Thứ hai, 7/11/2011, 22:08 GMT+7
Sau nhiều năm thành lập, 15 khu kinh tế ven biển có diện tích hơn 700.000 ha không chỉ vắng nhà đầu tư mà còn ở trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường.
> Các khu kinh tế biển vẫn èo uột
Giữa năm 2003, sự kiện khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) được thành lập đã mở ra mô hình khu kinh tế ven biển đầu tiên ở Việt Nam. Sau 8 năm, cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, với tổng diện tích gần 700.000 ha đất và mặt nước.
Với hơn 217.000 ha, khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế có diện tích lớn nhất cả nước (lớn gấp 2,6 lần tỉnh Bắc Ninh - hơn 82.000 ha), và khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) có diện tích nhỏ nhất - khoảng 10.000 ha.Năm 2011, Thủ tướng đồng ý bổ sung khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị), Ninh Cơ (Nam Định) và khu kinh tế ven biển Thái Bình vào quy hoạch chung, nâng tổng số khu kinh tế ven biển lên 18, sử dụng hơn 765.000 ha diện tích đất và mặt nước.
Nhờ chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thuế... một số khu kinh tế đã thu hút được gần 800 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 35 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, các khu kinh tế sẽ thu hút được khoảng 1.500-2.000 dự án (60% là dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 70-80 tỷ USD và 320.000-350.000 nghìn tỷ đồng.
Theo Đề án "Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020", phấn đấu đến năm 2020 các khu kinh tế ven biển đóng góp 15-20%vào tổng GDP của cả nước và tạo ra 1,3-1,5 triệu việc làm phi nông nghiệp.
Dự án thép Quảng Liên chiếm hàng trăm ha đất ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) do khó khăn về tài chính, vướng mắc đền bù giải tỏa nên triển khai kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: Trí Tín. |
Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ các dự án đã triển khai so với các dự án đã được cấp phép đầu tư là chưa cao; doanh thu và mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô và kỳ vọng đặt ra.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, hầu hết các tỉnh có khu kinh tế đều chưa báo cáo số liệu chính xác về diện tích đất đã sử dụng cũng như số diện tích đất bỏ hoang, chưa sử dụng đến. Điển hình, dù cho biết khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút được 78 dự án đầu tư, với tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng nhưng Quảng Ninh cũng không nêu thông tin cụ thể về tình hình sử dụng của hơn 200.000 ha đất được phê duyệt.
Kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất tại một số khu kinh tế chưa thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường, xả nước thải chưa xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường (có nơi cao đến vài chục lần). Thậm chí, ở một số cơ sở, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do rất ít khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung. Sau 9 năm kể từ khi thành lập, khu kinh tế mở Chu Lai cũng chỉ mới bắt đầu triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung, các khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải phòng), khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) tuy đã có khu xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cảnh báo, một số khu kinh tế ven biển đã có dấu hiệu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ảnh hưởng đến các vùng lân cận. Nếu số lượng các nhà máy được xây dựng xong và đi vào hoạt động nhưng việc bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, lúc đó việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.
Lo lắng trước dấu hiệu ô nhiễm môi trường nặng ở khu kinh tế, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) chia sẻ: "Vụ tai nạn giao thông hoặc một biến cố cháy nổ gây thiệt hại một hoặc vài người, còn một vụ ngộ độc do môi trường ô nhiễm gây ra dịch bệnh, đem đến hậu quả không lường, lan tỏa cả thôn ấp, cả khu vực, cả nhà máy, cả khu chế xuất làm cho hàng trăm người bị ngộ độc và hàng loạt người sẽ mắc bệnh nan y".
Còn đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2011 có hơn 1.700 vụ ô nhiễm môi trường (tăng 73% so với năm 2010), nổi lên là vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các cơ sở sản xuất, song cơ quan chức năng mới chỉ khởi tố 153 vụ (138 bị can) và số còn lại là xử lý vi phạm hành chính.
"Có thể thấy rằng công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề ô nhiễm môi trường chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn xem nhẹ", đại biểu Kiều Vân chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thẳng thắn cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế và các khu vực lân cận luôn diễn ra đến mức báo động, nhưng rất ít vụ việc được phát hiện, được xử lý. Nguyên nhân là do từng cấp, từng ngành chưa thực sự vào cuộc, thực hiện trách nhiệm chưa nghiêm, quản lý còn lỏng lẻo và chồng chéo...
Bên cạnh việc đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ môi trường, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng đề nghị ban hành nghị quyết của Quốc hội về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; xây dựng chương trình, mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường nói chung và xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề giai đoạn 2011-2015.
Tiến Dũng
No comments:
Post a Comment