Thursday, November 10, 2011

10/11 Viết tiếp chuyện ngân sách, nghị trường và bộ trưởng


NGUYÊN HÀ
10/11/2011 08:16 (GMT+7)
pictureBộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại nghị trường - Ảnh: CTV.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Mục tiêu kiềm chế lạm phát là số 1 nhưng phải tính làm sao để có sự hài hòa, vì nhu cầu vốn cho giao thông là rất lớn…

Sau chuyến công cán nước ngoài cùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lại đều đặn xuất hiện cả trong hội trường và ngoài hành lang Quốc hội.

Theo nghị trình, sau các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được thông qua trong hai ngày vừa qua, các nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 cũng chuẩn bị để Quốc hội thông qua.

Đó cũng là lý do để câu chuyện Bộ trưởng đề nghị Quốc hội dành 40.000 tỷ đồng có thể vượt thu từ dầu khí (theo tính toán của ông) trong hai năm 2011 và 2012 để đầu tư cho giao thông tại phiên thảo luận về ngân sách trong đầu tuần đầu tiên của kỳ họp lại được hâm nóng.

Tại buổi thảo luận đó, sau khi nghe Bộ trưởng Thăng đưa ra 4 dự định khá cụ thể nếu được thêm vốn cho ngành giao thông, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch cũng đưa ngay 3 điều kiện đi kèm sau khi thể hiện sự ủng hộ.

Trong đó, điều kiện thứ nhất là ngành giao thông phải chống cho được tiêu cực trong xây dựng, đừng để xảy ra vụ việc như PMU, PCI…đang gây bức xúc xã hội.

Ít nhiều đều am tường các bước trình và quyết định ngân sách nên chẳng có mấy đại biểu không hiểu rằng, không vì đề nghị đột xuất đó  mà ngành giao thông có ngay thêm 40.000 tỷ đồng,  mặc dù ai cũng thấy  sự cấp bách phải  đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Đứng đầu cơ quan thẩm tra dự toán ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng rất chia sẻ cùng Bộ trưởng Thăng về tính cấp thiết của việc đầu tư cho hạ tầng giao thông. Song, ông nói rõ là ông không thể ủng hộ, vì số vượt thu được sử dụng như thế nào đều phải theo quy trình và được dành vào 4 việc: giảm bội chi, tăng chi trả nợ, chi cho dự trữ và chi cho đầu tư phát triển.

Ngân sách do Quốc hội quyết định nhưng phải được điều hòa, không thể có chuyện tăng thu ở khoản này thì dành riêng cho ngành này, khi mà các ngành đã được cân đối trong dự toán khi trình Quốc hội. Nếu ngành giao thông cần vốn thì phải cơ cấu lại đầu tư chứ không nên đặt vấn đề là tôi có nguồn thu này thì chi cho cái này, Chủ nhiệm Hiển nhấn mạnh.

Nhìn toàn bộ diễn biến câu chuyện, một số vị đại biểu khác cũng phần nào trùng quan điểm về việc rất khó có thể quyết định tức thì với đề nghị của Bộ trưởng Thăng, song lại cho rằng rất cần có tiếng nói ủng hộ như đại biểu Lịch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng có dám “chấp nhận cam kết” cả ba điều hay không lại là chuyện khác, và chấp nhận rồi nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác nữa.

Là một người mến mộ Bộ trưởng Thăng, song doanh nhân Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng,  với điều kiện thứ nhất đó nếu đưa cho riêng Bộ trưởng Thăng thì rất khó, “vì chống tiêu cực là vấn đề của cả hệ thống, mình anh Thăng khó có thể làm được”.

Chút băn khoăn của đại biểu Quý cũng khá dễ hiểu, bởi ngay từ đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương; công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tp.HCM đặt vấn đề: “Nếu chỉ chấp nhận hai điều kiện sau thì chấp nhận tham nhũng à, tham nhũng vẫn chống, nhưng phát hiện là câu chuyện khác, tôi hứa là tôi sẽ trừng trị tham nhũng nhưng tôi không thể hứa là ngành tôi không có tham nhũng”.

Hơn nữa, việc chính của Bộ trưởng là làm quản lý chứ không phải chỉ có đi phát hiện tham nhũng, ông Ánh nói thêm.

Trong câu chuyện bên hành lang Quốc hội ngày 9/11, trở lại vấn đề vốn cho ngành giao thông, Bộ trưởng Thăng tâm tư “anh Lịch nói quá đúng, đầu tư phải nhanh, phải hiệu quả, rõ ràng một dự án làm hai năm và làm 4 năm là khác hẳn nhau”.

Nhưng ngành giao thông có sẽ được tăng vốn như đề nghị của mình không là điều ông Thăng chưa dám chắc. Vì như chính ông tâm sự thì ông cũng đã đặt vấn đề trong chính phủ rồi, nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định vĩ mô vẫn phải là số 1.

Việc đề xuất trước Quốc hội, theo ông Thăng là bởi phải tính làm sao để có sự hài hòa. Ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng nếu chỉ đạt một mục tiêu này mà các doanh nghiệp không có tiền thì họ cũng chết. Thế nên phải tính mức độ lạm phát nào thì mình chấp nhận, mức độ nào thì để doanh nghiệp sống, doanh nghiệp đi lên thì lạm phát sẽ giảm.

“Mình đặt vấn đề để Quốc hội thấy rằng nhu cầu vốn giao thông là rất lớn, mình phải tính toán giữa việc giảm bội chi ngân sách với việc đầu tư hạ tầng. Mình cứ nói làm hạ tầng con cháu sau này phải trả, nhưng con cháu sau này vẫn phải làm hạ tầng, đường cao tốc Bắc - Nam thì con cháu sau này vẫn phải làm, nhưng mình làm bây giờ thì rẻ hơn và đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Thăng tiếp mạch tâm tư.

Nhấn lại là “chỉ đặt vấn đề chứ không quyết được”, Bộ trưởng Thăng trăn trở: “trước đây khó khăn thế mình vẫn phát hành công trái xây dựng tổ quốc nhưng bây giờ mình có làm được không?”.

Tâm tư như vậy, mong muốn là vậy, song là thành viên Chính phủ hẳn là Bộ trưởng Thăng cũng hiểu quy trình của phân bổ ngân sách.

Và, theo nguồn tin riêng của VnEconomy thì “bóng dáng” lời đề nghị với con số 40.000 tỷ đồng của ông Thăng sẽ không xuất hiện trong các quyết định về ngân sách tại kỳ họp Quốc hội này.

Không mấy chắc chắn về câu chuyện vốn, song khi được hỏi về “điều kiện thứ nhất” liên quan đến quyết tâm chống tham nhũng mà đại biểu Lịch đã đưa ra, vị Bộ trưởng đang nổi như cồn này vẫn mạnh mẽ khẳng định “việc chống tham nhũng là đương nhiên”.

Mục tiêu của mình là phải không còn tham nhũng, nhưng trong điều kiện bất khả kháng nếu vẫn xảy ra thì mình phải xử lý ngay, chứ chả nhẽ mình lại bảo là chúng tôi phấn đấu chỉ còn vài vụ thì báo chí “đập chết” ngay à, Bộ trưởng Thăng hài hước.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Tran
    09:09 (GMT+7) - Thứ Hai, 14/11/2011
    Nghị quyết 11 là để ổn định kinh tế vĩ mô, chặn lạm phát sau khi đã xác định nguyên nhân chủ yếu là do sự giám sát đầu tư nhà nước không hiệu quả dẫn đến đầu tư công tràn lan, tham nhũng và không quan tâm đến hiệu quả đầu tư… và phải chờ tới tái cấu trúc nến kinh tế mới có thể quản lý có hiệu quả được. 

    Đầu tư cho hạ tầng giao thong là việc vấn phải làm, quốc hội phải tỉnh táo và có cơ chế đôt phát về vốn, giám sát và quản lý đối với lĩnh vực nay bởi vì hạ tầng giao thong là động lực cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, ổn đinh vĩ mô, tạo nên lợi thế cạnh tranh của quốc gia (chi phí vốn phải đầu tư vào phát triển chất lượng sản phẩm, không mất vào do sử dụng dịch vụ vận chuyển chậm chạp, ách tắc,…do hạ tầng giao thông kém). 

    Do đó quốc hội nên cân nhắc việc áp dụng NQ11 và giải quyết hạ tầng giao thông để đạt được mục tiêu là tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế.
  • Thaidt
    16:55 (GMT+7) - Chủ Nhật, 13/11/2011
    Tôi nghĩ nếu Bộ trưởng Thăng mà là người đứng đầu Bộ y tế hay Bộ giáo dục hay Bộ nào khác thì cũng sẽ nói cần ưu tiên, đầu tư cho Bộ y tế vì dân cần được chăm sóc sức khỏe, sức khỏe là quan trọng nhất, cần đầu tư cho Bộ giáo dục là để đảm bảo nền móng cho tương lai, có giáo dục tốt sẽ có tất cả.

    Nếu như thế thì Bộ nào cũng cần, có tiền thì Bộ trưởng nào cũng có thể làm được điều gì đó.

    Theo tôi, Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư lớn nhất cho công tác y tế và giáo dục vì đây là hai lĩnh vực thiết yếu nhất đối với người dân, đặc biệt là người dân nghèo. Có y tế tốt, giáo dục tốt là nền tảng cơ bản cho 1 xã hội ổn định, thiết thực nhất với người dân và ngân sách Nhà nước cũng nên tập trung chủ yếu cho hai lĩnh vực này. 

    Tất nhiên tập trung không có nghĩa là rót tiền thẳng để các bộ này mặc sức chi tiêu mà phải đầu tư thực tế hiệu quả, chẳng hạn, cho phép mở trường, mở bệnh viên tự do, nhưng trường nào thu hút nhiều sinh viên, bệnh viện nào nhiều bệnh nhân thì mới đầu tư, hỗ trợ theo đầu sinh viên/bệnh nhân và sẽ thay đổi theo từng năm, mua bảo hiểm khám chữa bệnh cho người dân để người dân tự tìm nơi khám bệnh, cho sinh viên vay tiền lãi suất thấp để sinh viên tự chọn trường. Tránh tình trạng đầu tư trực tiếp rót vốn lập trường, sẽ làm lãng phí, tham nhũng. 

    Đây là phương thức nhiều quốc gia phát triển áp dụng. Các lĩnh vực khác, kể cả giao thông nên thực hiện theo hướng xã hội hóa hay tư nhân hóa, cho họ làm và đổi lại họ được cái gì (miễn thuế, thu phí, được khai thác quỹ đất kèm theo…), nhà nước đầu tư thấp nhất, hay chỉ đầu tư với tỷ lệ tối thiểu cùng với các đối tác tư nhân.

    Bộ giao thông có 1 việc nên làm ngay và Bộ trưởng Thăng có thể làm được cho dân, cho nước một cách thiết thực. Đó chính là Bằng lái xe. Đã có dự án, đề án số hóa hay điện tử hóa gì đó bằng lái xe theo mẫu mới từ năm 2006 nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực hiện được không rõ vì lý do gì. Bao nhiêu tai nạn giao thông, bao nhiêu người chết oan vì lái xe không có bằng hay bằng giả, được cấp vô tội vạ.

    Bộ trưởng Thăng có thể làm được việc này mà không cần quá tốn kém, có chăng chỉ động chạm đến lợi ích, quyền lợi của các trung tâm đào tạo, cấp bằng, các cán bộ có thẩm quyền khi mà mọi thủ tục hành chính đang bị công chúng đòi hỏi phải rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa.
  • Van Khue
    11:12 (GMT+7) - Thứ Bảy, 12/11/2011
    Giảm đầu tư công mà phải giảm cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì thật là hạ sách: 

    1. Lạm phát do nhiều yếu tố khác gây ra, yếu tố chính không phải do đầu tư công 

    2. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có rất nhiều lợi ích: trước mắt, lâu dài. Nếu nghiên cứu kỹ thì nó là yếu tố giảm lạm phát. Đầu tư cơ sở hạ tầng tất sẽ giúp sản xuất phát triển (ổn định giá, kìm chế lạm phát). 

    3. Nhiều doanh nghiệp đang dần chết, sản xuất ì ạch, người lao động mất việc, tổng cầu giảm ... dẫn tới giảm phát... Cái này nguy hiểm gấp nhiều lần lạm phát. Nguy cơ đó đang diễn ra ngay trước mắt. 

    4. Vẫn phải đầu tư vào sản xuất: khu vực tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nhiều giá trị gia tăng ... thì mới giúp nền kinh tế dần vượt qua khủng hoảng; Không cứu các doanh nghiệp sản xuất bây giờ, hậu quả sẽ khôn lường ... 

    5. Tiếp tục đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng để ổn định kinh tế trước mắt và phát triển tốt trong tương lai ... 

    Ủng hộ đề xuất của bộ trưởng Thăng.
  • Trần Trung
    17:50 (GMT+7) - Thứ Năm, 10/11/2011
    Tôi đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Thăng! 

    Nợ thì có thể khất, giao thông là huyết mạch, muốn mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển đất nước thì giao thông phải thuận tiện. Chúng ta phải chớp thời cơ để phát triển nhanh khi thế giới còn đang "ì ạch". 

    Một việc nữa là nhanh chóng rót tiền để chuyển ngay các trường đại học và một số công sở ra ngoại thành, rà soát và đuổi những cơ sở kinh doanh sai phép nữa.
  • Nguyễn Văn Phong
    12:02 (GMT+7) - Thứ Năm, 10/11/2011
    Tham nhũng là cái chung các ngành, các cấp, cả xã hội, không riêng gì ngành giao thông. Việc chống tham nhũng lãng phí là đương nhiên. 

    Như vậy yếu tố tham nhũng phải để sang chuyên đề khác khi ta xem xét ưu tiên vốn ngân sách cho ngành nào. Tính được hiệu quả kinh tế đầu tư, sự cần thiết phải đầu tư, đời sống xã hội, môi trường, an ninh... 

    Giao thông là mạch máu, nó mà tắc nghẽn thì sao đây?
  • Văn Quang
    11:24 (GMT+7) - Thứ Năm, 10/11/2011
    Phân bổ ngân sách cho đầu tư công. Thì đầu tư về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông cần được yêu tiên hàng đầu. Điều này rất chính đáng và đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng cần được chia sẻ. 

    Nhưng với những cam kết của Chính phủ thì chống lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô được yêu tiên số1. Vì vậy giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư công cũng không ngoài cam kết đó. 

    Theo đó đề nghị cấp thêm vốn ngân sách của Bộ trưởng Thăng cho ngành giao thông cũng cần phải có lộ trình.
  • Quang Hưng
    08:27 (GMT+7) - Thứ Năm, 10/11/2011
    Theo tôi không cần nhiều vốn, điều quan trọng là sử dụng vốn như thế nào, và việc Bộ trưởng quan tâm là chất lượng công trình. Chúng ta dành quá nhiều vốn xây dựng cầu, đường, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều, có công trình vừa nghiệm thu xong đã xuống cấp.

No comments:

Post a Comment