Thursday, October 13, 2011

13/10 Hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, xã hội, công dân và hội nhập quốc tế

09:04 | 13/10/2011
Chiều qua, 12.10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc về trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm, nguyên tắc xử lý công khai, bình đẳng trước pháp luật... Tuy nhiên cần cân nhắc một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và tính khả thi của luật; hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân...
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Có hai nội dung tôi rất cân nhắc...
Có 2 nội dung tôi đang rất cân nhắc, nếu có đưa ra QH thì cũng phải có giải trình cho rõ, kể cả trong báo cáo thẩm tra để tăng sức thuyết phục.
Thứ nhất, tôi muốn nói thêm nên giao cho tòa án thẩm quyền xét xử và các quyết định áp dụng xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp. Điều kiện của chúng ta không thấp kém, những vụ việc này không phải lúc nào, ngày nào cũng có, ngày nào cũng phải xử lý. Trong khi đó hướng tới chúng ta thông qua phán quyết của tòa án, nhiều quyết định thực tế sẽ minh bạch. Theo tôi nên khẩn trương thực hiện. Nếu nói do điều kiện, do thẩm quyền mà dừng lại thì lại là một vấn đề cần cân nhắc để phân tích rõ thêm chỗ này xem thế nào. Tôi ủng hộ quan điểm của Ủy ban pháp luật và cách đặt vấn đề lúc đầu của Chính phủ.
Thứ hai, về việc bỏ quyết định đối tượng bán dâm và cơ sở chữa bệnh. Đây là một vấn đề đối với quyền con người là minh bạch, như thế là tiến bộ và hướng tới nếu chúng ta làm được như vậy thì tốt. Tuy nhiên, trong một hành vi này có hành vi nguy hiểm vì nó lây truyền bệnh. Một người bán dâm khi đã mắc bệnh lại nhiều luật khác điều chỉnh, kể cả Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bảo vệ quyền trẻ em, Luật Chống buôn bán phụ nữ và một số luật nữa liên quan đến phụ nữ và trẻ em mà chúng ta tham gia các công ước quốc tế. Thực sự đây là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu cả về trình độ phát triển của xã hội, nhưng lại là cả một vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nghệ thuật điều hành xã hội, không phải đơn giản chỉ công bố thế là xong. Khi thả ra rồi người ta vẫn đi làm, người ta vẫn nghề đó, trong khi đó chúng ta chưa có một thủ tục hành chính khác đó là ngăn chặn họ và quản lý họ bằng cách cấp phép. Tôi thấy rất áy náy về vấn đề này. Có 2 lĩnh vực mà hiện nay chúng ta chưa thực hiện được một là quản lý việc đánh bạc, cho hình thành casino; hai là vấn đề quản lý gái mại dâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Chưa chuẩn bị kịp...

Điểm rất cơ bản trong dự án luật này là giao Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Chúng ta mong muốn đi đến pháp luật công khai, minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ việc chuẩn bị chưa kịp thứ nhất là về con người; thứ hai là cơ sở vật chất; thứ ba là chưa thay đổi được thẩm quyền quyết định của Tòa án các cấp vì chưa đủ điều kiện triển khai. Do vậy, nếu thực hiện, nội hàm các phần quy định ở dưới sẽ không thay đổi.
Về xử phạt buộc người lao động phục vụ cộng đồng, các nước hiện nay cũng áp dụng biện pháp này rất hữu hiệu. Tuy nhiên, theo Công ước lao động thì Tòa án mới có quyền quyết định. Tôi nghĩ nếu áp dụng thì phải quy định rõ ràng theo thông lệ quốc tế.
Về việc giao cho Chính phủ được xem xét phạt tiền gấp đôi trong 3 lĩnh vực là giao thông, môi trường và đô thị, theo tôi cần bàn thêm xem còn lĩnh vực nào không. Tôi cũng nhất trí cao nên cho phép áp dụng 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Việc này đã có trong thực tiễn và đủ cơ sở để thực hiện. Vấn đề theo tôi là tới các hình thức tăng phạt tiền có đạt được hiệu quả về mặt xã hội như ngăn ngừa hay giảm bớt chưa thì cũng chưa có tổng kết rõ. Xử phạt hành chính chưa tiến bộ chính là người thừa hành công vụ. Vế mà tôi sợ nhất, lo lắng nhất chính là người thi hành công vụ có thực hiện như mong muốn của chúng ta không? Hay là chúng ta tăng phạt tiền, nhưng xem nhẹ đi công tác giáo dục pháp luật, cuối cùng không phải là một giải pháp, mà việc xử lý hành chính này phải kết hợp nhiều giải pháp.
Đối với nâng mức phạt tiền về mặt chung chắc chúng ta cũng nên điều chỉnh. Nhưng tôi cũng băn khoăn là cơ sở nào để tính cái này? Phải cân nhắc việc này rất thận trọng, phải tính toán có cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Thời gian đầu phải xử phạt thật nghiêm minh
Về mức xử phạt đối với một số thành phố lớn không quá 2 lần mức phạt chung, theo Chính phủ thì cơ sở là một số nghị quyết của Bộ Chính trị, một số kiến nghị của thành phố, còn các cơ sở khác không thấy nêu ra. Ở đây không phải là tôi không ủng hộ. Tôi nghĩ nên đưa kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ như ở Bắc Kinh, Trung Quốc khi ngồi trên ô tô người thuyết minh bảo trong Bắc Kinh có 5 vành đai, vào từng vành đai một mức xử phạt là khác nhau, chưa nói thành phố này với thành phố kia. Tức là càng vào sâu trong nội thành cùng vi phạm về giao thông nhưng mức xử phạt khác nhau. Do đó tôi nghĩ để thuyết phục được phải lấy kinh nghiệm của một số nước để khi thuyết trình Quốc hội sẽ thuyết phục hơn.
Năm ngoái khi thảo luận về dự án Luật Thủ đô tôi còn nhớ có ĐBQH chất vấn rằng tại sao ở Thủ đô lại phạt nhiều hơn hay người dân Thủ đô không văn minh bằng. Tôi nghĩ phạt ở đây không phải phạt người tốt mà phạt người xấu. Nhưng trong dự án Luật này lại lý luận là theo thu nhập của người dân. Tôi nghĩ cũng không hẳn là như vậy. Thời gian đầu phải xử phạt thật nghiêm. Đến một lúc nào đó khi đất nước phát triển ở mức mới thì sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp. Còn trong thời điểm hiện nay, tôi rất ủng hộ phạt thật nghiêm để đưa đất nước ta vào quy củ và bảo đảm nghiêm minh xã hội. Tôi nghĩ chỗ này nên giao quyền lớn hơn cho những thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Cân nhắc giữa điều kiện khó không làm được với yêu cầu  xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế
Đối với việc giao cho Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thực tế hiện nay các biện pháp hành chính theo quy định của luật hiện hành gồm 4 biện pháp chính là biện pháp giáo dục tại xã, phường; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; cuối cùng là biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Thực ra bản chất những biện pháp này đúng là tước một phần quyền tự do của con người. Trước kia có thêm một hình thức nữa là hình thức tập trung cải tạo hành chính. Nhưng trong những năm gần đây biện pháp tập trung cải tạo hành chính đã được bãi bỏ. Chúng tôi rất đồng tình với Tờ trình của Chính phủ đã nêu đầy đủ và rất thuyết phục. Nhưng trong một đoạn Tờ trình của Chính phủ viết thế này: Chính phủ nhận thấy việc giao cho Tòa án thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp hoàn toàn phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện và tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nhưng cũng đề nghị xem lại câu "tuy nhiên". Tôi nghĩ có lẽ phải cân nhắc thêm, trong này nói là tuy nhiên đây là vấn đề lớn mà việc thực thi cần phải có thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện. Tức là về thực tế thì đúng rồi, chỉ còn mỗi điều kiện triển khai thực hiện khó. Tôi đề nghị cân nhắc giữa điều kiện khó không làm được với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay thì nên tiếp nhận phương án nào? Nếu xác nhận đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và định hướng lớn trong cải cách tư pháp và trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì khó nhiều ta chịu, còn khó ít thì cố gắng phải làm.
Về quy định mức phạt tiền cao hơn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Cũng nói thêm là cách thức giao cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức xử phạt một hình phạt hành chính cao hơn mức thông thường ở những địa phương khác không có gì trái với nguyên tắc chung của pháp luật hiện hành cũng như của thế giới. Bởi vì trong xử phạt tư pháp cũng như xử phạt hành chính, bao giờ cũng có câu khi xử phạt bất cứ một hành vi gì không chỉ đơn thuần căn cứ vào hành vi vi phạm mà phải căn cứ hoàn toàn khách quan, toàn diện, căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, địa điểm, thời gian, không gian vi phạm. Cùng một tính chất hành vi nhưng ở thời điểm này có thể nó nguy hiểm nhưng ở thời điểm khác nó không nguy hiểm. Cùng một hành vi, nếu anh thực hiện vào ban đêm nó khác với ban ngày, thực hiện chỗ này khác với chỗ kia. Thực hiện ở chỗ không có người khác với thực hiện ở nơi công cộng, ở chợ. Tôi nghĩ cùng một hành vi ấy thực hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác phải chịu mức phạt hành chính cao hơn hoàn toàn đúng về mặt thực tiễn.
Minh Vân lược ghi

No comments:

Post a Comment