy ra để thở thì phu vàng tên Đội đập vai bảo: “Khí mìn nổ từ tối hôm qua chưa bay hết đấy. Ráng chịu đi chứ ngày nào chả phải ngửi. Bữa ni còn đỡ, có bữa ống thông hơi không hoạt động muốn ngất xỉu luôn”. Đội kể tuần trước đang đứng khuân đá thì đầu choáng váng, buồn nôn, may còn kịp chạy ra ngoài để thở...
Trong hầm sâu tổ sáu người chúng tôi chia làm hai nhóm. Tôi cùng ba phu vàng khác là bác Đức, Đội, Huỳnh ở hầm dưới đảm nhiệm việc xúc đá, đẩy đá và đập đá cho tổ phía ngoài hầm xay. Nhóm hai người còn lại là Tuấn và Bình đảm nhiệm việc leo lên hầm phía trên khoan đá, đẩy đá xuống.
 Ở dưới ngó lên Tuấn và Bình đầu trần chân đất, mồ hôi nhễ nhại đang cố áp người đè máy khoan vào vách đá sừng sững. Trong hầm sâu tiếng máy khoan kêu rống lên, giãy đành đạch vào tảng đá cứng. Bỗng “rạt, rạt”, một khối đá từ hầm trên bất ngờ sập xuống ngay chỗ nhóm chúng tôi đang hì hục khuân đá, bác Đức xô cả đám, hét lớn: “Đá sập bay ơi! Chạy mau!”.
Thoát ra khỏi hầm mặt ai cũng tái mét vì sợ. Bác Đức chạy sau bị một khối đá nhỏ rớt vào lưng, gót chân trầy xước. Ở phía ngoài nhóm xay đá khẩn trương bê những tảng đá lớn vứt vào máy xay. Bụi mịt mù, miểng đá sắc nhọn bay vèo vèo trước mặt.
Trong hầm sâu lạnh nhưng áo của tôi ướt dầm dề dính sát vào da thịt, trán lúc nào cũng toát mồ hôi hột vì sợ. Đội châm điếu thuốc rít một hơi thật sâu rồi chuyển cho tôi bảo: “Làm khói đi!”. Tôi giật điếu thuốc lấm lem đất pha lẫn mồ hôi rít liên tục. Đội nói tiếp: “Đã chui đầu vô đây rồi, cứ may thì trời cho sống, tới số thì...”. Bỏ lửng câu nói, Đội giục tôi đẩy xe đá cao ngất ra ngoài sợ vào lâu chủ cai chửi.
HOÀNG LỘC
__________
Nghỉ chiều. Khi “đồng nghiệp” lao vào tắm rửa để ăn cơm, tôi leo lên tấm phản gỗ đầy đất lịm đi. Tỉnh dậy đồng hồ đã điểm 18g30, dưới hầm vàng tổ làm ca đêm đã bắt đầu một ngày làm việc mới...
Kỳ tới: Vắt sức giữa rừng
email
email
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
top
(7)
Đảng - Chính phủ hãy vì người dân.
23/09/2011 2:49:53 CH
Các cơ quan quản lý đâu mà sao lại để những bọn cai ức hiếp người lao động như vậy chứ. Lúc nào cũng ra rả xã hội công bằng, văn minh sao không thấy ở những nơi này khi mà trên các mặt báo đã quá rõ. Đề nghị nhà nước có các biện pháp quản lý triệt để để người lao động có cơi hội sống và làm việc theo đúng nghĩa.
TAM
Nước mắt giữa đời
17/09/2011 12:31:32 CH
Đọc bài này tôi tự hỏi những phu vàng này không may "nằm lại" nơi rừng thiêng nước độc này thì người nhà có biết không nhỉ?
LÊ NGỌC THÌN
Nước mắt kẻ làm thuê
15/09/2011 4:37:57 CH
Hiện tại, Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất vàng của khu vực miền trung. Nhưng do các cơ quan chức năng không kiểm tra và quản lý chặt chẽ nên việc đào và khai thác vàng ở đây diễn ra bừa bãi. Bên cạnh đó, có không ít các thanh, thiếu niên bị các chủ vàng dụ dỗ vào làm trong các mỏ vàng không đảm bảo độ an toàn. Và đây cũng là hồi chuông báo động cho các cơ quan chức năng nói chung và cơ quan quan chức năng tỉnh Quảng Nam nói riêng.

NGUYỄN TÀI CƯỜNG
Dẹp hết bãi vàng như thế này
15/09/2011 2:49:30 CH
Những người lao động ở đây còn khổ hơn thời nô lệ, họ được trả tiền thật bèo và rẻ mạt. Chỉ một chút sơ xuất là họ có thể bỏ mạng ở đây. Việc khai thác vàng này tôi nghĩ đằng sau còn có bàn tay của ai đó thì họ sẵn sàng phá hoại tài nguyên của đất nước làm cạn kiệt nguồn kinh tế. Vì vậy hãy kiên quyết dẹp những bãi vàng này!
HẢI CHUNG
Mồ hôi, nước mắt "đãi " vàng
15/09/2011 1:49:58 CH
Tôi đã đọc nhiều bài viết đầy nước mắt và cực nhọc của những người phu vắt sức lao động như phóng sự "Tôi đi bán tôi" của Huỳnh Dũng Nhân nhưng khi đọc đến bài phóng sự này thì càng thấy xót xa hơn. Cái mà những người phu đối mặt không chỉ là sự vất vả, cực nhọc mà còn là sự áp bức, sự nguy hiểm đến mất mạng. Họ có thể không mất mạng vì bị mìn nổ, bị ngạt, bị đá đè mà có thể chết vì bị bóc lột đến kiệt sức. Họ chịu khổ như vậy liệu những gì họ nhận được sẽ được bao nhiêu? Có cách nào có thể cải thiện thực trạng này cho những người phu vàng cũng như cho cả những chủ khai thác vàng?

CHU SEN
Trách nhiệm thuộc về ai?
15/09/2011 12:43:14 CH
Đây không chỉ là mới khởi đầu của những cuộc phiêu lưu tìm vàng mà nó đã xảy ra cả hàng năm trời ở địa bàn Quảng Nam. Nguồn dinh dưỡng từ đất đã bị đục khoét gần như cạn kiệt. Người thì ngày xưa có câu "cao su đi dễ khó về khi đi trai tráng khi về bủn beo" nay đào vàng cũng thế người cũng hóa "vàng" luôn. Cơ quan chức năng thì biết đó nhưng đã làm được gì? Bọn buôn vàng lâu vẫn hoành hành, càng lúc khai thác càng lớn, đưa cả máy cẩu, xe kéo làm việc suốt ngày đêm, tiếng máy gầm rú đâu đâu cũng nghe, chỉ có cơ quan chức năng là chưa nghe thôi.

LÊ VĂN HÙNG
Nước mắt phu vàng
15/09/2011 11:02:22 SA
Thời buổi này mà vẫn còn tồn tại những cảnh áp bức và bốc lột thế sao? Các cơ quan quản lý lao động, Công Đoàn đâu rồi?

No comments:

Post a Comment